Ông Trump đã khai hỏa cuộc chiến chính trị để bảo vệ chiếc ghế tổng thống
Những đòn tấn công cấp tập từ phía đảng Dân chủ đã buộc ông chủ Nhà Trắng phải khai hỏa cuộc chiến chính trị để bảo vệ chiếc ghế của mình.
- 06-03-2019Đăng đàn mỉa mai, ông Trump bị bà Clinton "tung đòn" đáp trả
- 06-03-2019Tài sản của Tổng thống Trump thay đổi ra sao trong danh sách nhà giàu Forbes
- 05-03-2019Tổng thống Trump đụng độ FED, Dow Jones thủng 26.000 điểm
- 04-03-2019Hội nghị Mỹ-Triều 2: Cố vấn an ninh Quốc gia tiết lộ lý do Trump về sớm
- 04-03-2019Nghị sỹ đảng Dân chủ thúc đẩy các cuộc điều tra Tổng thống Trump
Ở thời điểm hiện tại, ông Trump đang phải đối mặt với một loạt cuộc điều tra từ nhiều ủy ban của Quốc hội Mỹ. Một công tố viên đặc biệt đang điều tra việc Nga can thiệp vào cuộc đua Tổng thống Mỹ năm 2016 và những bê bối liên quan tới một cựu luật sư cá nhân là những điều đang khiến ông Trump đau đầu. Thậm chí, toàn bộ cuộc sống của vị Tổng thống thứ 45 của nước Mỹ đang được xem xét một cách kỹ lưỡng.
Tuy nhiên, cuộc chiến phản công đã bắt đầu.
Nếu có bất cứ vị Tổng thống Mỹ nào có thể chịu đựng những áp lực như vậy, đó chắc chắn là ông Trump. Trong cuốn tiểu sử về ông Trump, nhà văn Michael D'Antonio viết rằng, khi còn học tại Học viện Quân sự New York thời trai trẻ, vị tổng thống tương lai đã học được một điều quan trọng hơn tất cả: "cuộc sống là phải sống sót. Đó là điều sống còn".
Từ lâu, đây đã là phương châm sống của ông Trump, bất chấp nó gây hao tiền tốn của như thế nào cho các cuộc chiến pháp lý và các hoạt động tấn công nhằm hệ bệ uy tín của ông. Ngay cả khi rời thương trường để bước vào chính trường, ông Trump cũng vẫn theo đuổi châm ngôn này. Những cuộc tấn công nhằm hạ bệ ông trên vai trò Tổng thống hay làm giảm uy tín của ông Trump đều sẽ gặp phải sự phản kháng mạnh mẽ.
Không lâu nữa, công tố viên đặc biệt Robert Mueller sẽ đệ trình báo cáo kết quả điều tra việc Nga can thiệp bầu cử Tổng thống Mỹ năm 2016. Đảng Dân chủ thì đang làm mọi cách để có thể dẫn tới việc luận tội Tổng thống. Những điều này tạo ra một áp lực khủng khiếp nhưng dường như chưa là gì với Tổng thống Trump, người đã quen với áp lực trong suốt cuộc đời mình.
Ông Trump đã sớm phản pháo những cuộc tấn công nhằm vào mình đồng thời tuyên bố sẽ chơi cuộc chơi sống còn với những kẻ đối đầu. "Đó là một sự ô nhục. Đó là một sự ô nhục cho đất nước", ông Trump chỉ trích các động thái của đảng Dân chủ và cho rằng họ cay cú sau khi thua cuộc đua vào Nhà Trắng năm 2016 đồng thời đang đưa ra những hành động để có lợi nhất cho cuộc đua vào Nhà Trắng năm 2020.
Thư ký báo chí Nhà Trắng, bà Sarah Sanders, cũng đưa ra những phát ngôn cứng rắn chống lại đảng Dân chủ, những người đang tìm mọi cách nhằm vào Tổng thống Trump. Trong một tuyên bố tối 4/3, bà Sanders nhấn mạnh: "Người Dân chủ đang tiến hành một cuộc điều tra chỉ dựa vào hy vọng bởi họ sợ rằng những thông tin sai lệch về việc Nga can thiệp bầu cử Tổng thống Mỹ đang sụp đổ. Họ không theo đuổi sự thật. Họ theo đuổi Tổng thống Trump".
Cuộc điều tra của phe Dân chủ đang nhắm vào toàn bộ thế giới của ông Trump. Sanders và tất cả những người trong Nhà Trắng sắp chịu đựng sự khốn khổ của một chiến dịch giám sát nhiều mặt trận. Điều đó đồng nghĩa với một cơn bão trát hầu tòa và các quan chức chính phủ bị kéo lên Đồi Capitol để làm chứng trước hàng loạt cáo buộc.
Tuy nhiên, ông Trump đã sống giữa tâm bão như vậy trong phần lớn cuộc đời trưởng thành của mình và ông tham gia cuộc chiến này với những lợi thế nhất định. Cuộc đụng độ giữa ông Trump với đảng Dân chủ ở Hạ viện được Nhà Trắng lý giải bằng sự cay đắng của người Dân chủ khi họ thua cuộc đua năm 2016. Trong các cuộc chiến pháp lý khác, ông Trump luôn cho thấy sự hiệu quả trong các biện pháp chống lại những kẻ thù được xác định.
Cuộc đấu tay đôi sẽ không chỉ có Tổng thống và người Dân chủ ở Hạ viện. Người Cộng hòa chắc chắn sẽ không để yên và họ sẽ ủng hộ Nhà Trắng. Dù vậy, một số rạn nứt ở Thượng viện, trong đó có việc ông Trump ban bố tình trạng khẩn cấp quốc gia, sẽ gây ra đôi chút trở ngại cho Tổng thống.
Đảng Cộng hòa cũng ủng hộ lập luận cho rằng Tổng thống Trump là nạn nhân của một cuộc đàn áp bất công bằng của phe Dân chủ. Nhiều nhân vật lão làng của phe Cộng hòa đã đứng lên bênh vực Tổng thống Trump. Thượng nghị sĩ đảng Cộng hòa Lindsey Graham của Nam Carolina, Thượng nghị sĩ đảng Cộng hòa John Cornyn của Texas là những người chỉ trích mạnh mẽ nhằm vào phe Dân chủ khi họ cố chống lại ông Trump.
Có lẽ, nhiều người Cộng hòa cũng cảm thấy ông Trump có vấn đề. Tuy nhiên, họ chưa sẵn sàng cho một cuộc luận tội Tổng thống lần thứ 3 trong 50 năm qua.
Một cuộc thăm dò mới được công bố của Đại học Quinnipiac cho thấy 65% số người được hỏi nghĩ ông Trump phạm tội trước khi trở thành Tổng thống. Thậm chí, 33% số người Cộng hòa được hỏi cũng nghĩ như vậy. Tuy nhiên, tỷ lệ ủng hộ ông Trump của đảng Cộng hòa là 82%, một con số rất cao. Điều này cho thấy nhiều người nghĩ rằng ông Trump từng làm sai nhưng họ không quan tâm tới điều đó.
Trong khi đó, chỉ 35% số người được hỏi cho rằng đảng Dân chủ nên khởi xướng việc luận tội Tổng thống Trump, một con số nói lên nhiều về sự thận trọng của người dân Mỹ xung quanh các cuộc điều tra nhằm vào tổng thống của họ.
Nhiều trợ lý của Tổng thống Trump cho biết họ rất ngạc nhiên về phạm vi điều tra mà Chủ tịch Ủy ban Tư pháp Hạ viện Jerrold Nadler đưa ra. Dường như đảng Dân chủ muốn làm Nhà Trắng nổ tung bằng nhiều mặt trận, một tính toán sai lầm khi không chọn một mục tiêu cụ thể để tấn công.
Nhà Trắng đã lên kế hoạch hạn chế yêu cầu mở rộng nhân chứng của người Dân chủ và bảo vệ những gì họ gọi là quyền bí mật của Tổng thống, một dấu hiệu cho thấy Tổng thống Trump đã bắt đầu phản pháo. Elijah Cummings, Chủ tịch Ủy ban Giám sát của Hạ viện cũng phàn nàn rằng Nhà Trắng từ chối yêu cầu giao tài liệu và nhân chứng cho một cuộc điều tra liên quan tới họ. Lý do mà Nhà Trắng đưa ra là những tài liệu đó nằm ngoài phạm vi tiếp cận của ông Cummings.
Những bất đồng khiến Ủy ban của Hạ viện tính đến việc xin trát hầu tòa để lấy thông tin. Đây là bước đi có thể châm ngòi cho một kịch bản pháp lý có thể lặp đi lặp lại nhiều lần trong tháng tới. Một cuộc chiến pháp lý kéo dài không chỉ làm cho người Dân chủ mệt mỏi mà còn chán nản. Họ sẽ phải mất nhiều tháng, đảo lộn tất cả hệ thống của Tòa án….
Thậm chí, nhiều vấn đề, trong đó có Đặc quyền pháp lý của Tổng thống với bí mật từ các quan chức cấp cao, sẽ không được các tòa án bình thường thụ lý. Chỉ Tòa Tối cao có quyền đưa ra phán quyết về vấn đề này. Điều đó lại có lợi cho ông Trump chứ không phải người Dân chủ.
Trong lịch sử, Tổng thống Bill Clinton từng đứng trước cuộc luận tội của người Cộng hòa vào những năm 1990 vì cáo buộc tình dục. Tuy nhiên, công chúng không tin vào điều đó. Bản thân ông Clinton, ngoài lãnh đạo Nhà Trắng chiến đấu hết mình để chống lại cáo buộc của phe Cộng hòa, còn cho thấy ông đang làm rất tốt công việc dẫn dắt nước Mỹ trong giai đoạn kinh tế thịnh vượng. Điều đó khiến nhiều người nghĩ việc luận tội ông Clinton là nhỏ nhặt và không phù hợp.
"Bạn chỉ cần cúi đầu xuống, chống trả và lãnh đạo đất nước. Đó là những gì ông Clinton đã làm để vượt qua bê bối", Thượng nghị sĩ Lindsey Graham nhấn mạnh. Và ông Trump dường như đang làm rất tốt. Trong lễ ban hành một sắc lệnh hành pháp nhằm ngăn chặn tình trạng tự tử của các cựu chiến binh, ông Trump chỉ trích đảng Dân chủ: "Thay vì xây dựng cơ sở hạ tầng, chăm sóc sức khỏe, thay vì còn cả núi việc cần làm, họ chỉ muốn chơi trò chơi của riêng mình. Thật tồi tệ bởi tôi muốn nhìn thấy họ làm đúng luật".
Tuy nhiên, thách thức lớn nhất của ông Trump so với ông Clinton chính là sự ủng hộ. Tỷ lệ ủng hộ tệ nhất của ông Clinton là 58% trong thời điểm tồi tệ nhất. Tuy nhiên, con số ủng hộ Tổng thống Trump thấp hơn nhiều. Trong cuộc thăm dò gần đây, ông Trump được ủng hộ 46%, cao hơn nhiều so với mức thấp kỷ lục 38% trong hơn 2 năm nhiệm kỳ.