Nữ hoàng Elizabeth II: Từ công chúa sinh ra trong nhung lụa trở thành người phụ nữ quyền lực truyền cảm hứng cho hàng triệu trái tim
Dù ở trên cương vị nào, người phụ nữ có vóc dáng nhỏ nhắn mà đầy quyền lực ấy cũng đều làm tốt vai trò của mình.
- 06-04-2020Nữ hoàng Anh lần đầu xuất hiện công khai phát biểu về Covid-19 sau thời gian ở ẩn
- 29-03-2020Hoàng gia chính thức lên tiếng về thông tin Nữ hoàng Anh nghi nhiễm Covid-19 và lời nói dối trắng trợn của Meghan Markle với gia đình chồng
- 26-03-2020Cung điện thông báo tình hình sức khỏe của Nữ hoàng Anh sau khi con trai cả bị nhiễm Covid-19, Hoàng tử William và Harry đã nhận được tin
Elizabeth II là con gái đầu lòng của Công tước và Nữ Công tước xứ York, người sau này là Quốc vương George VI và Hoàng hậu Elizabeth. Tên đầy đủ của bà là Elizabeth Alexandra Mary, được đặt theo tên mẹ, bà cố là Hoàng hậu Alexandra, và bà nội là Hoàng hậu Mary.
Nữ hoàng được sinh ra ở London (Anh) vào ngày 21/4/1926.
Elizabeth II là con gái đầu lòng của Công tước và Nữ Công tước xứ York.
Là công chúa của Hoàng gia Anh danh giá, thời thơ ấu của Elizabeth II trôi qua trong yên ả và được bảo bọc trong nhung lụa. Dù sinh ra đã được ngậm thìa bạc nhưng ngay từ nhỏ cô bé Elizabeth II đã sớm bộc lộ tinh thần trách nhiệm, tính cách ngăn nắp và yêu động vật. Cựu Thủ tướng Anh Winston Churchill từng tả lại về Elizabeth II lúc bà 2 tuổi rằng: "Cô bé có sự chín chắn đáng ngạc nhiên ở một đứa trẻ".
Khi Elizabeth II bước vào độ tuổi niên thiếu cũng là lúc chiến tranh thế giới II nổ ra, cũng từ đó, bà bắt đầu thực hiện nhiệm vụ của một công chúa hoàng gia. Tuổi nhỏ làm việc nhỏ, Elizabeth có bài phát biểu đầu tiên vào năm 1940 khi mới 14 tuổi. Ở đó, bà gửi tới các em nhỏ phải sống xa gia đình vì chiến tranh những thông điệp tràn đầy niềm tin: "Cuối cùng, tất cả sẽ ổn thôi vì Chúa sẽ che chở cho chúng ta và giúp chúng ta chiến thắng, giành được hòa bình".
Năm 1945, khi chỉ vừa 19 tuổi, cô công chúa Elizabeth II xinh đẹp quyết định tham gia lái xe phục vụ trong quân đội. Thân là nữ nhi nhưng Elizabeth II chẳng ngại bất cứ việc gì, kể cả những việc mà thường chỉ dành cho nam giới như lái xe tải và làm thợ cơ khí. Bà cũng là thành viên nữ duy nhất của gia đình Hoàng gia Anh gia nhập đội vũ trang và phục vụ trong Thế chiến II. Trong chuyến đi đến Nam Phi vào năm 1947, Elizabeth II tuyên bố rằng bà sẽ "dành trọn cuộc đời để phục vụ quốc gia…"
Vào đầu tháng 2/1952, khi công chúa điện hạ Elizabeth xứ York (tước hiệu khi đó của Elizabeth) đang trong chuyến thăm Kenya thì thân phụ của bà - Quốc vương George IV - đột ngột qua đời vì bệnh nặng. Công chúa ngay lập tức phải quay trở về London để đảm nhận cương vị Nữ hoàng. Nhưng mãi đến ngày 2/6/1953, bà mới chính thức đăng quang, trở thành người phụ nữ quyền lực nhất nước Anh.
Một số hình ảnh hiếm trong lễ đăng quang của Nữ hoàng vào ngày 2/6/1953.
Để khắc phục những tổn thất từ Thế chiến II, bà đã đưa ra những chính sách phù hợp. Điều này đã giúp đưa đất nước lên một thời kỳ phát triển hưng thịnh và đạt nhiều thành tựu mà người ta gọi là "thời kỳ Elizabeth mới".
Nữ hoàng từng nói trước công chúng rằng: "Tôi không thể cho các bạn những đạo luật hay sự cai trị hoàn toàn công bằng nhưng tôi làm được những điều khác. Tôi có thể cho các bạn trái tim và hiến dâng cuộc đời cho những hòn đảo này cùng với các nước láng giềng anh em". Làm đúng như những gì đã nói, suốt 66 năm qua, vị nữ hoàng của lòng dân, theo cả nghĩa đen và nghĩa bóng, đã hoàn thành xuất sắc vai trò của mình trên cương vị một người đứng đầu Hoàng gia Anh.
Có người lại thắc mắc, Nữ hoàng làm gì khi ở trên cương vị ấy? Quả thật, không ai có thể kể hết những việc Nữ hoàng Elizabeth II trong những năm tháng qua. Chỉ biết rằng, từ nghi lễ khánh thành một bệnh viện hay trường học, những buổi lễ quan trọng của Hoàng gia, khai mạc Nghị viện, chào đón các vị chức sắc tới thăm nước Anh, các bữa tiệc đón tiếp các vị chính khách trong nước, các buổi lễ và nghi thức truyền thống của Anh... đến những chuyến công du ra nước ngoài, Nữ hoàng Elizabeth II luôn có mặt. Ở đâu có Nữ hoàng Elizabeth II xuất hiện, ở đó có rất đông người dân tụ tập, hò reo, gọi to tên bà.
Họa sĩ Michael Noakes, người đã dành hẳn 1 năm để theo sát những hoạt động của Hoàng gia cùng sự xuất hiện của Nữ hoàng tại những sự kiện lớn nhỏ, từng chia sẻ rằng: "1 năm đi theo Nữ hoàng vòng quanh thế giới với những chuyến công du là một năm 'nhừ tử' khiến tôi cảm thấy thấm mệt. Làm Nữ hoàng thật không hề đơn giản. Tôi có rất ít ngày nghỉ trong suốt 1 năm ấy bởi lịch trình dày đặc của bà...".
Trong suốt quãng thời gian trị vì, Nữ hoàng Elizabeth II được chứng kiến nhiều sự thay đổi của Vương quốc anh, Khối Thịnh vượng chung Anh và cả thế giới. Bà hiện là người nắm giữ vương quyền lâu nhất Vương quốc Anh (gần 66 năm), hơn cả Nữ hoàng Victoria (63 năm, 216 ngày) và Quốc vương George III (59 năm, 96 ngày).
Câu chuyện tình yêu cổ tích và cuộc hôn nhân "kim cương" vạn người ao ước
Nàng Elizabeth II đã rơi vào "lưới tình" của Hoàng tử Philip trong chuyến tham quan tại Đại học Hải quân Hoàng gia tại Dartmouth. Khi đó, Elizabeth II mới chỉ 13 tuổi, được sắp xếp đi cùng cha mẹ và em gái tới thăm học viên. Hoàng tử Philip đã đưa hai nàng công chúa đi dạo chơi, không ngờ vẻ điển trai của chàng hoàng tử đã đốn tim người thừa kế xinh đẹp của vua George VI.
Sau cuộc gặp gỡ đáng nhớ ấy, Elizabeth II và Philip bắt đầu viết thư cho nhau, mà người chủ động chính là "đàn gái". Trong những lá thư chan chứa tình cảm thời chiến, Philip đã thừa nhận tình cảm của mình và tỏ ra e ngại liệu mình có xứng đáng. Dẫu vậy, tình cảm đôi lứa vẫn cứ lớn dần lên qua mỗi lá thư theo năm tháng.
Khi Thế chiến thứ II nổ ra, dù Philip gia nhập quân đội nhưng ông và Công chúa Elizabeth II vẫn thường xuyên trao đổi thư từ qua lại. Chiến tranh kết thúc, Philip trở về London nhưng đến năm 1946, ông mới quyết tâm gạt bỏ mọi mặc cảm về thân phận, cầu hôn nàng công chúa mình yêu thương. Chàng 25 tuổi còn nàng vừa mới bước sang tuổi 20, cả hai đã gạt bỏ mọi khoảng cách, hẹn thề sống với nhau đến "đầu bạc răng long".
Vua George VI từng rất do dự và phản đối cuộc hôn nhân giữa hai người vì ông sợ con gái còn quá trẻ và chưa đủ chín chắn trong tình yêu bởi Philip là người đàn ông đầu tiên mà công chúa yêu thương. Vì vậy, tới khi Elizabeth II bước sang tuổi 21, gia đình Hoàng gia Anh mới chính thức chấp thuận và công bố đám cưới. Ngày 20/11/1947, đám cưới hoàng gia diễn ra tại Tu viện Westminster và được xem là tia sáng ấm áp xua đi những đau thương, mất mát mà Thế chiến II gây ra.
Trong những năm đầu sau khi thành vợ chồng, Philip phục vụ trong lực lượng Hải quân và phải đóng quân tại Malta, Elizabeth II cũng sẵn sàng theo chồng đi làm nhiệm vụ.
Vua George VI qua đời - Elizabeth II lên ngôi, Hoàng tế Philip lại từ bỏ sự nghiệp hải quân của ông để hỗ trợ cho vợ khi Elizabeth II trở thành Nữ hoàng. Họ phải chuyển nhà từ dinh thự hoàng gia Clarence House đến Cung điện Buckingham, một nơi mà Philip không yêu thích. Bên cạnh đó, ông cũng chấp nhận lựa chọn tên Windsor làm họ gia đình, thay vì họ của ông là Mountbatten.
Cả hai đã đi qua được một chặng đường dài với biết bao thăng trầm, thử thách cùng nhau. Cuộc tình kéo dài hơn 7 thập kỷ của họ, cho đến nay, vẫn khiến cả thế giới phải ngưỡng mộ. Nhiều người gọi đây là chuyện tình cổ tích thời hiện đại và có lẽ chỉ có cái chết mới chia lìa được đôi ngả.
Người ta bảo rằng, chính sự tôn trọng và chấp nhận là hai trong những điều giúp cuộc hôn nhân của họ bền vững theo thời gian. Trước công chúng, Hoàng tế Philip luôn phải tuân theo nguyên tắc đi sau Nữ hoàng, phải đặt những lợi ích của mình sang một bên để đồng hành cùng người bạn đời là một phụ nữ đầy quyền lực. Đây có thể là điều kiện bất khả thi đối với những người đàn ông mạnh mẽ, có chính kiến, độc lập nhưng Hoàng tế vẫn chẳng ngại ngần chấp thuận.
Nữ hoàng cũng thấu hiểu được điều này và luôn cố gắng để đảm bảo Hoàng tế vẫn cảm nhận được ông mới là chủ gia đình. Bên cạnh đó, bà luôn tôn trọng và để chồng tập trung vào những sở thích của mình.
Người mẹ, người bà tuyệt vời
Là người đứng đầu của Hoàng gia Anh đầy tôn nghiêm với vô vàn phép tắc và quy củ cần phải tuân theo, Nữ hoàng Elizabeth II xuất hiện trước công chúng luôn là người đầy vẻ nghiêm túc, trang trọng. Tuy nhiên, khi kết thúc công việc triều chính bà lại trở về là một người mẹ, người bà gần gũi, thích chơi đùa và dạy dỗ các cháu, trở thành nguồn truyền cảm hứng cho các hoàng tử, công chúa trong Hoàng gia Anh.
Nữ hoàng Elizabeth II lên chức bà lần đầu tiên khi con gái là Công chúa Anne sinh con trai đầu lòng Peter Phillips.
Khoảnh khắc đời thường đầy giản dị của Nữ hoàng, bà dắt cháu ngoại đi chơi.
Theo luật lệ của Hoàng gia Anh, không ai được phép ngồi trên người Nữ hoàng. Thế nhưng Nữ hoàng Elizabeth II vẫn "phá vỡ" quy tắc để cháu gái thứ hai, Zara Phillips có thể thoải mái ngồi lên đùi mình xem polo tại lâu đài Winsor vào năm 1984.
Hoàng tử William khiến cho gia đình hoàng gia phải bật cười khi cả nhà chụp ảnh trong lễ rửa tội cho Hoàng tử Harry. Nữ hoàng (ngồi giữa) cũng không khỏi bật cười.
Nữ hoàng cùng 2 cháu nội là Hoàng tử Harry và Hoàng tử William xem trận đấu polo vào năm 1987.
Trong một cuộc phỏng vấn với nhà báo người Mỹ Katie Couric vào dịp kỷ niệm 60 năm ngày Nữ hoàng đăng quang, Hoàng tử William đã nói: "Tôi thực sự vẫn luôn nghĩ Nữ hoàng là bà nội của tôi thôi".
Năm 1984, theo luật lệ của Hoàng gia Anh, không ai được phép ngồi trên người Nữ hoàng. Thế nhưng Nữ hoàng Elizabeth II vẫn "phá vỡ" quy tắc để cháu gái thứ hai, Zara Phillips có thể thoải mái ngồi lên đùi mình xem polo tại lâu đài Windsor. Hoàng tử George, chắt nội của Nữ hoàng Elizabeth II, luôn gọi bà bằng cái tên "Gan-Gan". Trong cuộc phỏng vấn với kênh ITV, Công nương Kate Middleton cho biết: "Nữ hoàng luôn để lại một món quà nhỏ trong phòng của Hoàng tử George và Công chúa Charlotte khi chúng tôi đến Cung điện thăm bà và ở lại đó. Điều này cho thấy tình yêu của bà dành cho các cháu và gia đình".
Nữ hoàng từng nói với Hoàng tử Harry và Hoàng tử William: "Mọi thứ ánh sáng chạm đến đều là vương quốc của chúng ta". Khoảnh khắc Nữ hoàng mỉm cười tự hào về Hoàng tử Harry trong cuộc diễu hành tại Học viện Quân sự Sandhurst.
Cả Hoàng tử William và Harry đều tham gia vào lực lượng quân đội, Nữ hoàng cũng đặc biệt quan tâm đến các cháu.
Nữ hoàng rất quan tâm đến gia đình Hoàng tử William.
Đó chỉ là một vài trong vô vàn khoảnh khắc yêu thương mà công chúng có thể nhìn thấy và hiểu rằng, khi trút bỏ chiếc áo choàng "trách nhiệm" trên vai, Nữ hoàng cũng như bao người vợ, người mẹ, người bà khác hết lòng yêu thương gia đình và luôn dành những tình cảm thân thương trìu mến nhất cho họ. Bởi với Nữ hoàng, bên cạnh đất nước, tài sản quý giá nhất của bà chính là niềm hạnh phúc của người phụ nữ bình thường...
Những đặc quyền riêng, chỉ Nữ hoàng Elizabeth II mới có:
1. Sở hữu toàn bộ số thiên nga trên dòng sông Thames.
2. Sở hữu toàn bộ cá voi, cá heo và cá tầm trong vùng biển thuộc sở hữu của Anh. Điều luật này đã tồn tại từ năm 1324, dưới thời Vua Edward đệ nhị đến nay.
3. Lái xe không cần bằng lái: Tạp chí Time đưa tin giấy phép lái xe được phát hành dưới tên của Nữ hoàng Elizabeth đệ nhị, tuy nhiên, bà lại chính là người duy nhất ở Anh không cần có bằng lái hay biển số xe mà vẫn có quyền chạy xe.
4. Không cần hộ chiếu mà vẫn ra nước ngoài "nhiều như cơm bữa".
5. Có 2 ngày sinh nhật: Mặc dù ngày sinh chính thức được ghi trên giấy tờ của Nữ hoàng Elizabeth đệ nhị là ngày 21/4 nhưng ngoài ra, bà còn 1 ngày sinh nhật khác thường được tổ chức vào 1 ngày thứ Bảy trong tháng Sáu.
6. Có máy rút tiền riêng: Một chiếc máy rút tiền cá nhân được lắp đặt riêng trong tầng hầm của cung điện Buckingham.
7. Có nhà thơ riêng: Theo trang website của Hoàng gia Anh, nhà thơ của Nữ hoàng là 1 chức vụ vô cùng vinh dự. Hiện tại, chức vụ này đang thuộc về bà Carol Ann Duffy.
8. Không phải đóng thuế: Mặc dù không phải đóng thuế nhưng Nữ hoàng vẫn tự nguyện đóng thuế thu nhập cá nhân và thuế lợi nhuận đầu tư kể từ năm 1992.
9. Đứng đầu một tôn giáo: Nữ hoàng Elizabeth Đệ nhị là người đứng đầu giáo hội Công giáo tại Anh, quốc giáo đầu tiên được thành lập sau khi Vua Henry VIII tách khỏi Giáo hội La Mã vào thế kỷ thứ 16.
10. Không bị truy tố hình sự: Nữ hoàng Anh được miễn truy tố và không cần phải đưa ra bằng chứng trước tòa.
(Nguồn: Telegraph, Huffingtonpost, Biography)
Nhịp sống Việt