MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Ông Đặng Văn Thành: "Tôi chưa quay trở lại ngân hàng ngay vì còn chờ điều kiện thuận lợi"

30-09-2016 - 10:28 AM | Tài chính - ngân hàng

Chia sẻ với báo Tri Thức trẻ bên lề sự kiện Diễn đàn Doanh nghiệp 2016 do Forbes tổ chức, ông Đặng Văn Thành, Chủ tịch Tập đoàn Thành Thành Công (TTC), cho biết, không chỉ bản thân ông mà những người có nghề và còn yêu nghề đều nên quay trở lại làm ngân hàng.

- Là một tên tuổi lớn trong lĩnh vực ngân hàng và góp công không nhỏ đưa Sacombank lên vị thế như ngày hôm nay, ông có nghĩ một ngày nào đó mình sẽ trở lại làm ngân hàng?

- Tôi sẽ trở lại làm ngân hàng nếu điều kiện thuận lợi. Không chỉ bản thân tôi mà những người có nghề và còn yêu nghề đều nên quay trở lại làm ngân hàng. Ngành cần mình làm và tôi sẵn sàng làm việc đó nhưng tôi cần thời điểm phù hợp để quay trở lại. Nói gì thì nói, ngành ngân hàng đóng vai trò vô cùng thiết thực cho nền kinh tế.

Chẳng hạn như ngân hàng mở chi nhánh ở một xã nào đó, ngay khi khai trương, người dân địa phương có thể gửi tiền và vay tiền, đó chính là làm lợi kinh tế và thúc đẩy kinh tế phát triển. Người làm ngân hàng tạo ra được rất nhiều giá trị. Tuy nhiên, tôi chưa quay trở lại ngay vì còn chờ điều kiện thuận lợi.


Ông Đặng Văn Thành, Chủ tịch tập đoàn Thành Thành Công. Ảnh: Linh Anh

Ông Đặng Văn Thành, Chủ tịch tập đoàn Thành Thành Công. Ảnh: Linh Anh

- Theo ông, điều kiện như thế nào thì được coi là thuận lợi?

- Chẳng hạn như việc một ngày nào đó, Ngân hàng Nhà nước sẽ đưa ra chương trình để cùng nhau góp phần tái cấu trúc lại ngành.

- Phải chăng ông đã nhìn thấy cơ hội gì đó nên đã cổ vũ và động viên những người có nghề và còn yêu ngành ngân hàng quay trở lại?

- Không chỉ mình tôi mà tôi muốn khích lệ những người có nghề ngân hàng quay trở lại vì đây là cơ hội cho anh em có thể đóng góp cho xã hội.

- Người ta biết đến ông nhiều qua lĩnh vực ngân hàng và mía đường. Tuy nhiên, ông còn góp tay vào nhiều lĩnh vực khác như năng lượng và giáo dục. Ông có thể chia sẻ thêm thông tin về những dự án này?

- Nói về năng lượng, đây là lĩnh vực cần giữ một tỉ lệ nhất định ở bất cứ quốc gia nào, kể cả nước phát triển và đang phát triển. Chính vì vậy, năng lượng là lĩnh vực mà TTC rất quan tâm và đầu tư. Song song với các nhà máy đường, chúng tôi đều đầu tư thêm các trung tâm nhiệt điện để tận dụng vỏ cây mía sau khi ép lấy đường. Chúng tôi đề nghị Bộ Công Thương quan tâm tới giá thành bán điện để khuyến khích phương pháp làm điện này.

Thứ hai, là thuỷ điện. Thông qua các chương trình cổ phần hoá trước đây, TTC hiện đang sở hữu 14 nhà máy điện vừa và nhỏ. Ngoài ra, chúng tôi cũng đang hướng tới các phương pháp tạo năng lượng mới như điện gió hay điện mặt trời. Trước đây, thị trường Việt Nam chưa quan tâm tới lĩnh vực này vì giá thiết bị cao nhưng hiện nay, cạnh tranh giúp giá thiết bị điện mặt trời và điện gió trở nên có thể chấp nhận được.

Vừa qua, chúng tôi đã ký hiệp ước đối tác chiến lược với các công ty năng lượng sạch của Singapore để triển khai các nhà máy điện sạch vào năm 2017. Trước mắt, chúng tôi dự định xây điện gió ở Bến Tre với công suất khoảng 200 MW. Với khả năng tạo ra 1 MW/tua bin gió, chúng tôi dự kiến xây dựng khoảng 200 tua bin. Tuy nhiên, trước mắt chúng tôi sẽ bắt đầu với 30 tua bin.

Trước đây, giá thành cho các thiết bị năng lượng gió hay mặt trời rất đắt. Tuy nhiên, trong thời gian gần đây, tiến bộ về khoa học, kỹ thuật giúp hạ giá thành thiết bị. Nếu được nhà nước quan tâm hơn tới giá điện, tôi nghĩ không chỉ riêng tôi mà nhiều doanh nghiệp sẽ đầu tư vào lĩnh vực này.

Về giáo dục, TTC có trên 15 năm kinh nghiệm. Chúng tôi phát triển giáo dục dựa trên nhu cầu của phụ huynh, giúp con em họ có cơ hội được đào tạo ngay tại địa phương thay vì tới các thành phố lớn để giảm thiểu chi phí.

- Ông có thể chia sẻ thêm về kế hoạch tương lai của TTC?

Những lĩnh vực chúng tôi lựa chọn hiện nay đều rất thiết thực, đóng góp ngay lập tức cho nền kinh tế, chẳng hạn như năng lượng, giáo dục hay mía đường. Với mía đường, đây là thời kỳ cạnh tranh khốc liệt. Ngành mía đường Việt Nam đang phát triển nhưng những người làm mía đường ở Việt Nam chịu nhiều áp lực cạnh tranh, nhất là sau khi lộ trình bảo hộ mía đường Việt Nam kết thúc năm 2018. Đây thực sự là thách thức.

Chậm lắm là cuối năm 2017, chúng tôi sẽ ra mắt một công ty mía đường lớn thông qua việc xây dựng và hợp nhất các đơn vị nhỏ để tạo ra một công ty tiêu biểu cho ngành. Rõ ràng ở quy mô lớn, nó phù hợp với nền kinh tế thị trường, tạo ra uy tín cho ngành mía đường Việt Nam và đáp ứng đủ nhu cầu của thị trường. Ngoài ra, quy mô lớn giúp dễ dàng hơn trong việc tiếp nhận công nghệ, nâng cao tiêu chuẩn sản phẩm.

- Đầu tư ra nước ngoài đang ngày càng trở thành xu thế. TTC có kế hoạch gì chưa?

Chắc chắn chúng tôi sẽ đầu tư lĩnh vực mía đường sang các quốc gia lân cận, chẳng hạn như Campuchia và Lào. Ở hiện tại, mía đường chiếm khoảng gần 60% doanh thu của TTC.

Linh Anh

Trí Thức Trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên