MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

'Nữ thần cây' Ấn Độ: Chẳng nhớ tuổi mình chỉ nhớ tên cây, dành phần lớn cuộc đời để hồi sinh cánh rừng bạt ngàn

12-12-2022 - 20:13 PM | Sống

Tulsi Gowind Gowda đã dành phần lớn cuộc đời để trồng và chăm sóc cây cối ở miền nam Ấn Độ.

Thiếu thốn vật chất nhưng được thiên nhiên bao bọc

Bà Gowda tiến sâu vào các khu rừng mưa nhiệt đới, cẩn thận cắt các cành khỏe mạnh rồi trồng hoặc ghép chúng lại. Mắt bà sáng lên khi nói về những hạt giống quý hoặc một cây non mới mọc. Tình yêu thiên nhiên toát ra từ từng cử chỉ, lời nói và ánh mắt của bà. Rukmani, một phụ nữ địa phương đã làm việc cùng bà Gowda trong nhiều thập kỷ cho hay: “Từ lúc nhỏ, bà ấy đã trò chuyện với cây như thể người mẹ vỗ về đứa con thơ”.

Nữ thần cây Ấn Độ: Chẳng nhớ tuổi mình chỉ nhớ tên cây, dành phần lớn cuộc đời để hồi sinh cánh rừng bạt ngàn - Ảnh 1.

Tulsi Gowind Gowda chẳng nhớ năm sinh của mình, bà đoán mình đâu đó khoảng 80, vậy mà bà lại nhớ hết tên của các loại cây và thực vật quanh đây. Suốt hơn 80 năm, dường như bà đã dành cả cuộc đời để biến vùng đất cằn cỗi bạt ngàn ở bang Karnataka, miền nam Ấn Độ, quê hương bà, thành những khu rừng rậm rạp.

Trong nhiều năm trời, bà Gowda nhận được hàng chục giải thưởng vinh danh cho loạt cống hiến trong công tác bảo tồn. Năm ngoái, nhờ nỗ lực cải tạo cây cối và kiến thức bà đóng góp cho hệ sinh thái rừng mà Gowda được chính phủ trao giải Padma Shri, một trong những giải thưởng dân sự cao quý nhất quốc gia.

Giành được giải thưởng Padma Shri và còn được đưa tin khắp trên báo chí, bà Gowda dần được chú ý nhiều hơn. Mới đây, khi dân làng nhìn thấy bà, họ cúi đầu thể hiện sự tôn trọng, trẻ em thì xin được chụp ảnh cùng. Thỉnh thoảng lại có xe buýt chở học sinh đến nhà bà, nơi bà đang sống cùng 10 người thân, gồm cả cháu chắt. “Lúc gặp tụi nhỏ, bà thấy hạnh phúc vô cùng. Trẻ con cần được dạy về tầm quan trọng của việc trồng cây”, bà nói.

Ngày nhận giải, bà Gowda đi chân đất lên nhận huy chương giải thưởng Padma Shri tại Rashtrapati Bhavan, dinh thự của Tổng thống ở New Delhi. Bà kể cả đời mình đều đi chân đất, không quen đi giày, và điều này thì không có gì kỳ lạ đối với các thành viên trong bộ lạc của bà.

Nữ thần cây Ấn Độ: Chẳng nhớ tuổi mình chỉ nhớ tên cây, dành phần lớn cuộc đời để hồi sinh cánh rừng bạt ngàn - Ảnh 2.

Bà Gowda đang sống cùng 10 thành viên trong gia đình.

Theo cuộc điều tra dân số hoàn thành gần đây nhất vào năm 2011, có khoảng 700 bộ lạc tại Ấn Độ, với tổng dân số là 104 triệu người. Trong số đó, hơn 600 cộng đồng là “bộ lạc được định danh” (scheduled tribe), có nghĩa là họ nhận được một số lợi ích nhất định của chính phủ, gồm ưu tiên trong các cơ sở giáo dục và công việc nhà nước.

Bộ lạc của bà Gowda, Halakki-Vokkaligas (dân số khoảng 180.000 người) lại chưa bao giờ nằm trong số đó. Các thành viên trong bộ lạc, những người gìn giữ khu rừng nhiệt đới rộng lớn ở vùng núi phía tây của bang trong nhiều thế kỷ, đã vận động chính quyền để được “định danh” kể từ năm 2006.

Shridhar Gouda, một giáo viên tại Đại học Karnataka đã nghiên cứu về cộng đồng này trong nhiều thập kỷ, cô cho biết tỷ lệ nghèo ở Halakki-Vokkaligas là khoảng 95%, và chỉ 15% từng hoàn thành một cấp học bất kỳ. Tại Uttara Kannada, quận mà bà Gowda sống, đường sá không được trải nhựa, trường học thường không hoạt động và không có bệnh viện cấp cứu, mặc dù đây là một trong những quận lớn nhất bang.

Các cháu gái, cháu trai bà sở hữu một mảnh đất riêng và gieo trồng hạt giống trên đó, đồng thời họ cũng nhận làm thuê trên đất của người khác. Khu rừng xung quanh thì là nguồn cung cấp thảo dược và củi cho gia đình. Bộ tộc của bà được biết đến với kiến thức sâu rộng về các loại thảo dược chữa bệnh. Có lẽ, sống trong điều kiện mà cơ sở vật chất y tế không thực sự đầy đủ, người ta chỉ còn biết kiếm tìm và trông chờ vào các loại thảo dược, cây thuốc quý.

“Nữ thần cây” giúp hồi sinh những cánh rừng

Khi Ấn Độ còn nằm dưới sự cai trị của nước Anh, thực dân Anh đã phá rừng lớn để khai thác gỗ đóng tàu và xây dựng đường ray. Hành động này đã quét sạch phần lớn diện tích rừng của quận Uttara Kannada, quê hương Gowda.

Sau khi Ấn Độ giành được độc lập vào năm 1947, các nhà lãnh đạo nước này tiếp tục khai thác rừng để phục vụ hoạt động công nghiệp hóa và đô thị hóa quy mô lớn. Theo số liệu của chính phủ, từ năm 1951 đến 1980, khoảng 4,2 triệu ha đất, tương đương khoảng 10,4 triệu mẫu Anh, là dành cho các dự án phát triển.

Nữ thần cây Ấn Độ: Chẳng nhớ tuổi mình chỉ nhớ tên cây, dành phần lớn cuộc đời để hồi sinh cánh rừng bạt ngàn - Ảnh 3.

Bà Gowda chưa bao giờ học đọc, nhưng từ nhỏ bà đã ý thức được tầm quan trọng của thiên nhiên, vì thế bà cật lực trồng cây để ngăn việc chặt phá rừng địa phương. Trong những chuyến đi rừng để kiếm củi hồi nhỏ, mẹ bà đã dạy cách trồng cây từ hạt giống to lớn, khỏe mạnh. Người dân địa phương và các quan chức Ấn Độ cho biết, lúc còn ở độ tuổi thiếu niên, bà đã biến khu đất trống phía sau ngôi nhà của gia đình mình thành khu rừng rậm rạp.

Đến năm 1983, các chính sách bảo tồn của chính phủ thay đổi. Năm đó, một quan chức lâm nghiệp hàng đầu Ấn Độ, Adugodi Nanjappa Yellappa Reddy, đến một vườn ươm chính phủ (nơi trồng cây lấy giống) ở Karnataka. Ông gánh trên vai nhiệm vụ đầy thử thách: trồng cây trên mảnh đất bạt ngàn trong khu vực.

Trong ngày đầu đi làm, dưới cái nắng oi ả, ông gặp bà Gowda làm việc tại vườn ươm. Lúc ấy, bà đang tách những viên đá nhỏ ra khỏi đất và tỉ mỉ gieo hạt, trồng cây non. Ông Reddy, 86 tuổi, hiện đã nghỉ hưu, nói: “Đôi tay của bà như nắm giữ phép màu. Gowda có kiến thức rất đáng nể về các loài thực vật bản địa và cách thu thập, chăm sóc cây. Và kiến thức này thì không thể tìm thấy trong bất kỳ cuốn sách nào”.

Ông Reddy nói, bà Gowda đã trở thành cố vấn đắc lực của ông. Kể từ khi làm việc với ông Reddy, bà tiếp tục nhận được nhiều sự chú ý hơn, có người còn trân trọng gọi bà là “nữ thần cây”.

Nữ thần cây Ấn Độ: Chẳng nhớ tuổi mình chỉ nhớ tên cây, dành phần lớn cuộc đời để hồi sinh cánh rừng bạt ngàn - Ảnh 4.

Bà Gowda vẫn đang làm việc tại vườn ươm chính phủ.

Bà Gowda đã làm việc 48 năm trong vườn ươm chính phủ. Dù chính thức nghỉ hưu vào năm 1998, bà vẫn tiếp tục làm việc ở đó thêm 15 năm nữa với vai trò cố vấn - chia sẻ kiến thức sâu rộng của mình về cây cối địa phương.

Bà nói mình thấy mệt khi nói chuyện lâu với du khách, nhưng chỉ cần đi dạo qua cánh đồng lúa và xuyên qua khu rừng rậm đầy cây Acacia (cây gỗ keo) là bà như được tiếp thêm sinh lực. Trong lúc đi bộ, bà thường dừng lại để nhẩm tên của các loại cây và thực vật bằng ngôn ngữ Kannada mẹ đẻ của mình.

Những tháng gần đây, ngày càng có nhiều người đến nhà xin được gặp bà. Thông thường họ sẽ hỏi bà về hiện tượng biến đổi khí hậu. Bà thú thực mình chẳng hiểu đó là gì, bà chỉ quan tâm cây cối và động vật đang bị xâm phạm không gian, cùng với đó là sự tàn phá quy mô lớn về đất rừng và hệ sinh thái. Bà cũng cảm giác rằng gió mùa trong khu vực trở nên thất thường và nguy hiểm hơn. Lũ lụt và đất sụt lún cũng giết chết nhiều người.

“Đảo ngược sự tàn phá để hồi sinh cây sẽ mất rất nhiều thời gian”, bà nhận định về việc phủ xanh lại các vùng đất trơ trọi, nhưng đồng thời cũng bày tỏ sự lạc quan về tương lai. “Khi bà nhìn những cánh rừng trù phú ở đây, bà thấy cuộc sống con người vẫn có thể phát triển mà không cần phải đốn hạ cây”.

Từ lúc thành “người nổi tiếng”, được người làng kính trọng và du khách tìm gặp liên tục, cá nhân bà Gowda lại thấy không có gì khác biệt. Hội đồng làng ưu ái xây một cây cầu gỗ bên ngoài nhà để bà băng qua con suối nhỏ tiện hơn, nhưng bà không bao giờ sử dụng cầu và vẫn lội suối như thường.

Bà Gowda cho biết gần đây cơ thể bà yếu dần đi, bà nghĩ nhiều đến hành trình rời xa trần thế: “Sự ra đi đẹp nhất là sự ra đi dưới bóng một cây đại thụ với cành lá sum suê. Bà yêu cây cối hơn bất cứ thứ gì khác trong đời mình”. Bà bảo, khi qua đời, bà muốn mình được tái sinh dưới dáng hình của một cây đại thụ vĩ đại.

Theo Đông Hà

Phụ nữ Việt Nam

Trở lên trên