Trước đây, Indonesia, Philippines là thị trường XK gạo truyền
thống của Việt Nam, nhưng nay họ đã phát triển sản xuất, tăng khả năng tự cung,
tiến tới ngừng NK gạo nên các DN Việt Nam chỉ còn cách trông vào thị trường mới
nổi là châu Phi, Trung Quốc. Tuy nhiên, DN Việt Nam liên tiếp “dính đòn” khi
giao thương với DN Trung Quốc.
Có thể thấy, “bài” mà các DN Trung Quốc thường sử dụng khi
mua bán gạo với DN Việt Nam không phải là mới. Cụ thể, DN Trung Quốc thường yêu
cầu đối tác Việt Nam chở gạo sang Trung Quốc rồi mới nhận tiền. Cách thức thanh
toán này không những khiến DN XK gạo Việt Nam gặp nhiều rủi ro, mà còn luôn đứng
trước nguy cơ bị ép giá.
Có DN đã phải thốt lên rằng, làm ăn với thương nhân Trung Quốc
như “đùa với lửa”, và không thể coi đây là thị trường chiến lược XK gạo được.
Chưa kể, có hiện tượng một số DN Trung Quốc yêu cầu DN Việt Nam trộn gạo trắng
vào gạo thơm, sau đó bán dưới mác gạo thơm để trục lợi. Đây không chỉ là hành
vi gian lận đơn thuần, mà còn có thể là ý đồ sâu xa làm giảm uy tín gạo Việt
Nam, phá vỡ thị trường gạo nước ta.
Điều đáng nói, dù đã biết được mánh khóe làm ăn của DN Trung
Quốc nhưng DN Việt vẫn bị “dính đòn”. Hiện tượng bị ép giá hoặc hủy hợp đồng là
hệ quả của việc tranh nhau bán của các DN XK gạo Việt Nam. Nguyên nhân sâu xa
hơn là do các DN Việt Nam thời gian qua đã quá phụ thuộc vào một thị trường, đặc
biệt là phụ thuộc vào lượng hợp đồng tập trung.
Đã đến lúc DN cần nhìn nhận lại phương thức kinh doanh để
tránh những thua thiệt không đáng có. DN cần lấy lại sự chủ động hay nói cách
khác là “phản xạ” cần có khi tham gia vào nền kinh tế thị trường. Đó là, khả
năng đàm phán, thương thảo hợp đồng, trình độ giao tiếp quốc tế để chủ động tìm
kiếm thị trường mới.
Theo Phan Thu