img
Ông Trương Gia Bình: “Khi thành công, tôi thấy mình có trách nhiệm trả lại - Ảnh 1.

Ông Trương Gia Bình: “Khi thành công, tôi thấy mình có trách nhiệm trả lại - Ảnh 2.

Ông Trương Gia Bình: “Khi thành công, tôi thấy mình có trách nhiệm trả lại - Ảnh 3.

Là người đứng đầu một tập đoàn lớn và có mối quan tâm đặc biệt tới khởi nghiệp, tham gia vào nhiều hoạt động hỗ trợ cộng đồng này. Ông có thể cho biết lý do?

Ngay từ nhỏ, tôi đã được chọn để đào tạo bài bản và kỹ lưỡng. Thay vì trả tiền để đi học, từ bé tôi đi học đã được nhận lương. Lớn lên, tôi tiếp tục được theo học những trường có tiếng và được học bổng. Khi lên tới đại học, tôi tiếp tục được chọn vào hàng ngũ những người được bồi dưỡng đặc biệt.

Người ta thường bảo chúng tôi rằng "các anh là vì sao của đất nước". Sau này anh em nói đùa, gọi nhau là dân "Why" tức là "vì sao". "Star" được biến tấu thành "Why". Và chúng tôi luôn gánh trên vai trọng trách cố mà học hành để sau này tăng tốc phát triển kinh tế đất nước. Sau này khi đã thành công, tôi thấy mình có trách nhiệm trả lại.

Năm 1999, FPT lập ra một câu lạc bộ tài năng trẻ. Tính tới bây giờ, câu lạc bộ này đã đào tạo được ba trăm mấy chục người. Nhiều người nổi tiếng trong làng công nghệ trưởng thành từ đây như Vương Quang Khải (Phó TGĐ VNG), Nguyễn Hòa Bình (Chủ tịch NextTech Group), Trần Hữu Đức (Giám đốc FPT Ventures)... Câu lạc bộ này gánh trọng trách đào tạo những tài năng trẻ, nó mang trong mình khát vọng là vươn lên, làm sao để Việt Nam mở mày, mở mặt với thế giới.

Chủ tịch Trương Gia Bình nói về đội ngũ lãnh đạo 60 tuổi ở FPT.

Theo ông, đâu là yếu tố quan trọng với khởi nghiệp tại Việt Nam?

Việt Nam phát động tinh thần Quốc gia khởi nghiệp mạnh mẽ từ năm 2016 nhưng nó cần được nuôi dưỡng bằng tinh thần đổi mới, sáng tạo và xây dựng cộng đồng doanh nghiệp lớn mạnh. Các công ty startup sẽ góp phần đưa Việt Nam thành quốc gia khởi nghiệp để thay đổi vị thế và tăng trưởng của Việt Nam trên toàn thế giới.

Hiện nay, nền kinh tế số đang gợi mở cả thách thức và cơ hội với các doanh nghiệp, startup. Cần tận dụng lợi thế của Internet để phục vụ cộng đồng và chiếm lĩnh thị trường quốc tế. Startup cần chủ động và sáng tạo để nâng cao nguồn lực, nắm bắt cơ hội kinh doanh có được từ chính sách vĩ mô cởi mở, nền tảng công nghệ không ngừng nâng cấp.

Tuy nhiên, các startup muốn phát triển tốt thì cần được tạo môi trường thuận lợi về thủ tục, số hóa quy trình quản lý điện tử; tiếp tục đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục để tạo ra nguồn nhân lực sáng tạo cho kinh tế và xã hội, sẵn sàng với cuộc cách mạng số.

Ông Trương Gia Bình: “Khi thành công, tôi thấy mình có trách nhiệm trả lại - Ảnh 5.

Ông Trương Gia Bình: “Khi thành công, tôi thấy mình có trách nhiệm trả lại - Ảnh 6.


Câu chuyện khởi nghiệp ở FPT ra sao?

Ở đây có 2 vế. Một vế là FPT liên tục đổi mới để tăng trưởng. Vì FPT làm công nghệ nên cần đổi mới hàng ngày. Một vế khác là startup, FPT đầu tư tương đối vào các dự án khởi nghiệp. Một vài cái trong đó gặt hái được thành quả rất đáng khích lệ như Sendo – Top sàn thương mại điện tử hiện nay, ANTS – sàn giao dịch quảng cáo trực tuyến theo thời gian thực đầu tiên ở Việt Nam, CyRadar – Top 10 startup công nghệ tiềm năng châu Á...

Cá nhân tôi nhận thấy, thực ra có hai kiểu startup là gieo mạ và trồng lúa. Loại startup làm xong để bán, nghĩa là họ chỉ gieo mạ. Nếu để họ mang mạ ra ruộng trồng lúa là họ phá tan luôn. FPT thì là kiểu thứ 2, dân trồng lúa. Có ai đó ở trong FPT mà thích gieo mạ thì có thể tách ra làm một nhóm để gieo mạ.

Vậy theo ông những người làm startup thường có những tố chất gì?

Những người làm startup là người mạo hiểm và đôi khi bất cần. Ví dụ như Vật Giá làm 3 năm ăn mỳ gói không một đồng lương, không sao cả. Hay như Steve Jobs cũng vậy. Ông bỏ con, bỏ người tình của mình và chỉ tập trung vào làm điện thoại. 

Theo tôi, startup là những người sống khác biệt. Họ nhìn thế giới theo một cách khác. Họ có thể không nghĩ chín chắn nhưng lại thiên về hành động. Thomas Edison - người chế ra bóng đèn – làm hết thí nghiệm này tới thí nghiệm khác mà không biết lúc nào tạo ra được bóng đèn. Chính sự kiên trì, bền bỉ, lao vào làm không ngại mệt mỏi là yếu tố mang lại thành công cho các startup.

Thời kỳ đầu ông cũng làm khởi nghiệp cho FPT. Ông nhận thấy mình là người gieo mạ hay trồng lúa?

Tôi gần như rời bỏ công việc FPT trong 2 năm, giai đoạn 2008-2010 đi làm startup trong nhà FPT. Tôi gọi đùa loại người trồng lúa là loại "cá", thấy mồi là ăn, không hành động vô nghĩa. Còn startup là chim, có thể chả cần ăn uống gì thấy bầu trời là hót, là bay.

Tôi là loại rùa, tức là hiểu được tiếng chim và biết bắt mồi như cá. Tôi ở giữa 2 loài cá và chim. Với những người khởi nghiệp, tôi có thể hiểu những ý định của họ và cùng tư duy, giúp họ thành công.

Ông Trương Gia Bình: “Khi thành công, tôi thấy mình có trách nhiệm trả lại - Ảnh 7.

Ông Trương Gia Bình: “Khi thành công, tôi thấy mình có trách nhiệm trả lại - Ảnh 8.

Ông Trương Gia Bình: “Khi thành công, tôi thấy mình có trách nhiệm trả lại - Ảnh 9.

FPT nằm trong danh sách 10 công ty có môi trường làm việc tốt nhất Việt Nam nhưng tại sao lại không thể có các nhân tài về công nghệ khiến cho FPT nổi đình đám trong ngành của mình như trước?

Thực ra, FPT có một lực lượng công nghệ đông đảo với rất nhiều người tài giỏi, có bằng cấp cao. Họ đang là thành viên của các đội quân rất lớn. Khi xây dựng một thành quách hay một thành phố thì bạn không biết chính xác những người đặt từng viên gạch. Điều đó khác hẳn với việc bạn làm một sản phẩm nghệ thuật nho nhỏ.

FPT hiện nay có rất nhiều người tài giỏi và FPT có nhiều lực hấp dẫn họ. Đó là được tham gia vào cuộc thay đổi thế giới dựa trên cuộc cách mạng công nghệ số. Họ đang cùng các nhà sản xuất ô tô nghiên cứu và phát triển hệ thống thông tin và giải trí cho các dòng xe hạng sang; cùng với các ngân hàng hàng đầu thế giới phát triển các giải pháp, ứng dụng tinh túy nhất. Hay như cùng với các tập đoàn sản xuất máy bay lớn trên thế giới ứng dụng Big Data, Mobility, IoT (Internet of Things) vào các công đoạn vận hành của một chiếc máy bay.

Ông Trương Gia Bình: “Khi thành công, tôi thấy mình có trách nhiệm trả lại - Ảnh 10.

Đối với những người hiểu rõ năng lực của bản thân, đôi khi họ muốn tạo được tên tuổi của riêng mình. Mong muốn này có làm FPT mất đi những người tài năng?

Tôi nghĩ, ra ngõ ắt sẽ gặp anh hùng. Lĩnh vực FPT làm là tạo ra những giải pháp, ứng dụng cho doanh nghiệp; ứng dụng CNTT giải quyết các bài toán lớn của các lĩnh vực kinh tế, xã hội. Đây là những bài toán lớn đòi hỏi sự chung sức của những người giỏi thay vì phụ thuộc vào một cá nhân.

Những cái khó, cái mới của bài toán đó đã kích thích  họ. Vì nếu không ở trong đội ngũ của FPT thì họ thực sự không có cơ hội được giải những bài toán lớn và mới như vậy. Nhưng họ không phải là một cá nhân mà là hàng nghìn, hàng vạn người.

 

Linh Anh - Kiều Thuật
Hương Xuân
Nguyễn Anh
Theo Trí Thức Trẻ9/10/2016

PV

Trí Thức Trẻ

Trở lên trên