Ông Lê Như Tiến nói về 2 vấn đề quan trọng nhất của Đại hội Đảng XIII
Về công tác chuẩn bị nhân sự của Đại hội Đảng XIII, ông Lê Như Tiến nhận định, chưa có Đại hội nào được chuẩn bị chu đáo, kỹ lưỡng và sớm như khoá này.
- 26-01-2021Khai mạc trọng thể Đại hội XIII của Đảng
- 24-01-2021Hà Nội phân luồng giao thông phục vụ Đại hội Đảng XIII
- 24-01-2021Triển khai nhiều vòng, nhiều lớp, bảo đảm tuyệt đối an toàn Đại hội Đảng XIII
Hai vấn đề quan trọng nhất là chính sách phát triển đất nước 5 năm tới và nhân sự BCH Trung ương
Trao đổi với PV, ông Lê Như Tiến, nguyên Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Văn hoá, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội khoá 13 cho rằng, hai vấn đề quan trọng nhất của mỗi lần Đại hội Đảng là chính sách phát triển đất nước 5 năm tới và nhân sự Ban chấp hành Trung ương.
Ở Đại hội Đảng lần thứ XIII đang diễn ra, ông Tiến đánh giá, Đảng đã chuẩn bị rất chu đáo, chặt chẽ, khoa học, được thực hiện từ nhiều năm nay, trên cả 2 phương diện là các văn kiện, chính sách phát triển kinh tế trong 5 năm tới và công tác nhân sự.
Về chính sách, theo ông Tiến, gồm báo cáo chính trị; chiến lược phát triển kinh tế xã hội đất nước 5 năm tới và tầm nhìn xa hơn đến năm 2030 (kỷ niệm 100 năm thành lập Đảng), 2045 (100 năm thành lập Nước); đánh giá lại toàn bộ nhiệm kỳ khoá XII...
Về công tác chuẩn bị nhân sự của Đại hội Đảng XIII, ông Tiến nhận định, chưa có Đại hội nào được chuẩn bị chu đáo, kỹ lưỡng và sớm như hiện nay.
Trong đó, Đảng đã chuẩn bị kỹ lưỡng cho 200 nhân sự dự kiến Ban Chấp hành Trung ương khoá 13, cán bộ cấp cao là Bộ Chính trị, Ban Bí thư và 4 vị trí chức danh lãnh đạo chủ chốt Đảng, Nhà nước.
"Việc chuẩn bị văn kiện, chính sách đã được lấy ý kiến nhiều lần các chuyên gia, nhà khoa học, ĐBQH, các tầng lớp nhân dân trong và ngoài nước. Nhân sự dự kiến của khoá XIII cũng được lấy ý kiến của nhiều cấp có thẩm quyền, qua nhiều bước, quy trình chặt chẽ, rõ ràng.
Đặc biệt, công tác bồi dưỡng cho các nhân sự lần đầu tham gia Ban Chấp hành rất được chú trọng khi có nhiều lớp cán bộ nguồn được Đảng mở ra, giúp cho các cán bộ này có được cái nhìn, nhận thức, kiến thức đầy đủ.
Tôi kỳ vọng, với sự chuẩn bị kỹ lưỡng đó, Đại hội XIII của Đảng sẽ thành công tốt đẹp và đưa được những người có tâm, có tầm, năng lực, phẩm chất vào Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá mới để tiếp tục đưa đất nước phát triển, nhân dân ấm no", ông Tiến chỉ rõ.
Theo ông Tiến, bên cạnh việc xây dựng đội ngũ cán bộ, đảng viên, trong khoá XIII tới cần rà soát, giám sát, thay đổi thường xuyên các vị trí, chức danh để có cái mới, có những người xứng đáng vào các vị trí.
"Như dòng sông, không được để tù đọng mà phải để dòng nước chảy thường xuyên và công tác cán bộ cũng như vậy, phải chảy, đổi mới, phải trong sạch", ông Tiến bày tỏ.
Vị ĐBQH khoá 13 cho rằng, điều quan trọng hơn cả là sau khi có Nghị quyết của Đại hội XIII cần nhanh chóng triển khai, đưa Nghị quyết vào cuộc sống thực tiễn bằng các chương trình, hành động cụ thể. Bởi những người tốt nhất, phù hợp nhất đã được chọn để chèo lái con thuyền đất nước đi tiếp.
Ông Lê Như Tiến.
Những con số minh chứng cho quyết tâm phòng, chống tham nhũng
Nhìn nhận lại 5 năm qua, nguyên Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Văn hoá, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội đánh giá, dưới sự lãnh đạo của Đảng, 5 năm qua là quãng thời gian đất nước đã gặt hái được những thành tựu rất đáng tự hào.
Đặt trong bối cảnh chung của thế giới và khu vực, trong 5 năm qua, kinh tế đất nước ta tiếp tục tăng trưởng tốt, kể cả năm 2020 khi đại dịch Covid-19 ảnh hưởng rất nặng nề đến nhiều quốc gia trên thế giới và Việt Nam.
Riêng năm 2020, năm cuối cùng của nhiệm kỳ khóa XII, đất nước gặp nhiều khó khăn, thách thức nhất, thiên tai, dịch bệnh nặng nề nhất, nhưng dấu ấn của những thành tựu lại càng rõ nét.
Cụ thể, Việt Nam là một trong những nước rất hiếm hoi thực hiện thành công "mục tiêu kép", vừa chống được dịch Covid-19 vừa phát triển kinh tế và đạt được mức tăng trưởng dương.
Tuy GDP năm 2020 đạt 2,91%, mức tăng thấp nhất trong các năm của giai đoạn 2011-2020, nhưng trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, ảnh hưởng tiêu cực tới mọi lĩnh vực kinh tế-xã hội, thì đây là thành công lớn của Việt Nam.
Thành tựu ấy là tiền đề, kết quả bảo đảm cho đất nước tiếp tục giữ vững ổn định chính trị-xã hội để đi tiếp trên chặng đường mới.
Bên cạnh việc phát triển kinh tế, công tác xây dựng Đảng, phòng chống tham nhũng rất quyết liệt, đạt được kết quả rất cao, khẳng định không có vùng cấm, không có ngoại lệ.
Trong đó, đặc biệt những năm gần đây, đã có hàng trăm cán bộ cao cấp, kể cả diện Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Trung ương quản lý bị xử lý, kỷ luật hoặc xử lý hình sự. Cùng với đó, đã thu hồi hàng trăm ngàn tỷ về cho ngân sách Nhà nước.
"Đó chính là những con số biết nói, minh chứng rõ ràng nhất cho quyết tâm phòng, chống tham nhũng của Đảng, Nhà nước ta.
Tuy nhiên, qua con số cán bộ kể cả cấp Uỷ viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng, Bí thư Tỉnh uỷ... bị kỷ luật, xử lý, cho thấy một bài học rất đau xót. Do đó, trong khoá XIII, vấn đề giám sát, kiểm soát quyền lực đối với cán bộ, đảng viên, lãnh đạo cần phải tăng cường toàn diện hơn.
Các cán bộ, đảng viên được đưa vào bộ máy lãnh đạo Đảng, Nhà nước phải chịu sự giám sát của nhân dân, đảng viên, các tổ chức chính trị - xã hội, cơ quan và trách nhiệm người đứng đầu ở các cơ quan, đơn vị cần phải xác định rõ, đề cao", ông Tiến gửi gắm.
Một vấn đề khác được vị ĐBQH khoá 13 nhắc lại, đó chính là "hoàng hôn nhiệm kỳ", "chuyến tàu vét cuối cùng" đã được ông chất vấn tại Quốc hội vẫn là bài học còn nguyên giá trị. Do vậy, việc kiểm soát, thanh tra, giám sát cán bộ, càng phải tăng cường hơn nữa trong thời điểm hiện tại cũng như suốt nhiệm kỳ mới.
Doanh nghiệp và tiếp thị