Ở thung lũng Silicon, không ai muốn tuyển những người quá 40 tuổi
Những lao động lớn tuổi đang phải nhờ đến kiện cáo, thay đổi ngoại hình, thậm chí phẫu thuật thẩm mỹ để được tiếp tục làm việc.
- 07-09-2016Thung lũng Silicon có còn độc tôn trong làng công nghệ?
- 03-08-2016Khi "những gã khổng lồ" của thung lũng Silicon bị quật ngã ở Trung Quốc
- 24-07-2016Facebook và cơn khủng hoảng nhà đất tại thung lũng Silicon
Sau khi Andrea Rodriguez mất việc vào mùa thu năm ngoái, cô đã cất đi những bộ vest công sở của mình. Không phải vì cô không muốn làm việc nữa. Chỉ là cô muốn trông trẻ trung hơn. Cô từng là một chuyên viên đào tạo bán hàng thành công ở SugarCRM, California. Đây là một công ty chuyên bán phần mềm dịch vụ khách hàng và marketing cho các doanh nghiệp. Nhưng rồi cô đột ngột bị sa thải và muốn chuyển sang tìm việc ở Thung lũng Silicon. Khi đó, cô đã 50 tuổi.
Càng tham dự phỏng vấn ở nhiều công ty, Rodriguez càng nhận ra rằng, cô cần thay những bộ vest công sở bằng những chiếc áo len sặc sỡ và quần bò. Cô bắt đầu nghiền ngẫm các diễn đàn phim và học thêm nhiều tiếng lóng của giới trẻ để có thể nói chuyện về những bộ phim thời thượng và giới showbiz. Cô còn tham gia nhiều mạng xã hội và bắt đầu viết blog. Một giám đốc tuyển dụng của Aruba, công ty sản xuất thiết bị không dây trực thuộc HP, đã đọc được blog của cô. Và sau 5 tháng thất nghiệp, Rodriguez cuối cùng đã có thể kiếm được một công việc mới.
Để khiến những đồng nghiệp 20, 30 tuổi coi cô như là chị gái thay vì mẹ mình, cô cố thoát ra khỏi cách sống cũ và hòa nhập với họ trong những bữa tiệc và sự kiện của công ty. “Nếu bạn không thể nói chuyện với họ về những chủ đề thời thượng, bạn sẽ bị xem như người ngoài”, cô nói.
Độ tuổi trung bình của người lao động Mỹ là 42. Trong khi đó, độ tuổi trung bình của nhân viên ở Thung lũng Silicon thì trẻ hơn rất nhiều: 31 (Apple), 30 (Google, Tesla), 29 (Facebook, LinkedIn), theo công ty nghiên cứu PayScale. Nhiều ngành nghề khác cũng đang ưu tiên lao động trẻ hơn lao động lớn tuổi.
Các công ty ở Thung lũng Silicon tỏ ra không hứng thú hoặc thậm chí không tin tưởng những người có nhiều kinh nghiệm, Michael Welch, một luật sư chuyên về tuyển dụng ở San Francisco cho biết. Mark Zuckerberg từng chia sẻ, độ tuổi lý tưởng để làm việc ở Thung lũng Silicon là 22. “Đơn giản là người trẻ thông minh hơn”, anh nói trong một bài phát biểu ở đại học Stanford.
Không phải mọi lao động lớn tuổi đều âm thầm chịu đựng nỗi bất công trên. Từ năm 2008 cho đến năm ngoái, 150 công ty công nghệ lớn nhất ở Thung lũng Silicon đã phải đối mặt với 226 vụ kiện về phân biệt tuổi tác tại Ủy ban tuyển dụng và nhà ở của bang California. Các vụ kiện thuộc dạng này nhiều hơn 28% so với phân biệt chủng tộc và 9% so với phân biệt giới tính.
Tháng trước, các cựu nhân viên của HP đã đâm đơn kiện công ty này vì đã sa thải họ vì lý do tuổi tác. Trong vụ kiện này, họ đại diện cho những nhân viên từ 40 tuổi trở lên bị thay thế bởi các lao động trẻ hơn. Năm tới, Google cũng dự kiến phải đối mặt với một phiên tòa về phân biệt tuổi tác trong tuyển dụng.
Các vụ kiện đang trở nên ngày càng tốn kém và khiến nhà tuyển dụng có thành kiến hơn với lao động lớn tuổi. Nhiều nhân viên lớn tuổi trong ngành công nghệ đang phải cố tỏ ra trẻ trung hơn nếu muốn giành được thiện cảm của những ông chủ tương lai còn nhỏ tuổi hơn cả con họ. Bên cạnh một số thủ thuật trước phỏng vấn như chỉ liệt kê những việc gần nhất trên hồ sơ và làm ảnh đại diện trông trẻ hơn, những người tìm việc lớn tuổi đang cố đào tạo lại bản thân và thay đổi ngoại hình bằng mọi cách, thậm chí là nhờ đến phẫu thuật thẩm mỹ.
Ở ProMatch, một chương trình tư vấn và kết nối việc làm của chính quyền bang California, Robert Withers đã khuyên các khách hàng lớn tuổi của mình bỏ những công việc dài hơn 10 năm trong hồ sơ và học cách ăn mặc trẻ trung hơn. Michael Peredo là một kỹ sư ô tô 55 tuổi, bị sa thải khỏi Mercedes-Benz vào tháng 2/2015. Anh cho biết mình cảm thấy khó bỏ được thói quen ăn mặc trịnh trọng dù đã được các chuyên gia ở ProMatch khuyên như vậy. Anh đã phải chịu cảnh thất nghiệp trong 18 tháng trước khi tìm được việc viết phần mềm cho xe tự lái ở công ty Velodyne. Ngay trước buổi phỏng vấn, anh đã tháo cái nơ dành cho áo vest nam của mình.
“Nếu bạn làm cho một công ty lớn trong 10 năm và bị sa thải, nhiều khả năng kỹ năng của bạn đã bị tụt hậu sáu thế hệ”, Jonathan Nelson, CEO của mạng xã hội Hackers/Founders ở Thung lũng Silicon cho biết. “Tôi biết nhiều kỹ sư bị sa thải ở độ tuổi 40 và 50. Họ đã phải tự đào tạo lại thì mới viết được ứng dụng di động. Còn những người không bắt kịp được thời đại thì đã phải bỏ nghề và chuyển sang lái xe cho Uber”, ông nói.
Bob Schoenberger, 61 tuổi, là một trong những người không may như thế. Ông đã tham gia các lớp dạy ngôn ngữ lập trình mới kể từ khi công việc của ông ở công ty chế tạo chip Applied Materials được chuyển sang Châu Á vào năm 2010. Nhưng ngoài một số công việc thời vụ ở công ty chế tạo thiết bị y tế Hospira, ông chẳng kiếm được việc nào khác. Ông và vợ đang phải sống nhờ khoản trợ cấp thất nghiệp ít ỏi và tiền tiết kiệm đang cạn dần của mình.
Một kỹ sư phần mềm 60 tuổi khác đã bị sa thải sau 7 năm làm việc tại một công ty chế tạo chip ở San Jose. Ông chuyển sang học hệ thống nhúng cho điện thoại di động và máy chơi game ở một trường nghề địa phương. Giờ thì ông chỉ mặc áo kẻ sọc và đi giày thể thao. Ông nhuộm mái tóc bạc của mình thành màu nâu sẫm. Ông thậm chí còn nhờ đến phẫu thuật để chỉnh sửa mí mắt và loại bỏ bọng mắt.
“Phải cập nhật kiến thức mới và tỏ ra trẻ trung nếu bạn muốn tiếp tục làm việc trong một ngành mà đa số mọi người mới ở độ tuổi 20”, ông nói. “Tôi vẫn muốn làm trong ngành công nghệ, vì tôi thích giải quyết các vấn đề. Và tôi cũng chưa có đủ tiền để nghỉ hưu”.
Ngay cả những nỗ lực tích cực nhất để trở nên trẻ trung cũng là chưa đủ. Như ở nhiều nơi khác, ở Thung lũng Silicon, người ta phải có quan hệ thì mới kiếm được việc. Cynthia Houston, 54 tuổi, có một kiểu tóc sành điệu và mặc quần áo theo sự tư vấn của cháu gái. Nhưng cô vẫn thất nghiệp hoặc chỉ kiếm được những việc thời vụ kể từ khi mất việc quản lý dự án ở công ty dịch vụ đám mây Vmware. Công việc thời vụ gần nhất của cô là ở HP, nhờ sự giới thiệu của một đồng nghiệp cũ. “Mọi công việc tôi có đến bây giờ đều là qua người quen. Nhưng họ không còn làm việc nữa”, cô nói.