Petrolimex được chấp thuận thoái 40% cổ phần tại PG Bank, thêm một ngân hàng sắp đổi chủ?
Phản ứng sau thông tin trên, cổ phiếu PGB bật tăng mạnh mẽ trong phiên giao dịch 19/7 và có lúc chạm giá trần (+15%) với thanh khoản cao nhất 2 tháng gần đây.
- 26-04-2022ĐHCĐ PG Bank 2022: Giảm ''room'' ngoại về 2% hỗ trợ Petrolimex thoái vốn, không tăng vốn 12 năm liên tiếp
- 18-11-2021''Giờ G'' sắp điểm, ai sẽ thay Petrolimex cầm trịch ''cuộc chơi'' tại PG Bank?
- 15-09-2021Một nhà băng chi 500 tỷ đồng mua trái phiếu của PG Bank
Ngày 18/07, Ngân hàng TMCP Xăng dầu Petrolimex (PG Bank - Mã: PGB) nhận được công văn của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) chấp thuận việc chuyển nhượng toàn bộ số cổ phần của cổ đông lớn Tập đoàn Xăng Dầu Việt Nam (Petrolimex) tại PG Bank thông qua hình thức đấu giá công khai tại Sở Giao dịch Chứng khoán.
Thời gian tổ chức đấu giá dự kiến trong quý 3/2022.
Kế hoạch thoái vốn tại PGBank đã được Petrolimex công bố từ lâu. Tuy nhiên do nhiều nguyên nhân, thương vụ này vẫn chưa thể hoàn tất. Hiện tập đoàn này sở hữu 120 triệu cổ phiếu PGB, tương đương 40% cổ phần của PG Bank.
Tại đại hội thường niên 2022 của PG Bank, Petrolimex cho biết sẽ thực hiện thoái toàn bộ vốn tại ngân hàng thông qua hình thức đấu giá công khai tại Sàn giao dịch chứng khoán Hà Nội.
Đồng thời, để đảm bảo nhà đầu tư nước ngoài (NĐTNN) tham gia và trúng đấu giá không vi phạm tỷ lệ sở hữu của NĐTNN tối đa theo quy định là 30%, cổ đông PG Bank đã thống nhất tạm thời giới hạn tỷ lệ sở hữu của NĐTNN giao dịch trên sàn UPCoM ở mức 2% vốn điều lệ. Hiện tỷ lệ sở hữu nước ngoài tại PG Bank ở mức gần 0%.
Các nội dung này cũng từng được ĐHĐCĐ bất thường ngày 21/7/2021 thông qua. Trước đó, tại ĐHĐCĐ thường niên 2021 diễn ra vào ngày 26/4/2021, Chủ tịch Petrolimex Phạm Văn Thanh cho biết tập đoàn đã thuê các công ty tư vấn chuyên nghiệp để tư vấn thẩm định và tư vấn chào bán trên 40% vốn của Petrolimex tại PG Bank. Tại thời điểm đó, Petrolimex đã xin ý kiến Ngân hàng Nhà nước và chủ sở hữu là Uỷ ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp.
Cũng theo lãnh đạo Petrolimex chia sẻ khi ấy, "Hợp đồng tư vấn thẩm định định giá vừa được Petrolimex hoàn tất, ký với đối tác. Dự kiến trong năm 2021, Petrolimex sẽ hoàn tất thoái vốn tại PG Bank’’.
Đến thời điểm hiện tại, chưa có bất kỳ thông tin nào về những cái tên sẽ tham gia phiên đấu giá của Petrolimex. Tuy nhiên, có một phương án mà Petrolimex có thể tính tới là chuyển nhượng cổ phần cho các cổ đông hiện hữu của PG Bank.
Theo thông tin được PG Bank công bố, tại thời điểm ngày 26/10/2020, ngân hàng ghi nhận gồm 53 cổ đông tổ chức với tỷ lệ sở hữu là 67,37%, riêng Petrolimex hơn 40%. Tỷ lệ này đã cô đặc hơn rất nhiều khi biên bản cuộc họp ĐHCĐ thường niên diễn ra vào ngày 26/4 cho biết chỉ 43 cổ đông tham dự đã đại diện cho 96% cổ phần có quyền biểu quyết.
PG Bank là ngân hàng có quy mô tài sản, nguồn vốn thấp nhất hệ thống. Với vốn hóa chỉ khoảng 5.000 - 6.000 tỷ đồng, nhóm nhà đầu tư nào chi ra 2.500 tỷ đồng (khoảng 105 triệu USD) sẽ có thể thâu tóm được 40% vốn mà Petrolimex để lại, qua đó đủ khả năng chi phối nhà băng có quy mô tài sản hơn 1,6 tỷ USD (37.800 tỷ đồng). Điều này giúp PG Bank trở nên tương đối hấp dẫn nhất trong mắt nhiều ''đại gia'', đặc biệt trong bối cảnh việc xin cấp phép thành lập ngân hàng mới gần như là điều bất khả thi.
Trước đó, năm 2021 đã chứng kiến hai thương vụ "đổi chủ" ngân hàng điển hình diễn ra tại Kienlongbank và NCB. Đây đều là những ngân hàng có quy mô vốn thấp nhất hệ thống và sở hữu cơ cấu cổ đông cô đặc. Trong hai thương vụ này, đều xuất hiện ''bóng dáng'' của những ''ông lớn'' trong mảng bất động sản là Sunshine Group ở Kienlongbank và Sun Group tại NCB.
Thị trường cũng từng đồn đoán về sự gia tăng ảnh hưởng tại PG Bank của một "ông lớn’’ trong lĩnh vực bất động sản có liên quan với MSB. Tin đồn này được nhiều người tin tưởng khi hai nhân sự của MSB sang làm sếp lớn tại PG Bank.
Ngoài ra, MSB cũng không phải là đối tác xa lạ với PG Bank khi đến cuối năm 2018, ngân hàng vẫn là cổ đông lớn, sở hữu 9,98% vốn tại đây. Trong năm 2019, lãnh đạo MSB tuyên bố đã bán số cổ phiếu này với giá 13.000 đồng/cp, nhưng đến nay vẫn chưa rõ bên nào đã mua số cổ phiếu trên.
Trước luồng thông tin trên, tại ĐHĐCĐ thường niên 2021, ông Nguyễn Hoàng Linh – Tổng Giám đốc MSB - khẳng định chắc chắn không có chuyện sáp nhập giữa PG Bank và MSB.
"Mặc dù, một số cựu lãnh đạo của MSB đã sang làm việc tại PG Bank nhưng đây đều là nhưng nhân sự đã kết thúc hợp đồng với ngân hàng'', Tổng Giám đốc MSB nhấn mạnh.
Cũng liên quan đến quan hệ giữa 2 nhà băng này, trong năm 2021, MSB tham gia đợt phát hành trái phiếu hiếm thấy của PGBank với vai trò là đơn vị đăng ký, lưu ký lô trái phiếu. PG Bank cho biết một ngân hàng đã 500 tỷ trái phiếu trên nhưng không tiết lộ thông tin chi tiết.
Về hoạt động kinh doanh của PG Bank, ngân hàng đặt mục tiêu lợi nhuận trước thuế năm nay đạt 430 tỷ đồng, tăng 33,1% so với mức thực hiện năm 2021.
Năm 2022, PG Bank dự kiến tổng tài sản tăng trưởng 7,7% đạt 43.659 tỷ đồng. Trong đó, dư nợ cho vay khách hàng kế hoạch đến 31/12/2022 đạt 29.885 tỷ đồng, tăng trưởng 8,7 %. Tính cả đầu tư trái phiếu doanh nghiệp thì dư nợ tín dụng chỉ tăng 7% do ngân hàng dự kiến thu hồi toàn bộ 430 tỷ đầu tư vào trái phiếu doanh nghiệp.
Mục tiêu huy động vốn (thị trường 1 thị trường 2) đến 31/12/2022 đạt 38.453 tỷ đồng, tăng 7,8%; trong đó, huy động thị trường 1 dự kiến tăng 6% đạt 30.848 tỷ đồng, tăng 9,9%.
Trên thị trường chứng khoán, cổ phiếu PGB bật tăng mạnh mẽ trong phiên giao dịch 19/7 và có lúc chạm giá trần 21.000 đồng/cp ( 15%) với thanh khoản cao nhất 2 tháng gần đây.