Ông chủ Trung Nguyên bất ngờ nói: Tài sản ngân hàng chỉ là... bề nổi!
Ra tòa, vợ chồng ông chủ thương hiệu cà phê Trung Nguyên tiếp tục có những tranh cãi gay gắt xung quanh vấn đề chu cấp, nuôi dưỡng 4 người con và phân chia tài sản.
Trưa 20-2, phiên tòa xét xử sơ thẩm vụ án ly hôn giữa ông Đặng Lê Nguyên Vũ (Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Tập đoàn cà phê Trung Nguyên ) và bà Lê Hoàng Diệp Thảo (Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Công ty cà phê hòa tan Trung Nguyên) tiếp tục phần xét hỏi.
Hai phía đương sự đưa ra nhiều ý kiến trái ngược, tranh cãi gay gắt xung quanh vấn đề nuôi con và phân chia tài sản.
Hiện 2 người con lớn của vợ chồng ông Vũ, bà Thảo đang sống ở Úc, 2 con nhỏ đang học tại một trường quốc tế tại Việt Nam.
Ông Vũ trình bày thực sự, ông muốn trực tiếp nuôi dạy và chăm sóc các con mà không cần bà Thảo chu cấp. Dù vậy, ông tôn trọng quyền tự quyết và nguyện vọng của 4 người con. Ông không cần tiền.
"Tôi tôn trọng quyền tự quyết định của các con" – ông Vũ khẳng định trước tòa.
Ông Đặng Lê Nguyên Vũ không đồng tình với yêu cầu cấp dưỡng nuôi con vợ đưa ra
Ông Vũ cho rằng bà Thảo dùng quyền lực điều khiển, chi phối nhiều việc trong công ty. Số tài sản trong ngân hàng được đưa vào hồ sơ để phân chia trong vụ án ly hôn chỉ là "bề nổi".
Trong khi đó, bà Lê Hoàng Diệp Thảo giữ nguyên yêu cầu ly hôn. Bà Thảo đề nghị tòa án quyết định bà là người có quyền nuôi dưỡng các con. Cùng đó, ông Vũ phải có nghĩa vụ cấp dưỡng nuôi con với khoản chi phí cấp dưỡng cho một người con tương đương 5% số cổ phần Trung Nguyên.
Song, ông Vũ chỉ đồng ý hàng năm, ông sẽ chu cấp mỗi con khoản chi phí bằng 2,5% số cổ phần.
Trước đó, luật sư bảo vệ quyền và lợi ích nguyên đơn đề nghị HĐXX triệu tập đại diện Công ty thẩm định giá Sài Gòn nhằm làm rõ chứng thư thẩm định giá trong vụ án và xác định bà Lê Hoàng Diệp Thảo với tư cách cổ đông các công ty thuộc Tập đoàn cà phê Trung Nguyên tham gia phiên tòa với tư cách người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan trong vụ án. Tuy nhiên, luật sư phía bị đơn cho rằng việc triệu tập công ty giám định là không bắt buộc và không cần thiết.
Phản hồi, HĐXX nhận thấy chưa cần thiết phải triệu tập công ty thẩm định tham gia phiên xử.
Đặc biệt, yêu cầu phản tố phía ông Đặng Lê Nguyên Vũ đưa ra tại tòa thu hút nhiều sự quan tâm.
Theo đó, năm 2016, sau khi TAND TP HCM thụ lý vụ việc, ông Vũ có yêu cầu phản tố về các khoản tiền tại ngân hàng, bất động sản tại TP HCM, Úc và tài sản trong một số công ty. Sau đó, bị đơn rút một phần yêu cầu phản tố. Tuy nhiên, tại phiên tòa hôm nay, bị đơn giữ nguyên yêu cầu phản tố ban đầu.
Đại diện VKSND TP cho rằng trước khi diễn ra phiên xử, ông Vũ đã rút một phần yêu cầu phản tố. Do đó, cơ quan xét xử chưa thu thập chứng cứ và chưa tiến hành hòa giải đối với những yêu cầu phản tố ông Vũ rút trước đó.
Người lao động