MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Ông Philipp Rosler: Việt Nam đang rất nổi bật trên bản đồ thương mại thế giới

Chủ tịch nước Trần Đại Quang, Tổng thống Mỹ Donald Trump, Tổng thống Nga Vladimir Putin, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình... sẽ có bài phát biểu tại Hội nghị.

Trong cuộc trao đổi riêng với Trí Thức Trẻ, cựu Phó Thủ tướng Đức gốc Việt Philipp Rosler, hiện là đã nói về sự tất yếu của quá trình toàn cầu hóa cũng như cảm nhận về Việt Nam và lần đầu tiên ông tham dự tuần lễ cấp cao APEC.

Các thành viên APEC đang thúc đẩy tự do thương mại, cạnh tranh công bằng, nhưng xu hướng bảo hộ, đi ngược lại toàn cầu hòa cũng đã xuất hiện ở khu vực, vậy thách thức này nên được xử lý như thế nào?

Tôi cho rằng hầu hết các thành viên APEC đều đang đi đúng hướng và toàn bộ khu vực sẽ hội nhập. Chúng ta đang đấu tranh cho tự do thương mại, thị trưởng cởi mở và cạnh tranh công bằng. Tất nhiên còn một số thách thức nhưng APEC đang nỗ lực và tôi chắc rằng sẽ thành công. Thương mại công bằng sẽ mang lại lợi ích cho tất cả mọi người.

Ông Philipp Rosler: Việt Nam đang rất nổi bật trên bản đồ thương mại thế giới - Ảnh 1.

Tất nhiên mở cửa thị trường là một việc, còn tự do thương mại lại là việc khác. Nhưng thương mại công bằng sẽ giúp bảo vệ mỗi thành viên trong cuộc cạnh tranh khỏi những điểm yếu, tất nhiên đó phải là một cuộc cạnh tranh cũng công bằng. Thương mại như vậy thì sẽ mang lại lợi ích cho tất cả mọi người.

Ở một số nước cụ thể, họ có những phong trào khác nhau, nhưng trên thế giới nói chung, xu hướng chính vẫn là tiến lên toàn cầu hóa. Anh đã rút khỏi EU, đó là lựa chọn của họ. 27 nước khác trong Liên minh châu Âu vẫn cùng nhau tiến lên toàn cầu hóa. Tương tự, Mỹ đã rút khỏi TPP nhưng bạn hãy nhìn những gì đang diễn ra tại Việt Nam, 11 nước đang tích cực làm gì, bạn sẽ thấy rằng dù một nước dừng lại thì 11 nước còn lại vẫn đi tiếp.

Bạn luôn luôn phải chuẩn bị cho những tình huống bất ngờ trong giao thương và quan hệ quốc tế. Nếu nước nào đó rút lui, thì bạn cần phải có hành động. Điều đó có nghĩa là bạn lúc đó phải tập trung vào những nước còn lại, ở trường hợp TPP thì Việt Nam vẫn có thể tập trung vào 10 nước còn lại và nếu làm đúng thì vẫn thu được nhiều lợi ích.

Việt Nam nên làm gì để chuẩn bị đối mặt với những thách thức của toàn cầu hóa?

Tôi sẽ bắt đầu bằng việc không nói đến thách thức mà nói tới các cơ hội. Điều này sẽ mang tới trải nghiệm và tinh thần tốt hơn, đồng thời cũng phù hợp với Việt Nam hơn.

Tài nguyên lớn nhất của Việt Nam không phải là dầu mỏ, mà là con người, như tôi đã nói trước các đại biểu của Hội nghị Thượng đỉnh Kinh doanh Việt Nam sáng 7/11. Nhưng để sử dụng và phát huy được tiềm năng đó thì các bạn nên giáo dục những người trẻ, phải đào tạo họ, đặc biệt là cần nhiều nỗ lực hơn trong hướng nghiệp và đào tạo nghề, sau đó tạo môi trường kinh doanh cho họ, mang lại cho họ cơ hội khởi nghiệp, đánh thức tiềm năng doanh nhân của họ. Đó sẽ là điều tốt cho thế hệ tương lai của các bạn và cho toàn bộ xã hội, toàn bộ đất Việt Nam.

Ông Philipp Rosler: Việt Nam đang rất nổi bật trên bản đồ thương mại thế giới - Ảnh 2.

Ông Rosler trả lời phóng vấn báo Trí thức trẻ

Thủ tướng Việt Nam cũng đã nói rằng ông rất muốn thúc đẩy khởi nghiệp và ủng hộ những người trẻ. Mỗi người có thể khởi nghiệp bằng nhiều cách khác nhau, trở thành các doanh nhân công nghệ số, các doanh nhân kiểu cổ điển, trong rất đa dạng các ngành và lĩnh vực, nhưng cần lưu ý rằng công nghệ, số hóa đã hiện diện và những người khởi nghiệp trong lĩnh vực này nên đặc biệt quan tâm.

Nếu bạn nhìn vào toàn cầu hóa và vai trò đặc biệt của Việt Nam trong đó, vào việc Thủ tướng của Việt Nam đang thúc đẩy thương mại trong APEC, điều này được tất cả các thành viên APEC khác đánh giá rất cao. Họ đã coi Việt Nam như một trong những thành viên dẫn dắt trong việc hướng tới một thị trường cởi mở, thương mại tự do và cạnh tranh công bằng.

Hãy nhìn vào các cơ hội hơn là các vấn đề. Nếu Việt Nam muốn nâng cao năng lực cạnh tranh thì nên tập trung vào việc có các thể chế tốt, chính sách tốt, và thúc đẩy khu vực tư nhân nhiều hơn. Tôi thấy rằng Việt Nam đang đi đúng chiến lược này và điều đó có nghĩa là các bạn đã chuẩn bị cho tương lai. Tất nhiên, khi triển khai cụ thể thì Việt Nam còn rất nhiều việc phải làm nhưng hướng đi như vậy là đúng đắn và làm chúng tôi rất lạc quan.

Cá nhân ông sẽ làm gì để thúc đẩy sự hợp tác giữa Việt Nam và Diễn đàn Kinh tế Thế giới?

Việt Nam và Diễn đàn Kinh tế Thế giới gần đây đã ký thỏa thuận đối tác chiến lược. Sự hợp tác sẽ tập trung vào một số lĩnh vực như y tế, môi trường, dịch vụ tài chính, an ninh lương thực, các công nghệ sản xuất tương lai,... Tất cả đều là những lĩnh vực quan trọng đối với Việt Nam.

Ông Philipp Rosler: Việt Nam đang rất nổi bật trên bản đồ thương mại thế giới - Ảnh 3.

Vai trò của chúng tôi là một diễn đàn cung cấp nền tảng để tập hợp lãnh đạo từ các lãnh đạo doanh nghiệp cho tới chính phủ, các tổ chức xã hội, tổ chúc phi chính phủ, thế hệ trẻ... Họ có thể tạo ra tương lai của các lĩnh vực khác nhau, thiết lập những cách thức và mô hình kinh doanh mới. Tất cả phải được kích hoạt bởi sự hợp tác giữa khu vực công và khu vực tư nhân. Sự hợp tác này sẽ dẫn tới thành công.

Việt Nam hiện tại đã trở nên rất nổi bật trên bản đồ thương mại thế giới. Tất cả, trong đó có tôi, đều nhận ra các nỗ lực của Việt Nam trong việc thúc đẩy thương mại tự do.

Tôi biết là chính phủ Việt Nam đang thúc đẩy khởi nghiệp và tự do thương mại, để thành công thì các bạn phải tăng năng lực cạnh tranh của mình, nhanh hơn và mạnh hơn ở nhiều mặt: từ chính sách, đào tạo nguồn nhân lực, ứng dụng công nghệ và tăng năng lực sản xuất. Tôi ủng hộ và sẽ giúp thúc đẩy những nỗ lực này.

Ông nghĩ thế nào một thỏa thuận TPP mà không có Mỹ tham gia?

Tôi biết là 11 thành viên TPP còn lại – đồng thời là các thành viên APEC, đang thảo luận về việc họ nên làm gì vào lúc này sau khi Mỹ đã rút khỏi TPP. Và theo tôi cách tốt nhất là 11 nước còn lại cùng nhau đi tiếp.

TPP-11 là giải pháp tốt thứ hai sau TPP-12, nhưng vẫn là một giải pháp tốt. Tự do thương mại, thị trường cởi mở và cạnh tranh công bằng giữa 11 nước còn lại là điều có thể. Và TPP-11 vẫn là một khối mạnh và có nhiều lợi thế.

Ông Philipp Rosler: Việt Nam đang rất nổi bật trên bản đồ thương mại thế giới - Ảnh 4.

Đã có những dấu hiệu của chủ nghĩa bảo hộ ở đâu đó, nhưng tôi tin rằng thị trường cởi mở và tự do thương mại và giải pháp tốt hơn nhiều. Trong cả một thập kỷ qua, chúng ta thấy rằng chính tự do thương mại chứ không phải bảo hộ đã tạo ra việc làm. Ngoài ra, các lợi ích khác của tự do thương mại quốc tế mà chúng ta còn bàn thảo nhiều trong suốt cả tuần lễ APEC cấp cao này, bạn có thể nhìn thấy chúng hiện hữu trong chính ngôi nhà của mình. Chiếc điện thoại bạn đang dùng là của Hàn Quốc phải không? Còn cái máy ghi âm bạn đang dùng phỏng vấn tôi thì là ở đâu? Hàng Đức phải không? Rất nhiều sản phẩm đều dựa vào tự do thương mại để phát triển.

Ông có cảm nhận thế nào về Việt Nam và APEC 2017 được tổ chức ở Việt Nam?

Đây là lần thứ tư ở Việt Nam. Tôi đã từng tới Đà Nẵng khi còn nhỏ và thật tuyệt khi được trở lại đây. Đây thực sự là một đất nước đáng mến với những con người đáng mến, một nơi rất năng động.

Tuần lễ cấp cao này thật sự rất tuyệt, chúng ta có các hội nghị, diễn đàn, đối thoại hàng ngày, rồi rất nhiều các hội nghị lớn nhỏ khác đã diễn ra trong suốt cả năm. Tôi thấy không khí diễn đàn APEC ở đây cũng giống như những gì chúng ta trải nghiệm ở Davos (nơi Diễn đàn Kinh tế Thế giới diễn ra). Thực sự rất tuyệt. Chúc mừng Việt Nam!

Xin cảm ơn ông!

Theo Ngọc Anh - Design: Mine LInh

Trí thức trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên