Nuôi đứa con bại não của cô gái quán bia suốt 25 năm, bà bán vé số đau đáu: "Phương ơi, con có còn sống không?"
"Giờ tôi đã đi qua nửa cuộc đời rồi, chẳng biết còn sống đến khi nào, chỉ mong đến lúc tôi không còn, thằng Lãm lại có một người "mẹ" nữa, nuôi nó, chăm nó, hay có chăng là mẹ đẻ của nó vẫn còn sống để 2 mẹ con về lại bên nhau"
- 13-01-2025Câu chuyện xúc động người cha ở lại cạnh con trai bại não trong cháy rừng ở California
- 19-08-2024Bị bại não, mẹ ruột bỏ đi, tôi được bố và mẹ kế một tay nuôi nấng – 20 năm sau, tôi sống giàu sang, xây biệt thự báo hiếu bố mẹ
- 10-12-2023Có hai con bại não, người mẹ giúp hàng vạn đứa trẻ “thoát khỏi sàn nhà”, chống lại định mệnh nghiệt ngã
25 năm trước, lời hẹn không trở lại
Nhắc đến cái tên "Liên khùng", người ta thường nhớ về một người phụ nữ tóc lốm đốm bạc, dáng người gầy gò, mỗi ngày đều đạp xe rong ruổi khắp Sài Gòn bán vé số. Nhưng ít ai biết, bên trong ngôi nhà nhỏ cũ kỹ kia, có một chàng trai 25 tuổi đang chờ bà về – Huỳnh Nhứt Lãm, đứa trẻ mà bà cưu mang từ những ngày còn đỏ hỏn.
Năm đó, ở Cần Thơ, có cô gái tên Phương 16 tuổi bế theo đứa con trai bé bỏng đến nhờ bà Liên trông giúp. Phương làm ở quán bia, bà Liên khi ấy vừa bị gãy chân, không thể đi bán vé số, bèn nhận giữ đứa bé để có thêm chút tiền sinh sống. Nhưng ai ngờ, từ ngày đó, sợi dây gắn kết vô hình giữa bà Liên và Lãm bắt đầu.
Người trong xóm trọ dần quen với hình ảnh bà Liên bế ẵm thằng bé, họ nghĩ Phương là con ruột của bà. Với bà Liên, Phương chẳng khác nào con gái, dù người ta hay xì xào về công việc của cô. "Phương nó tốt, tôi biết. Nhưng số nó khổ, sinh thằng Lãm khi mới 16 tuổi..." – bà Liên nhớ lại.
Rồi một ngày, Phương nhắn: "Mẹ à, con đi làm nốt lần này, vài ngày con về. Con có tiền rồi con về với mẹ, con bỏ nghề, về nuôi Lãm..."
Nhưng lời hẹn ấy chẳng bao giờ thành hiện thực. Phương đi, không một lần trở lại.

Bà Liên cùng Lãm và chú mèo hoang do chồng bà Liên đưa về nuôi.
Bẵng đi từ ấy tới nay đã 25 năm, bà Liên không còn thấy Phương trở về, Lãm tới nay đã 25 tuổi nhưng cũng chưa một lần gặp mẹ đẻ.
Từ lúc mới sinh, Lãm đã mắc bệnh bại não, Lãm lớn lên trong vòng tay của bà Liên và gia đình bà Liên, từ họ hàng đến người đời đều gọi bà với cái tên Liên "khùng".


Huỳnh Nhứt Lãm và hình ảnh năm 11 tuổi của cậu "em út" được gia đình đưa đi tắm biển.
Biến cố xảy tới với con trai ruột của bà Liên, khi ấy cũng trạc tuổi Phương, đi lao động rồi cũng biệt tăm, gia đình bà Liên dồn hết tiền bạc đi khắp nơi tìm con, đồng thời đưa Lãm vào côi nhi viện, mong Lãm sẽ được chăm nuôi, để bà đi tìm con trai.
Nhưng lần nào cũng vậy, vừa đặt chân vào, Lãm lại khóc, bà cũng khóc.
"Cô ơi, cô gửi bé vào đây thì đừng tới thăm nữa, bé nhớ cô sẽ bệnh..." – người trong viện khuyên.
Ba lần đưa đi, ba lần lại ôm con về. Lần cuối cùng, Lãm giận dỗi, lên cơn co giật. Bà ôm chặt con, dỗ dành: "Mẹ sẽ không bỏ con nữa! Mẹ nuôi con!"
Từ ngày đó, Lãm bớt ốm vặt, bà Liên cũng không còn nghĩ đến chuyện rời xa thằng bé nữa.
Tiếng gọi "mẹ" đầu tiên
Lãm chậm phát triển, rối loạn vận động, ngày ngày Lãm chỉ loanh quanh trên giường.
3 năm trôi qua từ khi mất liên lạc với con trai ruột, gia đình bà Liên khi ấy đã chuyển tới sống tại TP.HCM để tiếp tục hy vọng tìm con, khi ấy Lãm lên 5, bà Liên kể: "Lâu lắm rồi tôi mới nghe thấy tiếng gọi "Mẹ" to và rõ lắm, tôi tưởng thằng con tôi nó về, mà đấy lại là thằng Lãm nó nói, mà một thời gian ngắn sau con trai tôi nó về thật" cũng từ ấy Lãm bắt đầu biết gọi nói, chỉ nói mất vài năm Lãm chỉ nói "Mẹ".


Từ việc chỉ loanh quanh trên giường, Lãm đã có thể tự di chuyển khắp nhà và giao tiếp cơ bản với ngôn ngữ mà đôi khi bà Liên sẽ là người phiên dịch cho những người xung quanh.

Nhiều năm qua, bà Liên vẫn nuôi Lãm, Lãm lớn lên trong tình yêu thương của cả gia đình bà Liên, và cả những tình cảm của người xa lạ, "đưa Lãm đi đâu hay được người ta giúp lắm, toàn người lạ không à!".
Lãm nay đã 25 tuổi, Huỳnh Nhứt Lãm - cái tên đó bà Liên giữ nguyên vì do Phương đặt. Không ít lần bà Liên đưa Lãm về lại Cần Thơ, về xóm trọ nơi mà Phương gửi Lãm cho bà, nhiều người không nghĩ Lãm còn sống, cũng không nghĩ Liên "khùng" ngày nào đến giờ vẫn "khùng" như vậy, vẫn nuôi thằng nhỏ bị bại não con của một cô nhân viên quán bia.
"Tôi đưa nó về, cắp nó theo để người ở đó người ta thấy thằng Lãm, rồi nếu may Phương nó về tìm con, thì nhờ người ta nhắn bảo con nó lớn rồi, nó vẫn khỏe, tôi vẫn nuôi nó".
Mỗi lần nghĩ về cô gái tên Phương, tròng mắt đỏ hoe, lời nói ngắt quãng "Chẳng biết nữa, mà tôi thương nó lắm, nó mất tích rồi, có lúc ăn cơm một mình tôi xới 2 bát, Phương ơi, con về ăn với mẹ nghen, tôi nghĩ Phương nó không còn nữa, con bé nó dễ thương lắm, khổ thân nó, la nó hoài bảo nó ở nhà nó không chịu,..."
Những câu chuyện về Phương như một vết sẹo hằn sâu trong ký ức của bà Liên, bà không trách, bà chỉ thương cô gái ấy, từ người rưng xa lạ rồi Phương và cậu con trai tên Lãm như đã gắn chặt với cuộc đời bà.

"Cái đời tôi lạ lắm, Phương nó bị gia đình ruồng bỏ, rồi tới con nó ban đầu mồ côi cha, giờ chắc mồ côi cả mẹ luôn rồi, rồi cả mấy con mèo, con chó trong nhà cũng toàn chó mèo hoang bị bỏ rơi, con thì tôi đưa về nuôi, có con thì tự tìm đến, thương chúng nó lắm, tiền đi bán vé số vừa cho thằng Lãm ăn, vừa cho cả mấy con mèo, con chó ăn, con cái tôi giờ 2 đứa, chúng nó cũng thương thằng cu Lãm này lắm".




Ngày ngày, bà Liên vẫn đi nhận vé số từ sáng sớm, đạp xe khắp các dãy phố để rao vé số, trưa bà về cho Lãm ăn, rồi chiều lại tiếp tục đi, hành trình của bà kết thúc vào khoảng 9h tối mỗi ngày.
"Lãm à, mẹ chỉ sợ tới ngày không còn ai nuôi con..."
Đều đặn mỗi ngày, hành trình trong suốt 25 năm nuôi Lãm, bà Liên cố gắng từng chút, ngày ngày đi bán vé số, từ sáng sớm tới 9h tối bà sẽ về. Hôm nay vé bán chậm, bà về muộn hơn, Lãm vẫn đợi mẹ về, Lãm hơi giận vì mẹ về muộn, nhưng Lãm vẫn hỏi "mẹ có bán hết không, bây giờ 10h rồi" theo ngôn ngữ của Lãm. "
"Bán ế, mai không có tiền cho con ăn đâu nghen", bà Liên vừa đùa vừa xoa đầu Lãm.


"Lãm thương mẹ lắm, biết mẹ đi cả ngày, đêm về xức dầu, xoa bóp chân cho mẹ, mà có lần đi về mệt thiu thiu ngủ, Lãm nó xức hết cả lọ dầu vào chân, tay nó cứ xoa bóp vậy mà nóng quá chịu không được, nóng rát cái chân tưởng chết luôn rồi, tỉnh ngủ luôn, thương nó lắm, nó cũng thương mẹ lắm, Lãm nó biết hết à!"


Lãm có sở thích ngắm và xé những tờ lịch trước một ngày. Theo bà Liên nói: "Lãm nó nhớ ngày hàng tháng nhận trợ cấp, được hơn một triệu, nó mong tới ngày đấy để đưa mẹ tiền, để mẹ có tiền nuôi nó, có hiếu lắm, nhìn thế mà cái gì nó cũng biết đấy".
Mỗi ngày trôi qua, Lãm đều tiến bộ hơn, bà Liên lại già và yếu đi một chút. Đi theo bà Liên qua các con phố, có người mua vé số của bà, có người ngoảnh đi nhẹ nhàng, có người từ chối cộc lốc, bà vẫn cười rồi đi tiếp, vui vẻ ngày qua ngày bà như thế, bà không ngại ai, chẳng sợ thói đời, không phân biệt tầng lớp, bà đều vui vẻ rao vé số.
Khi hỏi bà có sợ gì không, mất một lúc bà nói: "Từ lúc Lãm nó khỏe lên, nó tự làm được nhiều thứ, thì tôi lại yếu đi, có sợ, 2 đứa con tôi thì chúng nó khôn lớn tự lo được cho bản thân, lo cả cho bố mẹ được luôn rồi, chỉ sợ lúc tôi chết, không biết nó có duyên gặp được mẹ Phương hay một người "mẹ" nào nữa không". Mỗi đêm, tôi đều dặn Lãm: "Mẹ là mẹ nuôi nghen, con còn một mẹ nữa, mẹ ruột con tên Phương, Huỳnh Thị Phương".
Đời sống & pháp luật
CÙNG CHUYÊN MỤC
