Phà Vàm Cống tấp nập người qua lại sau 4 năm dừng hoạt động
Chính thức hoạt động trở lại sau hơn 4 năm, người dân đã dần trở lại với nhịp sống có sự tồn tại của phà Vàm Cống như xưa.
- 03-09-2023Gỡ "nút thắt" visa, du lịch Việt Nam liệu có tăng tốc bứt phá?
- 03-09-2023Tự lực-tự cường Việt Nam: Không phải phép lạ… Đó là thực tế mới
- 03-09-2023Khánh Hòa: Phê duyệt 2 phân khu tại Khu kinh tế Vân Phong
Hàng ngày, lượng người và phương tiên qua phà Vàm Cống (vượt sông Hậu, nối huyện Lấp Vò, tỉnh Đồng Tháp với thành phố Long Xuyên, tỉnh An Giang) đã trở nên đông đúc. Bà con chọn đi phà vi quãng đường di chuyển được rút ngắn hơn 10km và đi phà đã trở thành thói quen bởi đây là nét văn hoá đặc trưng vốn có của vùng sông nước miền Tây.
Theo ghi nhận của phóng viên, sau 3 ngày hoạt động (từ ngày 1 - 3/9) phà Vàm Cống tấp nập người qua lại, mỗi chuyến xuất bến có từ 70 đến 100 phương tiện qua phà.
Dừng xe mua vé qua phà Vàm Cống, ông Nguyễn Văn Thoại (ngụ ở phường Mỹ Thạnh, thành phố Long Xuyên, tỉnh An Giang) tâm sự: Biết tin phà hoạt động trở lại nên ngày nghỉ tranh thủ đưa cháu ngoại sang nhà bà con ở Lấp Vò (Đồng Tháp) chơi, qua phà, chạy xe máy một đoạn là tới nơi rồi. Kể từ khi phà dừng hoạt động vì có cầu Vàm Cống, người dân nơi đây phải đi đường vòng xa hơn 10km, rất mất thời gian.
"Phà hoạt động trở lại bà con ai cũng mừng vì giao thông thuận lợi, thông thương. Chứ đi đường vòng từ cầu Vàm Cống xa quá. Phà hoạt động trở lại giúp ích rất nhiều từ việc về thăm gia đình, buôn bán, công việc… Hơn nữa, tâm lý thích đi phà của người dân đã trở thành thói quen, như một thú vui và nét văn hoá riêng ở vùng sông nước miền Tây”, ông Thoại chia sẻ.
Không chỉ ông Thoại, nhiều người dân lao động từ An Giang sang huyện Lấp Vò, Đồng Tháp làm việc mỗi ngày cũng tỏ ra mừng vì phà Vàm Cống hoạt động trở lại. Bởi theo họ, dù có cầu nhưng đường về nhà nếu qua cầu Vàm Cống sẽ xa hơn 10 km. Còn đi phà thời gian ngắn hơn rất nhiều.
Chị Nguyễn Thị Tâm (ở phường Mỹ Thới, thành phố Long Xuyên, tỉnh An Giang) cho biết, từ ngày có cầu Vàm Cống, hàng ngày phải di chuyển quãng đường hơn 10km từ nhà đến công ty (tại khu công nghiệp Lấp Vò, Đồng Tháp) để làm việc. Không chỉ xa mà tuyến đường Quốc lộ 80 từ Lộ Tẻ Rạch Giá đến cầu Vàm Cống đã xuống cấp nhiều năm, di chuyển rất khó khăn. Hơn nữa, tuyến đường này vắng vẻ lại không có hệ thống đèn chiếu sáng nên những hôm tăng ca về khuya rất nguy hiểm. Chưa kể, gặp hôm xe máy hỏng hóc, phải dẫn bộ rất là xa mới có chỗ sửa.
“Tuần nào tôi cũng qua khu công nghiệp ở huyện Lấp Vò, tỉnh Đồng Tháp để đi làm. Tính ra chi phí đi cầu hay đi phà cũng như nhau. Nhưng đi phà tiện hơn, tiết kiệm được nhiều thời gian hơn”, chị Tâm nói.
Chung niềm vui vì bến phà Vàm Cống hoạt động trở lại, bà Nguyễn Thị Dung - chủ cửa hàng kinh doanh tạp hóa gần bến phà Vàm Cống xúc động nhớ lại ngày phà còn hoạt động nhộn nhịp, công việc làm ăn rất sung túc.
Đang luôn tay bán hàng cho khách, bà Dung đon đả, phà ngừng hoạt động 4 năm nay buồn lắm, công việc kinh doanh, buôn bán cũng ế ẩm theo. Nay phà hoạt động trở lại, bà con ai cũng mừng. Dẫu hiện nay đã có cầu, bến phà sẽ không còn đông như trước nhưng hy vọng việc buôn bán của gia đình cũng sẽ tốt hơn.
Ông Trương Văn Hiệp - Tổ trưởng tổ vận hành bến phà Vàm Cống (Công ty cổ phần phà An Giang) cho biết, phà chính thức hoạt động trở lại đúng dịp lễ Quốc khánh 2/9 nên lượng khách qua phà cũng khá đông, chủ yếu là xe máy; không chỉ người dân ở hai bờ Đồng Tháp và An Giang mà có rất nhiều người dân từ TP Hồ Chí Minh, các tỉnh miền Đông cũng chọn đi phà để đến An Giang du lịch, vãn cảnh dịp nghỉ lễ.
“Người dân đã dần trở lại với thói quen đi pha như trước đây, mỗi chuyến phà xuất bến có khoảng 100 lượt phương tiện; trong đó, ô tô và xe tải chiếm khoảng 30%, còn lại là xe gắn máy, xe đạp và người bộ hành. Khách qua lại phà đông nhất là vào buổi sáng để đi làm và buổi chiều lúc tan ca trở về nhà. Tâm trạng người dân ngày đầu đi phà cũng vui, vì đường đến công ty và về nhà đã gần hơn”, ông Hiệp cho biết.
Theo ông Trần Quốc Long, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Phà An Giang, phà Vàm Cống hoạt động trở nhằm đáp ứng nguyện vọng của bà con cử tri hai tỉnh An Giang và Đồng Tháp, đáp ứng nhu cầu đi lại, vận chuyển hàng hoá của người dân hai bên bờ sông Hậu.
Phà Vàm Cống phục vụ từ 4 giờ sáng đến 22 giờ đêm hàng ngày. Việc đưa đón khách tại phà Vàm Cống sẽ do Công ty cổ phần phà của 2 tỉnh An Giang và Đồng Tháp phối hợp đối lưu chuyến. Phà chủ yếu phục vụ người đi bộ, xe máy và các loại phương tiện thô sơ, phương tiện cơ giới, phương tiện giao thông đường bộ, tổng tải trọng phương tiện dưới 7 tấn, xe khách đến 30 ghế, ô tô giường nằm dưới 22 ghế.
Mức giá qua phà Vàm Cống được áp dụng thống nhất cả hai bờ An Giang và Đồng Tháp. Cụ thể, xe gắn máy 6.000 đồng/lượt, ô tô dưới 7 chỗ 25.000 đồng/lượt, ô tô dưới 12 chỗ và ô tô bán tải 35.000 đồng/lượt; ô tô dưới 16 chỗ và xe buýt 45.000 đồng/lượt; ô tô dưới 30 chỗ và xe khách giường nằm dưới 22 chỗ 60.000 đồng/lượt.
Trước mắt bến phà Vàm Cống sẽ bố trí 3 phà có tải trọng từ 40 đến 60 tấn phục vụ hành khách. Vào lúc cao điểm có thể tăng cường thêm 1 phà tải trọng 100 tấn. Phà hoạt động xuyên suốt cho đến khi có chủ trương mới của UBND hai tỉnh An Giang và Đồng Tháp", ông Long thông tin thêm.
Cụm phà Vàm Cống trước đây do Cục Quản lý đường bộ IV (Cục Đường bộ, Bộ Giao thông Vận tải) quản lý. Tháng 9/2019, cầu Vàm Cống có tổng mức đầu tư 5.700 tỷ đồng bắc qua sông Hậu nối quận Thốt Nốt (thành phố Cần Thơ) và huyện Lấp Vò (tỉnh Đồng Tháp) khánh thành. Sau khi cầu thông xe, bến Vàm Cống cũng hoàn thành “sứ mệnh” và chính thức bị dừng hoạt động từ đó đến nay. Sau khi dừng hoạt động, cụm bến được bàn giao lại cho Công ty cổ phần Phà An Giang và Đồng Tháp quản lý.
Báo tin tức