MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Ở đời cứ ngại ngùng, cả nể mãi thì chẳng thể nào tiến xa được: Nhiều lúc cứ phải "mặt dày" lên mà sống bạn ạ!

05-06-2019 - 19:04 PM | Sống

Lòng tốt đăt sai vị trí trở thành cả nể và hóa thành con dao hai lưỡi. Dùng đúng chỗ thì người khác biết ơn và bản thân cũng hạnh phúc. Ngược lại, đó là chính là biến mình thành kẻ bị lợi dụng và tự mình chuốc lấy đau khổ.

Cả nể và lòng tốt là hai khái niệm khác nhau hoàn toàn, nhưng chúng ta vẫn thường nhầm lẫn và đánh đồng chúng trong mối quan hệ với người khác. Người cả nể thường không biết cách từ chối nên ai nhờ gì cũng làm, nói gì cũng nghe dù trong thâm tâm không thực sự muốn thế. Oái oăm là khi họ cố nhường nhịn, dành công sức làm vừa lòng đối phương thì họ đã tự đặt mình ở vị trí thứ yếu, thậm chí ít được tôn trọng.

Người cả nể hay bị lợi dụng vì không biết cách nói từ chối 

Tôi có một cậu bạn tên Thái có tính hay cả nể, chẳng bao giờ biết từ chối người khác kể cả những việc nhỏ nhất. Thái tâm sự nhiều khi việc cơ quan, việc gia đình còn ngập ngụa, chẳng có thời gian để làm nhưng người khác nhờ giúp đỡ, không làm thì thấy áy náy nên  gồng mình lên để làm đẹp lòng người ta.

Người thân cận thì hay nói Thái"Vác tù và hàng tổng", "Việc nhà thì nhác việc chú bác lại siêng". Người mới gặp gỡ đôi lần nhìn vào thì tấm tắc khen Thái tốt, đàn ông đàn ang nhiệt tình, ga lăng, tốt bụng, sẵn lòng giúp mọi người. Nhưng có ai biết đâu, Thái vất vả và khổ sở vì mang danh "người tốt", thế nên lại càng khó khăn trong việc nói lời từ chối vì sợ người khác nghĩ mình không - tốt.

Chính điều đó khiến cuộc sống của Thái lúc nào cũng xoay như chong chóng và vô tình bị những đồng nghiệp ở công ty lợi dụng, lấy cớ nhờ vả. Ví dụ bê bình nước, lấy đồ ship, mua cơm trưa, in tài liệu... chẳng mấy khi thấy Thái ngừng tất bật.

Thật ra, trường hợp của Thái không hề hiếm. Tuýp người cả nể ấy thường hay đặt lòng tốt nhầm chỗ. Thái bảo, nghĩ bụng thôi thì việc đơn giản mình làm được, thì nhận lời làm ù một cái là xong. Nhưng cậu nào biết, chính lòng thương người ấy sai cách ấy khiến lòng tốt của cậu bị coi nhẹ.

Thái từng bảo với tôi: "Nhiều khi nghĩ không biết vì sao mình phải khổ vì cả nể thế này. Có phải mình sợ hãi, lo lắng mọi người sẽ nghĩ xấu về mình nên cứ phải gồng mình làm mọi yêu cầu của họ. Cũng có thể bản thân ích kỷ giữ lấy danh tiếng "người tốt" và luôn phải tỏ ra mình là người như thế".

Tôi nhớ đến câu chuyện triết lý cậu bé và viên kẹo thế này: Nếu mỗi ngày bạn đều vui vẻ cho một đứa trẻ ăn kẹo, đứa trẻ ấy sẽ rất đón chờ bạn và có vẻ yêu bạn. Hằng ngày, nó đều cười tươi khi trông thấy bạn và đến nhận kẹo. Nhưng đến một ngày bạn hết kẹo và chẳng còn gì cho nó nữa, nó sẽ đối xử với bạn rất khác. Có thể nó gào lên bảo bạn keo kiệt, xấu xa hoặc đi khắp nơi nói xấu bạn.

Triết lý cục kẹo nghĩa là, khi bạn càng hy sinh nhiều vì người khác, không màng đến lợi lộc hoặc những gì sẽ nhận lại được, nếu là người hiểu chuyện, họ sẽ trân trọng bạn. Nhưng nếu là người không biết điều, họ sẽ không nghĩ những gì bạn làm cho họ, dành cho họ là vì tình yêu mến mà đó là bổn phận, trách nhiệm của bạn. Khi bạn không còn khả năng đáp ứng cho những đòi hỏi, yêu cầu của họ, họ sẽ trở mặt.

Có một nhược điểm mà người cả nể dễ bị bắt thóp, lợi dụng là luôn ngần ngại, không biết cách từ chối. Bởi thế lòng tốt của họ mới hay bị lợi dụng và đánh giá thấp

Ở đời cứ ngại ngùng, cả nể mãi thì chẳng thể nào tiến xa được: Nhiều lúc cứ phải mặt dày lên mà sống bạn ạ! - Ảnh 1.

Người cả nể bỏ quên cảm xúc của mình

Hà Vũ cũng được khoác lên mình tấm áo "người tốt", gặp việc gì cũng ôm, ai nhờ gì cũng giúp. Hà Vũ thường xuyên quan sát sắc mặt của mọi người để tùy cơ ứng biến. Thành thử, lâu dần, cô "đánh rơi" bản thân mình. Cô sợ mất lòng đồng nghiệp, sợ làm phật ý sếp, sợ bị đánh giá là người vô cảm chốn công sở... nên cứ phải căng mình ra hứng đầy đủ lời nhờ vả của thế giới.

Có câu nói kinh điển của người xưa: "Người không vì mình, trời tru đất diệt".

Ngay đến bản thân mình muốn làm gì, không thích làm gì còn không quyết định được, không chủ động tạo sự thoải mái cho mình thì còn nhờ cậy đến ai. Những ai như Hà Vũ hãy nhớ rằng, còn giữ cách cư xử như thế, tức là bạn đã tự "diệt" mình trước khi trời đất kịp làm điều đó với bạn. Vì bạn là người đầu tiên chịu những cảm xúc khó chịu, bực tức, ấm ách, stress vì quá tải, trong khi vẫn phải đè nén những cảm xúc đó để miễn cưỡng đáp ứng, chiều lòng đòi hỏi của người khác. Thậm chí việc ôm đồm, "sống hộ", giải quyết những khó khăn của người khác còn khiến bạn phải bỏ quên những vấn đề của mình trong cuộc sống.

Thử nghĩ mà xem, trong khi bạn ra sức chịu thiệt để khiến mối quan hệ giữa mình và mọi người trở nên tốt đẹp thì chắc gì sự hy sinh của bạn sẽ được mọi người trân trọng, để ý? Nhiều trường hợp, bạn chỉ là công cụ để những người khác lợi dụng, tìm đến mỗi khi họ có việc cần làm.

Nếu đã biết tính cả nể gây khổ cho mình như thế nào thì bạn cần thay đổi, để ý đến cuộc sống của mình, trân trọng cảm xúc và ý muốn của mình hơn là cứ mải bận rộn chiều lòng người khác. Hãy thôi nghĩ đến những điều sẽ làm người khác vui vẻ, thay vào đó cần tập trung vào những thứ bạn cần.

Ở đời cứ ngại ngùng, cả nể mãi thì chẳng thể nào tiến xa được: Nhiều lúc cứ phải mặt dày lên mà sống bạn ạ! - Ảnh 2.

Học cách nói "Không"

Để từ bỏ thói cả nể, bạn phải học cách nói "Không", từ chối điều mình không muốn. Bạn không cần phải bào chữa cho sự từ chối của mình, chỉ cần dứt khoát nói lý do mình không muốn làm điều đó. Tập phá bỏ rào cản ngại từ chối từ những điều nhỏ nhặt, bạn sẽ thấy từ chối là điều hết sức bình thường. Nếu ai đó giận dỗi chỉ vì bạn từ chối họ, thì bạn cũng tự biết có nên duy trì mối quan hệ đó hay không.

Trong lần gặp mặt gần nhất, cậu bạn tên Thái của tôi đã tỏ ra hồ hởi hơn lần trước rất nhiều. Cậu đúc rút: "Lòng tốt đặt sai chỗ giống như ném đá xuống ao bèo, vừa chẳng mang lại lợi ích gì cho bản thân, lại khiến mình mất hết giá trị. Sau vài lần tớ "thử" kiên quyết từ chối giúp đỡ lời đề nghị của đồng nghiệp, họ đã bắt đầu e dè nhờ vả tớ hơn. Không hẳn là từ chối theo kiểu phủ nhận sạch trơn, mà hãy biết giúp đỡ có chọn lọc một cách hợp lý và thông minh. Tớ không thể là kẻ ngốc trong mắt người khác mãi được".

Không giúp đỡ người khác, không phải là ích kỷ, mà thể hiện bộ óc biết phân tích tình huống và đưa ra cách ứng xử phù hợp. Việc đáng nhờ, chúng ta sẵn lòng với một tâm thế thoải mái, vui vẻ; việc không đáng, nhất định phải biết nói lời từ chối kiên quyết, thẳng thắn. Giá trị của bạn trong mắt người khác tăng hay giảm, có giá hay không có giá, đôi khi thể hiện qua một cái lắc đầu!

Để sống thật với những cảm xúc, suy nghĩ của mình - giống như cậu bạn tên Thái của tôi, chúng ta cần sự dũng cảm để đối mặt với sự phán xét, lời đàm tiếu, đánh giá của ai đó khi mình không làm theo ý họ. Muốn sống tốt, bạn cần biết yêu chiều cảm xúc của mình, làm điều mình muốn chứ không phải căng mình thực hiện những việc người khác muốn hay phí hoài lòng tốt của mình cho những người không xứng đáng.

Xin hãy nhớ: Người thông minh là người làm cho chính mình, không sống theo ý nghĩ của người khác và biết cách từ chối khi cần!

Theo Hoa Chanh

Trí Thức Trẻ

Trở lên trên