Nửa nhiệm kỳ: Hạ tầng giao thông TP.HCM chưa đạt được như kỳ vọng
Đột phá hạ tầng giao thông là một trong 3 đề án thành phần, thuộc chương trình đột phá được Đại hội Đảng bộ TP.HCM lần thứ XI đề ra. Nhìn lại nửa nhiệm kỳ triển khai Nghị quyết, dù rất nỗ lực nhưng kết quả vẫn chưa đạt được như kỳ vọng.
- 22-07-2023Vì sao phải lập ban chỉ đạo dự án đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam?
- 22-07-2023Nơi người dân có thu nhập bình quân đầu người cao nhất Việt Nam
- 22-07-2023Đề xuất điều chỉnh giá điện 3 tháng/lần: Chuyên gia, doanh nghiệp nói gì?
Nỗ lực, quyết tâm cao
Cầu Ba Son bắc qua sông Sài Gòn chính thức thông xe từ ngày 30/4/2022, đúng dịp kỷ niệm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, từ đó đưa TP.Thủ Đức gần hơn với Quận 1, trung tâm hành chính, thương mại lớn nhất của TP.HCM. Đây là một trong những dự án giao thông trọng điểm của TP.HCM được đưa vào sử dụng trong nửa nhiệm kỳ thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ TP.HCM lần thứ XI.
Bên cạnh biểu tượng mới của thành phố là cầu Ba Son, TP.HCM cũng đã hoàn thành và đưa vào sử dụng một số dự án, như: đường Đặng Thúc Vịnh, đường Tô Ký ở quận 12, đường Nguyễn Hữu Cảnh ở quận Bình Thạnh, dự án cải tạo kênh Nước Đen ở quận Bình Tân….
Tại Hội nghị đánh giá giữa nhiệm kỳ thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ TP.HCM lần thứ XI mới đây, Ủy viên Bộ Chính trị - Thường trực Ban Bí thư, Trưởng ban Tổ chức Trung ương Trương Thị Mai nhận xét: “TP.HCM gần đây tiếp tục tập trung đầu tư đưa vào sử dụng nhiều công trình hạ tầng trọng điểm, nhất là những công trình liên quan giao thông. TP.HCM cũng đẩy mạnh công tác chuẩn bị để triển khai các dự án giao thông trọng điểm kết nối Vùng như: Vành đai 2, Vành đai 4, Cao tốc TP.HCM- Mộc Bài. Tôi nhìn thấy quyết tâm rất cao của thành phố trong triển khai vấn đề này”.
Đột phá phát triển hạ tầng TP.HCM là một trong ba chương trình trọng điểm được Nghị quyết Đại hội XI của Đảng bộ TP.HCM đặt ra. Riêng hạ tầng về giao thông đô thị, TP.HCM có đề án phát triển hạ tầng giao thông giai đoạn 2020 – 2030. Chương trình đặt ra mục tiêu không chỉ phát triển hệ thống giao thông nội vùng nhằm tạo nên sự đồng bộ về kết cấu hạ tầng, tạo môi trường, mở rộng không gian để phát triển kinh tế- xã hội mà còn kết nối các địa phương trong Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam.
Thực tế thời gian qua, để triển khai kết nối giao thông liên Vùng, lãnh đạo TP.HCM đã có rất nhiều cuộc làm việc, gặp gỡ lãnh đạo Đồng Nai, Bình Dương… về phối hợp, triển khai, phát triển các dự án giao thông vùng. Đồng thời, thực hiện rất khẩn trương khi các dự án được Trung ương thông qua.
Cụ thể như dự án Vành đai 3, ngay sau khi Quốc hội thông qua Nghị quyết số 57 ngày 16/6/2022, Chính phủ thông qua Nghị quyết 105 ngày 15/8/2022, công trình giao thông lịch sử Vành đai 3 được TP.HCM, Đồng Nai, Bình Dương và Long An tái khởi động sau gần 12 năm phê duyệt quy hoạch, tạo đà để các dự án liên vùng tiếp theo như Vành đai 2, Vành đai 4 được triển khai.
Không chỉ kết nối vùng bằng hệ thống giao thông đường bộ, TP.HCM còn bổ sung, cập nhật quy hoạch kết nối vùng vào hệ thống đường sắt quốc gia, như tuyến đường sắt nhẹ TP. Thủ Đức với TP.Biên Hòa của tỉnh Đồng Nai; kéo dài tuyến Metro số 1 về các tỉnh Đồng Nai, Bình Dương, hay xây dựng quy hoạch tuyến giao thông đường sông, đặc biệt là tuyến giao thông trên sông Sài Gòn….
Đầu tư có trọng điểm
Nhìn lại nửa chặng đường thực hiện Nghị quyết của Đại hội Đảng bộ TP.HCM lần thứ XI về tạo đột phá trong hạ tầng giao thông, TP.HCM đã đạt được những kết quả nhất định, khi đẩy nhanh triển khai dự án giao thông liên Vùng. Riêng trong nội vùng, TP.HCM đã đưa vào khai thác, sử dụng 16 công trình, dự án.
Tiến sĩ Nguyễn Hữu Nguyên, Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam cho rằng, việc triển khai những dự án giao thông như Vành đai 3 là cấp thiết và mang tính chiến lược, nhưng với các công trình trong nội vùng thành phố mới khai thác và sử dụng trong nửa nhiệm kỳ qua chỉ cải thiện được rất ít vấn đề giao thông, chưa đáp ứng được nhu cầu phát triển của thành phố. Ngành giao thông cần hướng quy hoạch và thực hiện các dự án trọng điểm ở vùng ven, ngoại thành.
“Nếu ở nội đô gần như là bão hòa rồi, không thể có diện tích mở giao thông thì phát triển giao thông bây giờ thuộc về phần ven ở bên ngoài. Thực hiện được việc đó, nhưng chúng ta phải tính cộng tất cả các dự án đã thành công và đã đưa vào sử dụng. So với tính hiệu quả thì rõ ràng là hiệu quả cải thiện không đáng kể đối với tình hình giao thông hiện nay là kẹt xe, ngập nước”, TS.Nguyễn Hữu Nguyên phân tích.
TP.HCM vừa có đánh giá về nửa nhiệm kỳ thực hiện đề án phát triển hạ tầng giao thông giai đoạn 2020 – 2030. Theo ông Trần Quang Lâm - Giám đốc Sở Giao thông Vận tải TP.HCM, đến nay, nhiều dự án giao thông của thành phố thực hiện còn chậm. Nguyên nhân do liên quan vấn đề bồi thường giải phóng mặt bằng, bồi thường hỗ trợ người dân tái định cư… Đặc biệt là nguồn vốn triển khai, thực hiện đề án mới chỉ đạt khoảng 30%.
“Trước đây khi xây dựng đề án từ đầu nhiệm kỳ Đại hội, chúng ta kỳ vọng tỉ lệ điều tiết ngân sách cho thành phố tăng. Chúng ta có rất nhiều hình thức PPP, tiếp theo nữa là BT, BOT trên đường cũ, nhưng Luật đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP) không cho phép. Ngoài ra, quan điểm kinh tế hạ tầng mới được triển khai, cho nên việc đầu tư triển khai thực hiện quy hoạch là chậm”, ông Trần Quang Lâm nhấn mạnh.
Nghị quyết 98 về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP.HCM vừa được Quốc hội thông qua và chính thức có hiệu lực từ ngày 1/8/2023 được kỳ vọng là giải pháp để TP.HCM tháo gỡ khó khăn trong huy động vốn thực hiện, triển khai các dự án giao thông. Song, để huy động nguồn lực xã hội nhất là trong giai đoạn nền kinh tế thời “hậu Covid-19 đang gặp nhiều khó khăn không phải dễ dàng. Trong bối cảnh này, giải pháp cần là đầu tư, triển khai các dự án giao thông trọng điểm, thiết yếu, đáp ứng nhu cầu cấp thiết của người dân, để thúc đẩy kinh doanh sản xuất phát triển. Có như vậy, Nghị quyết của Đảng bộ TP.HCM mới sớm đi vào cuộc sống.
VOV