MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Ông Trump trục xuất 60 nhà ngoại giao Nga: Nguy cơ bùng nổ chiến tranh Lạnh mới

27-03-2018 - 13:00 PM | Tài chính quốc tế

Những biện pháp trục xuất các nhà ngoại giao Nga mà Mỹ và các nước châu Âu vừa tiến hành có thể thổi bùng một cuộc Chiến tranh Lạnh mới hay thứ gì đó thậm chí còn nguy hiểm hơn thế.

Việc Mỹ và 15 nước khác đồng loạt trục xuất hơn 100 nhà ngoại giao Nga làm dấy lên câu hỏi về một cuộc chiến tranh Lạnh mới. Tuy nhiên, với nhiều người, một thứ gì đó có thể còn tồi tệ hơn có thể xảy đến bởi tính chất khó lường trong phản ứng của các bên.

Trải qua nhiều căng thẳng, xung đột và nguy cơ chiến tranh hạt nhân giữa Nga (Liên Xô) và phương Tây được nhắc đến trong nhiều thập kỷ qua. Tuy nhiên, khi Chiến tranh Lạnh kết thúc vào năm 1991, mỗi bên đều tin tưởng phía đối phương sẽ hành động theo những cách mà họ có thể dự đoán được.

Ivan I. Kurilla, một chuyên gia về mối quan hệ Nga – Mỹ, cho rằng, sự bất ổn trong mối quan hệ giữa Nga với phương Tây trở nên trầm trọng hơn bởi vụ đầu độc cựu điệp viên hai mang của Nga đang sống tại Anh. Sau năm 1991, mối quan hệ giữa Nga và phương Tây, đặc biệt là Mỹ đã được cải thiện. Tuy nhiên, trong suốt gần 3 thập kỷ qua, Nga với Mỹ vẫn có những bất đồng. Năm 2002, Tổng thống George W. Bush rút khỏi Hiệp ước Chống tên lửa đạn đạo (ABM) – hiệp định quan trọng thời Chiến tranh Lạnh. Trong khi đó, Nga không thích trật tự thế giới do Mỹ tạo dựng và thống trị và muốn thay đổi nó.

Tuy nhiên, có một nguyên tắc mà người Nga vẫn kiên trì theo đuổi đó là đáp trả sòng phẳng. Việc trục xuất các nhà ngoại giao Nga có thể khiến Moscow trả đũa bằng động thái tượng tự với các nhà ngoại giao phương Tây đang làm việc ở quốc gia này. Thậm chí, Quốc hội Nga cũng sẵn sàng cho "cuộc chiến ngoại giao" mà phương Tây phát động.

"Nga không bao giờ để bản thân bị bắt nạt. Càng cố gắng đe dọa họ, họ sẽ phản ứng càng mạnh", Kurilla nhận định.

Khi Anh trục xuất 23 nhà ngoại giao Nga vì cáo buộc hạ độc cựu điệp viên hai mang, Moscow không chỉ trục xuất số lượng nhà ngoại giao tương tự mà còn ra lệnh đóng của Hội đồng Anh, tổ chức đảm trách vai trò quảng bá văn hóa và ngôn ngữ của Anh trên toàn lãnh thổ Nga.

Ông Trump trục xuất 60 nhà ngoại giao Nga: Nguy cơ bùng nổ chiến tranh Lạnh mới - Ảnh 1.

Các nhân viên ngoại giao Nga rời London sau khi bị trục xuất.

Phía Nga cũng tiếp tục phủ nhận những cáo buộc liên quan tới vụ đầu độc cựu điệp viên Sergei V. Skripal và con gái của ông ta, những người đang trong tình trạng nguy kịch tại một bệnh viện của Anh. Vài năm trở lại đây, những cáo buộc từ phương Tây đã trở nên khá quen thuộc với người Nga, nhất là sau vụ sáp nhập Bán đảo Crimea năm 2014 và những căng thẳng chính trị ở Ukraine trước đó.

Thủ tướng Anh Theresa May cho rằng, vụ tấn công nhằm vào cựu điệp viên Skripals là vô cùng nghiêm trọng bởi "đây là lần đầu tiên chất độc thần kinh được sử dụng ở châu Âu kể từ Thế chiến 2". Kadri Liik, thành viên cấp cao trong ban Đối ngoại của Hội đồng châu Âu, cũng bày tỏ quan ngại trước việc khí độc thần kinh được sử dụng ở Anh.

Ở thời điểm hiện tại, các nước phương Tây coi vụ đầu độc cựu điệp viên Skripals là vô cùng nghiêm trọng bởi cách thức và chất độc được dùng. Thậm chí, phương Tây còn lo ngại tới "sự suy yếu trật tự hiện có ở châu Âu" trước những mâu thuẫn ngày càng bị khoét sâu với Nga và cách quốc gia này phản ứng.

Tuy nhiên, không phải tất cả các nước châu Âu đều tiến hành việc trục xuất các nhà ngoại giao Nga. Áo đã từ chối tiến hành biện pháp này đồng thời khẳng định tầm quan trọng của việc giữ kênh đối thoại mở với Moscow. Khẳng định mình là một quốc gia trung lập và là cầu nối giữa Đông và Tây, Áo chỉ chấp thuận việc triệu hồi đại sứ EU từ Moscow thay vì nhắm vào các nhà ngoại giao Nga.

Trong khi đó, Đặc phái viên của Nga tại Liên Hợp Quốc đã lên tiếng chỉ trích Mỹ lạm dụng vai trò của nước chủ nhà để trục xuất các nhà ngoại giao Nga khỏi cơ quan này. Moscow gọi hành động của Mỹ là cực kỳ không thân thiện và lạm dụng vai trò của nước chủ nhà để gây sức ép với phía Nga và làm khó các nhà ngoại giao Nga.

Đặc phái viên Vassily Nebenzia còn khẳng định các nhà Ngoại giao Nga tại Liên Hợp Quốc được bảo vệ bàn các công ước của Liên Hợp Quốc trong năm 1946 và 1947 liên quan tới việc đặt trụ sở chính của cơ quan này tại Mỹ. Theo đó, các nhà ngoại giao nước ngoài đều có những quyền mà người Mỹ không thể tùy tiện xâm phạm.

Những biện pháp trừng phạt ngoại giao của phương Tây diễn ra không lâu sau khi Tổng thống Vladimir Putin đắc cử nhiệm kỳ thứ 4 với chiến thắng áp đảo. Chính sự cứng rắn của ông Putin trong việc bảo vệ lợi ích nước Nga khiến đông đảo người dân ủng hộ ông. Sẽ chẳng có lý do gì để Tổng thống Putin không đáp trả lại các động thái của phương Tây như những gì ông vẫn làm. Căng thẳng sẽ tiếp tục gia tăng, tiếp tục nối dài những lo ngại về một cuộc chiến tranh Lạnh mới.

Linh Anh

Trí Thức Trẻ

Trở lên trên