"Ông trùm" ôm đất KCN lên kế hoạch lãi hơn 4.100 tỷ trong năm 2024, dốc hầu bao 1.200 tỷ trả cổ tức và bán vốn 4 công ty trên sàn chứng khoán
Hiện thị giá cổ phiếu GVR đạt 29.550 đồng/cổ phiếu. Đây cũng là vùng đỉnh giá 2 năm của cổ phiếu này. Vốn hóa hiện đạt khoảng 118.000 tỷ đồng.
Trong thông báo mới nhất, Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam - Công ty cổ phần (mã GVR) cho biết sẽ tổ chức họp Đại hội đồng cổ đông bất thường năm 2024 vào ngày 29/3 tới đây. Công ty cũng đã công bố tài liệu cuộc họp.
Cụ thể, GVR sẽ trình cổ đông thông qua các nội dung như kế hoạch sản xuất kinh doanh và đầu tư phát triển; kế hoạch phân phối lợi nhuận năm 2024; đề án cơ cấu lại Tập đoàn đến hết năm 2025; kế hoạch sản xuất kinh doanh và đầu tư phát triển đến hết năm 2025; chiến lược phát triển đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2035…
Kế hoạch 2024 "đi ngang", chi 1.200 tỷ trả cổ tức
Bước sang năm 2024, GVR đặt kế hoạch hợp nhất với doanh thu xấp xỉ 25.000 tỷ đồng, tăng nhẹ 1% so với thực hiện 2023. Lợi nhuận trước thuế mục tiêu đạt 4.101 tỷ đồng, tương đương năm trước. Lợi nhuận sau thuế tăng 2% lên 3.437 tỷ đồng
Về kế hoạch cho công ty mẹ, doanh thu và thu nhập khác mục tiêu đạt 3.988 tỷ, lợi nhuận sau thuế 1.454 tỷ, tăng khoảng 1% so với năm trước.
Đáng chú ý, GVR lên kế hoạch sử dụng hơn 1.100 tỷ cho đầu tư xây dựng cơ bản trong năm 2024, gấp 77 lần con số năm 2023 (13 tỷ), đồng thời trích thêm 145 tỷ cho đầu tư tài chính dài hạn.
Về kế hoạch phân phối lợi nhuận công ty mẹ, GVR dự kiến "dốc hầu bao" chi trả cổ tức 3% , tương ứng chi ra khoảng 1.200 tỷ đồng, còn lại 254 tỷ dùng để trích lập các quỹ theo quy định.
GVR lên kế hoạch đi ngang trong bối cảnh doanh nghiệp trải qua năm 2023 tương đối khó khăn khi xuất khẩu cao su sụt giảm. Doanh nghiệp thậm chí phải điều chỉnh giảm kế hoạch kinh doanh hợp nhất năm 2023 khi chỉ còn hơn 1 tuần nữa là kết thúc năm tài chính với lý do "thực hiện trên nguyên tắc phải hoàn thành kế hoạch sản xuất kinh doanh công ty mẹ".
Theo đó lũy kế cả năm 2023, doanh thu thuần của GVR đạt 22.080 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế đạt 3.370 tỷ đồng, lần lượt giảm 13% và 30% so với năm 2022. Lãi sau thuế của cổ đông công ty mẹ 2.585 tỷ đồng, giảm 33%.
Lợi nhuận mục tiêu vượt 5.000 tỷ trong năm 2025
Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam thành lập năm 2006, hoạt động trên 4 lĩnh vực chính (1) Sản xuất và kinh doanh mủ cao su, 2) Sản xuất và kinh doanh sản phẩm từ cao su như lốp xe, (3) Hoạt động chế biến gỗ, (4) Lĩnh vực phát triển khu công nghiệp. GVR đang quản lý gần gần 400 nghìn hecta đất trồng cây cao su cả trong và ngoài nước. Trong thời gian gần đây, GVR đang trong quá trình tái cấu trúc và hướng trọng tâm phát triển vào mảng kinh doanh khu công nghiệp nhờ vào quỹ đất dồi dào tập đoàn nắm giữ.
Theo đề án tái cơ cấu đến năm 2025, GVR đặt mục tiêu tổng doanh thu hợp nhất toàn tập đoàn vào năm 2025 là 28.575 tỷ đồng, tăng trưởng bình quân hàng năm đạt khoảng 5%. Lợi nhuận trước thuế hợp nhất đạt mức 5.051 tỷ đồng.
Luỹ kế giai đoạn 2021 – 2025, tổng doanh thu hợp nhất ước đạt 135.000 tỷ đồng và tổng lợi nhuận trước thuế hợp nhất giai đoạn ước đạt 25.075 tỷ đồng.
GVR định hướng trồng, chăm sóc, khai thác và kinh doanh các sản phẩm từ cây cao su với diện tích 360-370 ngàn ha (trong nước 245-255 ngàn ha, nước ngoài 115 ngàn ha), sản lượng mủ cao su khai thác khoảng 400 ngàn tấn, sản lượng tiêu thụ khoảng 500 ngàn tấn (bao gồm cao su gia công, thu mua), sản lượng gỗ cao su nguyên liệu khoảng 1.5 triệu m3 gỗ.
GVR cũng đầu tư, mở rộng, cải tạo nâng công suất các nhà máy chế biến gỗ với sản lượng khoảng 1,5 triệu m3 các loại. Tiếp tục phát triển thương hiệu vỏ xe; khai thác có hiệu quả các khu công nghiệp, cụm công nghiệp trên đất cao su chuyển đổi; đẩy mạnh đầu tư mở rộng, đầu tư mới các khu công nghiệp, cụm công nghiệp. Phấn đấu phát triển khoảng 10 ngàn ha các loại cây trồng có đủ điều kiện ứng dụng các giải pháp công nghệ cao và có hiệu quả.
Trong giai đoạn 2026 – 2030, GVR dự kiến sẽ nâng tỷ trọng doanh thu hoạt động SXKD chính lên 95% vào năm 2030; tỷ trọng cơ cấu lợi nhuận các hoạt động SXKD chính chiếm khoảng 70-80%. Tốc độ tăng trưởng bình quân đạt khoảng 5% đến 6 %/năm
Tầm nhìn tới năm 2035, GVR sẽ duy trì vị trí hàng đầu Việt Nam trong lĩnh vực lĩnh vực trồng, chế biến, kinh doanh cao su; chế biến gỗ nhân tạo; sản phẩm công nghiệp cao su; đầu tư kinh doanh các khu công nghiệp; nông nghiệp công nghệ cao; sở hữu được những vùng trồng rừng gỗ lớn; chuyển đổi một phần diện tích sang các cây trồng khác có giá trị kinh tế cao. Tham gia sâu rộng, đầy đủ với tư cách là nhà đầu tư kinh doanh tín chỉ carbon. Xây dựng hệ sinh thái ngành cao su. Phát triển sản phẩm mang thương hiệu VRG theo hướng chuẩn đồng bộ, có thương hiệu và vươn tầm quốc tế.
Chuyển nhượng vốn 8 đơn vị thành viên bao gồm 4 công ty trên sàn chứng khoán
Về kế hoạch tái cơ cấu, GVR lên kế hoạch chuyển nhượng vốn tại 1 đơn vị đang nắm cổ phần chi phối là CTCP Thương mại Dịch vụ và Du lịch Cao su cùng 7 đơn vị không nắm cổ phần chi phối, gồm 4 công ty đang giao dịch trên sàn chứng khoán là CTCP Phát triển Đô thị và Khu công nghiệp Cao su Việt Nam (mã VRG), CTCP Du lịch Quốc tế Vũng Tàu (mã VIR), CTCP EVN Quốc tế (mã EIC) và CTCP Đầu tư Sài Gòn VRG (mã SIP) bên cạnh 3 cái tên khác là CTCP Điện Việt Lào, CTCP Tổng công ty Xây dựng và Thủy lợi 4, CTCP BOT Quốc lộ 13 An Lộc - Hoa Lư.
Ở chiều ngược lại, GVR sẽ xem xét đầu tư thêm vốn để nắm giữ quyền chi phối tại CTCP Cao su Bến Thành (mã BRC).
Ngoài ra, GVR cũng sẽ sắp xếp 5 công ty thủy điện theo chỉ đạo, quyết định, phán quyết của cấp có thẩm quyền và giải thể Xí nghiệp Liên doanh Visorutex khi có đủ điều kiện theo quy định của pháp luật. Các doanh nghiệp thành viên tại Lào cũng nằm trong kế hoạch với việc sáp nhập Công ty TNHH MTV VRG Oudomxay vào CTCP Quasa Geruco, Công ty TNHH MTV Cao su Quavan vào Công ty TNHH Cao su Việt Lào.
Trên thị trường chứng khoán, đóng cửa phiên 11/3, thị giá cổ phiếu GVR đạt 29.550 đồng/cổ phiếu. Đây cũng là vùng đỉnh giá 2 năm của cổ phiếu này. Vốn hóa của GVR trên thị trường hiện đạt khoảng 118.000 tỷ đồng.
An ninh Tiền tệ