MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Nước Mỹ trước giờ ông Trump nhậm chức

19-01-2017 - 08:53 AM | Tài chính quốc tế

Càng đến gần lễ tuyên thệ nhậm chức tổng thống của ông Donald Trump tại thủ đô Washington - Mỹ ngày 20-1, nỗi lo an ninh càng tăng theo.

Hơn 28.000 nhân viên an ninh cùng khoảng 7.800 vệ binh quốc gia đã được điều động bảo vệ các sự kiện liên quan kéo dài từ ngày 19 đến 21-1. Trước mắt, cả tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng và nhóm khủng bố al-Qaeda đang kêu gọi tấn công buổi lễ, thậm chí IS tuyên bố ý định ám sát ông Trump.

Ngoài việc đối phó mối đe dọa khủng bố, các lực lượng nêu trên còn có trách nhiệm không để người biểu tình cản trở giao thông, hoạt động của các trạm kiểm soát và bản thân các sự kiện. Ước tính 800.000-900.000 người sẽ tập trung tại Washington ngày 20-1 nhưng chưa rõ họ đến dự lễ nhậm chức hay biểu tình chống ông Trump, theo đài BBC.

Giám đốc Sở Mật vụ Mỹ Joseph Clancy đánh giá lực lượng an ninh đang đối mặt những mối đe dọa “chưa từng có” nhằm vào lễ nhậm chức, như phương thức tấn công bằng xe tải từng xảy ra ở TP Nice - Pháp và TP Berlin - Đức hồi năm ngoái.

Một kịch bản khác là người phản đối có thể tìm cách xông vào khu vực cấm - điều ít thấy trong những buổi lễ trước đó nhưng từng xảy ra trong chiến dịch vận động tranh cử vừa qua. Chưa hết, người từ bên ngoài thủ đô có thể mang vũ khí vào khu vực cấm trong thời gian diễn ra lễ. Sở Mật vụ hiện cấm mọi loại vũ khí được mang vào đó, ngay cả khi người dân có quyền mang súng.

Ngoài ông Trump cùng người thân và gia đình Tổng thống Barack Obama , một số cựu tổng thống và phó tổng thống Mỹ - như Jimmy Carter, Bill Clinton, George W. Bush, Dick Cheney - sẽ có mặt tại buổi lễ. Bà Hillary Clinton dự kiến cũng tham dự lễ nhậm chức của cựu đối thủ.

Nhà chức trách Mỹ chuẩn bị cho lễ tuyên thệ nhậm chức của tân tổng thống trong suốt nhiều tháng trời Ảnh: AP

Một tin không vui đến với ông Trump ngay trước khi vào Nhà Trắng. Các cuộc thăm dò mới nhất cho thấy công chúng Mỹ đã dành cho quá trình chuyển tiếp của ông Trump điểm số thấp kỷ lục.

Theo thăm dò của ABC News/Washington Post và CNN/ORC, chỉ 40% người được hỏi ủng hộ ông Trump, so với tỉ lệ lần lượt 79% và 84% dành cho ông Obama năm 2009. Thêm vào đó, theo thăm dò được Viện Gallup thực hiện 2 tuần trước lễ nhậm chức, 51% người Mỹ không tán thành cách ông Trump xử lý quá trình chuyển giao quyền lực, so với 44% ủng hộ.

Dĩ nhiên là tỉ phú bất động sản không đời nào chấp nhận những đánh giá tiêu cực nhằm vào mình. Hôm 17-1, ông Trump chỉ trích các cuộc thăm dò nêu trên là “giả mạo” và “lừa đảo”, đồng thời quả quyết số người đến dự lễ nhậm chức của mình sẽ đạt mức kỷ lục.

Làn sóng phản đối ông Trump còn gia tăng trong lòng chính trường Mỹ, thể hiện qua số lượng nghị sĩ Dân chủ tẩy chay lễ nhậm chức. Cho đến giờ, theo đài BBC, hơn 50 hạ nghị sĩ Dân chủ từ chối chứng kiến ông Trump tuyên thệ.

Mối bất hòa giữa 2 bên trở nên nghiêm trọng sau khi ông Trump công kích nghị sĩ John Lewis, một biểu tượng về hoạt động dân quyền Mỹ. Ông Lewis nói chiến thắng của ông Trump là bất hợp pháp do Nga đã can thiệp vào cuộc bầu cử hôm 8-11-2016. “Tôi sẽ không chúc mừng một người cổ xúy một nền chính trị chia rẽ và thù hận” - hạ nghị sĩ bang Minnesota Keith Ellison viết trên mạng xã hội Twitter.

Theo Lục San

Người lao động

Trở lên trên