MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Ở quê dư đất, vì sao người trẻ phải bon chen mua cho bằng được nhà ở Sài Gòn?

05-01-2020 - 08:59 AM | Bất động sản

Chứng kiến cảnh nhiều cặp vợ chồng khổ sở với cuộc sống nhà thuê chật vật ở Sài Gòn, nhiều người băn khoăn “sao không về quê sống cho dễ thở hơn”.

Là nơi đầu tàu kinh tế của cả nước, Tp.HCM là điểm thu hút người lao động lớn nhất so với các tỉnh phía Nam. Con số thống kê do Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA) dẫn ra cho thấy, dân số Tp.HCM hiện có khoảng gần 9 triệu người thường trú (kể cả người có đăng ký tạm trú trên 6 tháng). So với dân số năm 2009 thì đã tăng 1.830.218 người trong 10 năm, trung bình tăng hơn 180 nghìn người/ 1 năm.

Ngoài ra, lượng người nước ngoài thường trú tại Việt Nam cũng đã tăng lên đáng kể. Do đó, theo tính toán của HoREA, Tp.HCM sẽ cần có cơ chế, chính sách thực hiện các mô hình phát triển nhà ở đáp ứng tình trạng gia tăng dân số khoảng 1 triệu người trong mỗi 5 năm.

Đây là một bài toán nan giải về vấn đề nhà ở cho người lao động, trong đó điển hình là tầng lớp công nhân. Tuy nhiên, riêng tầng lớp người lao động có mức thu nhập trung bình dưới 20 triệu/ tháng thì gần như chỉ đủ chi phí sinh hoạt, con cái học hành, mua sắm trong thời buổi giá cả leo thang từng ngày. 

Để mua được nhà là điều vô cùng khó khăn đối với các cặp vợ chồng. Trong khi đó, ở các vùng quê quỹ đất còn nhiều, giá nhà đất còn thấp, nếu một cặp vợ chồng sau khoảng 4-7 năm chắt góp đã có thể mua một căn nhà nhỏ để ở.

Ở quê dư đất, vì sao người trẻ phải bon chen mua cho bằng được nhà ở Sài Gòn? - Ảnh 1.

Để mua được nhà là điều vô cùng khó khăn đối với các cặp vợ chồng trẻ đô thị. Ảnh: Minh họa

Tuy nhiên, theo ghi nhận thực tế thì hầu hết những người trẻ đã học tập, làm việc tại Tp.HCM sau nhiều năm đều có xu hướng muốn bám trụ lại thành phố chứ không muốn trở về quê. Mặc dù giá nhà leo thang theo cấp số nhân nhưng đa phần các cặp vợ chồng đều cố gắng tích cóp, hạn chế chi tiêu tối đa để ước mơ có được một căn nhà. Trong khi đó, nhiều cặp vợ chồng mỗi tháng chỉ góp khoảng 3-4 triệu tiền tiết kiệm nhưng vẫn nuôi hy vọng 10-15 năm sau sẽ mua được nhà ở Tp.HCM.

Giải thích về sự lệch pha trong nhu cầu mua nhà ở tại Tp.HCM và các tỉnh ở khu vực phía Nam, nhiều chuyên gia nhận định rằng nguyên nhân thường đến từ tâm lý của các cặp vợ chồng trẻ. Trong khi xu hướng người già sẽ muốn về những miền quê, nơi có không khí trong lành để sinh sống thì các gia đình trẻ lại mong muốn được trụ lại thành phố vì yêu công việc đang làm, thích cuộc sống nhộn nhịp, đồng thời họ muốn con cái được học hành ở những trường chuẩn thành phố với điều kiện tốt nhất. Do đó, dù cho việc mua nhà khó khăn, giá cả leo thang nhưng nhiều người vẫn quyết gom góp để chờ ngày có chốn an cư nơi Sài Gòn chật hẹp.

Anh Trần Văn Lưu (quê Thanh Hóa) cho biết 2 vợ chồng anh vào Tp.HCM đi học Đại Học từ 2008, sau khi ra trường thì kết hôn nhưng đến nay vẫn phải ở phòng trọ vì số tiền tích cóp không theo kịp mức tăng giá nhà đất. Tuy nhiên, anh Lưu cho biết cả hai vợ chồng đều không có ý định về quê.

“Cuộc sống đúng là khó khăn chồng chất khó khăn, hàng tháng ngoài tiền sinh hoạt, học hành của con chúng tôi phải cõng thêm tiền thuê nhà nhưng vợ tôi nói khó khăn mấy cũng phải bám trụ lại. Cô ấy yêu thích công việc sôi nổi, không muốn về quê vì sợ buồn. Với bằng cấp của cô ấy nếu bây giờ về quê vẫn có thể xin được công việc tốt ở trong các cơ quan nhà nước nhưng vợ nhất quyết không về. Tôi cũng mong muốn con được học ở trường thành phố”, anh Lưu cho hay.

Chung qua điểm đó, chị Lê Thị Ánh Linh (một nữ nhân viên văn phòng độc thân) cho biết:“Sau khi lấy chồng em cũng không có ý định về quê. Công việc ở đây của em rất vui, bạn bè đông đúc, cuộc sống lại sôi nổi nên có nhiều mối quan hệ xã hội. Nếu về quê chỉ quanh quẩn trong xóm làng. Mà nếu ở đây thì phải có nhà, em định tích cóp được ít tiền, sau khi lấy chồng sẽ góp với chồng mua cho bằng được một căn nhà hoặc chí ít là căn hộ ở Tp.HCM”,  chị Linh cho biết.

Có thể nói, việc mua nhà là ước mơ của cả đời người. Tuy nhiên, khi mà dân số ở Tp.HCM mỗi năm đều tăng lên nhanh chóng thì sẽ xảy ra tình trạng “thừa người, thiếu nhà”. Khi đó, việc làm sao để giải quyết chỗ ở cho người lao động vẫn là câu hỏi còn bỏ ngỏ.

Hạ Vy

Nhịp sống kinh tế

Trở lên trên