Nữ tỉ phú Nguyễn Thị Phương Thảo: Thay đổi định kiến về nữ giới trong chuyển đổi số
Dành cơ hội tuyển dụng cho nữ trong các lĩnh vực công nghệ, kĩ thuật cao sẽ thúc đẩy thay đổi tư duy, nhận thức trong định hướng nghề nghiệp của người trẻ, thay đổi định kiến của xã hội về giới.
Nữ tỉ phú Nguyễn Thị Phương Thảo đã phát biểu như vậy tại hội thảo cấp cao toàn cầu của UNESCO, tổ chức trực tuyến kết nối giữa các quốc gia trong UNESCO nhằm thúc đẩy các giải pháp hỗ trợ cho trẻ em gái.
Bất bình đẳng giới trong tiếp cận tài nguyên số
Mới đây, UNESCO, Quỹ Varkey và Quỹ Văn hóa của Tập đoàn CJ đã đồng tổ chức hội thảo cấp cao với chủ đề "Xây dựng băng thông: Thúc đẩy sự tiếp cận kỹ thuật số, kỹ năng số và học tập trực tuyến của trẻ em gái". Hội thảo thông qua hình thức trực tuyến, với sự tham gia của các lãnh đạo thuộc khu vực công, tư, và nhân đạo trên thế giới như bà Audrey Azoulay, Tổng giám đốc UNESCO; bà Helen Grant, đặc phái viên của Thủ tướng Anh về giáo dục trẻ em gái; Tiến sĩ Phumzile Mlambo- Ngcuka, Phó Tổng thư ký Liên hiệp quốc, Giám đốc điều hành UN Women…
Nữ doanh nhân Nguyễn Thị Phương Thảo là đại diện duy nhất thuộc khối doanh nghiệp của Việt Nam tham gia sự kiện.
Theo báo cáo của Liên minh Viễn thông quốc tế năm 2020, có những khoảng cách về giới rất rõ rệt trong việc tiếp cận kĩ thuật số tại các quốc gia chậm phát triển nhất – nơi chỉ có khoảng 15% phụ nữ sử dụng Internet, trong khi tỉ lệ này ở nam giới là 28%. Ở những nơi nghèo hơn, tỉ lệ phụ nữ có điện thoại di động ít hơn so với nam giới là 8%, và phụ nữ sử dụng Internet trên điện thoại di động ít hơn nam giới là 20%.
Trong bối cảnh các hệ thống giáo dục trên toàn thế giới buộc phải chuyển hướng đột ngột sang giáo dục trực tuyến do dịch COVID-19 và dự đoán xu thế này sẽ tiếp tục sau đại dịch, các chuyên gia cho rằng bất bình đẳng về giới trong việc tiếp cận tài nguyên số có thể dẫn đến những rào cản đáng kể cho giáo dục của trẻ em gái.
"Tất cả chúng tôi đều lo rằng sau đại dịch, có thể hai bé trai sẽ quay trở lại trường học nhưng chỉ một bé gái làm được như vậy. Chúng ta phải thay đổi điều đó", bà Henrietta H. Fore, Giám đốc điều hành UNICEF, phát biểu tại hội nghị.
Ông Krishnan Gopi, Giám đốc đổi mới công nghệ Tập đoàn giáo dục GEMS (Các tiểu Vương quốc Ả Rập thống nhất), khẳng định: "Để đạt được bình đẳng giới, các bé gái phải được tiếp cận công nghệ, đào tạo số một cách bình đẳng và một môi trường Internet an toàn hơn".
Bà Nguyễn Thị Phương Thảo, cho rằng về lí thuyết, không có giới hạn nào với phụ nữ tham gia vào quá trình chuyển đổi số. Nhưng thực tế bức tranh không phải màu hồng. Bà Phương Thảo dẫn chứng: "Tại Việt Nam, chỉ có 25% sinh viên có định hướng theo ngành khoa học máy tính là nữ mặc dù cơ hội việc làm trong ngành công nghệ thông tin đang cực kỳ bùng nổ. Nguyên nhân ở đây chủ yếu là do tư duy, nhận thức của xã hội còn định kiến với nữ giới trong ngành công nghệ thông tin".
Nâng cao tiếp cận giáo dục trực tuyến cho trẻ em gái
Nữ doanh nhân đại diện cho Việt Nam, là tiến sĩ về tự động hoá, cũng là người dẫn dắt việc đón đầu xu hướng công nghệ mới, cho biết khi đi vào hoạt động, Vietjet đã mang tới cuộc cách mạng khi thay thế vé máy bay in giấy bằng vé điện tử, kéo theo sự thay đổi của các hãng hàng không khác tại Việt Nam.
Vừa qua, khi đại dịch Covid 19 bùng phát, công ty của bà đã hỗ trợ Quỹ Vaccine của Chính phủ xây dựng website đóng góp trực tuyến. Lần đầu tiên, sự kiện hoà nhạc quốc tế trực tuyến được tổ chức, thu hút sự ủng hộ cho Quỹ. Trong chưa đầy 2 tháng, Quỹ Vaccine đã nhận được đóng góp số tiền hơn 350 triệu USD.
Theo nữ tỉ phú, tại Tập đoàn Sovico, 47% trong số 32.000 cán bộ nhân viên là nữ. Tại Vietjet, trong số 6.000 nhân viên có 36% là nữ dù ngành hàng không vốn là "địa hạt" của nam giới. Hãng cũng khuyến khích tuyển dụng, đào tạo rất nhiều phi công nữ, trong đó có nhiều người đã là cơ trưởng.
Bà Phương Thảo chia sẻ: "Nhờ khoa học và công nghệ, tôi và nhiều nữ doanh nhân khác có cơ hội hiện thực hóa ước mơ của mình", đồng thời nhấn mạnh: "Dành cơ hội tuyển dụng cho nữ trong các lĩnh vực công nghệ, kĩ thuật cao sẽ thúc đẩy thay đổi tư duy, nhận thức trong định hướng nghề nghiệp của người trẻ, thay đổi định kiến của xã hội về giới".
Bà Phương Thảo cho biết thúc đẩy bình đẳng giới trong giáo dục là một trong những ưu tiên của bà. Trong năm nay, Tập đoàn Sovico sẽ hoàn thành công trình Trung tâm Đổi mới sáng tạo dành cho các công ty khởi nghiệp công nghệ và sẽ dành hỗ trợ riêng cho start-up nữ. Giải cờ vua quốc tế hàng năm HDBank cũng sẽ nâng cao hơn tiền thưởng cho nhà vô địch nữ và các nữ kì thủ.
"Tôi sẽ tiếp tục nỗ lực để các bé gái được quan tâm trong giáo dục trực tuyến, để có được nhiều hơn đại diện, gương mặt nữ giới trong lĩnh vực khoa học, công nghệ, kĩ thuật, toán học và tôi sẽ luôn hành động vì một tương lai tươi sáng hơn dành cho phụ nữ, nhất là trong lĩnh vực công nghệ thông tin, chuyển đổi số", nữ tỉ phú khẳng định.
Kết thúc hội thảo, 30 nhà lãnh đạo toàn cầu đã cùng kí vào một lá thư ngỏ, kêu gọi sự tham gia của cộng đồng quốc tế cùng thực hiện các hành động cụ thể để nâng cao cơ hội tiếp cận giáo dục trực tuyến và nâng cao kỹ năng số cho trẻ em, đặc biệt là trẻ em gái.
Tại Việt Nam, bà Kamala Harris, Phó tổng thống Mỹ, cũng vừa kết thúc chuyến thăm Việt Nam, khởi động những dự án lớn và để lại những dấu ấn tốt đẹp giữa đại dịch COVID-19.