MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Xây dựng thương hiệu gạo ‘Made in Việt Nam’

06-10-2015 - 10:22 AM |

Tuy chiếm giữ vị trí xuất khẩu cao nhưng cho đến nay, gạo “Made in Vietnam” vẫn không có bước chuyển biến đáng kể nào về chất và vẫn đang đối mặt với những khó khăn rất lớn trong việc chiếm lĩnh thị trường thế giới

Ông Nguyễn Đình Bích, chuyên gia từ Viện Nghiên cứu Thương mại (Bộ Công Thương) cho rằng, từ một quốc gia thiếu đói liên miên, Việt Nam trở thành cường quốc xuất khẩu gạo lớn trên thế giới chỉ 3 năm sau công cuộc đổi mới có lẽ là “độc nhất vô nhị”.

Trong 2 thập kỷ trở lại đây, Việt Nam không những giữ được vị trí rất đáng tự hào mà còn cùng với Thái Lan cung cấp khối lượng ổn định đảm bảo an ninh lương thực toàn cầu. Trong đó, phải kể đến vai trò của đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL), trong gần ¼ thế kỷ đến nay, trong tổng sản lượng tăng 25,75 triệu tấn của cả nước thì riêng ĐBSCL đã chiếm 15,5 triệu tấn.

Chuyên gia Nguyễn Đình Bích nhận định: “Tuy chiếm giữ vị trí xuất khẩu cao nhưng cho đến nay, gạo “Made in Vietnam” vẫn không có bước chuyển biến đáng kể nào về chất và vẫn đang đối mặt với những khó khăn rất lớn trong việc chiếm lĩnh thị trường thế giới”. Hiện Myanmar và Campuchia đã vượt qua Việt Nam khi xuất khẩu được nhiều loại gạo thơm với giá rất cao sang thị trường khó tính như EU, Mỹ.

TS Lê Văn Bảnh, nguyên Viện trưởng Viện Lúa ĐBSCL cho biết, Việt Nam chỉ xuất khẩu chủ yếu gạo trắng hạt dài với giá dao động từ 350-360 USD/tấn nhưng lại rất khó cạnh tranh vì rất nhiều nước cũng xuất khẩu loại gạo này như: Thái Lan, Campuchia, Pakistan, Ấn Độ… “Nếu không chuyển đổi đa dạng mặt hàng xuất khẩu, chỉ chăm chăm vào gạo trắng hạt dài thì mình sẽ bị thua. Thị trường Hồng Kông, EU, Mỹ có nhu cầu lớn và chấp nhận mua với giá cao, nhưng sản lượng gạo thơm trên thế giới xuất khẩu rất ít ỏi”, TS Bảnh đánh giá.

Trong khi đó, ông Trần Hữu Hiệp, Vụ trưởng Vụ Kinh tế (Ban Chỉ đạo Tây Nam Bộ) cho biết, vấn đề trồng lúa thơm, lúa chất lượng cao đã được Bộ NN&PTNT đề cập trong đề án tái cơ cấu ngành Nông nghiệp. “Cần xác định nhu cầu gạo thơm của thế giới là bao nhiêu, đối thủ cạnh tranh, đặc biệt là những nước mới nổi trong lĩnh vực trồng lúa như: Myanmar, Campuchia… từ đó mới quy hoạch vùng trồng lúa. Cần nâng cao chuỗi giá trị, tính toán thương hiệu. Phải đặt mình trong mối cạnh tranh toàn cầu chứ không nói chung chung”, ông Hiệp nhận định.

Bà Lê Thị Tú Anh, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Nông nghiệp GAP rất bức xúc khi gạo Việt Nam bị chính những người Việt bán ở các chợ tại Mỹ “tẩy chay”. Họ cho rằng gạo Việt Nam sử dụng nhiều phân, thuốc trừ sâu vì có nhiều thông tin nói xấu gạo Việt Nam. “Những tiểu thương này nói gạo Thái Lan đưa vô chợ, siêu thị thì được trả tiền ngay. Còn gạo Việt Nam gửi bán được mới trả tiền, do chất lượng không bằng gạo Thái. Tại sao chúng ta không xây dựng thương hiệu gạo để người dân nước ngoài dùng thử, và gạt bỏ thông tin xấu. Việc xây dựng thương hiệu này phải có ngân sách quảng bá…”, bà Tú Anh đề xuất.

 

 

Theo Như Anh - Văn Vĩnh

Công an nhân dân

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên