MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Ông Trump luôn nói Mỹ thắng Trung Quốc nhưng những con số thực tế cho thấy một hiện thực phũ phàng

15-11-2019 - 15:12 PM | Tài chính quốc tế

Khi những tuyên bố mạnh miệng dần đi vào quên lãng, những con số thống kê về dòng chảy thương mại phác họa nên 1 hiện thực rất khác, trần trụi hơn về chiến tranh thương mại.

1 tháng trước, Tổng thống Trump tuyên bố rằng nội các của ông đã đạt được 1 thỏa thuận thương mại với Trung Quốc. Chính xác hơn thì sau này Nhà Trắng đã gọi đó là thỏa thuận "giai đoạn một", mở đầu cho một chuỗi các thỏa thuận thương mại giữa hai nước.

Kể từ đó đến nay, các cụm từ "chiến thắng", chỉ đồng ý ký vào thỏa thuận "nếu như các điều khoản là đúng đắn" đã xuất hiện thêm từ phía Mỹ trong cuộc xung đột đã kéo dài được một năm rưỡi. Thị trường chứng khoán cũng khởi sắc nhờ thông tin tích cực này.

Nhưng phía sau những ầm ĩ thì thực sự cuộc chiến thương mại đang đi đến đâu? Cách tốt nhất và cũng là duy nhất để loại bỏ những lời hứa có thể bị phá vỡ bất cứ lúc nào và những bình luận trái chiều từ các bên là hãy phân tích dòng chảy thương mại trên biển.

Tại sao lại như vậy? Với 90% các đồ vật trong ngôi nhà của bạn được vận chuyển bằng đường biển, đây sẽ là cách chính xác nhất để tìm hiểu về nguồn cung và lực cầu. Không thể bóp méo hướng đi của dòng chảy thương mại, và dòng chảy ấy sẽ không thay đổi dù nước Mỹ thắng hay thua trong cuộc chiến này.

Sẽ là không đầy đủ nếu chỉ nhìn vào báo cáo kết quả kinh doanh của các doanh nghiệp niêm yết để theo dõi tác động của cuộc chiến thương mại và những cơ hội mà các doanh nghiệp Mỹ có thể mất đi. Số liệu xuất khẩu của Mỹ sẽ là những con số đáng để lưu tâm hơn.

Và, nếu 1 thỏa thuận – dù các điều khoản là gì đi chăng nữa – cũng sẽ không bao giờ có thể bù đắp được những tổn thất mà cuộc chiến gây ra, theo những tính toán dựa trên khối lượng hàng hóa cập bến các cảng của Mỹ.

Cảng Los Angeles, cảng lớn nhất nước Mỹ, là nơi thể hiện rõ ràng nhất những mất mát. Kim ngạch xuất khẩu của Mỹ sang Trung Quốc từ bến cảng nhộn nhịp này đã sụt giảm 12 tháng liên tiếp. Trong tháng 10/2019, khối lượng giảm 19,1% so với cùng kỳ năm 2018.

Thuế quan trả đũa của Trung Quốc ảnh hưởng đến 96,6% lượng hàng hóa xuất khẩu đi qua khu cảng này. 19,9 tỷ USD hàng hóa bị ảnh hưởng. Tính cả thuế quan trả đũa từ các nước khác mà Mỹ đang "gây chiến", tổng cộng 20,2 tỷ USD hàng hóa bị ảnh hưởng, tương đương 28,8% tổng giá trị số hàng hóa xuất khẩu đi qua cảng Los Angeles. Với 95% người tiêu dùng của thế giới là ở bên ngoài nước Mỹ, thuế quan khiến hàng hóa Mỹ gặp rất nhiều bất lợi trên thị trường quốc tế.

Thiệt hại sẽ kéo dài và nhiều lĩnh vực bị ảnh hưởng. Riêng ngành nông nghiệp đã thiệt hại 11 tỷ USD. Chí ít là đến thời điểm này lời hứa của Tổng thống Trump rằng Trung Quốc sẽ mua 40 – 50 tỷ USD nông sản theo thỏa thuận giai đoạn một cuối cùng chỉ là tít báo được giật quá đà. Nếu bạn phân tích kỹ những con số, trong 2 năm trước khi chiến tranh thương mại nổ ra, cộng đồng các doanh nghiệp Mỹ hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp tạo ra 49,807 tỷ USD. Trung Quốc sẽ phải mua 50 tỷ USD nông sản của Mỹ trong 2 năm để Mỹ có thể tuyên bố chiến thắng.

Đó chỉ là 1 phép tính sơ sài. Thực tế là nông nghiệp không phải là ngành duy nhất đang bị ảnh hưởng. Dữ liệu cho thấy Trung Quốc đang mở rộng mối quan hệ hợp tác về khí hóa lỏng (LNG) với Qatar và Australia, trong khi giảm dần sự phụ thuộc vào Mỹ.

Trước cuộc chiến, Trung Quốc là đích đến của khoảng 16% lượng LNG mà Mỹ xuất đi, và Mỹ cung cấp khoảng 4,3% tổng lượng LNG mà Trung Quốc nhập khẩu. Tháng 8/2019, con số 16% giảm xuống chỉ còn 1%. Câu chuyện cũng diễn ra tương tự với dầu thô, giảm từ 20% trong tháng 1/2018 xuống chỉ còn 1,2% trong tháng 8/2019.

Hai ngành bán lẻ và công nghệ đã tuyên bố thiệt hại hàng tỷ USD vì chiến tranh thương mại. Theo Hiệp hội bán lẻ Mỹ, người tiêu dùng và các doanh nghiệp đã phải trả thêm 38 tỷ USD trong quãng thời gian từ khi cuộc chiến bắt đầu (tháng 2/2018) đến tháng 9/2019. Hiệp hội công nghệ tiêu dùng cho biết các loại thuế được áp từ tháng 9 gây thiệt hại khoảng 15,5 tỷ USD.

Khi những tuyên bố mạnh miệng dần đi vào quên lãng, dòng chảy thương mại phác họa nên 1 hiện thực rất khác, trần trụi hơn về chiến tranh thương mại.

Thu Hương

CNBC

Trở lên trên