MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

OGC khớp lệnh kỷ lục, hơn 13% cổ phần công ty chuyển nhượng trong 1 phiên

Phiên ngày 24/9, cổ phiếu OGC của Tập đoàn Đại Dương (Ocean Group, HoSE: OGC ) đạt kỷ lục về khối lượng giao dịch với 40,4 triệu cổ phiếu, tương đương 13,5% vốn điều lệ. Kỷ lục giao dịch trước đây là ngày 2/11/2018 với 37,6 triệu đơn vị.

Chốt phiên ngày 24/9, cổ phiếu OGC tăng trần lên 6.070 đồng/cp, tăng 92% trong vòng gần 2 tháng qua.

Cùng với diễn biến tăng giá, giao dịch nội bộ của cổ phiếu OGC cũng khá sôi động thời gian gần đây. Ông Nguyễn Thành Trung, Phó Chủ tịch HĐQT đăng ký bán 5 triệu trên 15 triệu cổ phiếu đang sở hữu từ ngày 14/9 đến 13/10. Bà Phạm Thị Thu Yến, vợ ông Nguyễn Thanh Tùng – Thành viên BKS đăng ký bán hết 137.500 cổ phiếu từ ngày 15/9 đến 14/10.

Ngược lại, ông Lò Hồng Hiệp, Tổng giám đốc công ty đã mua vào 1 triệu cổ phiếu để nâng sở hữu lên 3 triệu đơn vị, tương đương 1% vốn công ty vào cuối tháng 7. Bà Nguyễn Minh Hạnh, chị gái bà Nguyễn Hương Nga – Trưởng Ban kiểm soát mua vào 3,8 triệu cổ phiếu trên 5 triệu đơn vị đăng ký. Lượng cổ phiếu bà Hạnh sở hữu sau giao dịch là 6,6 triệu đơn vị, tương đương 2,91% vốn.

Theo BCTC hợp nhất soát xét bán niên 2020, doanh nghiệp có 3 cổ đông lớn là Doanh nghiệp Tư nhân Hà Bảo nắm 16 triệu cổ phiếu (5,33%), ông Nguyễn Thành Trung là 15 triệu đơn vị (5% vốn – đang đăng ký bán 5 triệu cổ phiếu) và Cục Thi hành án Dân sự thành phố Hà Nội là 36 triệu cổ phiếu (12,02% vốn).

Tập trung mảng thực phẩm và khách sạn, thoái vốn khoản đầu tư không hiệu quả

Trong kế hoạch cơ cấu toàn diện hoạt động kinh doanh, ban lãnh đạo cho biết sẽ tập trung vào lĩnh vực thế mạnh là sản xuất kinh doanh thực phẩm và chuỗi khách sạn nghỉ dưỡng. Theo đó, doanh nghiệp thực hiện các biện pháp để đẩy mạnh doanh thu của hệ thống khách sạn Starcity, Sunrise trong các năm tiếp theo; tìm cơ hội mở rộng sản xuất với bánh Givral và Kem Tràng Tiền.

Đồng thời, tập đoàn triển khai mạnh các giải pháp thu hồi công nợ phải thu quá hạn thanh toán, đánh giá lại hiệu quả các khoản đầu tư bất động sản, tiếp tục đối tác chiến lược để thực hiện thoái vốn một số khoản đầu tư chưa hiệu quả tạo nguồn lực cho dự án trọng tâm. Ban lãnh đạo tin rằng các dự án như 25 Trần Khánh dư, Licogi 19, Lega Fashion House, Gia định Plaza, Công viên Hồ Điều Hòa, Sài Gòn Airpost… đều có vị trí thuận lợi, hiệu quả kinh tế dự kiến cao và nhiều đối tác quan tâm.

Tính đến 30/6, doanh nghiệp có khoản trích lập dự phòng phải thu khó đòi 3.928 tỷ đồng, giảm 114 tỷ đồng so với thời điểm đầu năm. Tổng khoản nợ xấu của công ty lên đến 5.482 tỷ đồng và giá trị có thể thu hồi chỉ 1.022 tỷ đồng.

Về hoạt động kinh doanh, nửa đầu năm, doanh thu thuần đạt 263 tỷ đồng, giảm 37,8% so với cùng kỳ năm trước. Doanh thu tài chính tăng mạnh từ 30,3 tỷ đồng lên 272 tỷ đồng giúp doanh nghiệp có lãi 127 tỷ đồng, cùng kỳ năm trước lỗ 30 tỷ. Phần lợi nhuận thuộc về cổ đông công ty mẹ là 44,4 tỷ đồng, cùng kỳ năm trước lỗ 4 tỷ đồng.

Nguồn thu tài chính của tập đoàn đến từ việc công ty con – Công ty Khách sạn và Dịch vụ Đại Dương (OCH) hoàn thành chuyển nhượng 3,6 triệu cổ phiếu Công ty IOC và 2,49 triệu cổ phiếu Công ty Suối Mơ, lãi ghi nhận 259 tỷ đồng.

Hoạt động kinh doanh có lãi 2 năm gần đây giúp lỗ lũy kế của doanh nghiệp còn 2.722 tỷ đồng trên vốn điều lệ 3.000 tỷ đồng.

Mới đây, tập đoàn công bố quyết định HĐQT chuyển hượng 20 triệu cổ phiếu OCH để tạo nguồn tiền thanh toán công nợ và phục vụ hoạt động sản xuất kinh doanh. Giá chuyển nhượng không thấp hơn giá tham chiếu tại từng thời điểm chuyển nhượng. Tạm tính theo giá chốt phiên ngày 24/9 (8.200 đồng/cp), OGC dự thu 160 tỷ từ thoái vốn OCH.

Tuy nhiên, việc chuyển nhượng sẽ khiến tỷ lệ sở hữu OCH của tập đoàn xuống dưới 51% và có khả năng không được hợp nhất kết quả kinh doanh.

Theo Tường Như

OGC

Trở lên trên