Nông trại công nghệ cao rộng 2.000m2 giữa lòng thành phố có giá BĐS đắt nhất thế giới: Dân tranh nhau làm nông để có rau sạch ăn mỗi ngày
Ở nơi mà một tấc đất cũng quý như vàng lại tồn tại một nông trại rộng tới 2.000m2 - nơi người dân có thể làm vườn và tận hưởng thiên nhiên.
- 02-07-2022Căn hộ nhỏ chỉ 30m² với gam màu hồng dịu dàng khiến bạn càng ngắm càng mê
- 01-07-2022Tại sao đảo Majorca tại Tây Ban Nha lại thu hút lượng lớn khách du lịch, đặc biệt là người nổi tiếng trên khắp thế giới?
- 01-07-2022Trải nghiệm chèo kayak trong suốt vừa có mặt tại 2 thiên đường biển Việt Nam: Vừa ngắm đáy đại dương, vừa “sống ảo” mệt nghỉ
Hong Kong (Trung Quốc) nổi tiếng là thành phố có giá bất động sản cao hàng đầu thế giới với giá trung bình gần 50.000 USD/m2. Sở hữu một căn hộ ở đây đã là điều vô cùng khó khăn, đừng nói đến việc xây dựng một nông trại riêng.
Thế nhưng, vào năm 2021, ước mơ tưởng như viển vông đó đã trở thành hiện thực. K-Farm - một trang trại có diện tích 2.000m2 - đã được xây dựng giữa lòng thành phố chật chội và đắt đỏ này.
K-Farm được mệnh danh là khuôn mẫu cho việc phát triển nông nghiệp giữa lòng đô thị. Ai cũng có thể tham gia canh tác, thuê hộp trồng cây ở đây. Từ khi nông trại này ra đời, người dân ai ai cũng tranh nhau để trở thành nông dân. Năng suất của K-Farm cũng rất ấn tượng: mỗi nhà kính có thể sản xuất 1 tấn rau/tháng.
Càng ở đô thị đông đúc, con người ta lại cần đến thiên nhiên. Tình hình dịch bệnh cũng khuyến khích mọi người tìm đường về với cuộc sống tự canh tác, tự hưởng thụ.
Nằm bên bờ biển của Kennedy Town, K-Farm là trang trại cộng đồng đầu tiên có sự kết hợp giữa mô hình aquaponic (nuôi trồng thủy sản và trồng cây thủy canh) và canh tác hữu cơ.
Tác giả của công trình này là KTS Trần Khải Hào - một người sinh ra và lớn lên tại Hong Kong. Từ bé, anh đã có niềm đam mê với những chậu cây trên bệ cửa sổ và sân thượng. Giống như nhiều người khác, vị KTS cũng khao khát thiên nhiên giữa cuộc sống đô thị chật chội.
Khoảng 10 năm trở lại đây, nhiều người dân Hong Kong đã thuê đất nông nghiệp để canh tác ở vùng ngoại ô. Tuy nhiên, việc này rất tốn thời gian đi lại, chỉ có thể thực hiện vào dịp cuối tuần.
Trước những khó khăn đó, nhiều mô hình trang trại cộng đồng đã ra đời. Nhờ hệ thống nông trại này, mọi người có thể thuê một không gian gần nhà mình để canh tác. Dù vậy, mỗi người chỉ được canh tác trong 4 tháng, sau đó phải nhường cho những người khác, rồi chờ đợi một thời gian dài để đến lượt tiếp theo của mình.
KTS Trần Khải Hào
Năm 2019, chính quyền Hong Kong tổ chức một cuộc thi thiết kế nông trại. Bản thiết kế K-Farm của KTS Trần Khải Hào và các cộng sự đã giành chiến thắng và được chọn để triển khai. Nhóm của anh được thuê miễn phí 2.000m2 đất để xây dựng trang trại.
Tháng 5/2021, K-Farm chính thức khai trương. Đây cũng là lúc dịch bệnh hoành hành, buộc mọi người đều làm việc ở nhà. Hết giờ làm việc, mọi người thường ra ngoài đi dạo, trong đó K-Farm trở thành một địa điểm lý tưởng để dạo chơi.
Vì K-Farm là một tổ chức phi lợi nhuận, nguồn thu từ các hoạt động trồng trọt ở đây sẽ được gửi đến viện dưỡng lão.
Người dân có thể đăng ký tham gia vào các nhóm trồng trọt, hoặc thuê thùng trồng cây và bể thủy canh với tư cách cá nhân rồi tự canh tác, thu hoạch mỗi khi rảnh rỗi. Những người không muốn trồng trọt cũng có thể đến đây dạo chơi, tận hưởng bầu không khí tự nhiên của cây cỏ.
Nhà kính thủy canh có diện tích 100m2 gồm 2 tầng, mỗi tầng cách nhau 6m, có năng suất lên đến 1 tấn rau/tháng. Nơi này được thiết kế thành một hình đa giác 12 góc giống chiếc đồng hồ. Mỗi khu sẽ có điều kiện ánh nắng khác nhau, do đó người dân có thể tùy ý chọn các loại cây trồng phù hợp.
Ngoài ra, các giá trồng cây cũng được lắp đèn để bổ sung ánh sáng cho cây khi cần thiết. Dựa vào hệ thống này, người dân có thể kiểm soát được thời gian và hình dạng nở của hoa.
Hiện nay, nông nghiệp không còn là một nghề cực nhọc và lạc hậu. Không những thế, đây còn là nghề nghiệp của tương lai. Muốn định cư trên sao Hỏa, bắt buộc con người phải sản xuất oxy qua phương pháp thủy canh.
Lượng nước ở nông trại được tái chế để giảm tiêu thụ đến 90%. Các chất dinh dưỡng cũng được tinh chỉnh, thông qua đó kiểm soát được độ ngọt, hương vị của rau.
Rau trong nhà kính được trồng rất sát nhau, nếu bị dịch bệnh hay côn trùng tàn phá sẽ để lại hậu quả vô cùng nặng nề. Vì vậy, không gian canh tác phải là một vùng khép kín. Bất cứ người nào vào đây cũng phải được khử trùng như bước chân vào phòng thí nghiệm.
Trước đây, việc nhập khẩu các sản phẩm nông nghiệp vào Hong Kong làm thải ra một lượng không nhỏ khí thải carbon. Nhờ công nghệ cao, các giống cây trồng ngoại nhập giờ đây được trồng trong nhà kính. Việc tự cung tự cấp được nguồn lương thực này góp phần không nhỏ giúp vùng đất này trở thành thành phố không carbon trong tương lai.
Mô hình aquaponic là sự kết hợp giữa trồng cây và nuôi thủy sản, với sự trợ giúp của hệ thống tưới tiêu tự động. Thức ăn hữu cơ và giun được cho vào ao để nuôi cá; ngược lại, phân cá trong nước sẽ là nguồn dinh dưỡng cho cây trồng. Nước từ ao cá sau đó sẽ được tưới tự động cho khu vực trồng trọt.
Một trong những điểm nổi bật nhất của K-Farm là đa dạng sinh học. Trước đây, thuốc trừ sâu được sử dụng khá nhiều trong canh tác, dẫn đến việc các loài ong, bướm,... dần biến mất khỏi các vùng nông nghiệp. Thế nhưng, nhờ sự tiến bộ của khoa học kỹ thuật, thuốc sâu không còn được cần đến, nhờ đó hệ sinh thái tại K-Farm được khôi phục.
Không những thế, các kiến trúc sư còn tham khảo ý kiến của các chuyên gia nông nghiệp để chọn trồng những loài cây thích hợp nhất cho côn trùng. Việc trồng hoa hướng dương để ong hút mật là một ví dụ. Nhờ đó hệ sinh thái của K-Farm trở nên vô cùng đa dạng, nông trại từ đó trở thành ngôi nhà mới cho các loài côn trùng.
Trong số các nông dân của K-Farm, có khá nhiều người phải ngồi xe lăn. Do đó, một hệ thống ghế đã được thiết kế để mọi người có thể vừa ngồi, vừa chăm sóc cây cỏ. Các hộp đất cũng được đặt ở độ cao phù hợp cho những người nông dân đặc biệt này. Tuy đây chỉ là một thay đổi nhỏ, nhưng rất hữu dụng cho cộng đồng.
Khi KTS lên kế hoạch thiết kế nông trại, nhiều ý kiến trái chiều cho rằng vì gần biển nên gió có hàm lượng muối cao, chắc chắn không thể trồng rau. Tuy nhiên, sản lượng rau thực tế của nông trại đã đánh tan mọi lời nghi ngờ. Thậm chí, các cây ngô ở đây còn cao đến hơn 2m.
Khu nhà của nông trại được thiết kế thành các module có thể tháo rời. Bởi lẽ, ban đầu K-Farm chỉ được thuê đất trong thời hạn 3 năm, nếu chẳng may không thể gia hạn thì cũng có thể dễ dàng tháo rời, chuyển đi nơi khác.
K-Farm cũng được trang bị một hệ thống thu gom nước mưa, với các khoảng trống được đặt trên mái nhà để chứa nước. Lượng nước mưa này sẽ được sử dụng để tưới tiêu cho nông trại. Phần mái của khu vực văn phòng cũng được lắp đặt hệ thống pin năng lượng mặt trời để đáp ứng nhu cầu tiêu thụ điện năng của những người làm việc tại đây.
Nhóm KTS của K-Farm cho biết, họ sẽ mở rộng và áp dụng mô hình này ở nhiều thành phố khác tại Trung Quốc.
(Theo 163)