MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

“Nữ tướng” Dược Tâm Bình qua lăng kính con trai

12-03-2021 - 08:00 AM | Sống

“Nữ tướng” Dược Tâm Bình qua lăng kính con trai

“Đau lưng mỏi gối tê tay/ Bà con cô bác mua ngay Tâm Bình”… là những câu thơ dễ nhớ, dễ thuộc mà nhiều người xem truyền hình đã nghe. Phía sau những vần thơ ấy là cả một câu chuyện dài về cách làm Truyền thông và xây dựng thương hiệu độc đáo của TGĐ Lê Thị Bình”.

Cùng trò chuyện với con trai TGĐ Lê Thị Bình - Thạc sỹ Nguyễn Minh Hoàng, Giảng viên Trường Đại học Dược Hà Nội, Trưởng phòng Truyền thông - Marketing Công ty Dược phẩm Tâm Bình, để hiểu hơn về người phụ nữ quyền lực đứng sau những thành công của Tâm Bình.

“Nữ tướng” Dược Tâm Bình qua lăng kính con trai - Ảnh 1.

Dược sĩ Lê Thị Bình- TGĐ Công ty Dược phẩm Tâm Bình

Chúc mừng Tâm Bình vừa được vinh danh trong top 5 Công ty Đông dược uy tín Việt Nam năm 2020. Với một đơn vị dược phẩm tuổi đời còn trẻ nhưng đã đạt được nhiều thành tích đáng tự hào. Theo anh, điều gì làm nên thành công của Dược phẩm Tâm Bình hôm nay?

Tôi nghĩ Tâm Bình thành công bởi 2 yếu tố: Thứ nhất, các sản phẩm của Tâm Bình chất lượng, hiệu quả và giá cả hợp lý. Thứ 2 là cách truyền thông độc đáo, ấn tượng. Thực tế ban đầu, chúng tôi đơn giản nghĩ rằng, chỉ cần sản phẩm chất lượng, hiệu quả thì mọi người sẽ tìm đến. Tuy nhiên, sau một thời gian hoạt động, chúng tôi nhận ra, sản phẩm tốt mà không tuyên truyền, không đưa thông tin đến với người dân thì rất ít người biết để dùng. Vì vậy, chúng tôi đẩy mạnh truyền thông-marketing và thấy hiệu quả rõ rệt.

Nhân tiện anh đang nói về cách làm truyền thông, tôi rất ấn tượng vì mỗi sản phẩm của Tâm Bình đều gắn với những câu thơ rất giản dị, gần gũi. Từ đâu Tâm Bình lại hướng về cách truyền thông này?

Thường thì cách làm truyền thông sẽ gắn với tính cách và định hướng của người đứng đầu. Mẹ tôi là một người rất yêu thơ, nhất là thơ lục bát. Tình yêu thơ của mẹ cũng lan tỏa tới những người xung quanh nên nhân viên Tâm Bình, nhiều người làm thơ hay lắm. Trong các dịp lễ, tết, hay ngày thành lập công ty, mọi người làm thơ và chia sẻ trên group chung của công ty, ai cũng hào hứng và tham gia rất nhiệt tình. Một điều đặc biệt là có rất nhiều bệnh nhân sử dụng sản phẩm của Tâm Bình thấy hiệu quả cũng gửi thơ về cảm ơn công ty và cá nhân mẹ tôi.

Trong hơn 10 năm Tâm Bình có mặt trên thị trường, chúng tôi nhận được hàng nghìn bài thơ của các bệnh nhân trên mọi miền tổ quốc gửi về, đó là tình cảm quý giá mà không phải doanh nghiệp nào cũng có được. Mới đây chúng tôi đã cho ra mắt tập thơ "Tâm Bình trong tôi" do NXB Hội Nhà văn phát hành. Có thể nói, thơ ca đã gắn bó với tất cả các hoạt động của công ty mà trong đó, nổi bật nhất là quảng cáo.

Tâm Bình thành công là nhờ cách truyền thông ấn tượng và độc đáo của mẹ anh - TGĐ Lê Thị Bình. Khi tiếp nhận công việc này, áp lực lớn nhất của anh là gì?

Khách hàng của Tâm Bình chủ yếu là những người trung niên nên tiêu chí đặt ra cho các sản phẩm truyền thông là sự gần gũi, chân thành và mộc mạc. Những câu thơ gắn với các sản phẩm như "Đau lưng mỏi gối tê tay/Bà con cô bác mua ngay Tâm Bình" hay "Rối loạn tiêu hóa chớ lo/ Đại tràng ổn định là do Tâm Bình …đều rất dễ nhớ, dễ thuộc.

Khi phát sóng trên truyền hình mọi người luôn nhớ đến, nhờ đó sản phẩm của Tâm Bình cũng được nhiều người biết đến. Có thể nói, cách truyền thông ấy đã tạo nên dấu ấn của Tâm Bình. Khi tiếp nhận vị trí Trưởng phòng TT-MKT của công ty, áp lực của tôi là làm sao để tạo nên những sản phẩm truyền thông vừa độc đáo, ấn tượng đúng phong cách Tâm Bình nhưng vẫn phải mang dấu ấn thời đại 4.0, để lan tỏa tới những đối tượng khách hàng trẻ hơn.

Thị trường dược phẩm của Việt Nam hiện nay rất đa dạng, vậy theo anh, các sản phẩm của Tâm Bình có ưu thế gì so với thương hiệu khác?

Tôi nghĩ ưu thế lớn nhất của Tâm Bình chính là giá cả phù hợp với số đông người Việt Nam. Mẹ tôi sinh ra trong gia đình có truyền thống làm thuốc lâu đời, từ bé được chứng kiến bà và mẹ thương yêu, giúp đỡ người bệnh, chữa miễn phí cho người nghèo. Vì vậy khi thành lập Công ty Dược phẩm Tâm Bình, mẹ luôn đặt cái tâm của người thầy thuốc lên đầu, lúc nào cũng chỉ nghĩ cho người bệnh. Mẹ luôn trăn trở làm sao để tạo ra các sản phẩm chất lượng, hiệu quả và giá thành thấp nhất để người nghèo cũng có cơ hội được dùng thuốc tốt.

“Nữ tướng” Dược Tâm Bình qua lăng kính con trai - Ảnh 2.

Thạc sỹ Nguyễn Minh Hoàng nhận giải thưởng Hàng Việt Nam chất lượng cao

Khi tiếp xúc với TGĐ Lê Thị Bình, tôi thấy chị rất giản dị, gần gũi. Thế nhưng lại chi rất mạnh tay cho các hoạt động truyền thông. Từ góc nhìn của mình, anh thấy điều đó thế nào?

Tôi thấy mẹ là một người có hai nét tính cách đối lập. Mẹ tôi là người sống rất tiết kiệm nhưng với những khoản cần chi mẹ lại rất mạnh tay. Những hợp đồng quảng cáo tiền tỷ, mẹ ký rất nhanh. Mẹ luôn dạy chúng tôi phải biết quý trọng đồng tiền và biết chi tiêu hợp lý.

Cũng nhờ biết cách quản lý chi tiêu nên mẹ kiểm soát dòng tiền của doanh nghiệp rất tốt, vì vậy chúng tôi chưa bao giờ phải vay nợ ngân hàng. Chuyện này nói ra chắc ít người tin nhưng đó là sự thật vì Tâm Bình phát triển theo hướng lấy ngắn nuôi dài, mở rộng từ từ và không đầu tư dàn trải. Trong kinh doanh, việc vay mượn ngân hàng là rất bình thường vì đây là "đòn bẩy tài chính", giúp doanh nghiệp phát triển nhanh và mạnh. Do đó đây cũng là hạn chế vì mẹ quá chắc chắn và muốn an toàn.

“Nữ tướng” Dược Tâm Bình qua lăng kính con trai - Ảnh 3.

Dược phẩm Tâm Bình nhận giải thưởng Top 5 Công ty đông dược Việt Nam uy tín.

Các doanh nghiệp gia đình thường gặp phải một vấn đề trong quản lý, đó là sự không rõ ràng giữa công việc và gia đình. Cá nhân anh thấy thế nào?

Tôi nghĩ không riêng Tâm Bình mà bất kỳ doanh nghiệp gia đình nào cũng sẽ gặp vấn đề này. Việc quản lý doanh nghiệp xét đến cùng vẫn chính là quá trình làm việc cùng với các cá nhân, các nhóm, các phòng ban cũng như các nguồn lực để làm sao mang lại hiệu quả cao nhất trong công việc.

Yếu tố gia đình đôi khi là sự thuận lợi bởi tính cam kết để hướng đến việc duy trì từ thế hệ này sang thế hệ khác, nhưng cũng là trở ngại vì trong công việc là mối quan hệ giữa nhân viên và sếp còn trong gia đình lại là mối quan hệ giữa bố mẹ và con cái.

Giữa hai cái này mẹ vẫn chưa rạch ròi được, đôi khi người khác làm sai thì mẹ phân tích, điều chỉnh để họ làm tốt hơn nhưng nếu tôi làm sai, mẹ sẽ nói rất nặng vì mẹ kỳ vọng vào tôi và nghĩ rằng tôi phải làm tốt hơn thế.

Ở công ty, mẹ là người quyết đoán nên về nhà, nhiều khi mẹ cũng áp đặt, khiến tôi không thoải mái. Chúng tôi đã có những cuộc đối thoại thẳng thắn, mẹ cũng nhìn nhận tiếp thu và mẹ xin thêm thời gian để thay đổi dần dần (cười)…

Vậy khi anh theo học nghề dược có phải là quyết định của mẹ không?

Con đường học vấn là do tôi tự chọn lựa, mẹ chỉ phân tích và định hướng thôi. Nói về quyết định học dược của mình, tôi nghĩ phải đi từ nền tảng gia đình trước. Gia đình tôi có truyền thống làm thuốc lâu đời nên từ nhỏ tôi đã thường xuyên tham gia vào việc cắt rửa dược liệu và bán hàng ở quầy thuốc.

Khi tiếp xúc với các bệnh nhân, nghe những câu chuyện của họ, tôi cảm thấy rất xúc động. Có nhiều người bệnh ở quê rất xa, vượt hàng trăm km lên tận nơi để cảm ơn nhà thuốc vì nhờ có sản phẩm của Tâm Bình mà bệnh tật đã ổn định, cuộc sống vui vẻ trở lại.

Đặc biệt có rất nhiều bệnh nhân nghèo không có điều kiện chữa bệnh, mẹ về tận nơi khám và bốc thuốc, chứng kiến hình ảnh ấy, tôi thấy yêu nghề thuốc và quyết định học dược để có thể giúp đỡ mọi người.

“Nữ tướng” Dược Tâm Bình qua lăng kính con trai - Ảnh 4.

Gia đình hạnh phúc của TGĐ Lê Thị Bình

Đồng hành cùng mẹ được một thời gian, điều gì ở Dược sỹ Lê Thị Bình khiến anh khâm phục nhất?

Mẹ là hình mẫu của sự chỉn chu, nề nếp, kỷ cương và rất tâm huyết với công việc. Đã quyết tâm là làm đến cùng, quyết liệt, táo bạo cho đến khi có kết quả mới thôi. Mỗi khi chuẩn bị nghiên cứu công thức một sản phẩm mới, mẹ luôn trăn trở đến mất ăn mất ngủ.

Khi ra thành phẩm, mẹ hào hứng chia sẻ với mọi người, nhìn mẹ lúc đó tôi hiểu rằng, với người làm chuyên môn, việc tạo ra một sản phẩm mới có ý nghĩa nhường nào. Làm việc với mẹ, không chỉ riêng tôi mà tất cả CBNV Tâm Bình đều học được tính kỷ luật và trách nhiệm với công việc.

Thế còn trong cuộc sống, mẹ anh là người như thế nào?

Mẹ tôi là người sống giản dị, chân thành và gần gũi. Trong công việc, mẹ đối xử với mọi người như gia đình, hướng dẫn mọi người từng ly từng tí. Điều đặc biệt là dù bận việc đến đâu, mẹ cũng luôn thu xếp để gia đình được quây quần bên nhau.

Hạnh phúc lớn nhất của mẹ là mỗi ngày đi chợ và chuẩn bị các bữa cơm cho chồng, cho con. Ở công ty mẹ là người phụ nữ quyền lực nhưng khi về đến nhà, mẹ trở thành người phụ nữ của gia đình. Mẹ tôi là người rất chăm chỉ và thích làm các công việc nội trợ như nấu ăn, dọn dẹp nhà cửa, trồng rau, chăm hoa, cắt may đồ cho gia đình….

Đến bây giờ, mẹ vẫn giữ chiếc máy khâu bà ngoại tặng gần 40 năm trước và dùng thường xuyên. Có thể nói, sự chăm chỉ và cầu toàn của mẹ khiến những người ở gần rất áp lực nhưng tôi nghĩ đó cũng là điều giúp tôi nhìn lại mình và luôn cố gắng để hoàn thiện bản thân.

Cảm ơn những chia sẻ của anh!

Ánh Dương

Nhịp sống kinh tế

Trở lên trên