Ô tô kể khổ với Bộ Tài chính
“Không thể để tình trạng phải sáu tháng mới xong thủ tục” - Thứ trưởng Bộ Tài chính Vũ Thị Mai.
Hội nghị đối thoại về thuế và hải quan với doanh nghiệp (DN) do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam phối hợp với Bộ Tài chính tổ chức ngày 28-11 đã nóng lên khi các công ty ô tô liên tục kể khổ.
Lúng túng vì thuế mới
Ông Nguyễn Tuấn, Giám đốc Công ty Thiên Phúc An, một DN nhập khẩu xe hơi bức xúc về thuế tiêu thụ đặc biệt (TTĐB) được áp dụng tại Thông tư 195/2015 của Bộ Tài chính. Theo thông tư này, ô tô bị tính thuế 105% khi xuất hóa đơn bán buôn.
“Điều này có nghĩa là bắt DN nhập khẩu ô tô phải nộp lãi 5%, ví dụ xe 1 tỉ đồng phải nộp lãi 50 triệu đồng. Với xe nhập khẩu mà yêu cầu phải đóng lãi 5% thì thực sự không có công ty nào đạt được” - ông Tuấn nói.
Một vấn đề khác được ông Tuấn nêu lên là áp dụng mức thuế TTĐB mới từ ngày 1-7-2016. Ông Tuấn cho hay theo quy định của Luật Thuế TTĐB sửa đổi, bổ sung, ô tô nhập khẩu nếu nhập trước thời điểm 1-7 nhưng bán sau thời điểm này thì vẫn phải đóng thuế TTĐB theo mức mới.
Như vậy, với xe đặt mua về Việt Nam, mở tờ khai từ tháng 6 nhưng đến tháng 8 mới được thông quan vẫn phải chịu thuế TTĐB mới. Điều này khiến DN rất thiệt thòi do không bán được hoặc chịu phần vênh của thuế cũ so với thuế mới cho khách hàng.
“Có xe trị giá 5-10 tỉ đồng bán cho khách hàng trước ngày 1-7 song không xuất được hóa đơn vì khách vay ngân hàng và ngân hàng chưa giải ngân ngay. Thế nên khi DN xuất hóa đơn thì phải chịu thêm mức thuế mới từ 500 triệu đến 1 tỉ đồng. Điều này làm cho DN và khách hàng có những tranh cãi không đáng có” - ông Tuấn nói và đề nghị nên tính thuế TTĐB theo quy định cũ đối với những lô hàng nhập khẩu trước ngày 1-7.
Ông Phạm Đình Thi, Vụ trưởng Vụ Chính sách thuế thuộc Bộ Tài chính, trả lời: “Không chỉ Công ty Thiên Phúc An mà nhiều công ty nhập khẩu ô tô khác đều có câu hỏi và kiến nghị tương tự, nhưng trước hết chúng ta phải tuân thủ pháp luật”.
Thứ trưởng Bộ Tài chính Vũ Thị Mai (phải) trao đổi với các DN bên lề đối thoại. Ảnh: CHÂN LUẬN
Theo đó, từ 1-7-2016, Luật Thuế TTĐB, Luật Thuế giá trị gia tăng và Luật Quản lý thuế đã thay đổi thuế suất đối với mặt hàng ô tô. Riêng thuế TTĐB, xe dung tích xi lanh dưới 3,0 lít sẽ giảm mạnh, ngược lại xe có dung tích từ 3,0 lít trở lên sẽ tăng cao, cao nhất là 150%.
Về thắc mắc đối với trường hợp khách mua xe nhưng phải chờ ngân hàng giải ngân mới xuất hóa đơn, ông Thi cho rằng DN đã không thực hiện đúng pháp luật. Khi bán, chuyển giao quyền sở hữu hàng hóa thì phải xuất hóa đơn chứ không thể nói chờ tới khi người mua thanh toán mới xuất.
Với kiến nghị cho phép áp dụng thuế suất cũ cho ô tô nhập khẩu trước ngày 1-7, ông Thi nói rằng: “DN phải thực hiện theo thuế suất mới”.
Đi đi lại lại sáu tháng chưa xong
Đại diện Công ty TNHH Lắp ráp ô tô Trường Hải thừa nhận thủ tục thuế và hải quan thời gian qua đã có nhiều cải cách nhưng cũng có một số khúc mắc phát sinh. Cụ thể, công ty bán xe lẫn sửa chữa cho khách hàng, vì vậy cần nhập khẩu thân máy, vỏ máy… để sửa cho khách.
Theo quy định hiện nay thì những thông tin trên tờ khai điện tử được sử dụng cho cơ quan bán hàng có liên quan. Thế nhưng cơ quan chức năng lại bắt DN phải nộp cả tờ khai hải quan điện tử lẫn tờ khai bằng giấy, gây khó khăn cho DN.
“Chính vì vậy vừa qua khách hàng của chúng tôi mất sáu tháng đi lại mới hoàn thành thủ tục. mong Bộ Tài chính có chính sách hợp lý, thông suốt giữa các cơ quan ban ngành để tạo thuận lợi cho DN” - đại diện Trường Hải tha thiết đề nghị.
Ông Vũ Ngọc Anh, Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Hải quan, trả lời rằng: “Theo quy định, các cơ quan không được yêu cầu cấp chứng từ đã được điện tử hóa. Đây là trách nhiệm theo cơ chế một cửa quốc gia. Khi kiểm tra chứng từ điện tử, các cơ quan khác phải truy cập dữ liệu hải quan để xác nhận chứ không được yêu cầu DN cung cấp chứng từ giấy”.
Giải thích thêm, Thứ trưởng Bộ Tài chính Vũ Thị Mai nói: “Trong trường hợp này, hải quan phải trao đổi với cơ quan công an. Nếu hai bên chưa thống nhất thì báo cáo Bộ Tài chính. Trong trường hợp vẫn còn vướng mắc dù Bộ Tài chính đã hướng dẫn nhưng phía cơ quan công an đòi có tờ xác nhận thì chúng tôi ghi nhận và giao cho Tổng cục Hải quan kiểm tra lại. Phải phối hợp để giải quyết, phục vụ DN tốt hơn, không thể để đến sáu tháng mới xong thủ tục”.
Xe chở tiền cũng bị truy thu thuế
Đại diện Công ty Hưng Hà thắc mắc: Các công ty nhập khẩu xe chở tiền trong giai đoạn 2006-2009 đã bị truy thu thuế TTĐB. Theo quy định hiện hành, ô tô từ năm chỗ ngồi trở xuống chịu thuế TTĐB là 50%; ô tô 6-15 chỗ ngồi 30%; ô tô từ 16 đến dưới 24 chỗ ngồi 15%.
“Chúng tôi đề xuất Bộ Tài chính cho phép nếu các DN chứng minh được là sử dụng đúng mục đích - được bán cho ngân hàng dùng làm xe chở tiền thì không chịu thuế TTĐB và thuế giá trị gia tăng. Còn những trường hợp không bán cho ngân hàng để sử dụng làm xe chở tiền thì không được hưởng chính sách này” - đại diện Công ty Hưng Hà đề nghị.
ông Nguyễn Đình Thi cho rằng đây là vấn đề phức tạp và đề nghị công ty chuyển hồ sơ để xem xét, giải quyết.
Kiểm tra chặt ô tô nhập khẩu
Ngày 28-11, Bộ Tài chính đã có văn bản yêu cầu đối với ô tô nhập khẩu (trừ ô tô nhập khẩu của đối tượng ưu đãi, miễn trừ ngoại giao) phải nộp giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa (C/O) tại thời điểm làm thủ tục hải quan theo quy định.
Đối với ô tô nhập khẩu chưa hoàn thành thủ tục hải quan, không được cho mang về bảo quản tại kho bãi của người khai hải quan trong khi chờ thông quan. đồng thời tăng cường trách nhiệm kiểm tra, giám sát đối với hồ sơ tạm nhập tái xuất; thời gian, địa điểm lưu giữ ô tô nhập khẩu theo phương thức tạm nhập tái xuất.
Theo Trà Phương
Pháp luật TPHCM