Petro Vietnam định bán vốn tại “siêu” dự án đang âm vốn 504 tỷ
Năm 2015, PVTex lỗ 1.255 tỷ đồng, âm vốn chủ sở hữu 504 tỷ. Trước đó trong năm 2014, lỗ 1.085 tỷ đồng...
- 28-09-2016Doanh thu PetroVietnam có thể sụt 4 năm liên tiếp
- 19-09-2016Petrolimex đã hoàn tất mua 155 triệu cổ phiếu ưu đãi hoàn lại làm cổ phiếu quỹ
- 11-09-2016Nhìn lại những sai phạm của Petrolimex
Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (Petro Vietnam) vừa có báo cáo sắp xếp doanh nghiệp năm 2015 và kế hoạch năm tiếp theo.
Theo kế hoạch của Petro Vietnam, tỷ lệ nắm giữ vốn sau sắp xếp của tập đoàn tại Công ty Cổ phần Hoá dầu và Xơ sợi tổng hợp dầu khí (PVTex) sẽ giảm xuống 36%, từ mức 74% hiện nay.
Tính bán hết cổ phần PVTex... nếu tìm được đối tác
Tập đoàn cho biết đang trình cơ quan có thẩm quyền kế hoạch bán vốn trong giai đoạn 2016 -2020. Theo đó, Petro Vietnam sẽ duy trì tỷ lệ sở hữu 74% để thực hiện các giải pháp nâng cao hiệu quả hoạt động.
"Thậm chí cho phép giảm sở hữu nhà nước xuống 36% hoặc bán toàn bộ nếu tìm được các đối tác", báo cáo nêu.
PVTex có tổng vốn đầu tư khoảng 325 triệu USD (7.200 tỷ đồng) ra đời cuối năm 2008, trong bối cảnh Việt Nam đang phát triển mạnh về dệt may và nguyên liệu nhập khẩu chủ yếu từ Trung Quốc.
Với tham vọng tự chủ nguồn nguyên liệu xơ sợi, dự án được thành lập với mục tiêu tận dụng dùng nguyên liệu từ Nhà máy lọc dầu Dung Quất để chế biến thành xơ sợi. Công trình khi đó còn có các cổ đông sáng lập là Tập đoàn Dệt may Việt Nam và Tổng công ty Phong Phú, song 2 đơn vị này đã sớm rút lui.
Ngày 29/5/2014, Nhà máy đã chính thức vận hành thương mại với công suất 236 tấn xơ sợi một ngày, đạt 48% công suất thiết kế. Trước và sau khi vận hành thương mại, nhà máy đã nhiều lần phải tạm dừng hoạt động để tiêu thụ sản phẩm tồn kho và thu hồi vốn.
Năm 2015, PVTex lỗ 1.255 tỷ đồng, âm vốn chủ sở hữu 504 tỷ đồng. Trước đó trong năm 2014, doanh thu của nhà máy này cũng chỉ đạt 992 tỷ đồng, lỗ 1.085 tỷ đồng. Tính đến cuối năm 2015, công ty có vốn điều lệ 2.165 tỷ đồng.
Tình hình tài chính của công ty theo đó cũng đang cạn kiệt, mất cân đối lớn và không đủ nguồn vốn trả nợ đến hạn (riêng nợ ngắn hạn là 1.600 tỷ đồng). Hợp đồng tín dụng với BIDV và một số ngân hàng ghi nhận mức nợ 221,3 triệu USD.
Trong văn bản gửi lên Chính phủ, Bộ Công Thương nhận định: "Tình hình tài chính của PVTex hết sức khó khăn do thiếu vốn lưu động và không có nguồn để trả các khoản nợ đến hạn. Thậm chí nhà máy có nguy cơ phá sản. Do vậy, giải pháp cấp bách hiện nay là hỗ trợ vốn cho công ty tồn tại, cấp vốn lưu động để duy trì hoạt động sản xuất”.
Mới đây, Chủ tịch Petro Vietnam Nguyễn Quốc Khánh đã trao quyết định bổ nhiệm ông Phạm Văn Chất giữ chức vụ Chủ tịch Hội đồng Quản trị kiêm Tổng giám đốc PVTex với hy vọng vực dậy được công ty.
Thoái vốn hàng loạt tại các công ty con
Ngoài ra, Petro Vietnam còn đưa ra một số kế hoạch quan trọng về thoái vốn ở các công ty con.
Theo đó, Tập đoàn đã thành lập ban chỉ đạo cổ phần hoá tại hàng loạt các công ty. Đồng thời thuê các tổ chức định giá trị doanh nghiệp để cổ phần hoá như Tổng công ty Điện lực Dầu khí (dự kiến bán vốn, tỷ lệ nắm giữ tối thiểu 51%), Tổng công ty Dầu Việt Nam (vốn nhà nước 65%), Công ty TNHH MTV Lọc hoá dầu Bình Sơn - vận hành Nhà máy lọc dầu Dung Quất (nhà nước nắm 65% sau cổ phần hoá).
Đặc biệt, Petro Vietnam đang thành lập Ban chỉ đạo cổ phần hoá với Công ty TNHH MTV Công nghiệp Tàu thuỷ Việt Nam, giảm tỷ lệ nhà nước nắm giữ xuống tối thiểu 75%. Đây là công trình tiếp nhận từ Vinaline, tính đến cuối năm công ty vẫn lỗ luỹ kế hơn 1.000 tỷ đồng.
Ngoài ra, PetroVietnam cũng đang trình Chính phủ duy trì tỷ lệ 41% đối với Tổng công ty Cổ phần Năng lượng Dầu khí Việt Nam.
Tính đến cuối năm 2015, Tập đoàn đã bán khoản đầu tư hơn 800 tỷ đồng tại Ngân hàng Thương mại Đại Dương với giá 0 đồng theo chỉ đạo của Ngân hàng Nhà nước.
Đồng thời, hoàn thành thoái vốn xuống 35% tại Công ty Cổ phần PVI, Tổng công ty Cổ phần Vận tải dầu khí (36%), Tổng ty Dịch vụ tổng hợp dầu khí (24,2%).
Vneconomy