Ổn định lãi suất vay mua nhà
Dòng vốn tín dụng vào bất động sản sẽ được kiểm soát chặt trong năm 2022 theo chủ trương của Ngân hàng Nhà nước nhưng vay mua nhà để ở vẫn được ưu tiên nên lãi suất khó tăng mạnh.
- 21-12-2021Những ai được vay mua nhà, sửa nhà với lãi suất ưu đãi theo chính sách mới trong năm 2022?
- 08-12-2021Năm 2022, nhiều người được vay mua nhà với lãi suất chỉ 4,8%
- 28-10-2021Lãi suất vay mua nhà đang giảm
Ngày 21-1, Ngân hàng Shinhan Việt Nam cho biết vừa công bố gói lãi suất vay mua nhà mới cho khách hàng cá nhân. Theo đó, khách hàng có thể chọn gói lãi suất 3,9%/năm cố định 6 tháng; gói lãi suất 7,6%/năm cố định 36 tháng hoặc gói lãi suất 7,9%/năm cố định 60 tháng. Khách vay mua nhà được hỗ trợ vay tới 70% giá trị tài sản bảo đảm và thời hạn vay lên đến 30 năm.
Ngân hàng TMCP Hàng hải Việt Nam (MSB) cũng triển khai gói vay lãi suất chỉ từ 4,99%/năm cho khách hàng vay mua nhà. Theo đó, khách hàng cá nhân có nhu cầu vay mua nhà tại MSB sẽ được hưởng mức lãi suất chỉ từ 4,99%/năm. Khách hàng được vay đến 90% giá trị căn nhà dự định mua, thời hạn vay kéo dài tới 35 năm.
Đại diện MSB cho hay đây là mức lãi suất cạnh tranh so với các gói vay mua nhà trên thị trường hiện nay và sẽ được áp dụng cố định trong 3 tháng đầu đối với các khoản vay có thời hạn trên 24 tháng. Việc được vay vốn trong thời gian dài sẽ giúp khách hàng giảm áp lực tài chính.
Một số ngân hàng triển khai gói ưu đãi lãi suất cho vay đối với khách mua nhà để ở. Ảnh: LAM GIANG
"Thời điểm cuối năm được coi là thời gian "vàng" để mua nhà sau một năm tích lũy tài chính. Các dự án bất động sản cũng có nhiều chương trình ưu đãi thúc đẩy bán hàng và việc tận dụng mức lãi suất thấp của ngân hàng thời điểm này để tối ưu chi phí trả lãi vay cũng là lợi thế" - đại diện MSB nói.
Theo các ngân hàng, lãi suất cho vay mua nhà trong năm nay sẽ tiếp tục duy trì ở mức ổn định và khó tăng mạnh dù chủ trương của Ngân hàng Nhà nước là siết dòng vốn tín dụng đổ vào bất động sản.
Tại cuộc họp triển khai nhiệm vụ ngành ngân hàng năm 2022 ở TP HCM vừa qua, Phó Thống đốc Thường trực Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú nêu rõ trong năm 2022, dòng vốn ngân hàng sẽ được định hướng ưu tiên cho sản xuất - kinh doanh, lĩnh vực gặp khó khăn do dịch Covid-19. Ngược lại, vốn vào bất động sản, trái phiếu, chứng khoán… sẽ được kiểm soát chặt chẽ, thậm chí chặt hơn năm trước. Riêng với lĩnh vực bất động sản nhà ở phục vụ nhu cầu tiêu dùng chính đáng của người dân, Ngân hàng Nhà nước vẫn sẽ ưu tiên và tạo điều kiện.
Số liệu của Ngân hàng Nhà nước cho thấy đến cuối tháng 11-2021, tín dụng bất động sản tăng khoảng 12% so với năm trước. Tỉ trọng tín dụng bất động sản hiện chiếm khoảng 18%-20% trong tổng dư nợ nền kinh tế. Bà Hà Thu Giang, Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế - Ngân hàng Nhà nước, cho hay tăng trưởng tín dụng bất động sản có xu hướng giảm từ trên 26% năm 2018 xuống 11,89% năm 2020, thấp hơn tăng trưởng tín dụng chung của nền kinh tế.
Người lao động