MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Ông Trần Nhật Nam: 2018 là năm bùng nổ đầu tư trái phiếu doanh nghiệp

01-02-2019 - 08:24 AM | Doanh nghiệp

Chỉ tính riêng trên Sở giao dịch chứng khoán TP HCM (HoSE), giá trị giao dịch trái phiếu tăng gấp 10 lần trong 5 năm qua, từ 3.000 – 4.000 tỷ đồng mỗi năm lên 36.588 tỷ đồng trong năm 2018.

Giao dịch thứ cấp đối với sản phẩm trái phiếu đang sôi động hơn qua kênh phân phối tại các ngân hàng, công ty chứng khoán.

Để có một góc nhìn sâu hơn về thị trường trái phiếu doanh nghiệp (TPDN), phóng viên NDH có cuộc phỏng vấn với ông Trần Nhật Nam, chuyên gia tài chính ngân hàng, người đã có nhiều năm kinh nghiệm về sản phẩm đầu tư đang được quan tâm này.

Gắn bó khá lâu với thị trường trái phiếu doanh nghiệp của Việt Nam, ông cảm nhận như thế nào về những thay đổi của thị trường này những năm qua?

Ông Trần Nhật Nam: Tại Việt Nam, một số doanh nghiệp phát hành trái phiếu từ rất sớm nhưng bản chất lại không khác việc nhận cấp tín dụng và chưa tạo nên một thị trường thực sự. Thay vì cho vay doanh nghiệp, ngân hàng chuyển sang đầu tư trái phiếu.

Các khoản đầu tư này có thể mua bán lại giữa các tổ chức nhưng hầu hết các trường hợp đều nằm nguyên ở bảng cân đối kế toán của ngân hàng.

Phải đến năm 2013 – 2014, thị trường TPDN thật sự mới nhen nhóm khi TCBS bắt đầu bán buôn và bán lẻ trên thị trường các trái phiếu của Vingroup, Masan.

Hai năm gần đây, các ngân hàng, công ty chứng khoán khác cũng để ý đến thị trường này. Tôi cho rằng năm 2018 là một bước đột phá và trở thành năm bùng nổ của trào lưu đầu tư trái phiếu doanh nghiệp. Thay vì chỉ tập trung ở hai đơn vị là TCBS – Techcombank, VPBS – VPBank, một số tổ chức khác cũng đang tham gia tích cực như Vietcombank, ACB, SCB, MBBank....như trường hợp trái phiếu TNR (bán tại Maritimebank), Sunshine (SCB), Sovico (HDBank).

Một thị trường thứ cấp phát triển sẽ có vai trò như thế nào đối với sự phát triển chung của thị trường TPDN, thưa ông?

Nếu các giao dịch thứ cấp không phát triển thì chúng ta sẽ không thể có một thị trường mạnh. Điều này cũng tương tự như khi thị trường cổ phiếu chỉ có các giao dịch trên sàn OTC với vài chục nhà đầu tư nắm giữ cổ phiếu chưa niêm yết. Bên cạnh đó, không có thị trường thứ cấp, việc phát hành trái phiếu cũng sẽ không khác cấp tín dụng ngân hàng.

Tôi cho rằng cần tạo ra cơ chế để trái phiếu có thể bán buôn, bán lẻ cho khách hàng là tổ chức, cá nhân một cách rộng rãi hơn, từ đó mới có thể tạo ra thị trường thứ cấp thật sự sôi động. Khi có một lượng nhà đầu tư đủ lớn cho TPDN, tính kiểm soát, yêu cầu minh bạch, yêu cầu thanh khoản sẽ tăng lên và tạo ra thị trường trái phiếu thực sự.

Như một số tổ chức, sau khi tư vấn phát hành và phân phối lẻ trái phiếu, họ thường đề xuất tổ chức phát hành đưa trái phiếu lên niêm yết. Việc minh bạch về thông tin và giá cũng giúp các giao dịch dễ dàng hơn.

Ông Trần Nhật Nam: 2018 là năm bùng nổ đầu tư trái phiếu doanh nghiệp - Ảnh 1.

Ông Trần Nhật Nam - chuyên gia tài chính ngân hàng

Vài năm trở lại đây, hình thức đầu tư vào TPDN được các cá nhân lựa chọn ngày càng nhiều một phần nhờ lãi suất cao hơn lãi tiền gửi cùng kỳ hạn. Lợi nhuận cao thường đi kèm với việc phải chấp nhận rủi ro cao. Vậy so với gửi tiết kiệm, đâu là yếu tố rủi ro một nhà đầu tư có thể gặp phải khi mua TPDN?

Thực ra, đầu tư mua TPDN hay gửi tiền vào một ngân hàng đều là hoạt động cho vay mang về nguồn thu nhập cố định (fixed income). Tuy nhiên, gửi tiền (cho ngân hàng vay) ổn định và an toàn hơn bởi dòng tiền tại các tổ chức tài chính được phân tán, luân chuyển linh hoạt. Các ngân hàng còn phải kiểm soát chặt chẽ dòng tiền, tuân thủ những quy định nghiêm ngặt của NHNN. Việc mua TPDN (cho doanh nghiệp vay trực tiếp) rủi ro cao hơn khi nhà đầu tư phải phụ thuộc vào tình hình kinh doanh của riêng doanh nghiệp đó. Kinh doanh có thể thành bại, thậm chí xa hơn còn là nguy cơ phá sản.

Việc so sánh mức độ rủi ro đúng ra cần dựa trên hệ số tín nhiệm (credit rating) của các tổ chức. Hiện Việt Nam vẫn chưa có tổ chức xếp hạng tín nhiệm. Khi quyết định mua trái phiếu tôi cho rằng các nhà đầu tư nên cố gắng tìm hiểu mức độ rủi ro của doanh nghiệp, so sánh với mức độ rủi ro của ngân hàng đang gửi tiền.

Với trường hợp các doanh nghiệp có nền tảng vững, đầu ngành hay có lĩnh vực kinh doanh đa dạng, khả năng phá sản trong ngắn hạn gần như bằng không thì việc mua trái phiếu không rủi ro hơn, thậm chí còn an toàn hơn các gửi tiền vào các ngân hàng yếu kém.

Hơn nữa, nếu các nhà đầu tư sẵn sàng nắm giữ cổ phiếu của một công ty thì việc mua trái phiếu của chính doanh nghiệp này thực chất là còn ít rủi ro hơn so với cổ phiếu vì doanh nghiệp cam kết một mức lãi suất cố định và trái chủ (nhà đầu tư mua trái phiếu) luôn được ưu tiên chi trả cao hơn so với cổ đông.

Tuy nhiên, không phải doanh nghiệp nào phát hành trái phiếu nhà đầu tư cũng dễ dàng tiếp cận thông tin. Gần đây, khách hàng khi đến ngân hàng ngoài được tư vấn gửi tiền tiết kiệm được giới thiệu mua TPDN nhưng lại không được biết tình hình tài chính cụ thể. Trường hợp như vậy, nhà đầu tư nên dựa vào đâu để đánh giá rủi ro? Vai trò của ngân hàng ở những thương vụ phát hành như vậy?

Ở thị trường TPDN mà các ngân hàng đang bán lẻ cho khách hàng cá nhân, đúng là người mua không được tiếp cận được phương án sử dụng vốn của doanh nghiệp hay hiểu đầy đủ mức độ uy tín của các doanh nghiệp này.

Nhà đầu tư do đó có thể không cảm thấy an toàn. Với băn khoăn này, thực tế ngân hàng có hai cách để giải quyết.

Thứ nhất, ngân hàng bảo đảm bằng việc tạo ra thanh khoản khi khách hàng cần bán lại nhưng không cam kết bảo lãnh. Thay vì giải thích chi tiết về tình hình tài chính doanh nghiệp, phía ngân hàng cho biết khách hàng hoàn toàn có thể đến bán lại trái phiếu khi cần tiền và ngân hàng sẵn sàng nỗ lực tối đa để tìm người mua lại. Cách mà các tổ chức phân phối bán lẻ đang làm là tạo ra kênh giao dịch thuận lợi để trái phiếu đó có thanh khoản. Hay nói cách khác, họ đang trở thành nhà tạo lập thị trường (market maker) cho các trái phiếu này.

Đối với cách thức trên, người mua cần cân nhắc liệu trong thời gian nắm giữ TPDN có khả năng phá sản không. Giả sử trong thời hạn 3, 6 tháng khách hàng nắm giữ, trái phiếu gặp vấn đề hay doanh nghiệp phá sản thì ngân hàng không phải là bên chịu trách nhiệm. Tuy nhiên, ngân hàng sẽ vẫn đứng ra quản lý tài sản đảm bảo của trái phiếu nếu trái phiếu có tài sản đảm bảo hay đại diện cho trái chủ làm việc với đơn vị phát hành để đảm bảo quyền lợi tốt nhất.

Còn ở cách thứ hai, ngân hàng sẽ cho phép người mua có thể bán lại trái phiếu cho ngân hàng hoặc cam kết bảo lãnh luôn. Điều này không khác việc cấp tín dụng cho doanh nghiệp nhưng lại giúp thu được dòng tiền về từ người dân để ngân hàng có thể làm việc khác. Người mua yên tâm hơn nhưng lãi suất không cao hơn đáng kể so với lãi tiền gửi.

Trong cả hai cách này, các tổ chức đều phải mua trước trái phiếu về cất “kho” rồi sau đó mới bán lẻ dần. Ngân hàng mua TPDN tương tự như cấp một khoản cho vay, tăng tín dụng ngân hàng. Tuy nhiên, khi bán ra, nếu không có bảo lãnh, số dư tín dụng sẽ giảm xuống vì rủi ro tín dụng được chuyển giao cho khách hàng. Còn trong trường hợp có bảo lãnh, số dư trái phiếu này sẽ vẫn bị tính vào tăng trưởng tín dụng.

Về hồ sơ, quy trình phát hành, việc chào bán trái phiếu riêng lẻ đơn giản và nhanh hơn hình thức chào bán ra công chúng. Có ý kiến cho rằng việc ngân hàng hay các tổ chức mua riêng lẻ rồi sau đó phân phối lại cho nhiều nhà đầu tư thay vì chào bán công khai nhằm “lách” luật, ông nghĩ sao về điều này?

Theo quy định hiện hành, việc chào bán trái phiếu ra công chúng, doanh nghiệp cần làm hồ sơ phát hành, đăng ký và cần được sự chấp thuận của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước theo Luật Chứng khoán. Còn hoạt động phát hành riêng lẻ sẽ cần gửi hồ sơ thông báo Bộ Tài chính.

Theo Nghị định 90 về phát hành trái phiếu riêng lẻ, tổ chức, cá nhân mua sơ cấp trái phiếu có thể bán lại cho các đối tượng khác mà không có giới hạn về số lượng người mua. Việc phân phối lại tuân thủ đúng quy định hiện hành nhưng ở một góc độ nào đó cũng có thể gọi là lách việc chào bán công khai. Đến nay, lỗ hổng này đã được quy định chặt chẽ tại Nghị định 163.

Cụ thể, Nghị định này yêu cầu các trái chủ hạn chế giao dịch trong phạm vi dưới 100 nhà đầu tư không kể nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp, trong vòng 1 năm kể từ ngày hoàn thành đợt phát hành trừ trường hợp theo quyết định của Tòa án hoặc thừa kế. Sau một năm, trái phiếu có thể được giao dịch không hạn chế về số lượng nhà đầu tư.

Nghị định 163 là văn bản pháp luật mới nhất quy định về hoạt động phát hành trái phiếu thay thế Nghị định 90 về phát hành trái phiếu riêng lẻ có hiệu lực suốt 8 năm qua. Theo ông, đâu là những điểm thay đổi đáng chú ý nhất? Các quy định mới sẽ tác động lên thị trường TPDN như thế nào?

Nghị định 163 nới điều kiện cho hoạt động phát hành như bỏ điều kiện doanh nghiệp phát hành trái phiếu phải có lãi năm liền kề trước, thời gian hoạt động tối thiểu 1 năm tính từ thời gian nhận Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp thay vì từ lúc chính thức hoạt động hay báo cáo tài chính chỉ cần là được kiểm toán.

Quy định mới về giao dịch trái phiếu như đã nói ở trên cũng là một sự thay đối đáng chú ý.

Nhìn chung, nghị định mới tập trung giúp hoạt động phát hành sơ cấp đơn giản hơn, nhưng lại chặn đầu đầu giao dịch thứ cấp đối với trái phiếu OTC. Điều này có thể đẩy thị trường quay về thời kỳ cũ khi phát hành trái phiếu không khác gì cấp tín dụng vì chỉ có một số lượng nhỏ nhà đầu tư chuyên nghiệp, thậm chí chỉ một ngân hàng mua trái phiếu này.

Ở một góc độ khác, quy định này sẽ buộc tổ chức muốn phát hành rộng rãi phải qua phương thức chào bán công khai. Khi đó bên phát hành sẽ phải thực hiện thêm nhiều thủ tục để bảo vệ nhà đầu tư đại chúng. Cá nhân tôi rất ủng hộ thúc đẩy phát hành ra công chúng theo hình thức này.

Ngoài ra, Nghị định 163 cũng buộc tổ chức phát hành phải tăng tính công khai, minh bạch ở khâu công bố thông tin. Trong đó, Sở giao dịch chứng khoán sẽ xây dựng một hệ thống cổng thông tin trái phiếu. Tôi cho rằng đây là một công việc cần thiết để thị thường hiểu hơn về trái phiếu, cũng như cơ quan quản lý có sự kiểm soát tốt hơn. Ý tưởng này rất tốt, khả thi và hoàn toàn hợp lý nhưng để thực hiện nhanh nhất có thể còn phụ thuộc vào năng lực triển khai.

Bước sang năm mới, ông kỳ vọng gì về thị trường TPDN năm 2019?

Có một số yếu tố sẽ tác động khá rõ nét lên thị trường trái phiếu năm nay. Quy định giảm tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn về mức 40% từ 1/1/2019 sẽ khiến room tài trợ vốn dài hạn của các ngân hàng phải thu nhỏ lại. Thay vì đi vay ngân hàng, phát hành trái phiếu sẽ là một kênh thay thế mà các doanh nghiệp có thể lựa chọn. Việc thị trường TPDN phát triển sẽ mang đến một cú hích mới cho thị trường chứng khoán Việt Nam vốn trước đây chỉ là sân chơi cho các nhà đầu tư cổ phiếu.

Ngoài ra, tôi cho rằng các ngân hàng cũng có thể tiếp tục tìm đến nguồn vốn dài hạn từ trái phiếu để nâng cao năng lực tài chính của đáp ứng chuẩn Basel II khi khả năng tăng vốn điều lệ còn gặp nhiều hạn chế.

Xin cảm ơn ông về những chia sẻ!

Theo Thanh Thủy

Người đồng hành

Trở lên trên