Nữ nhân viên văn phòng quanh năm gồng nợ gốc lãi ngân hàng: “Càng vay, tôi càng có nhiều bất động sản”
Một nữ nhân viên văn phòng đến từ Hà Nội tiết lộ, hơn 8 năm nay, cô luôn trong tình trạng mỗi tháng phải trả nợ gốc lãi ngân hàng. Nhưng đổi lại, hiện cô đang có 5 bất động sản.
Chị M.A hiện đang là chuyên viên hành chính cho Tập đoàn của Nhật Bản trong lĩnh vực công nghệ thông tin ở Hà Nội. Hiện tại, mỗi tháng chị M.A phải trả 8 triệu tiền gốc, lãi cho khoản vay hơn 700 triệu đồng sau khi thế chấp căn chung cư.
Chị M.A tiết lộ, hơn 8 năm nay, vợ chồng chị luôn trong tình trạng chi tiêu chắt bóp để dành tiền trả ngân hàng. “Nhiều người xung quanh lúc nào cũng thấy vợ chồng tôi đi vay hay hỏi: Sao trả mãi tiền nhà không xong? Người thì bảo: Vay nợ quanh năm không sợ à? Nhưng tôi thấy, càng vay nợ, vợ chồng càng có động lực tiết kiệm và đầu tư”.
Hơn 8 năm trước, tức năm 2014, vợ chồng chị M.A mới kết hôn, thu nhập chưa quá 10 triệu đồng. Bán hết vàng, chị M.A có khoản tài chính gần 100 triệu đồng. Vợ chồng chị quyết định mua căn chung cư ở ngoại thành với giá hơn 900 triệu đồng, và hưởng lãi suất cho vay 5%/tháng từ gói 30.000 tỷ đồng của Nhà nước. Dù bị gia đình phản đối vì khoản nợ lớn song hai vợ chồng chị vẫn quyết tâm mua nhà, chuẩn bị cho kế hoạch sinh con.
“Thời gian đầu, vợ chồng tôi đúng nghĩa “ăn đong từng bữa”. Toàn bộ lương thực đều dựa vào trợ cấp ông bà hai bên ở quê. Bữa trưa, chúng tôi mang cơm đi làm. Cuối tuần, hai vợ chồng tranh thủ bán rau, trứng cho toà chung cư từ nguồn hàng dưới quê gửi lên”, chị M.A cho hay.
Do lãi suất ngân hàng thấp, chỉ 5%/năm, vợ chồng chị M.A xác định: “Có bao nhiêu tiền tiết kiệm đổ vào ngân hàng”. Kể từ năm 2017 đến năm 2022, vợ chồng chị M.A đổ toàn bộ tiền tiết kiệm vào đầu tư đất.
“Ví dụ có 200 triệu đồng, tôi vay bạn bè mỗi người 2-10 triệu đồng. Số còn lại vay ngân hàng. Tôi mua miếng đất 500-600 triệu đồng. Có lô đất, tôi mua ở quê. Và một số lô, chúng tôi chọn mua ở vùng ven. Cứ trả hết nợ một lô đất, hai vợ chồng lại tiết kiệm như phương án ban đầu, tiếp tục muc lô khác. Thế nên trong hơn 8 năm, dù tiền căn nhà đầu tiên chưa trả hết nhưng vợ chồng tôi đã có thêm 4 lô đất. Trung bình so với mặt bằng giá hiện tại, mỗi lô tăng ít nhất 50%”, chị M.A tiết lộ.
Chia sẻ thêm về kế hoạch tài chính cá nhân, nữ nhân viên văn phòng cho biết: “Cứ có nợ, bạn càng có động lực đi làm nghiêm túc và còn hào hứng tìm thêm việc. May mắn, vì làm trong tập đoàn nước ngoài nên thu nhập của tôi tăng định kỳ 6 tháng 1 lần. Chúng tôi xác định trả nợ gốc lãi khoảng 50% tổng thu nhập chính. Các khoản thu nhập ngoài sẽ tính vào trả nợ. Ngoài ra, hai vợ chồng cũng lập khoản dự phòng nhỏ 50-100 triệu đồng cho gia đình”.
Tương tự như câu chuyện của chị M.A, anh N.N.T (Bắc Từ Liêm, Hà Nội) cũng luôn trong tình trạng nợ ngân hàng vì mua bất động sản. “Tôi thấy, một là người giàu, có quá nhiều tiền, họ sẽ mua hoàn toàn bằng tiền thịt. Hai là nhóm ít vốn, muốn đầu tư bất động sản sẽ phải đi vay. Người càng nhiều bất động sản, đầu tư kinh doanh lớn, càng vay ngân hàng. Phải chấp nhận khổ vì nợ lãi mỗi tháng thì đổi lại bạn mới có tài sản. Đó là quan điểm của tôi”. Theo anh N.N.T, năm 2018, nhờ “đánh liều” vay 500 triệu mua lô đất ở Long Biên (Hà Nội), chưa đầy 1 năm sau, anh bán lời 400 triệu đồng. Nhờ thương vụ đầu tiên làm ăn thành công, anh N.N.T quyết tâm chỉ dành tiền “rót” vào bất động sản.
Song, anh N.N.T đưa ra 3 nguyên tắc trong xuống tiền vào bất động sản. Một, chỉ là đầu tư bất động sản ở Hà Nội do tính thanh khoản tốt hơn ở các tỉnh. Hai, các bất động sản phải có mức tài chính dưới 1 tỷ đồng. Ba, các khoản vay ngân hàng không vượt quá 600 triệu đồng để tránh rủi ro khi biến động trong thu nhập, ảnh hưởng tới chi phí sinh hoạt gia đình.
Cũng theo anh N.N.T, “Tôi luôn trong suy nghĩ, mua bất động sản để dành cho tương lai, không có suy nghĩ lướt sóng. Chính vì vậy, dù liều mua nhưng tôi đều cân nhắc kĩ khả năng trả nợ. Thế nên, một số lô đất có lời khi môi giới liên hệ, tôi mới tính toán đến việc bán. Bán một lô đổi lấy hai lô hoặc một bất động sản khác đẹp hơn. Vì suy nghĩ này, tôi không lo khi thị trường lao dốc”.
Nhịp sống thị trường