MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

'Ở đây cũng bán lụa Tàu à?': Dân làng lụa Vạn Phúc bức xúc

28-10-2017 - 17:00 PM | Thị trường

Những năm gần đây, thương hiệu lụa Việt nói chung và lụa Vạn Phúc nói riêng vốn đã vất vả chống chọi với sự xâm lấn của lụa Trung Quốc, thì nay, theo giới kinh doanh lụa ở Vạn Phúc, việc Khaisilk thừa nhận bán khăn lụa Tàu dán nhãn hàng Việt chẳng khác nào một "nhát chém" giết dần thương hiệu lụa Việt, làm cho lòng tin của khách vơi thêm.

“Ở đây bán lụa Trung Quốc à?”

Hơn 9 giờ sáng, có mặt tại làng lụa Vạn Phúc (Hà Đông, Hà Nội), một làng nghề nổi tiếng về lụa tơ tằm ở Việt Nam, chúng tôi thấy từ đầu làng đến cuối làng, đâu đâu cũng bàn chuyện Khaisilk bán khăn lụa Trung Quốc và việc họ đã lừa dối khách hàng cả mấy chục năm nay.

Ghé hàng quán nước ngay đầu làng để nhờ chỉ đường vào các hộ gia đình có xưởng dệt lụa ở làng Vạn Phúc, câu hỏi đầu tiên mà PV.VietNamNet nhận được là: “Hai cháu đi vào xưởng dệt để tìm mua lụa à?”. Nói xong, bác chia sẻ thêm, từ sáng đến giờ, khách vào làng lụa toàn hỏi đường vào các xưởng dệt để tận mắt thấy lụa này là của Việt Nam, không phải lụa Tàu; một số khác cũng hỏi có cửa hàng nào bán lụa Việt không?.

Khách hàng mua lụa thường xuyên hỏi các cửa hàng ở làng Vạn Phúc có dùng lụa Tàu trà trộn khi biết thông tin Khaisilk bán lụa Tàu

“Các cháu muốn mua thì vào sâu trong làng, cứ 2 nhà thì có 1 nhà có xưởng dệt. Tiếng máy dệt chạy xình xịch suốt, đi ngoài đường cũng nghe tiếng. Còn nếu muốn mua lụa thì vào khu trung tâm kinh doanh lụa tơ tằm Vạn Phúc chất lượng cao nhé. Vào đó tha hồ chọn, toàn lụa của Vạn Phúc chuẩn xịn”, bác Hải - chủ quán nước - chỉ dẫn.

Theo lời bác Hải, chúng tôi tìm đến khu bán lụa cao cấp ở làng Vạn Phúc. Ở đây khá yên tĩnh, không tấp nập như chợ. Khách ra vào hầu hết là người miền Nam, người nước ngoài,... tới xem, mua lụa. Thế nhưng, khác với ngày thường, hôm nay họ đắn đo hơn vì sợ mua phải lụa Tàu.

Tại cửa hàng lụa Phương Linh, hai khách nữ tầm hơn 60 tuổi vừa bước chân vào đã hỏi: “Ở đây bán lụa Trung Quốc à?”. Nghe người bán hàng khẳng định, lụa tại cửa hàng này nói riêng và trong cả khu nói chung đều là lụa Việt Nam, cam kết không bán lụa Trung Quốc, hai vị khách mới yên tâm.

Hóa ra, đây là khách ở miền trong, cách đây mấy năm có mua một chiếc chăn lụa dùng thấy rất thích. Nay đi du lịch, họ muốn ghé qua làng lụa mua thêm ít quần áo, khăn về mặc nhưng sợ mua nhầm phải lụa Trung Quốc trà trộn.

“Chúng tôi vẫn nghi ngờ và phải hỏi lại, vì đến thương hiệu nổi tiếng tầm quốc gia như Khaisilk kia còn làm ăn gian dối, buôn lụa Trung Quốc về gắn mác lụa Việt cơ mà”, bà Lan - một trong hai vị khách - chia sẻ.

Ở cửa hàng bên cạnh, hai vị khách người Anh trong lúc đứng xem cũng cố hỏi chủ hàng bằng tiếng Việt lơ lớ: “Ở đây bán lụa Việt, có lẫn lụa Trung Quốc như Khaisilk bán không?”.

Chuyện Khaisilk bán lụa Tàu khiến làng lụa Vạn Phúc dậy sóng

Trao đổi với PV, các chủ hàng lụa ở đây kể rằng, khu này bán 100% lụa Việt, nhưng sau sự việc Khaisilk thừa nhận bán lụa Trung Quốc, khách nào vào mua cũng lo lắng hỏi cửa hàng có trộn hàng Tàu vào bán không.

Khaisilk bán lụa Tàu và nỗi đau lụa Việt

Anh Phạm Khắc Hiếu đang đứng bán lụa tại cửa hàng Phúc Hưng của gia đình, cho biết, lụa Vạn Phúc là làng nghề truyền thống có từ hàng 1.000 năm, gồm hai khu: một khu ngoài phố chuyên bán lụa, đồ thời trang làm từ lụa; còn khu sâu trong bên trong làng là các xưởng dệt nhỏ. Nhà anh Hiếu làm nghề này cũng đã nhiều năm nay, hiện có cả xưởng dệt lẫn cửa hàng bán lụa tơ tằm.

Theo anh Hiếu, trước đây, lụa Vạn Phúc nổi tiếng khắp vùng, dân làng phát đạt vì nghề lụa tơ tằm, nhưng giờ thì nghề truyền thống của làng đã mai một bớt. Nguyên nhân cũng tại lụa Trung Quốc tràn sang, mà người tiêu dùng thì không phân biệt được đâu là lụa Việt, đâu là lụa Trung Quốc, cứ thấy mẫu mã đẹp là mua.

Chia sẻ về chuyện Khaisilk thừa nhận mua lụa Trung Quốc và gắn mác “Khaisilk made in Vietnam”, anh Hiếu nói rằng, đây là thương hiệu nổi tiếng về lụa Việt cao cấp. Thế nhưng, cách làm ăn gian dối của Khaisilk lại là nỗi đau của lụa Việt, làm ảnh hưởng đến thương hiệu lụa Việt và làm khách hàng mất niềm tin vào lụa Việt.

 Nhiều người kinh doanh lụa Việt tại làng Vạn Phúc cho rằng kiểu buôn gian bán lận của Khaisilk sẽ khiến thương hiệu lụa Việt bị tổn thương sâu sắc

Nhiều người kinh doanh lụa Việt tại làng Vạn Phúc cho rằng kiểu buôn gian bán lận của Khaisilk sẽ khiến thương hiệu lụa Việt bị tổn thương sâu sắc

“Lụa Trung Quốc, nếu nhập hàng chuẩn thì tốt không kém gì lụa Việt Nam vì bên đó cũng được gọi là quê hương của lụa. Song, điều đáng buồn là cách Khaisilk làm ăn gian dối: nhập lụa Trung Quốc về nhưng lại gắn mác lụa Việt Nam. Điều này khó có thể chấp nhận được, chẳng khác nào cách giết dần thương hiệu lụa Việt”, anh cho hay.

Đồng quan điểm, chị Hoài Phương, một người có 15 năm kinh nghiệm trong làm nghề dệt lụa và bán lụa tại Vạn Phúc, cũng cho hay, cách kinh doanh là do mọi người chọn lựa, nhưng chị muốn mọi người khi kinh doanh hãy thành thật với khách hàng, đừng lừa dối khách. Bởi, khi lừa dối mà bị phát hiện ra, mình sẽ vĩnh viễn mất đi niềm tin của khách hàng.

“Nhà tôi có hai cửa hàng bán lụa, một cửa hàng trong khu này thì bán 100% lụa Việt Nam và nói không với lụa Trung Quốc. Còn một cửa hàng ở ngoài phố, ngay đầu làng thì bán cả lụa Trung Quốc và lụa Việt Nam”, chị Phương nói. Ở cửa hàng ngoài phố, chị bày bán công khai: lụa Trung Quốc treo một bên, lụa Việt treo một bên, không treo lẫn lộn để tránh khách nhầm lẫn. Khi khách vào mua chị cũng giới thiệu rõ ràng luôn.

Theo chị Phương, lụa Tàu mẫu mã đẹp, đa dạng nên khách rất thích, trong khi lụa Việt Nam ngoài chất đẹp thì hoa văn vẫn theo kiểu truyền thống nên những năm gần đây khó cạnh tranh với lụa Trung Quốc. Nay thêm việc của Khaisilk lại khiến người Việt mất đi niềm tin vào lụa Việt.

Trước đó, Chủ tịch Hiệp hội Lụa Vạn Phúc Phạm Khắc Hà cũng cho hay, việc bỏ mác nước ngoài đi đưa mác Việt Nam vào, theo ông, là việc làm phi đạo đức. Đó chính là hành vi lừa dối khách hàng, không trung thực.

Theo B.Hân - M.Hiên

Vietnamnet

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên