MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

PGS.TS NSƯT Ngọc Lan: “Mẹ chồng tôi 90 tuổi vẫn đang học tiếng Anh, vậy cớ gì tôi không tiếp tục cống hiến?”

20-11-2023 - 07:33 AM | Sống

PGS.TS NSƯT Ngọc Lan: “Mẹ chồng tôi 90 tuổi vẫn đang học tiếng Anh, vậy cớ gì tôi không tiếp tục cống hiến?”

"Người ta có thể áp lực vì công việc, cần tìm một thứ khác để giải trí. Nhưng với tôi, làm việc trong lĩnh vực đam mê lại chính là một cách hữu hiệu để giải tỏa áp lực. Đợt vừa rồi, tôi bị đau lưng không ngồi được lâu, tôi còn nghĩ hay chuyển cái giường đến đây để vừa nằm vừa giảng”, PGS.TS Trần Thị Ngọc Lan chia sẻ. Từ trong những lời kể bình dị và ánh mắt sáng ngời của bà luôn có một niềm đam mê cháy bỏng dành cho nền âm nhạc nước nhà.

‏Là con dâu của nữ GS.TS Toán học đầu tiên của Việt Nam, người sáng lập Đại học Thăng Long - Hoàng Xuân Sính, với nhiều người, đó có thể là một áp lực rất lớn. Nhưng với PGS.TS NSƯT Ngọc Lan, bà chưa bao giờ "ngại" mẹ chồng. Có chăng, đó chỉ là sự tự hào khi được bậc trưởng bối tự tay dìu dắt, quan tâm và hướng dẫn. ‏

‏"Dù rằng mẹ chồng tôi không am hiểu sâu về Âm nhạc, nhưng cụ luôn đánh giá cao và thường nói, âm nhạc là liều thuốc cho tâm hồn. Đó chính là sự khẳng định lớn nhất để tôi ‘cháy hết mình’ với niềm đam mê", bà chia sẻ.‏

‏Thế là, dù đến tuổi nghỉ hưu, người NSƯT vẫn nuôi bao trăn trở dành cho thế hệ học trò. Bà lựa chọn trở thành "thuyền trưởng" của khoa Âm nhạc ứng dụng tại Đại học Thăng Long, cùng bước tiếp với nền âm nhạc Việt Nam.

PGS.TS NSƯT Ngọc Lan: “Mẹ chồng tôi 90 tuổi vẫn đang học tiếng Anh, vậy cớ gì tôi không tiếp tục cống hiến?” - Ảnh 1.

Tình yêu dành cho âm nhạc của bà bắt đầu nhen nhóm như thế nào?

‏Sinh ra trong gia đình có nghề thủ công, nhưng tôi đã trót yêu âm nhạc từ bé. Niềm đam mê ấy bắt đầu từ những câu hát véo von khi ngồi thùa khuyết, đính khuy ở nhà, rồi được tiếp lửa trong CLB dành cho người yêu âm nhạc của Hà Nội. Thời điểm đó, tôi đang học trung học, nhưng chiều nào cũng cặm cụi đạp xe từ Gia Lâm tới Hàng Buồm để tham gia. Đó cũng là nơi đem tới cơ duyên được thu thanh ở Đài tiếng nói Việt Nam cho tôi.‏

‏Càng tiếp xúc, tình yêu âm nhạc càng lớn dần. Đến hồi lớp 10, tôi quyết xin bố cho thi vào trường nhạc nhưng vấp phải sự ngăn cản của gia đình. Hồi đó, trong tâm trí của các cụ, 4 chữ "xướng ca vô loài" vẫn còn ảnh hưởng. Bố nhất quyết không đồng ý.‏

‏May mắn là, anh rể họ của tôi là NSƯT Quang Phác. Tôi lấy anh làm tấm gương để dần dần thuyết phục gia đình, đồng thời cũng hứa với bố rằng, học xong sẽ đi theo nghiệp giáo viên. Lúc đó, bố tôi mới dần ưng thuận..

PGS.TS NSƯT Ngọc Lan: “Mẹ chồng tôi 90 tuổi vẫn đang học tiếng Anh, vậy cớ gì tôi không tiếp tục cống hiến?” - Ảnh 2.

 

Trong thời điểm ấy, hành trình theo đuổi âm nhạc của bà gặp những khó khăn nào?

‏Mọi thứ khó ngay từ bước đầu tiên, vì lần đầu thi vào Nhạc viện, tôi bị trượt (cười). Mặc dù anh Quang Phác ngỏ ý sẽ dẫn đường để chuyển sang mảng Nhạc cụ dân tộc, nhưng xét thấy ngón tay của mình không hợp để chơi nhạc cụ, tôi quyết tâm thi lại một lần nữa thì đỗ.‏

‏Khó khăn nào đã dừng lại ở đó. Năm đầu học, tôi được xác định giọng trung nhưng thấy lạ lắm, vì từ nhỏ đến giờ, tôi hát véo von đủ thể loại, lên nốt cao vút cũng chẳng gặp vấn đề gì. Rồi càng học, kết quả càng tệ. Cuối năm học đầu tiên, tôi chỉ được 4 điểm - mức điểm "báo động đỏ" lắm rồi. Ai mà không cải thiện được trong năm học sau thì sẽ phải ra khỏi trường ngay.‏

‏Ấy thế mà sang năm thứ 2, tôi được phân sang lớp của cô Diệu Thúy - Trưởng khoa Thanh nhạc của Nhạc viện hồi bấy giờ. Dưới sự dìu dắt của cô, tôi hát chuyển giọng rất bình thường, rồi thành tích cũng thay đổi "chóng mặt". Từ điểm 4 ban đầu, tới khi tốt nghiệp trung cấp, rồi tốt nghiệp đại học, tôi vẫn toàn điểm 10 và trở thành Cử nhân Xuất sắc đầu ra. ‏

Vậy về phía bối cảnh xã hội bấy giờ thì sao?

‏Suốt những năm tháng ấy, không chỉ cá nhân tôi, mà hầu hết mọi người trong giai đoạn ấy đều gặp nhiều khó khăn. Cả về xã hội, gia đình hay nhà trường đều có những vấn đề phải đối mặt, có khi là kinh tế, có khi là cơ sở vật chất, điều kiện học tập…‏

‏May mắn là hồi đó học nhạc không tốn kém như bây giờ. Tôi chẳng những không mất học phí, mà còn nhận được học bổng tận… 18 nghìn đồng. Khi đó số tiền này không hề nhỏ đâu. Đồng thời, học sinh âm nhạc chúng tôi còn có chế độ bồi dưỡng thêm, mỗi tháng lại có ít thịt, ít đường. Nhờ thế, gia đình có những bữa "tươi" được ăn thịt, còn ngày thường chỉ được ăn mỡ thôi. ‏

‏Cũng vì thế, ngay từ khi còn đi học, tôi đã tranh thủ đi biểu diễn khắp trong và ngoài nước để lấy kinh nghiệm, mở mang kiến thức và tầm nhìn.‏

‏Tới thời điểm sau tốt nghiệp, tôi được giới thiệu sang giảng dạy tại trường Trung cấp Nghệ thuật Hà Nội (hiện là Cao đẳng Nghệ thuật Hà Nội). Tại đây, tôi trở thành một trong những giáo viên đầu tiên cho bộ môn nhạc nhẹ của miền Bắc. Kể từ đó, nghề giáo cứ tiếp tục đồng hành cùng tôi trong mỗi chặng đường đời.

PGS.TS NSƯT Ngọc Lan: “Mẹ chồng tôi 90 tuổi vẫn đang học tiếng Anh, vậy cớ gì tôi không tiếp tục cống hiến?” - Ảnh 3.

Từ học sinh "đáng báo động" tới PGS.TS thanh nhạc như hiện nay, bà cảm thấy mình đã đánh đổi và hi sinh những gì?

‏Thực ra cũng không có gì để nói là "đánh đổi". Cá nhân tôi thích gọi đó là "sự nỗ lực phấn đấu". Tôi vẫn nhớ, hồi đó mọi người còn gọi mình là "3 nhọn", tức là mặt nhọn, mũi nhọn, má cũng nhọn nốt vì quá gầy. Nhiều khi đạp xe từ Gia Lâm tới trường mà ai cũng lo "gió thổi bay mất người" (cười).‏

‏Nhưng học nhạc vốn đã cần thiên phú, dạy nhạc lại càng trừu tượng hơn. Nhiều em học sinh "phải khóc" trong giờ của tôi lắm. Không phải vì tôi mắng mỏ hay trách móc gì các em, mà chủ yếu là do cô hướng dẫn rất kỹ nhưng các em không hình dung được. Khi các thầy cô bảo "Hát sáng lên", nhưng làm thế nào để sáng lên, làm thế nào để âm thanh bay hơn, để chuyển nốt cao dễ hơn? Đó là điều không phải ai cũng tự nhiên làm được. Các em mới bật khóc vì quá bức bối. ‏

‏Chứng kiến điều ấy, tôi nghĩ ngày nghĩ đêm, chỉ muốn làm sao tìm ra một phương pháp để cụ thể hóa những điều trừu tượng đó, rồi truyền đạt chính xác cho học trò. Mà nhiều khi hướng dẫn ở trên lớp xong hết rồi, đến khi đi thi, vẫn có em làm sai. Sau mỗi kỳ thi như vậy, tôi lại "ngẩn ngơ" mất mấy ngày vì những lỗi sai ấy cứ văng vẳng trong đầu, rồi lại tiếp tục trăn trở. Mải miết chạy theo những điều như thế suốt thì béo lên làm sao được?‏

‏Vì thế, đây không phải một chặng đường đổ xương đổ máu, nhưng lại cần đổ vào đó rất nhiều sức lực và tâm trí. Chưa kể tới những thời điểm bận rộn cả chuyện công việc gia đình, chuyện sinh con và chăm con… Mọi thứ cộng lại, áp lực là điều không thể tránh khỏi. 

PGS.TS NSƯT Ngọc Lan: “Mẹ chồng tôi 90 tuổi vẫn đang học tiếng Anh, vậy cớ gì tôi không tiếp tục cống hiến?” - Ảnh 4.

 Điều gì đã giúp bà kiên trì bước tiếp, dần chinh phục những học hàm, học vị cấp cao?

‏Đó chỉ có thể là sự tâm huyết với nghề. Tôi luôn sẵn sàng vừa dạy vừa thị phạm trên lớp từ sáng tới tối, đôi khi còn kéo dài tới tận nửa đêm, miễn sao có thể chỉ cho các em từng câu, từng chữ thật tỉ mỉ. Chứng kiến nhiều em chật vật mãi không làm được, tự nhiên mình cũng phải đặt ra câu hỏi "Tại sao?", rồi tìm cách cải thiện phương pháp giảng dạy của bản thân.‏

‏Thế là tôi đi tham gia hết lớp này đến lớp nọ, dự giờ buổi giảng của các chuyên gia nước ngoài, liên tục mày mò, học hỏi để đúc kết thành lý thuyết truyền lại cho học trò. ‏

‏Sau đó, cơ duyên tình cờ đã cho tôi được đi tu nghiệp ở Ý. Ban đầu, tôi chưa có ý định học lên cao vì lịch trình hàng ngày vốn đã bận rộn khủng khiếp. Nhưng đúng thời điểm đó, Việt Nam và Ý ký kết hợp tác với nhau. Theo điều kiện ban đầu, có 14 người sẽ chuẩn bị hồ sơ để du học. Nhưng đến một thời gian sau, chỉ còn đúng 2 suất nghệ thuật dành cho tôi và một họa sĩ khác. Qua vòng phỏng vấn, cuối cùng chỉ còn một mình tôi được thông qua. ‏

‏Thời điểm đó, tôi vừa mừng vừa lo. Mừng vì đó là vinh dự không phải ai cũng có được. Nhưng lo càng nhiều hơn vì bản thân không thông thạo ngoại ngữ, tiếng Anh bập bẹ, tiếng Ý thì "một chữ bẻ đôi chẳng biết". Chưa kể, thành phố mà tôi được cử sang du học không có một Việt kiều nào sinh sống. Nếu sang đó, rất có thể tôi sẽ phải tự lực cánh sinh, lạ nước lạ cái mà không có một ai đồng hành.‏

‏Giữa lúc hoang mang ấy, chính chồng tôi, ông Trương Ngọc Kim, là người đã ở bên và động viên rất nhiều. Muốn trở thành người đầu tiên được cử sang Ý để tiếp cận tinh hoa âm nhạc của nước họ, vậy khó khăn đến mấy cũng phải vượt qua. ‏

‏Cuối cùng, mọi chuyện cũng thuận buồm xuôi gió. Học tiếng xong, tôi xin chuyển về Roma thành công. Nhờ có sự giúp đỡ của Đại sứ quán và các Việt kiều tại đây, khóa học kết thúc thuận lợi. Năm 2000, tôi về nước với hành trang "dày cộm" chứa đầy tri thức giảng dạy tân tiến, hiệu quả của Ý - quốc gia có tầm ảnh hưởng hàng đầu trong lịch sử âm nhạc thế giới.‏

Trong suốt quá trình này, gia đình và người thân đóng vai trò như thế nào với bà?

‏Bởi vì mỗi người có một con đường riêng, cho nên giúp đỡ về chuyên môn thì chắc chắn là không nhiều. Nhưng về khía cạnh đời sống, cơm áo gạo tiền, chồng tôi là chỗ dựa rất vững vàng, có như vậy tôi mới yên tâm học tập và nghiên cứu.‏

‏Chúng tôi quen biết và đến với nhau cũng nhờ có chung tình yêu âm nhạc. Nên khi làm điều gì, tôi cũng chia sẻ với ông ấy. Ông ấy chính là người ủng hộ mạnh mẽ nhất về tinh thần, giúp tôi tự tin trên con đường phát triển chuyên môn. ‏

Việc trở thành con dâu của nữ GS.TS Toán học đầu tiên của Việt Nam - Hoàng Xuân Sính, là áp lực hay động lực của bà?

‏Mặc dù chuyên ngành của mẹ chồng tôi là Toán học, nổi tiếng khô khan và trái ngược hẳn với Âm nhạc, nhưng bà luôn đánh giá cao Âm nhạc. Khi tôi quyết định sẽ làm nghiên cứu sinh, bà sẽ hỏi xem hướng đề tài như thế nào, giải quyết ra làm sao, tiến độ đến đâu rồi. Đó chính là sự quan tâm và đồng hành của bà dành cho con cháu. ‏

‏Không phải vì bà là bậc Giáo sư nên yêu cầu con cháu cũng phải phấn đấu như thế. Bà càng không đặt nặng quan niệm xưa về việc phụ nữ phải chăm lo cho chồng con là chính. Thay vào đó, bà động viên và ghi nhận những nỗ lực tự học, tự nghiên cứu của mỗi thành viên trong nhà. Còn các con phát triển theo hướng nào, bà đều vui. ‏

‏Dù hiện nay đã 90 tuổi nhưng bà vẫn thành thạo tiếng Pháp, còn đang học tiếng Anh mỗi ngày đấy. Mọi người nhìn bà mà ngưỡng mộ và tự hào, rồi biến điều đó thành động lực để tiếp tục phấn đấu vươn lên.

PGS.TS NSƯT Ngọc Lan: “Mẹ chồng tôi 90 tuổi vẫn đang học tiếng Anh, vậy cớ gì tôi không tiếp tục cống hiến?” - Ảnh 5.

GS.TSKH Hoàng Xuân Sính chụp ảnh cùng con dâu - PGS TS NSƯT Ngọc Lan, và gia đình cháu nội.

PGS.TS NSƯT Ngọc Lan: “Mẹ chồng tôi 90 tuổi vẫn đang học tiếng Anh, vậy cớ gì tôi không tiếp tục cống hiến?” - Ảnh 6.

Hơn 30 năm làm việc trong ngành âm nhạc - một ngành được cho là đào thải rất khốc liệt, bà đã bao giờ thấy hoang mang về tương lai?

‏Trong ngành này, có lẽ người ta dễ hoang mang nhất khi bắt đầu ra trường, đứng trước những ngã rẽ lớn cho sự nghiệp. Thời điểm đó, tôi đã có một số giải thưởng nhất định, cũng có kinh nghiệm biểu diễn, khán giả tương đối quen mặt. Thế nhưng, tôi vẫn không tránh khỏi lo lắng, không biết mình sẽ đi đâu, về đâu trong tương lai.‏

‏Nếu ở lại trường để làm giáo viên cũng khó, vì đội ngũ cán bộ giảng dạy đã đầy đủ hết rồi. Ở các đoàn, các nhà hát cũng tương tự như vậy. Nếu sống bằng nghề thì lại sợ công việc bấp bênh với đồng lương ít ỏi. Đi học được học bổng 18.000 đồng, nhưng đi diễn thì thù lao của tôi chỉ có 8.000 đồng thôi. Hồi đó lấy đâu ra nhiều show lớn, nhiều khán giả. Đôi khi, nghệ sĩ chỉ có một sân khấu nhỏ ngoài công viên mà thôi. ‏

‏Đến cuối cùng, tôi nhận ra mình thích hát lắm, không thể bỏ được. Lương ít thì mình chấp nhận hạn chế chi tiêu, chịu khó tích góp. Đến tận năm 28 tuổi, mẹ tôi vẫn phải nuôi hết từ cái ăn đến cái mặc. Cát xê đi hát được bao nhiêu, tôi đem về đưa hết cho mẹ. Một thời gian sau mới biết, mẹ chẳng tiêu đồng nào từ tiền lương của mình mà chỉ để dành, sau này lấy ra mua xe đạp, xe máy mới cho mình đi làm. ‏

‏May mắn là, sau đấy có sự chỉ đường dẫn lối của thầy cô, tôi chính thức bước vào nghề giáo cao quý. Vừa đúng với nguyện vọng của bố mẹ, vừa giúp tôi có được một công việc ổn định, thỏa mãn đam mê để truyền lửa cho thế hệ sau.

PGS.TS NSƯT Ngọc Lan: “Mẹ chồng tôi 90 tuổi vẫn đang học tiếng Anh, vậy cớ gì tôi không tiếp tục cống hiến?” - Ảnh 7.

PGS TS NSƯT Ngọc Lan và sinh viên của cô - quán quân Việt Nam Idol Hà An Huy.

Hiện nay, người ta thường nói về thu nhập của nghệ sĩ là con số "trên trời", "giàu nhanh". Bà nghĩ đó sẽ là cơ hội hay thách thức đối với người trẻ?

‏Thu nhập nghệ sĩ của bây giờ so với hồi xưa đúng là "một trời một vực". Có thể nói, người ta đang trả cát xê dựa trên sự nổi tiếng là chính. Đó vừa là thách thức, nhưng cũng là cơ hội.‏

‏Cơ hội ở chỗ, nghệ sĩ sẽ có tài chính khá hơn, theo đuổi nghề được lâu dài hơn. Còn thách thức ở chỗ, tiền bạc cũng chính là cám dỗ. Không phải ai sở hữu nhiều tiền rồi cũng giữ được cái tâm với nghề. Đồng thời, vì gắn với lợi ích, sự không công bằng trong đãi ngộ cũng sẽ lộ rõ hơn.‏

‏Chẳng hạn, một người học thính phòng cổ điển rất tốn công tốn sức, phải nỗ lực kinh khủng để chinh phục những kỹ thuật thanh nhạc khó nhằn. Nhưng khi đi diễn, họ chưa chắc đã nhận được cát xê cao bằng những người nổi tiếng thua kém hơn về kỹ thuật, thậm chí chưa qua trường lớp.‏

‏Tuy nhiên, nó là những vấn đề chung của thời đại. Người nào có thể vượt qua mà vẫn giữ được cái tâm với nghề thì sớm muộn cũng gặt trái ngọt, có được những thành công dựa trên chính thực lực của mình. Vì sự nổi tiếng có thể mất đi theo thời gian, chỉ có thực lực mới giúp người ta tiến xa một cách vững chắc.‏

Ở độ tuổi nghỉ hưu của mình, thay vì tận hưởng khoảng thời gian an nhàn, tại sao bà quyết định tiếp tục công tác tại trường Đại học Thăng Long?

‏Khi phát hiện một điều mới mẻ nào đó, chúng ta đều muốn lập tức chia sẻ với mọi người. Nghề đi dạy cũng y như vậy. Niềm háo hức đó không nguội dần theo tuổi tác, mà nó vẫn luôn cháy bỏng trong tôi. Vì thế, dù đến tuổi nghỉ hưu, tôi vẫn mong ngóng mỗi buổi lên lớp, muốn nhanh chóng gặp học trò để chia sẻ phát hiện mới đó với các em. Đó cũng là nguyên nhân mà tôi không ngần ngại khi tiếp tục công tác tại trường Đại học Thăng Long.‏

‏Đó cũng như một thử thách mới trong sự nghiệp giảng dạy của tôi khi trở thành Trưởng khoa Âm nhạc ứng dụng. Bộ môn này chính là thành quả tâm huyết mà chồng tôi, lúc đó là Phó Chủ tịch Hội đồng quản trị của trường, dày công chuẩn bị. ‏

‏Ông ấy luôn tự hỏi rằng: "Giới trẻ bây giờ thích thể loại âm nhạc thoải mái, gần gũi, có thể dễ dàng ứng dụng trong đời sống. Vậy tại sao mình không xây dựng một hệ thống đào tạo chuyên nghiệp trong lĩnh vực này?" ‏

‏Muốn tìm ra đáp án chính xác, hai vợ chồng tôi đã cùng sang Hàn Quốc để nghiên cứu mô hình đào tạo âm nhạc của họ, sau đó đưa về áp dụng tại Việt Nam. Khoa Âm nhạc ứng dụng của trường Đại học Thăng Long đã ra đời như thế.‏

Đào tạo "âm nhạc ứng dụng" có khác gì so với quá trình giảng dạy trước kia của bà?

‏Nó cũng vừa khác, nhưng cũng chẳng khác gì. Cá nhân tôi cho rằng, kỹ thuật thanh nhạc là một, dù nhạc cổ điển hay hiện đại thì cũng có kỹ thuật giống nhau cả thôi. Còn sử dụng kỹ thuật đấy vào thể loại nào để cho nó phù hợp, cho ra chất riêng của từng dòng nhạc thì là do mỗi người. Nhưng phải lấy kỹ thuật làm nền tảng vững chắc thì quá trình phát triển, vận dụng sau đó mới suôn sẻ hơn.‏

Bà nghĩ sao về kỳ vọng sẽ "tạo ra những nhóm nhạc như Blackpink" của chồng mình? Khó khăn trên chặng đường đó là gì?

‏Quả thật, khi mở khoa, chúng tôi đều hy vọng có thể góp một phần công sức giúp nền âm nhạc, ngành giải trí của Việt Nam phát triển. Một trong số những kỳ vọng chính là tạo ra một nhóm nhạc sở hữu những tố chất tương tự với Blackpink. Nhưng liệu có thể trở thành "nhóm nhạc tỷ USD" hay không, điều đó phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố. ‏

‏Đầu tiên, mỗi quốc gia đều có một văn hóa khác nhau. Chẳng hạn như, người Việt thường dành sự chú ý cho các ca sĩ solo hơn là một nhóm nhạc. Văn hóa idol chưa phát triển mạnh mẽ như tại Hàn Quốc. Ngay cả quá trình truyền thông, xây dựng tên tuổi đằng sau đó cũng không hề dễ dàng.‏

‏Đồng thời, ngành nào cũng vậy, cần có chiến lược, chính sách đầu tư, đường hướng rõ ràng thì mới có thể phát triển. Đó là cả một chặng đường dài, giống như chặng đường mà nước ta thúc đẩy phát triển du lịch vậy.‏

‏Còn ở hiện tại, công việc của chúng tôi là làm sao trang bị được kiến thức tốt nhất cho những người làm nghề. Làm nghề được đến đâu thì điều đó phụ thuộc vào mỗi một cá nhân.‏

Cảm ơn bà đã dành thời gian chia sẻ!

Phương Thúy - T/K: Hải An

Đời sống Pháp luật

Trở lên trên