Ô nhiễm môi trường sẽ được cải thiện đáng kể nếu lượng xe cộ giảm
Tình trạng ô nhiễm không khí tại các thành phố lớn đang ở mức cao và người tham gia giao thông là người hứng chịu nhiều hậu quả về sức khỏe. Việc giải quyết ô nhiễm do phương tiện giao thông trở nên bức thiết hơn bao giờ hết.
Theo nghiên cứu của trường ĐH Yale và Columbia ở Hoa Kì về chỉ số hiệu suất môi trường, ô nhiễm không khí ở TP.HCM và Hà Nội trong giờ cao điểm luôn ở mức cao, thậm chí vượt “báo động đỏ”. Không ai khác ngoài chính người dân tham gia giao thông đang hứng chịu nhiều hậu quả về sức khỏe từ vấn nạn này. Việc giải quyết ô nhiễm do phương tiện giao thông trở nên bức thiết hơn bao giờ hết.
Ô nhiễm môi trường trầm trọng vì quá tải phương tiện giao thông
Cách đây 7 năm, một số cơ quan ban ngành đã ra đề án kiểm soát lượng khí thải trên phương tiện cơ giới lưu thông tại các thành phố lớn, tuy nhiên giải pháp này đã sớm bộc lộ nhiều điểm bất khả thi. Từ năm 2010 đến nay, việc phương tiện gia tăng ồ ạt đã dẫn đến hậu quả nghiêm trọng lên môi trường tại 2 đầu cầu Hà Nội và TP. HCM – nơi tập trung nhiều dân cư nhất cả nước.
Theo thống kê của Sở GTVT, Hà Nội hiện có khoảng 6 triệu phương tiện giao thông, TP.HCM có khoảng 7,3 triệu xe gắn máy và hơn 600.000 ô tô. Phương tiện lưu thông đang “xả” ra môi trường lượng khí thải “khổng lồ” gây ảnh hưởng đến sức khỏe của hàng chục triệu người, trong đó có những khí đặc biệt nguy hiểm cho đường hô hấp như CO, NO2.
Một nghiên cứu khác của Trạm đo lường chất lượng không khí (AQIVN), trong năm 2016 có ít nhất 15 ngày mức độ ô nhiễm không khí tại Hà Nội lên đến mức “vô cùng nguy hiểm” với chỉ số PM2.5 (bụi siêu mịn không thể nhìn thấy nhưng có thể gây cay mắt) trên 300μg/m3.
Dù biết tình trạng ô nhiễm môi trường nặng nề như vậy, người lớn và trẻ em vẫn không thể không ra đường để duy trì cuộc sống sinh hoạt hàng ngày.
Khói, bụi ảnh hưởng đến sức khỏe của người dân
Bác sĩ Huỳnh Tấn Tiến – chủ tịch Hội Y học dự phòng TP. HCM, nguyên giám đốc Trung tâm Bảo vệ sức khỏe lao động và môi trường TP. HCM cho biết: “Khí thải từ xăng dầu và bụi bặm do xe cộ gây ra ảnh hưởng rất lớn lên đường hô hấp của người dân.”
Theo một báo cáo khác của Bộ Y tế, môi trường ô nhiễm do khói bụi cũng là một trong những nguyên nhân dẫn đến 30% ca bệnh có liên quan đến đường hô hấp. Trong những ngày chỉ số chất lượng không khí AQI vượt ngưỡng nguy hiểm (>200), trẻ em được khuyến cáo nên ở nhà tuy nhiên nhà trường và phụ huynh học sinh khó lòng quyết định cho học sinh nghỉ học vì ô nhiễm khói bụi.
Đối với người lớn, nhất là những người phải di chuyển nhiều trên đường, nguy cơ mắc các bệnh đường hô hấp còn cao hơn gấp nhiều lần. Trong khí thải xăng dầu có những chất rất độc, có thể gây ung thư hoặc gây kích thích như benzen, acid H2S, CO, cacbon…
Theo các bác sĩ, người dân hít phải lượng khói, bụi từ hoạt động của các phương tiện giao thông gây ra về lâu dài có thể gây ung thư hoặc mắc phải những bệnh tật về đường hô hấp, trong đó người già và trẻ em có nguy cơ mắc bệnh cao hơn. Một số chất độc khác còn có thể ngấm vào máu gây ung thư và suy nhược cơ thể. Hiện nay đa phần người dân đã có ý thức sử dụng khẩu trang thường xuyên hơn (đặc biệt là nam giới) nhưng chỉ giảm được phần nào chứ không thể ngăn chặn hoàn toàn các loại bụi có trong môi trường.
Chia sẻ phương tiện - Giải pháp hạn chế ô nhiễm bằng cách giảm lượng xe
Theo nghiên cứu được đăng trên website của Ngân hàng Phát triển châu Á, 80% nguyên nhân dẫn đến ô nhiễm môi trường ở châu Á là do phương tiện giao thông. Chính vì vậy việc giảm số lượng phương tiện lưu thông là ưu tiên số một để cải thiện chất lượng không khí, nhất là tại các thành phố lớn như Hà Nội và TP. HCM.
Tuy nhiên, những phương án giảm phương tiện cá nhân như chia ngày chẵn/lẻ, cấm xe lưu thông trong một số tuyến nội thành…đều đang gặp nhiều khó khăn và không nhận được sự đồng thuận cao từ người dân. Việc tận dụng nguồn phương tiện sẵn có để phục vụ cho nhiều nhu cầu hơn, từ đó cắt giảm ý định mua xe cá nhân đang là một giải pháp được đưa ra với kỳ vọng giúp hạn chế ô nhiễm môi trường chung.
Nghiên cứu độc lập của tập đoàn tư vấn Boston Consulting Group (BCG) do Uber ủy thác thực hiện cho thấy, chia sẻ phương tiện (ridesharing) có thể loại bỏ trên 27% số phương tiện lưu thông trên đường phố.
Thay vì sở hữu phương tiện cá nhân, người dân có thêm lựa chọn sử dụng hình thức chia sẻ phương tiện vì tính tiện lợi và tiết kiệm chi phí. Lượng người sử dụng gia tăng đồng nghĩa với việc công suất hoạt động của các phương tiện cũng dần đạt tối đa. Thay vì 10 xe phục vụ 10 nhu cầu thì chỉ cần 1 xe cũng có thể phục vụ lượng khách tương đương, cắt giảm số lượng phương tiện và lượng khí thải lên đến 10 lần.
Cũng theo nghiên cứu nêu trên, nếu chỉ tính trong quý 1 năm 2017, trên toàn thế giới Uber đã giúp tiết kiệm 63 triệu dặm đường, tương đương giảm đi 11.300 tấn khí CO2 thải ra môi trường, tiết kiệm 1,3 triệu gallon nhiên liệu.
Việc chia sẻ phương tiện không chỉ đem lại hiệu quả đáng kinh ngạc về kinh tế mà còn góp phần giảm thiểu ô nhiễm môi trường, cải thiện chất lượng cuộc sống.
Phép thử giảm ô nhiễm môi trường vẫn chưa tìm được lối thoát
Theo UBND Hà Nội, dịch vụ đi chung xe ghép các hành khách có trùng hành trình vào một chuyến xe (chia sẻ hành trình), do vậy tối ưu hoá hiệu quả vận hành xe và giảm số lượng xe lưu thông trên đường.
Tuy nhiên, dịch vụ này chưa có các biện pháp đảm bảo an toàn cho hành khách đi xe, bảo vệ quyền lợi của hành khách. Chính quyền Hà Nội cho rằng, do chưa có quy định quản lý với loại hình dịch vụ này, nên Hà Nội sẽ chưa áp dụng hình thức đi chung xe trên địa bàn thành phố. Ngoài ra, dịch vụ cũng không phù hợp với quy định tại Thông tư 63/2014 của Bộ Giao thông vận tải về tổ chức, quản lý hoạt động vận tải bằng ôtô và dịch vụ hỗ trợ vận tải đường bộ.
Chính vì vậy, UBND Hà Nội đã đề nghị Bộ Giao thông vận tải chỉ đạo các cơ quan của bộ nghiên cứu giải pháp quản lý hình thức vận tải mới, đảm bảo phù hợp với các quy định của pháp luật hiện hành và quyền lợi của hành khách đi xe.
Nói về quy định của UBND Hà Nội, Uber lý giải khái niệm Ride Sharing (chia sẻ xe) khác với khái niệm đi chung xe. Ridesharing là dịch vụ kết nối những tài xế có ô tô con hoặc xe máy, sẵn lòng chia sẻ cho những ai không có phương tiện đi lại nhằm đáp ứng nhu cầu đi lại của người dân một cách kịp thời, dễ dàng với giá cả hợp lý. Đó chính là tên gọi của dịch vụ mà Uber đã và đang cung cấp tại Việt Nam từ khi bước vào thị trường cách đây hơn 3 năm.