Ông Trump chọn "lối đi riêng" khôn ngoan
Cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump bỏ qua vòng tranh luận thứ hai của Đảng Cộng hòa vào tối 27-9 (giờ địa phương, tức sáng 28-9 giờ Việt Nam) để thực hiện kế hoạch riêng.
- 28-08-2023Vì sao các đối thủ Cộng hòa "ngại" công kích ông Trump?
- 27-08-2023Tấm ảnh trong hồ sơ nhà tù đã mang về cho ông Trump 7,1 triệu USD tiền gây quỹ tranh cử
Cựu tổng thống 77 tuổi tuyên bố ông bỏ qua các cuộc tranh luận với lý do ông vẫn dẫn đầu trong cuộc thăm dò mặc dù phải đối mặt với nhiều cáo buộc hình sự.
Trước đó, ông Trump bỏ qua cuộc tranh luận đầu tiên của đảng Cộng hòa vào ngày 23-8.
Thay vì tranh luận, ông Trump phát biểu trước các thành viên nghiệp đoàn ngành xe hơi Mỹ trước đây và hiện tại ở Michigan. Bang Michigan là trung tâm lịch sử của ngành công nghiệp xe hơi Mỹ và là "chiến trường" quan trọng cho chiến dịch bầu cử.
Ông Trump lựa chọn phát biểu trước hàng trăm thợ điện, thợ nước và thợ lắp đường ống thay vì đối đầu trực tiếp với các đối thủ trong một cuộc tranh luận giữa các ứng viên đảng Cộng hòa.
Cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump phát biểu ở Dubuque, Iowa, Mỹ, ngày 20-9. Ảnh: Reuters
Ông Trump phát biểu với giới công nhân lao động ở ngoại ô TP Detroit (bang Michigan) vào cùng ngày 27-9 (giờ Mỹ), tìm cách đạt được các lợi ích chính trị từ cuộc đình công của công nhân ngành xe hơi.
Động thái này diễn ra một ngày sau khi Tổng thống Joe Biden đứng trong hàng rào phong tỏa để thể hiện tình đoàn kết với giới công nhân và công đoàn của họ.
Ông Biden tham gia cuộc biểu tình với các công nhân xe hơi tại bang Michigan ngày 26-9, ủng hộ lời kêu gọi tăng lương 40% của các công nhân.
Tổng thống Mỹ Joe Biden tham gia một cuộc đình công của các công nhân ở Michigan. Ảnh: AP
Dự kiến khi phát biểu tại một cuộc mít tinh do một nhà cung cấp linh kiện xe hơi tổ chức, ông Trump sẽ chỉ trích các chính sách kinh tế của ông Biden. Đồng thời, ông sẽ cảnh báo việc ông Biden ủng hộ xe hơi điện sẽ dẫn đến tình trạng mất việc làm trong toàn ngành xe hơi.
Theo hãng tin Reuters, quyết định của cả ông Trump lẫn ông Biden trực tiếp tham gia vào cuộc tranh chấp ngày càng leo thang giữa một bên là các thành viên nghiệp đoàn và bên kia là 3 nhà sản xuất xe hơi lớn nhất nước Mỹ cho thấy rõ cả hai ông đều rất chú trọng đến việc phải nắm chắc được sự ủng hộ từ các cử tri thuộc tầng lớp lao động ở Michigan và các bang chiến trường khác trong cuộc đua tổng thống vào năm tới.
Giáo sư Robert Bruno tại Trường ĐH Illinois nhận xét rằng với chuyến thăm bang Michigan, cả ông Biden lẫn ông Trump "đều đang nói rằng họ không thể giành chiến thắng nếu không có tầng lớp lao động đông đảo và có phần khó đoán định này".
Trong khi đó, Gerard Filitti, cố vấn cấp cao tại tổ chức phi lợi nhuận The Lawfare Project (Mỹ), nhận định chiến lược cứng rắn của Trump nhằm gửi thông điệp rằng ông là sự lựa chọn "tất yếu" để trở thành ứng viên tổng thống của Đảng Cộng hòa Mỹ vào năm 2024.
Những rắc rối pháp lý của ông Trump hầu như không ảnh hưởng nhiều đến vị thế dẫn đầu của ông.
Rắc rối pháp lý mới nhất là vào ngày 26-9, Thẩm phán Arthur Engoron thuộc Tòa án bang New York phán quyết rằng ông Trump và đế chế kinh doanh gia đình đã thổi phồng giá trị bất động sản và các tài sản khác của ông trên các thủ tục giấy tờ giao dịch và đảm bảo tài chính.
Ông Trump vẫn có khả năng là sự lựa chọn của Đảng Cộng hòa cho vị trí ứng cử viên tổng thống bất chấp phán quyết hôm 26-9 có thể khiến ông bị loại khỏi ban quản lý Trump Organization.
Người Lao động