MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Ông Trương Gia Bình đề xuất Chính phủ cho doanh nghiệp tư nhân xử lý vấn đề của sàn giao dịch chứng khoán Việt Nam

Ông Trương Gia Bình đề xuất Chính phủ cho doanh nghiệp tư nhân xử lý vấn đề của sàn giao dịch chứng khoán Việt Nam

Trưởng ban nghiên cứu phát triển kinh tế tư nhân Trương Gia Bình đã đề xuất Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đồng ý cho phép các doanh nghiệp tư nhân xử lý vấn đề vướng mắc hiện tại của sàn giao dịch chứng khoán Việt Nam.

Đề xuất cho doanh nghiệp tư nhân xử lý vấn đề của sàn giao dịch chứng khoán

Tại cuộc gặp mặt các doanh nhân, trí thức tiêu biểu với chủ đề "Đối thoại 2045" diễn ra chiều 6/3 tại TP. HCM, ông Trương Gia Bình - Trưởng ban nghiên cứu phát triển kinh tế tư nhân do Chính phủ thành lập, phát biểu: Hơn lúc nào hết đất nước Việt Nam, từng người dân cần chung khát vọng lớn đưa đất nước trở nên hùng cường.

"Khát vọng không phải trên giấy mà phải chuyển sang doanh nghiệp, sang từng người dân, cùng mơ ước có những phát minh sáng chế cả thế giới cần và sử dụng... Để có khát vọng đó chúng ta cần một niềm tin lớn của người dân vào Chính phủ, niềm tin của Chính phủ với người dân.

Chính phủ tin tưởng vào cộng đồng doanh nghiệp, là bà đỡ, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp phát triển. Đó là niềm tin Việt Nam trở thành quốc gia tận dụng tốt cơ hội, hòa nhập vào cuộc cách mạng công nghiệp 4.0", ông Bình - doanh nhân còn có vai trò Chủ tịch HĐQT Tập đoàn FPT, cho hay.

Theo đó, ông đề xuất Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đồng ý cho phép các doanh nghiệp tư nhân xử lý vấn đề vướng mắc hiện tại của sàn giao dịch chứng khoán Việt Nam. 

Liên quan đến vấn đề này, Thủ tướng nhắc lại câu chuyện khi ông sang Nhật Bản thì thấy có 2.000 người Nhật và người Việt làm việc cho FPT về phần mềm. Thủ tướng thông tin, khi sàn chứng khoán TP. HCM trục trặc, ông đã yêu cầu các cơ quan xử lý ngay kiến nghị của FPT, xử lý ngay các trục trặc của sàn giao dịch chứng khoán mà không cần sử dụng ngân sách.

Để từng doanh nghiệp và đất nước phát triển

Doanh nghiệp có gánh nặng rất lớn về doanh thu hàng ngày, hàng quý, hàng năm, bởi đằng sau đó còn là hàng nghìn, hàng trăm nghìn người lao động. Song, gánh trên vai cả một cơ ngơi được xây lên từ mồ hôi nước mắt, họ cũng không thể chỉ nghĩ đến tương lại ngắn hạn một vài năm.

Chủ tịch Tập đoàn THACO, ông Trần Bá Dương đã chia sẻ tầm nhìn phát triển của doanh nghiệp trong 10, 20 năm với câu hỏi: Làm thế nào để đất nước phát triển và từng doanh nghiệp phát triển. Ngoài ra, muốn phát triển chúng ta sẽ làm thế nào?

Ông Trương Gia Bình đề xuất Chính phủ cho doanh nghiệp tư nhân xử lý vấn đề của sàn giao dịch chứng khoán Việt Nam - Ảnh 1.

Ông Trần Bá Dương, Chủ tịch Tập đoàn THACO. Ảnh: VGP/Quang Hiếu

Ông Dương cho hay, THACO khi đầu tư vào ngành công nghiệp ô tô tham gia vào chuỗi công nghiệp theo chuẩn quốc tế với việc tăng cường tỷ lệ nội địa hóa. Đến nay, THACO đã có những thành công nhất định, năm 2020 xuất khẩu đứng đầu trong các doanh nghiệp sản xuất ô tô trong nước và xuất khẩu.

Mục tiêu tăng trưởng hàng năm của THACO từ 10% đến 20%, đa dạng hóa hoạt động kinh doanh như đầu tư vào ngành nông nghiệp theo hướng công nghiệp hóa; tập trung phát triển logistics để phục vụ chuỗi cung ứng cho 2 ngành ô tô và nông nghiệp.

Theo đại diện THACO, trong thời gian tới nhất thiết phải tập trung đầu tư và phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao có tính kế thừa để phát triển bền vững. Vì vậy, THACO đã liên kết với nhiều đơn vị để phát triển nhân lực như ĐH Bách khoa TP. HCM để đầu tư vào nguồn nhân sự chất lượng cao, được đào tạo đúng với nhu cầu; xây dựng nền tảng quản trị và sử dụng công nghệ số.

"Doanh nghiệp phát triển thì đất nước phát triển. Những chia sẻ, trao đổi hôm nay, THACO sẽ cam kết thực hiện". 

Thủ tướng đánh giá cao những kết quả, tinh thần doanh nhân mãnh liệt của ông Trần Bá Dương, trong đó có việc giúp đỡ các doanh nhân khác.

Cuộc gặp mặt hôm nay giữa Thủ tướng Chính phủ với đại diện cho nhiều doanh nhân tiêu biểu, nhiều học giả lớn của Việt Nam để lắng nghe, thảo luận về các sáng kiến hay góc nhìn của những doanh nhân thành đạt, những học giả uyên bác với một mục tiêu cốt lõi là "đưa Việt Nam trở thành một quốc gia phát triển thịnh vượng vào năm 2045".

Đồng thời, đây cũng là cơ hội để Thủ  tướng lắng nghe những kiến giải để thúc đẩy nhanh quá trình phục hồi kinh tế đất nước trong bối cảnh Covid-19 đang hoành hành trên khắp thế giới, cũng như tận dụng cơ hội để chuyển hóa những khó khăn, thách thức thành những thời cơ, lợi thế để phát triển đất nước nhanh hơn, bền vững hơn.

Hà Trần

Doanh Nghiệp Tiếp Thị

Trở lên trên