Ông Biden dập dịch Covid-19 ở Mỹ, bắt đầu từ Nam Phi
Tổng thống Joe Biden sẽ áp đặt lệnh cấm đối với hầu hết công dân không phải người Mỹ gần đây ở Nam Phi nhập cảnh vào nước này để khống chế đại dịch Covid-19.
- 22-01-2021Công ty "nhà người ta": Lợi nhuận giảm 1/3, vẫn thưởng nóng hàng trăm triệu USD cho nhân viên trong mùa dịch Covid-19
- 21-01-2021Rời Nhà Trắng, ông Trump tiết lộ thiệt hại từ đại dịch Covid-19 với đế chế kinh doanh của mình
- 19-01-2021"Tiền Tây" ồ ạt đổ vào thị trường Trung Quốc khi thế giới đang vật lộn với đại dịch Covid-19
Theo Reuters, lệnh cấm sẽ có hiệu lực từ ngày 30-1 tới, mục đích ngăn chặn sự lây lan của một biến thể virus SARS-CoV-2 mới.
Bác sĩ Anne Schuchat, phó giám đốc Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh Mỹ (CDC), cho biết trong một cuộc phỏng vấn ngày 24-1: "Chúng tôi đang thêm Nam Phi vào danh sách hạn chế vì biến thể virus SARS-CoV-2 mới hiện đã lan rộng ra ngoài Nam Phi. Biện pháp này nhằm bảo vệ người Mỹ, giảm nguy cơ các biến thể mới lây lan và làm trầm trọng thêm đại dịch hiện nay".
Ông Biden cũng tái áp đặt lệnh cấm nhập cảnh đối với hầu hết công dân không phải người Mỹ đã từng ở Brazil, Anh, Ireland và 26 quốc gia châu Âu cho phép đi lại qua biên giới mở.
Tổng thống Joe Biden. Ảnh: AP
Trước đó, cựu Tổng thống Donald Trump ngày 18-1 tuyên bố dỡ bỏ hạn chế đối với Brazil và châu Âu nhưng ông Biden sẽ hủy bỏ quyết định đó. Tân tổng thống Mỹ đang tích cực chống lại đại dịch trong bối cảnh một số quan chức y tế lo ngại vắc-xin Covid-19 hiện tại có thể không hiệu quả đối với biến thể Nam Phi, làm tăng khả năng tái nhiễm của bệnh nhân.
Biến thể Nam Phi, còn được gọi là biến thể 501Y.V2, có khả năng lây nhiễm cao hơn 50% các biến thể khác và đã được phát hiện ở ít nhất 20 quốc gia. Các quan chức CDC nói với Reuters rằng họ sẵn sàng bổ sung những quốc gia khác vào danh sách hạn chế nếu cần.
Biến thể Nam Phi vẫn chưa được tìm thấy ở Mỹ nhưng ít nhất 20 bang của nước này đã phát hiện một biến thể virus SARS-CoV-2 từ Anh được gọi là B.1.1.7. Các loại vắc-xin hiện tại dường như hiệu quả trong việc chống lại biến thể này.
Đại sứ quán Nam Phi tại Washington không bình luận khi được Reuters liên lạc.
Một du khách tại sân bay quốc gia Ronald Reagan Washington, bang Virginia - Mỹ. Ảnh: Reuters
Ngoài việc dè chừng Nam Phi, ông Biden còn lên kế hoạch hợp tác với chính quyền các bang và địa phương để thiết lập điểm tiêm chủng Covid-19 tại trung tâm hội nghị, sân vận động và nhà thi đấu. Hàng ngàn nhân viên y tế từ các cơ quan liên bang, nhân viên quân y và chuỗi nhà thuốc cũng sẽ được huy động để tăng cường hoạt động tiêm chủng.
Đài NBC dẫn lời người được ông Biden chọn làm chánh văn phòng Nhà Trắng, Ron Klain, phàn nàn rằng chính quyền của ông Trump "không có kế hoạch phân phối vắc-xin Covid-19 khi đại dịch hoành hành trong những tháng cuối cùng ông Trump tại nhiệm".
"Quy trình phân phối vắc-xin, đặc biệt là bên ngoài các viện dưỡng lão và bệnh viện nói chung cho cộng đồng, đã không thực sự tồn tại khi chúng tôi đến Nhà Trắng" - ông Klain nói.
Israel mở rộng chương trình tiêm chủng Covid-19
Các quan chức y tế cho biết Israel bắt đầu tiêm vắc-xin Covid-19 cho thanh thiếu niên 16-18 tuổi từ ngày 23-1. Theo Bộ Y tế Israel, kể từ khi triển khai tiêm chủng cách đây 1 tháng, khoảng 2,5/9 triệu người dân Israel đã nhận được vắc-xin Covid-19.
Một học sinh được tiêm vắc-xin Covid-19 tại Israel ngày 23-1. Ảnh: Flash90
Việc mở rộng chương trình tiêm chủng - bao gồm cả học sinh lớp 11 và lớp 12 - diễn ra vài ngày sau khi Israel gia hạn lệnh phong tỏa Covid-19 lần ba cho đến cuối tháng này do sự gia tăng số ca nhiễm. Lệnh phong tỏa dự kiến hết hiệu lực vào tối 28-1 nhưng các bộ trưởng đồng ý gia hạn cho đến ngày 31-1.
Hiện Israel có 4.326 người chết vì Covid-19 và 593.578 ca nhiễm tính đến ngày 23-1.
Người Lao Động