Ông Võ Trí Thành: Năm nay GDP tăng 5% đã là tích cực
Tiến sĩ Võ Trí Thành cho rằng dịch Covid-19 đang ảnh hưởng đến mọi mặt của nền kinh tế, khiến mục tiêu tăng trưởng năm nay khó đạt được.Chính phủ đã có những biện pháp tích cực hỗ trợ doanh nghiệp và chuyên gia dự đoán nếu cần, sẽ có kích cầu.
- 19-03-2020Những điều cần biết về lưu thông hàng hoá khi châu Âu đóng cửa biên giới
- 19-03-2020The Observer: Lịch sử đã học được gì từ những thảm hoạ suy thoái kinh tế do đại dịch gây ra?
- 19-03-2020BHXH Việt Nam: Đối tượng bị ảnh hưởng vì Covid-19 được tạm dừng đóng bảo hiểm xã hội
Trao đổi với Người Đồng Hành, Tiến sĩ Võ Trí Thành - nguyên Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) đã có những đánh giá về bối cảnh kinh tế và doanh nghiệp hiện nay, khi dịch Covid-19 đã có những ảnh hưởng rõ rệt tới sản xuất kinh doanh.
- Từ những thông tin và dữ liệu thu thập được, ông đánh giá tình hình nền kinh tế và doanh nghiệp Việt Nam dưới tác động của thế giới và dịch Covid-19 hiện như thế nào?
- Chúng ta đều thấy những ngành như vận chuyển, nhà hàng, khách sạn hay một số lĩnh vực sản xuất như nông nghiệp, công nghiệp... đang rất khó khăn.
Ngành hàng không chịu thiệt hại không nhỏ, lên tới 30.000 tỷ đồng, theo ước tính của Bộ Giao thông trong 2 tháng vừa qua. Ngành này sẽ còn khó khăn hơn khi 2/3 hãng hàng không trên thế giới sẽ lâm vào cảnh phá sản nếu dịch kéo dài đến tháng 6. Cùng với đó, ngành du lịch ước tính thiệt hại 5-7 tỷ USD. Hàng trăm nghìn lượt khách Trung Quốc đến Việt Nam mỗi tháng vào năm ngoái thì giờ chỉ còn là con số 0. Trong khi đó, năm ngoái khách Trung Quốc chiếm tới 32% tổng lượng khách của ngành du lịch.
Ông Võ Trí Thành cho rằng việc Fed liên tiếp hạ lãi suất chỉ trong 2 tuần cũng là một sai lầm. Ảnh: N.M
Sau khi trao đổi với những hiệp hội trong và ngoài nước, các doanh nghiệp khác nhau (lớn, vừa và nhỏ), đặc biệt doanh nghiệp sản xuất công nghiệp, họ nói với tôi rằng chỉ còn nguyên liệu sản xuất trong tháng này.Tại Hà Nội, khoảng 8.000 cửa hàng đã ngừng kinh doanh và hơn 3.000 doanh nghiệp phá sản. Ngoài ra, kết quả điều tra 1.200 doanh nghiệp mới nhất của Ban Nghiên cứu phát triển kinh tế tư nhân cho thấy nếu dịch kéo dài đến quý II, 80% doanh nghiệp sẽ bị phá sản.
- Vì sao Việt Nam lại chịu tác động lớn như vậy khi Covid-19 trở thành đại dịch?
- Mức độ ảnh hưởng của dịch Covid-19 với kinh tế thế giới và Việt Nam rất lớn. Là một nền kinh tế hội nhập sâu rộng, Việt Nam chịu tác động cả cầu và cung.
Về cầu, tăng trưởng kinh tế của nhiều nước trên thế giới giảm mạnh, suy thoái, thậm chí là khủng hoảng kinh tế đang trở nên hiện hữu hơn. Theo đó, công ăn việc làm bị mất đi, hoạt động sản xuất kinh doanh ngưng trệ và thu nhập ít hơn dẫn đến tiêu dùng sẽ thắt chặt.
Đà giảm của kinh tế thế giới thể hiện ở các nền kinh tế như Mỹ, EU, Hàn Quốc, Trung Quốc... đây đều là những thị trường xuất khẩu lớn nhất và truyền thống của Việt Nam.
Tổng cẩu giảm còn do tâm lý bất an, hoang mang, sợ hãi của nhà đầu tư. Bên cạnh những nhà đầu tư đi tìm tài sản để trú ẩn thì phần lớn họ dừng lại để quan sát, chờ và đợi. Trước đó, sẽ có nhiều đoàn doanh nghiệp, nhà đầu tư Hàn Quốc dự kiến sang Việt Nam tìm hiểu trao đổi và thảo luận về cơ hội đầu tư nhưng đến nay đều tạm dừng.
Về cung, lượng sản xuất hàng hóa, dịch vụ thiết bị suy giảm. Ví dụ, chỉ số PMI tháng 2 của Trung Quốc chỉ còn 37,5 điểm, mức thấp nhất trong hàng chục năm qua. Nguyên liệu đầu vào phục vụ sản xuất hay thiết bị máy móc để phục vụ đầu tư bị “ngăn sông cấm chợ” do ảnh hưởng từ những biện pháp phòng chống dịch ở biên giới, vận chuyển hàng hóa bị ách tắc. Như vậy, chuỗi cung ứng và lượng cung ứng hàng hóa đều bị đứt gãy.
Kinh tế Việt Nam chắc chắn rất khó khăn trên tất cả các hoạt động đầu tư, dịch vụ đặc biệt là vận chuyển.
- Bối cảnh đó ảnh hưởng như thế nào đến mục tiêu tăng trưởng GDP 6,8% mà Việt Nam đặt ra?
- Bộ Kế hoạch & Đầu tư đã đưa ra hai kịch bản tăng trưởng. Trong đó, nếu dịch được kiểm soát ở quý I và II, tăng trưởng kinh tế có thể giảm từ 0,5 điểm phần trăm đến trên dưới 1 điểm phần trăm. Với diễn biến hiện nay, trường hợp tốt nhất, dịch sẽ hết vào quý II như vậy tăng trưởng cả năm sẽ còn thấp, thấp hơn nhiều dưới mục tiêu 6,8%.
Đồng thời, Ngân hàng Phát triển châu Á và Ngân hàng Thế giới đang điều chỉnh dự báo tăng trưởng dựa trên hoạt động sản xuất kinh doanh. Dù không mong muốn nhưng tăng trưởng cả năm còn được từ 5% trở lên đã là chỉ bảo tích cực trong bối cảnh thế giới hiện nay. Thậm chí nếu dịch kéo dài hơn kinh tế sẽ còn khó khăn hơn.
- Nhiều nước trong khu vực và Mỹ đã nhắc đến từ “suy thoái”. Theo ông, Việt Nam sẽ như thế nào?
- Với các nước phát triển, suy thoái kỹ thuật là khi tăng trưởng âm liên tiếp trong 2 quý. Hiện một số nước đã ghi nhận suy thoái một quý ví dụ như Trung Quốc.
Như tôi đã nói, dịch Covid-19 khiến suy thoái kinh tế đang hiện hữu rõ hơn. Trước đây, OECD dự báo tăng trưởng toàn cầu ở mức 2,8% nhưng nay chỉ còn 1,5%. Như vậy khá nhiều nước rơi vào tăng trưởng âm 2 quý. Các chuyên gia dự báo tăng trưởng quý I của Mỹ sẽ âm. Hay như Nhật Bản cũng đã ghi nhận một quý có kết quả tương tự.
Tại các nước đang phát triển, khi nào được coi là suy thoái vẫn đang là nội dung gây tranh cãi rất nhiều. Người ta ước tính rằng, nếu tăng trưởng từ 3-4% đã là rất thấp hoặc có thể coi là suy thoái.
- Làm thế nào để doanh nghiệp sống được trong bối cảnh kinh tế như ông vừa nêu?
- Chỉ thị 11 của Thủ tướng đã tập trung tháo gỡ những khó khăn mà doanh nghiệp gặp phải. Với những khoản nợ đã vay, doanh nghiệp đều được hoãn, giãn, kéo dài thời gian trả nợ, giảm lãi suất, khoanh nợ và không thay đổi nhóm nợ. Về thuế, doanh nghiệp cũng được gia hạn thời gian nộp VAT, tiền thuê đất... Đồng thời, chỉ thị cũng cố gắng thúc đẩy những lĩnh vực mới như kinh tế số và sẽ có sandbox đặc biệt cho hoạt động thanh toán.
Ngoài ra, cần thúc đẩy đầu tư công, đặc biệt là các dự án đầu tư cơ sở hạ tầng, giao thông trọng điểm. Dự toán ngân sách đầu tư công năm nay và dư địa của năm ngoái là khoảng 600.000 tỷ đồng. Hoạt động này được đẩy mạnh không những hỗ trợ tăng trưởng mà còn tạo công ăn việc làm cho doanh nghiệp và tạo tiền đề phát triển cho tương lai.
Thêm nữa, Chính phủ cũng cần chuẩn bị kịch bản xấu nhất cho nền kinh tế như dịch có thể kéo dài cả năm và thời điểm tung gói hỗ trợ tiếp theo hoặc điều chỉnh mức giảm lãi suất mạnh hơn.
Tôi cho rằng nếu cần, Việt Nam cũng sẽ kích cầu và chỉ trong tháng 3 này sẽ có thêm những chính sách hỗ trợ bổ sung. Thời gian qua, các chính sách được đưa ra cơ bản vẫn là gói hỗ trợ và tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp.
- Việc hỗ trợ sẽ cần theo nguyên tắc gì để đảm bảo mục tiêu kép là vừa dập dịch vừa phát triển kinh tế - xã hội?
- Chính phủ vẫn chủ trương mục tiêu kép vừa dập dịch vừa duy trì tăng trưởng kinh tế, nhưng dập dịch vẫn là số 1, nếu không thì mọi nỗ lực đều đổ xuống sông xuống biển.
Nguyên tắc thứ nữa là dù thực hiện các gói hay chính sách hỗ trợ vẫn phải đảm bảo được ổn định kinh tế vĩ mô. Sau lần điều chỉnh lãi suất không đáng kể vừa rồi của Ngân hàng Nhà nước, tiền tệ vẫn được thắt thặt vì lạm phát chưa thấp dù giá dầu đã giảm mạnh. Như vậy Chính phủ vẫn còn dư địa trong các công cụ điều hành khi cần sau này.
Trong khủng hoảng bao giờ chính sách tài khóa cũng có ý nghĩa hơn tiền tệ, còn hậu khủng hoảng bao giờ tiền tệ cũng là số 1. Việc Fed liên tiếp hạ lãi suất chỉ trong 2 tuần cũng là một sai lầm. Trong khi đó, thị trường đã phản ứng rất khác khi Tổng thống Mỹ tuyên bố bơm 500 tỷ USD vào thị trường tài chính.
Nguyên tắc tiếp theo, những nơi dịch đã được kiểm soát nên tiến hành hỗ trợ hoạt động sản xuất kinh doanh. Ví dụ, thông quan hàng hóa vẫn phải đảm bảo an toàn cho người lái xe hay cung cấp trang thiết đảm bảo an toàn cho người lao động khi đến nhà máy, công sở làm việc.
Cùng với đó, đảm bảo các mặt hàng thiết yếu, chăm lo cho người lao động và an sinh xã hội.
- Ông thấy doanh nghiệp Việt Nam đang chống dịch như thế nào?
- Doanh nghiệp đang "nát óc" để tìm cách chống chọi và cầm cự. Tuy nhiên, cũng đã có những ý tưởng kinh doanh sáng tạo và linh hoạt. Ví dụ, nếu doanh nghiệp không làm được khách sạn sẽ chuyển sang làm nông nghiệp, thương mại điện tử, chuyển đổi số hay bánh mỳ thanh long... Ngay khi Trung Quốc có tín hiệu cần tiêu thụ nông sản, thì hàng ngàn container hàng hóa đã được xuất khẩu qua biên giới, tín hiệu tốt hơn nhiều kể từ đầu mùa dịch đến nay.
- Với những đơn vị sẵn có nguồn lực dự phòng thì nên ưu tiên cho hoạt động gì lúc này?
- Bên cạnh đầu tư mới vào những hoạt động chuyển đổi sáng tạo như vừa nêu thì doanh nghiệp nên giữ lại phần “core” cho mình. Ví dụ doanh nghiệp có 3-4 nhà hàng thì chỉ nên giữ lại một nhà hàng và đội ngũ đầu bếp giỏi nhất. Đồng thời, nghĩ kế hoạch cho tương lai vì cơ hội ở đó còn rất nhiều.
Người đồng hành