Nữ sinh viết nghiên cứu khoa học được đăng trên tạp chí danh tiếng, chinh phục loạt học bổng đắt giá
Công bố quốc tế trên ISI/ SCOPUS là một trong những tiêu chuẩn đầu ra của Tiến sĩ tại Việt Nam nên rất khó. Tuy nhiên, dù làm nghiên cứu độc lập (không có hướng dẫn từ Giáo sư, Tiến sĩ), Yến vẫn có bài báo được xuất bản trên tạp chí thuộc danh mục SCOPUS Quartile 1.
- 21-06-2023Sếp người Nhật đưa công ty tăng trưởng gấp 20 lần bằng cách quản lý ngược số đông: Đặt nhân viên lên hàng đầu, hết giờ làm yêu cầu tắt máy đi về
- 17-06-2023MC VTV Huyền Châu: Rời công việc ổn định để dấn thân vào thương trường, bất ngờ với vị trí mới một trường đại học
- 16-06-2023Cuộc sống không tưởng bên trong 'căn hộ quan tài' vỏn vẹn 3m2 suốt 13 năm: Chủ nhà khổ sở, nằm cũng không thể duỗi thẳng chân
Trần Kim Yến (sinh năm 2005, tỉnh Hưng Yên) - cô gái từng có bài báo nghiên cứu khoa học về thời trang bền vững được xuất bản trên tạp chí PLoS ONE - tạp chí thuộc danh mục SCOPUS Quartile 1 (những nhóm tạp chí cực kỳ khó đăng bài) vừa có thành tích vô cùng ấn tượng: Giành được tấm vé vào trường KU Leuven - Đại học nghiên cứu hàng đầu châu Âu (Top 42 Thế giới theo Times Higher Education).
Bên cạnh đó, Yến còn xuất sắc đậu vào ngôi trường Duke Kunshan danh giá với mức học bổng hơn 5,1 tỷ đồng; nhận được hỗ trợ tài chính hào phóng từ Đại học Minerva (đại học có tỉ lệ đậu thấp nhất nước Mỹ, du học tại 7 quốc gia trong 4 năm); học bổng 90% từ SP Jain School of Global Management (học tập tại 3 quốc gia trong 4 năm) và học bổng 80% của Đại học VinUniversity.
Trước đó, Yến là học sinh lớp chuyên Tiếng Anh (niên khóa 2020-2023) tại trường THPT Chuyên Hưng Yên. Tháng 9 năm nay, Yến sẽ bắt đầu hành trình tại ngôi trường hàng đầu của Bỉ với chuyên ngành Quản trị Kinh doanh trong thời gian 3 năm tại thủ đô Brussels.
Thành tích học thuật:
Đồng tác giả bài nghiên cứu độc lập được công bố trên tạp chí PLOS One thuộc SCOPUS Q1 về thời trang thân thiện với môi trường "Eco-friendly fashion among generation Z: Mixed-methods study on price value image, customer fulfillment, and pro-environmental behavior".
Thí sinh chung kết, lọt top 0,25% Toàn Cầu (Top 30/~12000) tại cuộc thi Young Tycoons Business Challenge 2022.
Giải Nhì cuộc thi Vietnam Young Community Leaders 2022.
Giải Ba Học sinh giỏi Tiếng Anh cấp Tỉnh (lớp 9).
Hoạt động ngoại khóa:
Thành viên dự án KOMBY - dự án khởi nghiệp làm da thuần chay từ giấm ăn (Scoby) để thay thế da truyền thống không thân thiện với môi trường. Đây là dự án giúp nhóm đạt được thành tích cao từ các cuộc thi nêu trên.
Chủ tịch CLB The Eco-Warriors (CLB Môi trường) - xây dựng các hoạt động thu gom và hướng dẫn tái chế sản phẩm, dự án gây quỹ từ sản phẩm DIY cho phụ nữ có hoàn cảnh khó khăn.
Tham gia chương trình Sustainable Entrepreurship Followship (được học bổng 100%) để tham gia huấn luyện về khởi nghiệp phát triển bền vững.
Trưởng ban Tài chính CLB Tiếng Anh Hưng Yên và Dự án The YOLO.
Ấp ủ ước mơ du học từ những ngày rong chơi cùng gia đình
Từ nhỏ, được bố mẹ đưa đi nhiều nơi và nghe kể những câu chuyện thú vị, Yến đã hình thành tính cách thích khám phá, xê dịch. Em mong muốn ngày nào đó sẽ bước ra khỏi "khoảng trời" của bố mẹ, đến học tập tại một đất nước khác.
Để hiện thực hóa ước mơ, suốt những năm cấp 2 Yến cố gắng học tập, đặc biệt tập trung học tốt Ngoại ngữ (tiếng Anh), đặt mục tiêu thi đỗ trường THPT Chuyên của Tỉnh. Sau khi vào trường, Yến tham gia nhiều CLB để bản thân có thêm kinh nghiệm về hoạt động ngoại khóa. Tuy nhiên, việc này cũng từng khiến em có một khoảng thời gian "bế tắc" vì không thể tìm được định hướng cũng như giá trị mà bản thân muốn hướng tới.
Sau đó, em tham gia một vài hoạt động môi trường và quan sát cuộc sống xung quanh, nhờ vậy đã tìm ra được điều mà mình thực sự muốn tìm hiểu và theo đuổi, đó là "Thúc đẩy phát triển bền vững". Đây cũng là "bước ngoặt" quan trọng trong hành trình săn học bổng của Yến sau này.
Viết bài luận về thúc đẩy sự phát triển bền vững trong lĩnh vực thời trang
Nung nấu ý định du học, Yến bắt đầu tìm các thông tin học bổng, thông tin trường và chuẩn bị hồ sơ. Hồ sơ apply của Yến bao gồm: Các hoạt động ngoại khóa, hoạt động học thuật, bài luận/ motivation letter (thư động lực), bảng điểm, điểm các bài thi chuẩn hóa (nếu trường yêu cầu), CV, thư giới thiệu từ thầy cô. Ngoài ra, có trường yêu cầu em phỏng vấn và có trường thì quy trình tuyển sinh vô cùng khác biệt so với những trường còn lại (Minerva University)
Đặc biệt trong bài luận (có trường yêu cầu motivation letter), Yến được yêu cầu phải nêu lí do chọn trường, chọn ngành, tại sao trường nên chọn em và em có thể đóng góp như thế nào cho trường. Bài luận là nơi để em gửi gắm ước mơ thúc đẩy sự phát triển bền vững trong lĩnh vực thời trang tại quê hương.
"Em lấy cảm hứng từ chính thực trạng của quê hương mình, khi những khí thải từ những nhà máy may đang ảnh hưởng xấu đến môi trường và sức khỏe người dân. Nhưng trớ trêu thay, những công nhân ở các nhà máy đó chẳng thể bỏ việc bởi đó là nơi cho họ công việc và thu nhập hàng tháng. Chính vì thế, em đã tìm được từ khóa "phát triển bền vững" và bắt đầu xây dựng các hoạt động và tham gia các cuộc thi liên quan", Yến chia sẻ.
Yến bắt đầu tham gia hoạt động nghiên cứu về thời trang thân thiện với môi trường. Em và nhóm hướng tới đối tượng gen Z, tìm hiểu về cách họ đang định nghĩa thời trang thân thiện với môi trường, những yếu tố ảnh hưởng đến quyết định mua hàng và mua lại,...
Trong đó bao gồm những câu hỏi nghiên cứu như: Gen Z định nghĩa thời trang thân thiện với môi trường như thế nào/ Những mong muốn của họ khi mua hàng và chọn sản phẩm/ Những điều gì sẽ khiến họ trung thành với sản phẩm đó,... Người đọc có thể dựa kết quả nghiên cứu để biết được nhu cầu người dùng, từ đó thúc đẩy việc sử dụng thời trang thân thiện môi trường ở Việt Nam.
Nghiên cứu khoa học là một hành trình không dễ. Thế nhưng, Yến cũng đã đọc rất nhiều bài báo về học sinh, sinh viên có bài nghiên cứu được công bố trên tạp chí thuộc SCOPUS Q1, Q2 mà không có sự hướng dẫn từ Giáo sư, Tiến sĩ. Từ đó, em chủ động liên hệ các anh chị có kinh nghiệm để được nhận tư vấn và lời khuyên. Chính những điều đó đã truyền cho em rất nhiều động lực. Sau đó, bài nghiên cứu của Yến và nhóm đã được tạp chí PLOS One công bố.
"Em rất vui và bất ngờ khi quá trình nghiên cứu không có sự hướng dẫn của Giáo sư, Tiến sĩ, phá bỏ định kiến rằng học sinh cấp 3 không thể làm nghiên cứu và chỉ khi có sự hướng dẫn từ Giáo sư, Tiến sĩ thì bài nghiên cứu mới được chấp nhận (bởi công bố quốc tế trên ISI/ SCOPUS là một trong những tiêu chuẩn đầu ra của Tiến sĩ tại Việt Nam nên rất khó). Đây là thành tích nổi bật nhất trong hồ sơ của em, và cũng là thành tích mà em dành nhiều tâm huyết vào nhất", nữ sinh chia sẻ.
Yến cho rằng bài luận là một phần rất quan trọng của bộ hồ sơ vì đây là nơi thể hiện ước mơ, khả năng của bản thân, sự yêu thích với trường mà mình muốn theo đuổi. Tuy nhiên, để có một bộ hồ sơ vừa ý nhất thì cần có sự kết hợp của các yếu tố khác như các thành tích học thuật, hoạt động ngoại khóa, phỏng vấn để trường có cái nhìn bao quát nhất về học sinh. Vì thế, em dành sự đầu tư lớn cho bài luận và cả các hoạt động, thành tích khác khi xây dựng hồ sơ.
Với các bạn có định hướng du học, Yến khuyên: "Hãy đặt nhiều tâm huyết vào quá trình nộp hồ sơ và thể hiện được quyết tâm của mình qua bộ hồ sơ tới nhà tuyển sinh. Sự tâm huyết đó được thể hiện qua bài luận chỉn chu, có sự tìm hiểu kĩ về trường, sự quyết tâm tham gia các hoạt động. Trước khi đỗ được vào loạt trường nói trên thì em đã rớt kha khá các trường khác. Vì vậy, em nghĩ rằng nếu như thử mọi khả năng thì các bạn sẽ tìm được một nơi mà mình thực sự phù hợp".
Trong tương lai, ngoài việc học ở KU Leuven, Yến đặt mục tiêu tham gia các hoạt động liên quan đến khởi nghiệp và làm nghiên cứu.
Tổ Quốc