Ở Nhật Bản có một tập đoàn giống hệt Berkshire Hathaway của Warren Buffett, ông chủ thậm chí còn ‘điên’ hơn
"Chúng tôi coi Softbank như một dạng Berkshire Hathaway trong lĩnh vực công nghệ", chuyên gia phân tích Chris Lane viết trong nghiên cứu. Chuyên gia Lane nhấn mạnh rằng lợi nhuận các nhà đầu tư vào Softbank thu về được chẳng thua kém Berkshire Hathayway là mấy. Trên thực tế, Lane còn tìm ra nhiều điểm chung khác giữa hai tập đoàn này.
- 01-10-2017Tỷ phú ‘liều ăn nhiều’ Masayoshi Son nay còn ‘liều’ hơn: Thành lập công ty quản lý tài sản trị giá 300 tỷ USD, quyết biến Softbank thành đế chế tài chính khổng lồ
- 06-08-2017Cuộc “trả thù” tốn kém của ông chủ tập đoàn Softbank
Một nghiên cứu từ công ty Sanford C. Bernstein & Co kết luận rằng tập đoàn Softbank của ông Son sắp trở thành Berkshire Hathaway thứ hai. Tờ Bloomberg liền đặt ngay câu hỏi tỷ phú "liều ăn nhiều" Masayoshi Son - ông chủ tập đoàn Softbank của Nhật Bản có phải là một Warren Buffett thứ hai hay không.
Softbank sử dụng tiền thu được từ mảng kinh doanh cốt lõi là viễn thông để đầu tư vào những công ty hoạt động trong nhiều lĩnh vực khác nhau như thương mại điện tử, thiết kế bộ vi xử lý và robot. Không có nhiều sự liên đới giữa các mảng kinh doanh của tập đoàn này.
Nghe rất giống Berkshire Hathaway phải không? Công ty của tỷ phú Warren Buffett tận dụng tiền thu được từ công ty bảo hiểm để đầu tư vào những doanh nghiệp khác. Dù khởi đầu trong ngành công nghiệp dệt sợi nhưng giờ Berkshire Hathaway lại có cổ phần trong Netjets rồi cả Coca Cola.
"Mảng kinh doanh cốt lõi của Berkshire Hathaway là ‘value investing’ (đầu tư giá trị) chứ không phải bảo hiểm. Trong khi đó mảng kinh doanh cốt lõi của Softbank có thể coi là ‘tech investing’ (đầu tư công nghệ) chứ không phải viễn thông", Lane viết.
Có một điểm khác nhau giữa hai tập đoàn thế này: 10 năm trước, nếu đầu tư vào Berkshire, tỷ suất lợi nhuận của các nhà đầu tư sẽ đạt 120% và trong cùng khung thời gian đó, nếu đầu tư vào Softbank tỷ lệ tương tự sẽ là 300%. Lane chỉ ra rằng từ 2001 đến nay, cổ phiếu của Berkshire vượt trội hơn mức trung bình các cổ phiếu trong chỉ số Công nghiệp Dow Jones khác là 175%, trong khi con số tương tự trên bảng Nikkei của Softbank lên tới 540%.
Tuy nhiên, nếu bàn đến một vài chỉ số như P/E thì Softbank vẫn đang thua xa so với Berkshire. Giải thích cho hiện tượng này, Lane nói rằng do các nhà đầu tư có cảm giác tin tưởng vào Buffett và những thành tựu ông đã đạt được trong khi đó Son vẫn đang phải chứng minh bản thân thông qua rất nhiều khoản đầu tư vào các công ty tư nhân.
"Vậy tại sao chúng ta chưa bao giờ nghe thấy những danh xưng kiểu "Huyền thoại xứ Tosu" (quê hương của Son) hay "Huyền thoại Tokyo" (nơi Son sống)? Có vẻ như các nhà dầu tư tin tưởng vào Buffett và hiểu về cách tiếp cận đầu tư giá trị của ông ấy hơn. Trong khi đó, họ tỏ ra lo ngại về những khoản đặt cược lớn vào tương lai của Son".
Những thương vụ lớn của Son nhiều khả năng sẽ cho trái ngọt trong 10 năm tới. Thông qua quỹ Vision Fund trị giá 100 tỷ USD, Softbank đang đầu tư vào rất nhiều công ty tư nhân bao gồm Slack Technologies, WeWork và họ cũng đang lên kế hoạch đầu tư vào Uber.
Bản thân Lane cũng tỏ ra rất tin tưởng vào Son khi để mức giá mục tiêu cho cổ phiếu Softbank là 13.500 yen/1 cổ phiếu - tức là lớn hơn 35% so với mức giá trong phiên đóng cửa thứ 6 tuần trước.
Trí thức trẻ