Nước chứa ion kiềm có thực sự "thần thánh" đến mức chữa được bệnh hiểm nghèo? Hãy nghe các chuyên gia lý giải vì sao bạn đừng lãng phí thời gian và tiền bạc
Vài năm gần đây, nước uống có tính kiềm được quảng cáo rất nhiều trên các phương tiện truyền thông với khả năng cân bằng chỉ số pH trong cơ thể, giúp hạn chế các triệu chứng đau nhức, mệt mỏi, thậm chí chữa được các bệnh hiểm nghèo... Vậy nước uống có tính kiềm có thực sự tốt như vậy?
- 31-10-2018GLOBOCAN công bố 5 loại bệnh ung thư có nhiều người mắc và tử vong nhất hiện nay
- 31-10-2018Phong trào "anti-vaccine" khiến dịch sởi quay lại tấn công Châu Âu và nước Mỹ
Thực tế, chưa có nghiên cứu chính thống nào khẳng định nước kiềm đem lại lớn ích lớn hơn cho sức khỏe, so với nước máy. “Tất cả là để bán hàng”, ông Tanis Fenton – một chuyên gia dinh dưỡng và dịch tễ học cho biết trên NY Times.
Thang đo pH có thể cho biết chất lỏng có tính axit cao hơn (pH thấp hơn) hoặc tính kiềm (pH cao hơn). Nước tinh khiết có độ pH trung bình là 7 trong khi nước máy thì không cố định bởi còn phụ thuộc vào hàm lượng khoáng chất của từng vùng. Bạn không biết nhưng hầu hết các loại nước đóng chai đều hơi chua, chưa kể đến các loại nước hoa quả và nước ép.
Những loại nước kiềm đóng chai trên thị trường hiện nay thường có độ pH từ 8 đến 10, được quảng cáo là để “tiếp thêm sinh lực” và “giải độc cơ thể”. Thậm chí một số lời "có cánh" còn cho rằng các sản phẩm này có thể chữa đau đầu và ngăn chặn ung thư. Nhưng sự thật lại chẳng được như thế!
Không hề có một bằng chứng nào cho thấy độ pH của nước uống vào có thể làm thay đổi độ pH của cơ thể. Máu của chúng ta được điều hòa để duy trì độ pH ở khoảng 7,4 trong khi đó tại dạ dày, axit tiết ra để tiêu hóa thức ăn và tiêu diệt các mầm bệnh nên rất chua, với độ pH ở khoảng 1,5 đến 3,5. Vì thế, dù bạn uống nước có tính kiềm nhẹ thì ngay khi trôi xuống dạ dày nó cũng sẽ bị axit hydrochloric trong dạ dày nhanh chóng “xử lý” trước khi nó thấm vào máu.
Tất nhiên, cũng có một số nghiên cứu nhỏ được tài trợ bởi các công ty bán nước có tính kiềm cho thấy nó có khả năng cải thiện hydrat hóa ở các vận động viên nhưng tất nhiên chỉ số này rất nhỏ và nó thậm chí còn chẳng tác động được nhiều bằng việc uống thật nhiều nước tinh khiết. Và một nghiên cứu năm 2016 của Tiến sĩ Fenton và một đồng nghiệp đã không tìm thấy bằng chứng cho thấy rằng nước kiềm hoặc chế độ ăn uống kiềm có thể điều trị hoặc ngăn ngừa ung thư.
Năm ngoái, một nghiên cứu đã công bố rằng: áp dụng chế độ ăn uống nhiều rau củ và uống nước kiềm có thể giúp giảm bớt các triệu chứng của trào ngược thực quản là có thật. Nhưng theo Tiến sĩ Craig Zalvan, tác giả chính của nghiên cứu và cũng là bác sĩ thanh quản tại Bệnh viện Phelps ở Sleepy Hollow thì những thay đổi đó chủ yếu đến từ chế độ ăn uống chứ ông cũng không tin nhiều ở tác dụng của nước kiềm mang lại.
Không chỉ thế, có những nguy cơ tiềm ẩn từ nước kiềm đã được manh nha cảnh báo. Một nghiên cứu trên chuột cho thấy, chúng có nguy cơ suy giảm và tổn thương cơ tim khi bị cho uống nhiều nước kiềm. Một báo cáo năm 2015 nói rằng, khi một nhà máy nước ở một thị trấn của Đức vô tình làm tăng độ pH của nước lên 12 thì đã có dấu hiệu bỏng da xảy ra sau đó. Mặc dù trong nước kiềm đóng chai không bao giờ có pH cao đến vậy nhưng đó là lời nhắc nhở, rằng độ pH cao không hẳn mang lại những điều tốt đẹp.
Trò chuyện với Trí thức trẻ bàn về việc nhiều quảng cáo cho rằng nước có ion kiềm có tác dụng chữa bệnh ung thư và rất nhiều loại bệnh khác, chuyên gia về an toàn thực phẩm Vũ Thế Thành cho biết: "Không có chuyện uống nước ion kiềm thì máu sẽ kiềm, tế bào sẽ kiềm, mô sẽ kiềm để phòng chống bệnh".
Ảnh: Trí thức trẻ.
Ông Thành giải thích, các mô ở khối u có tính axit hơn các mô khác thì điều này có thể đúng, vì tế bào ung thư tăng sinh rất nhanh và hỗn loạn…, nhưng không đủ oxy để "thở", nên phải thích nghi chuyển một phần tế bào sang hô hấp kỵ khí. Quá trình hô hấp này phát sinh axit lactic, nên mô ở khối u có tính axit hơn. Nhưng đây là hậu quả do ung thư gây ra, chứ không phải mô có tính axit gây ra ung thư.
Dạ dày có tính axit, da có tính axit..., không có nghĩa là dạ dày và da dễ bị ung thư. Do đó có kiềm hóa cơ thể hay không cũng chẳng liên quan gì đến rủi ro gây ra ung thư, hay làm khối u không tăng trưởng nữa.
Ông Thành cũng khẳng định, chữa trị ung thư là chạy đua với thời gian, không phải chuyện đùa để tốn thời gian với việc sử dụng nước uống có ion kiềm. Nên nếu bị bệnh, ông khuyên bệnh nhân nên đến bác sĩ chuyên khoa và tuân thủ phác đồ điều trị và chế độ ăn uống theo hướng dẫn của bác sĩ.
Cho đến nay, vẫn chưa có bằng chứng khoa học nào chứng tỏ nước kiềm ion đem lại lợi ích cho sức khỏe hay giảm rủi ro ung thư, chữa được ung thư. Hội Ung Thư Hoa Kỳ (American Cancer Society) không đưa ra khuyến cáo nên sử dụng nước uống loại này.
NY Times