Ông Hoàng Nam Tiến dự đoán 3 năm nữa việc bán hàng sẽ dựa vào AI và Big Data, Shark Phú phản biện: Đừng quan tâm những thứ quá xa, quan trọng là hiểu khách hàng cần gì!
Đại diện đến từ Sunhouse nhấn mạnh với doanh nghiệp, điều quan trọng nhất vẫn là đáp ứng đúng nhu cầu khách hàng, mang lại sản phẩm tốt nhất với chi phí thấp nhất.
Câu chuyện ứng dụng công nghệ mới như Trí tuệ nhân tạo (AI) hay dữ liệu lớn (Big Data) trong quá trình kinh doanh, phát triển sản phẩm… được đưa ra thảo luận khá nhiều thời gian vừa qua. Tại tọa đàm Cái Chết Của Sự Ổn Định - Shark Tank Forum 2020, vấn đề này một lần nữa trở thành chủ đề tranh luận hấp dẫn giữa ông Hoàng Nam Tiến - Chủ tịch FPT Telecom và Shark Nguyễn Xuân Phú – Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Sunhouse.
Ông Tiến cho rằng, trước tới giờ các thương hiệu vẫn đang làm marketing, chạy các chương trình khuyến mãi để thu hút khách hàng thì trong vòng 3 năm tới, cách thức bán hàng này sẽ thay đổi. Doanh nghiệp sẽ không "xuất phát" kiểu như vậy nữa mà xuất phát trực tiếp từ nhu cầu cụ thể của khách hàng.
Ông Tiến lấy ví dụ khi có dữ liệu trong tay, một doanh nghiệp biết khách hàng cứ đến tháng 11 hàng năm là đổi iPhone mới thì ngay từ tháng 9, doanh nghiệp có thể bắt đầu sale sản phẩm với khách hàng.
"Không quá 3 năm nữa, chúng ta sẽ tiếp cận khách hàng từ những nhu cầu thầm kín nhất, những nhu cầu mà họ thậm chí chưa nghĩ ra, chưa nói đến. Chúng ta sẽ bán hàng trên Big Data, trên các nền tàng được AI hỗ trợ. Chúng ta chủ động tiếp cận khách hàng thay vì đợi khách hàng biết đến thương hiệu của mình, chương trình khuyến mãi của mình", ông Tiến lý giải.
Đáp lại "lời tiên đoán" của Chủ tịch FPT Telecom, Shark Phú cho rằng dùng AI hay Big Data cũng chỉ là một cách thức để bán hàng. Quan trọng là doanh nghiệp biết và đáp ứng được nhu cầu của khách hàng.
"Đừng quá lo lắng rằng mình chưa biết Big Data hay AI là gì thì không bán được hàng. Bạn biết khách cần gì thì cứ dùng cách truyền thống cũng được, chần chừ lại mất cơ hội. Vì có khi Big AI hay Data đang quá xa chúng ta và mấu chốt cuối cùng chỉ là hiểu khách hàng muốn gì".
Shark Phú hài hước nhận định nhiều trường hợp thực tế khá giống với ông Tiến, mặc dù bản chất vấn đề đơn giản, thông thường nhưng doanh nghiệp cứ phức tạp hóa lên để cho "hoành tráng". Tuy vậy, ông thừa nhận ngay cả các doanh nghiệp truyền thống cũng cần ứng dụng công nghệ để tối ưu hóa bài toán kinh doanh. Ví dụ những công ty như Coca-Cola, KFC... họ vẫn bán sản phẩm truyền thống nhưng cần công nghệ để quản trị và đi ra toàn cầu.
"Cuối cùng thì khách hàng sẽ chỉ quan tâm ông nào mang lại sản phẩm tốt nhất với chi phí thấp nhất. Thế nên các doanh nghiệp phải căn cứ vào đó để tính toán, chọn ra giải pháp tốt nhất. Nếu công nghệ giải quyết tốt hơn phải ứng dụng ngay công nghệ, nhưng đưa công nghệ vào mà tốn chi phí hơn, sản phẩm đắt hơn thì phải dùng cách truyền thống. Mỗi doanh nghiệp luôn phải tự tính toán điều đó, không ai giống ai".
Kết lại, Chủ tịch Sunhouse cho rằng doanh nghiệp cần nắm được toàn diện các giải pháp, cách thức mới. Không nhất thiết bắt chước người khác mà nên biết tự tính toán để giải quyết vấn đề then chốt của mình, tránh phức tạp hóa vấn đề.
"Quan trọng là chúng ta chọn giải pháp phù hợp với điều kiện, hoàn cảnh của mình. Người ta có 20 cách mà mình biết có 3 cách thì thua về cạnh tranh. Bản thân 1 doanh nghiệp truyền thống phải biết sự thay đổi của các phương pháp để ứng dụng", Shark Phú thừa nhận.
Trí thức trẻ