MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Vải thiều đã lên đường “Nam tiến”, chuẩn bị sang EU và Mỹ

27-05-2015 - 20:15 PM |

Theo Thứ trưởng Bộ Công thương Đỗ Thắng Hải, cần có chiến lược phát triển cây vải thiều với quy hoạch hợp lý, chiến lược nâng chất lượng sản phẩm, công nghệ bảo quản… mới có thể cạnh tranh

Kim ngạch xuất khẩu nông, thủy sản trong 5 tháng đầu năm tại một số thị trường chính như EU, Hoa Kỳ đã bị sụt giảm đáng kể, trong khi các thị trường năng mới bắt đầu được khai thác.

Đó là thực trạng mà Thứ trưởng Bộ Công thương Đỗ Thắng Hải nêu lên tại cuộc họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 5/2015. Ông Hải cho biết, trước tình trạng này, Bộ Công thương đã được Chính Phủ giao làm đầu mối phối hợp với các bộ ngành để tìm kiếm, phát triển thị trường xuất khẩu mới cho các mặt hàng nông, thủy sản.

Đầu tháng 5 vừa qua, Hiệp định thương mại tự do Việt Nam – Hàn Quốc (VKFTA) đã được ký kết. Đây là hiệp định thương mại tự do đầu tiên trong số các Hiệp định FTA song phương giữa Việt Nam với các đối tác kinh tế đã cơ bản hoàn tất đàm phán năm 2014, được chính thức ký kết trong năm 2015. Hiệp định này dự kiến sẽ mang lại những tác động tích cực về nhiều mặt đối với Việt Nam, trong đó có xuất khẩu nông nghiệp.

Thứ trưởng Hải thể hiện sự lạc quan về hiệp định thương mại sắp được ký như Hiệp định thương mại tự do giữa Liên minh Kinh tế Á - Âu và Việt Nam, đặc biệt là Hiệp định thương mại TPP. Với một loạt các hiệp định thương mại tự do được ký kết, mặt hàng nông thủy sản Việt Nam được kỳ vọng có sự tăng trưởng mạnh mẽ về kim ngạch xuất khẩu.

Đại diện của Bộ Công thương cho biết, thời gian qua, Bộ đã đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến  thương mại, trong  đó có chương trình xúc tiến thương mại quốc gia ở nước ngoài, các thị trường miền núi, hải đảo… Dù vậy, ông Đỗ Thắng Hải nhấn mạnh, quan trọng nhất vẫn phải là sự chủ động của doanh nghiệp.

Cụ thể, doanh nghiệp phải tăng cường kiểm soát chất lượng sản phẩm xuất khẩu, hướng tới đáp ứng các tiêu chuẩn của các thị trường khắt khe nhất. Sự chủ động chuẩn bị và nâng cao chất lượng sản phẩm như vậy sẽ giúp doanh nghiệp tránh phải rơi vào tình trạng hàng xuất khẩu bị trả lại hoặc hủy hợp đồng.

Nói riêng về mặt hàng vải thiều trước vấn nạn “được mùa rớt giá, được giá thì mất mùa”,  theo ông Hải, vấn đề quan trọng là cần có chiến lược phát triển cây vải thiều với quy hoạch hợp lý, chiến lược nâng chất lượng sản phẩm, công nghệ bảo quản… Khi ấy, quả vải hay các mặt hàng nông sản khác mới có thể cạnh tranh được.

Một thông tin vui được ông Hải chia sẻ là hiện Bộ Công thương đã kết nối với các Doanh nghiệp tại TP.Hồ Chí Minh để đưa vải thiều vào tiêu thụ tại thị trường này. Bên cạnh đó, Bộ cũng kết nối với đối tác nước ngoài để đưa vải thiều vào thị trường EU, tiếp sau việc đưa vải thiều vào thị trường Hoa Kỳ.

 

Mai Linh

Trí Thức Trẻ

Trở lên trên