Nước Mỹ là trên hết: Những kỷ lục 100 ngày 'trăng mật' Donald Trump
Trong 100 ngày đầu tiên làm Tổng thống Mỹ, cả thế giới và nước Mỹ từng khó đoán định cách điều hành của ông Donald Trump, nhưng nền kinh tế Mỹ thời kỳ đầu dưới "bàn tay" của “nội các tỷ USD” lại ghi nhận những con số kỷ lục chưa từng có.
- 27-04-2017Có gì trong kế hoạch thuế mới nhất của Tổng thống Donald Trump
- 26-04-2017100 ngày cầm quyền của Tổng thống Donald Trump: Lửa ít khói nhiều
- 21-04-2017Tổng thống Donald Trump yêu cầu điều tra thép nhập khẩu từ Trung Quốc
Kỷ lục nối đuôi nhau
Chỉ số công nghệ Nasdaq của Mỹ vừa ghi nhận một kỷ lục cao bất ngờ, ít người nghĩ tới: vượt ngưỡng 6.000 điểm, cao nhất mọi thời đại.
Đây là một kỷ lục, bởi trước đó, chỉ số Nasdaq một thời gian dài vật lộn với ngưỡng 5.000 điểm. Cách đây gần 2 thập kỷ, chỉ số Nasdaq vượt mốc 5.000 điểm nhưng nhanh chóng lao dốc sau khi bong bóng dot-com vỡ tung.
Chỉ số công nghệ của Mỹ còn tụt giảm một lần nữa trong thời kỳ khủng hoảng tài chính 2008 và chỉ lấy lại được mốc này trong năm 2015.
Chỉ số công nghệ Nasdaq vượt 6.000 điểm.
Trước khi "cú sốc" Nasdaq diễn ra, thị trường chứng khoán Mỹ cũng chứng kiến một cú tăng trưởng ngoạn mục, khi nhiều tháng liên tiếp chỉ số công nghiệp Dow Jones lần lượt vượt mốc 20.000, sau đó là 21.000 điểm.
Tốc độ tăng điểm của thị trường chứng khoán Mỹ thời điểm đầu “triều đại” Donald Trump được xem là thần kỳ. Chỉ số Dow Jones chỉ mất 24 phiên giao dịch để đi từ ngưỡng 20.000 lên 21.000 điểm, đánh dấu hành trình tăng thêm 1.000 điểm nhanh nhất trong lịch sử.
Trong 120 năm tồn tại, chỉ số chứng khoán Dow Jones của Mỹ cần hàng trăm, thậm chí hàng ngàn và vài chục ngàn phiên giao dịch để có thể tăng thêm mỗi 1.000 điểm.
Trong khi đó, chỉ trong chưa đầy 100 ngày Donald Trump tại vị, chỉ số Dow Jones đã 2 lần phá ngưỡng lịch sử. Ngày 25/1 ghi nhận thời khắc lịch sử, chỉ số Dow Jones lần đầu tiên vượt ngưỡng 20.000 điểm.
Chỉ số chứng khoán tầm rộng S&P 500 cũng tăng với tốc độ gần tương tự, tính từ khi ông Donald Trump thắng cử.
Trước đó Dow Jones phá 2 kỷ lục.
Đồng USD cũng đã bứt phá mạnh mẽ, có thời gian cuối 2016 đầu 2017 đe dọa tăng lên ngang bằng với euro, mức lịch sử kể từ năm 2002. Từ mức đáy 1 USD chỉ đổi được 0,6254 Euro hồi giữa năm 2008, đồng bạc xanh đã ghi nhận đợt hồi phục thứ nhất lên mức 1 USD đổi 0,8 Euro vào cuối năm 2008. Đợt sóng thứ 2 giữa 2010 kéo USD lên mức đổi được 0,84 Euro. Con sóng thứ 3 hồi đầu 2015 giúp USD lên gần 0,95 Euro.
Và lần này, sau cơn bão nước Anh chọn rời EU (Brexit), khủng hoảng hệ thống ngân hàng tại Italia, và đặc biệt chiến thắng của ông Donald Trump, đã kéo đồng USD vượt đỉnh cũ ghi nhận hồi đầu 2015 và vượt lên trên mức 1 Euro đổi 0,96 USD.
Vừa mừng, vừa lo
Chuỗi ngày liên tiếp phá kỷ lục của các chỉ số chứng khoán Mỹ là những phản ứng tích cực của giới đầu tư và thị trường trước những cam kết thúc đẩy nền kinh tế, tạo thêm việc làm của ông Donald Trump.
Tất nhiên, xu hướng hồi phục của nền kinh tế Mỹ được xác lập từ trước đó. Sau cuộc khủng hoảng tài chính 2008 (bắt nguồn từ Mỹ), nền kinh tế đã trụ vững và hồi phục sớm nhất, nhờ vào các chính sách xử lý nợ xấu và chính sách tiền tệ nới lỏng hợp lý.
Mặc dù vậy, không thể phủ nhận kỳ vọng của giới đầu tư vào triển vọng của nền kinh tế Mỹ sau khi ông Donald Trump lên nắm quyền là rất lớn. Tâm lý chung là lạc quan về bức tranh kinh tế Mỹ nói riêng và toàn cầu nói chung với niềm tin đặt vào những cam kết gia tăng chi tiêu tài khóa và cắt giảm thuế suất của ông Trump.
Cho tới thời điểm này, chính quyền Donald Trump đã công bố dự thảo cải cách thuế được coi là lớn nhất trong lịch sử nước Mỹ. Vẫn còn nhiều lo ngại, trong đó có vấn đề: chính quyền sẽ dựa vào nguồn thu nào để bù đắp cho thâm hụt ngân sách do cắt giảm thuế.
Ông Donald Trump đưa ra chính sách thuế mới.
Tuy nhiên, đây vẫn được xem là một cú hích lớn, một sự cải tổ thuế lớn nhất trong lịch sử. Theo đó, Mỹ giảm thuế thu nhập doanh nghiệp xuống còn 15% và sẽ chỉ đánh thuế một lần lên doanh thu của các công ty Mỹ đang hoạt động ở nước ngoài.
Với cải cách lần này, người được hưởng lợi dự kiến sẽ là: các tập đoàn, doanh nghiệp nhỏ, tầng lớp trung lưu và một số người giàu có.
Với quan điểm “ Nước Mỹ là trên hết ”, ông Donald Trump đang gây lo ngại về khởi đầu của một tiến trình bảo hộ, ảnh hưởng đến các khối, các liên kết thương mại toàn cầu.
Tuy nhiên, với nền kinh tế Mỹ, những phản ứng ban đầu lại trái ngược. Hàng loạt các doanh nghiệp lớn đã cam kết mang tiền từ nước ngoài về nước Mỹ đầu tư. Apple, Microsoft, Google, Cisco và Oracle đang đầu tư cả ngàn tỷ USD ở nước ngoài. Số tiền này nếu đem về Mỹ sẽ tạo ra một sự thay đổi lớn.
Sự phát triển bùng nổ của các công ty công nghệ Mỹ cùng với các chính sách ưu đãi thuế mới của chính quyền Donald Trump có thể sẽ giúp kinh tế Mỹ phát triển nhanh hơn, gắn liền với xu hướng phát triển chưa thấy điểm dừng của điện thoại thông minh, thương mại điện tử, mạng xã hội,...
Tốc độ tăng như vũ bão của chỉ số công nghệ Nasdaq có lẽ một phần cũng nhờ vào triển vọng của các tập đoàn công nghệ lớn như: Apple, Alphabet (công ty mẹ của Google), Microsoft và Facebook.
Ngay cả những chuyên gia có tiếng như nhà kinh tế đoạt giải Nobel Joseph Stiglitz cũng cho rằng, tự do hóa thương mại bỏ lại phía sau nhiều người. Câu chuyện điều hành của ông Donald Trump mới bắt đầu. Thế giới cần thêm thời gian để đưa ra phán xét. Còn trong 100 ngày đầu tiên, uy tín của ông Trump đang thấp kỷ lục.
Vietnamnet