MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

PGS.TS Lê Xuân Trường: Nhiều nước tăng thuế VAT bù đắp nguồn thu thành công, không lý gì Việt Nam không nghiên cứu và sửa đổi theo hướng này!

Trao đổi với Trí Thức Trẻ, PGS.TS Lê Xuân Trường, giảng viên cao cấp Bộ môn Thuế, Học viện Tài chính cho biết trên thế giới đang có xu thế giảm một số sắc thuế như Thu nhập doanh nghiệp, Thu nhập cá nhân... và để bù đắp, một trong những cách làm là tăng thuế gián thu. "Các nước đã làm trước và làm thành công. Vậy không lý gì Việt Nam không nghiên cứu và sửa đổi chính sách theo hướng này", ông Trường nói.

Ông đánh giá như thế nào về tác động của đề xuất tăng VAT phổ thông từ 10% lên 12% của Bộ Tài chính?

Xét một cách tổng thể thì tăng thuế suất thuế giá trị gia tăng (GTGT) – một sắc thuế thuộc loại thuế tiêu dùng có thể làm giảm tổng cầu hoặc giảm tiết kiệm của dân cư hoặc không có tác động đáng kể. Tác động cụ thể như thế nào còn phụ thuộc vào điều kiện cụ thể về điều kiện kinh tế vĩ mô và mức tăng thuế suất.

Các yếu tố kinh tế vĩ mô có thể ảnh hưởng đến tác động của tăng thuế suất thuế giá trị gia tăng đến tăng trưởng kinh tế chủ yếu là: Cơ cấu tiêu dùng dân cư về các loại hàng hóa, dịch vụ; cơ cấu tiêu dùng sản phẩm nội địa và sản phẩm nhập khẩu; cơ cấu sản phẩm xuất khẩu… Những yếu tố này và tác động của tăng thuế suất đến tăng trưởng kinh tế cần phải có số liệu thống kê và đưa vào mô hình kinh tế lượng để phân tích. Không thể nói cảm tính được.

Bộ Tài chính lý giải tăng thuế nhằm tăng cường nguồn thu, nhưng nếu tăng thuế GTGT trong bối cảnh cầu tiêu dùng đang giảm như hiện tại, liệu có tác dụng ngược?

Theo nhà kinh tế học Laffer thì tăng thuế suất sẽ dẫn đến tăng thu NSNN nhưng thuế suất tăng quá cao có thể dẫn đến giảm thu NSNN. Muốn xác định đề xuất này có tác dụng ngược hay không cần phải có số liệu thống kê và đưa vào mô hình kinh tế lượng để phân tích.

Tuy nhiên, theo kinh nghiệm của một số nước có điều kiện tương đồng mà tôi được biết thì với mức tăng thuế suất thuế giá trị gia tăng (VAT) như hiện nay không có khả năng gây tác dụng ngược, tức là có khả năng tăng thu cho NSNN. Tuy vậy, rất cần thực hiện điều tra thực tế để có số liệu đánh giá với cơ sở thực tiễn.

Bộ Tài chính viện dẫn mức thuế suất thông thường 10% là tương đối thấp, chưa phù hợp với thông lệ quốc tế, khó đảm bảo an toàn tài chính quốc gia, do đó, cần phải tăng thuế. Lý do này liệu có hợp lý?

Chúng ta đã hội nhập và tiếp tục hội nhập sâu hơn vào nền kinh tế thế giới. Vì vậy, việc thực hiện thông lệ quốc tế là lẽ đương nhiên. Chẳng hạn như, xu hướng giảm thuế Thu nhập doanh nghiệp của thế giới những năm qua đã diễn ra và chúng ta không thể đứng ngoài cuộc. Bởi nếu đứng ngoài thì sẽ không thể đảm bảo tính cạnh tranh của hệ thống thuế, không thu hút đầu tư để phát triển sản xuất, kinh doanh.


Đồ họa: Hương Xuân.

Đồ họa: Hương Xuân.

Hội nhập cũng làm giảm nguồn thu từ nhập khẩu nên phải có nguồn thu khác để bù đắp và các nước đã có nhiều lựa chọn, trong đó có tăng thuế gián thu. Các nước đã làm trước và làm thành công. Vậy không lý gì Việt Nam không nghiên cứu sửa đổi chính sách theo hướng này. Chỉ có điều phải có nghiên cứu cẩn trọng khi áp dụng, tránh áp dụng máy móc.

Bộ Tài chính đã đề nghị nâng mức thuế suất thuế GTGT theo hai phương án. Phương án 1 tăng từ 10% lên 12% kể từ ngày 1/1/2019, phương án 2 là tăng theo lộ trình lên 12% từ ngày 1/1/2019 và 14% từ ngày 1/1/2021. Trong đó, Bộ Tài chính đề nghị cân nhắc phương án 1.

Về quan điểm cá nhân, ông nghĩ gì về đề xuất này trong bối cảnh hiện nay?

Về cơ bản tôi ủng hộ đề xuất này. Tôi chỉ lưu ý thêm 3 điều. Một là, mọi sự lựa chọn chính sách đều có hai mặt – được và mất. Không có sự lựa chọn nào chỉ có ưu điểm mà không có hạn chế. Khi đã lựa chọn là phải chấp nhận cả những mặt được và những mặt chưa được. Chỉ có điều cần cân nhắc tổng thể để đạt lợi ích tổng thể tốt nhất.

Hai là, mong muốn của Đảng ta, Nhà nước và nhân dân ta đều có điểm chung là nâng cao mọi mặt của đời sống nhân dân. Để làm được điều này thì có nhiều việc, trong đó có giảm nghĩa vụ thuế.

Tuy nhiên, muốn giảm nghĩa vụ thuế thì phải giảm chi NSNN, nếu không sẽ dẫn đến thâm hụt NSNN, tăng nợ công… mà hậu quả của nó là ảnh hưởng đến việc thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của Nhà nước.

Đến lượt nó lại ảnh hưởng đến đời sống nhân dân. Như vậy, câu chuyện về thuế không chỉ đơn thuần câu chuyện về thuế mà là nhiều vấn đề khác như: Nâng cao hiệu quả, hiệu lực của bộ máy Nhà nước; tinh giản biên chế; quản lý chi tiêu NSNN tiết kiệm và hiệu quả; chống tham nhũng hiệu quả…

Ba là, do tác động của thuế là tác động dây chuyền và phức tạp phụ thuộc vào nhiều biến số kinh tế vĩ mô nên mọi sự điều chỉnh về thuế, trong đó có điều chỉnh tăng thuế suất thuế giá trị gia tăng cần thực hiện điều tra để lấy số liệu thực tế đánh giá một cách khoa học, dự báo có cơ sở khoa học và thực tiễn làm căn cứ quyết định chính sách.

Cảm ơn ông!

Đức Minh (thực hiện)

Trí Thức Trẻ

Trở lên trên