MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Hàng loạt căn Codotel, khách sạn, biệt thự của FLC tiếp tục được dùng làm tài sản đảm bảo tại ngân hàng OCB

18-10-2022 - 09:58 AM | Doanh nghiệp

Hàng loạt căn Codotel, khách sạn, biệt thự của FLC tiếp tục được dùng làm tài sản đảm bảo tại ngân hàng OCB

CTCP Đầu tư và phát triển Bình Định đã mua lại trước hạn một phần trái phiếu mà OCB đang là trái chủ và dùng 84 căn hộ khách sạn tại FLC Quy Nhơn để thay thế nghĩa vụ trả nợ.

Báo cáo quản trị 6 tháng đầu năm 2022 của Ngân hàng TMCP Phương Đông ( OCB ) tiết lộ những tài sản đảm bảo thuộc các dự án của FLC được dùng để thay thế nghĩa vụ trả nợ cho các công ty có liên quan đến FLC. Cụ thể:

- 97 căn Condotel và 81 căn khách sạn (trong đó có 2 căn tổng thống ở tầng 15) tại khách sạn Grand Hotel ở Sầm Sơn, Thanh Hóa để thay thế nghĩa vụ trả nợ cho Công ty cổ phần Xây dựng FLC Faros (ROS) và nhóm khách hàng liên quan. 

- Thửa đất số 560 tờ bản đồ số 15 tại Vĩnh Thịnh, Vĩnh Tường, Vĩnh Phúc để thay thế nghĩa vụ trả nợ của Công ty cổ phần FLC Travel, FLC Land và Bamboo Airways. 

- Biệt thự nghỉ dưỡng khu Fusion (67 căn) và khu Courtyard Bungalow (102 căn) thuộc KĐT du lịch sinh thái FLC tại Sầm Sơn, Thanh Hóa để thay thế một phần nghĩa vụ trả nợ của Bamboo Airways 

- 9 lô biệt thự tại Khu đô thị du lịch sinh thái FLC (p.Quảng Cư, thành phố Sầm Sơn, tỉnh Thanh Hóa) để thay thế nghĩa vụ trả nợ đối với Công ty cổ phần đầu tư và XNK CFS và nhóm khách hàng liên quan. 

 - 84 căn hộ khách sạn Coastal Hull thuộc quần thể du lịch FLC Quy Nhơn để tổ chức phát hành trái phiếu là Công ty cổ phần Đầu tư và phát triển Bình Định mua lại trước hạn một phần trái phiếu tương ứng mà OCB đang là trái chủ nêu tại tờ trình số 287.2022.TT-TGĐ ngày 29/04/2022 của Tổng giám đốc.

Tuy nhiên, theo thông tin từ phía đại diện OCB cung cấp cho Doanhnhan.vn, ngay sau đó FLC đã thu xếp được nguồn tiền, trả nợ và tiến hành mua lại trước hạn một phần trái phiếu nên OCB không thực hiện các điều khoản như nghị quyết ban hành, cụ thể là không thực hiện gán nợ đối với các dự án này.

Đáng chú ý trong các giao dịch trên là hoạt động mua lại trước hạn một phần trái phiếu rồi dùng 84 căn hộ khách sạn tại FLC Quy Nhơn để làm tài sản đảm bảo thay thế nghĩa vụ trả nợ cho khoản vay mới tại OCB của Công ty cổ phần Đầu tư và phát triển Bình Định.

Công ty cổ phần Đầu tư và phát triển Bình Định được thành lập năm 2017 tại Bình Định, hoạt động chính trong lĩnh vực kinh doanh bất động sản, do bà Vũ Thị Minh Huệ là người đại diện pháp luật.

Công ty này tiền thân là Công ty TNHH Đầu tư và Phát triển FLC Faros Bình Định do Công ty cổ phần Xây dựng FLC Faros (ROS) sở hữu 100% vốn điều lệ và Chủ tịch kiêm người đại diện theo pháp luật là bà Vũ Đặng Hải Yến.

Khi đó, FLC Faros Bình Định là chủ đầu tư dự án Khu đô thị chức năng FLC Lux City Quy Nhơn có vốn đầu tư 600 tỷ đồng tại Phân khu số 6, Khu Đô thị du lịch sinh thái Nhơn Hội thuộc Khu kinh tế Nhơn Hội, TP. Quy Nhơn.

Tháng 10/2018, FLC Faros Bình Định đổi tên thành Công ty cổ phần Đầu tư và phát triển Bình Định, thay người đại diện theo pháp luật sang bà Huệ và sau đó tăng vốn lên mức 500 tỷ đồng. Tới thời điểm cuối năm 2018, ROS không còn ghi nhận FLC Faros Bình Định (Đầu tư và phát triển Bình Định) là công ty con sở hữu 100% vốn trên báo cáo tài chính hợp nhất đã kiểm toán.

Theo dữ liệu trên sở giao dịch chứng khoán Hà Nội (HNX), vào tháng 6 và tháng 7 năm 2019, Công ty cổ phần Đầu tư và phát triển Bình Định đã phát hành 2 đợt trái phiếu, huy động lần lượt 100 tỷ đồng và 200 tỷ đồng, đều đã đáo hạn.

Lô trái phiếu riêng lẻ phát hành tháng 6/2020 huy động 200 tỷ có kỳ hạn 5 năm với lãi suất 11,5% do Công ty cổ phần Chứng khoán Quốc tế Việt Nam (VIS) làm tư vấn và đại lý phát hanh, Ngân hàng OCB là tổ chức quản lý tài khoản trái phiếu, bảo lãnh thanh toán trái phiếu và đại diện người sở hữu trái phiếu. Cũng trong tháng 9/2020, Công ty cổ phần Đầu tư và phát triển Bình Định tiếp tục phát hành lô trái phiếu trị giá 150 tỷ, kỳ hạn 5 năm. Tổng cộng số dư vay nợ trái phiếu của công ty đến hiện tại là 350 tỷ đồng.

Với thông tin từ báo cáo quản trị của OCB thì OCB là trái chủ mua trái phiếu của công ty này. Tuy nhiên, Công ty cổ phần Đầu tư và phát triển Bình Định đã mua lại trái phiếu trước hạn, giảm dư nợ trái phiếu. Thông tin này chưa được công bố.

Sau khi ông Trịnh Văn Quyết bị bắt, phía OCB đã nhanh chóng lên tiếng về việc sẽ giải quyết các khoản vay nợ của FLC tại đây. Đến thời điểm 30/06/2022, FLC thanh toán xong 573,3 tỷ đồng và không còn dư nợ vay ngắn hạn tại Ngân hàng TMCP Phương Đông - CN Hà Nội (OCB Hà Nội).

Trước đó, vào tháng 7/2022, Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Tập đoàn FLC đã thông qua việc FLC cùng với Công ty cổ phần Đầu tư Kinh doanh Phát triển Bất động sản FLCHomes (FLCHomes) mua lại tòa nhà 265 Cầu Giấy từ Ngân hàng TMCP Phương Đông.

Trước đó, tòa nhà tại 265 Cầu Giấy, Hà Nội vốn là trụ sở của FLC, Bamboo Airways đã được sử dụng để cấn trừ toàn bộ nghĩa vụ trả nợ bao gồm toàn bộ dư nợ gốc, lãi, dư nợ quá hạn (nếu có) của FLC, FLC Faros, FLCHomes, Bamboo Airways tại OCB.

Tòa nhà này do FLC xây dựng từ năm 2015, tổng vốn đầu tư 5.200 tỷ đồng và đưa vào sử dụng từ giữa năm 2019; gồm 38 tầng nổi, 4 tầng hầm, diện tích sử dụng hơn 100.000 m2.

Theo Lam Lê

Doanh nhân

Từ Khóa:
Trở lên trên