Phải nâng cao chất lượng nông sản xuất khẩu sang Canada
Ngày 3/11, Bộ NN&PTNT phối hợp với Đại sứ quán Canada tại Việt Nam tổ chức hội thảo “Hợp tác kỹ thuật - Thúc đẩy tuân thủ quy định đối với hàng hóa nông sản xuất khẩu sang Canada”.
- 31-10-2016Tiền đổ vào nông nghiệp gấp hơn 2 lần vào bất động sản
- 29-10-2016Chuỗi cung ứng nông sản thực phẩm an toàn là yêu cầu cấp thiết
- 28-10-2016Vì sao Việt Nam tạm ngừng nhập khẩu nông sản từ một số nước?
Theo Cục Quản lý chất lượng nông lâm thủy sản (Bộ NN&PTNT), hiện Canada là nước nhập khẩu sản phẩm nông nghiệp và thực phẩm lớn thứ 6 thế giới với rất nhiều chủng loại hàng hóa từ hơn 190 nước, trong đó có Việt Nam.
Với giá trị kim ngạch đạt khoảng 1 tỷ USD và gần 3.000 giao dịch/tháng, hiện nay Cơ quan thanh tra thực phẩm Canada (CFIA) đã và đang đặt ra rất nhiều quy định khắt khe với mức độ kiểm tra, giám sát khác nhau về an toàn thực phẩm. Chính vì vậy, các DN xuất khẩu nông lâm thủy sản Việt Nam muốn tăng khả năng thành công và mở rộng thị trường tại Canada thì không những phải nâng cao năng lực cạnh tranh toàn diện, mà còn phải tuân thủ và áp dụng chặt chẽ các quy định về an toàn thực phẩm mà CFIA đặt ra
Ảnh: VGP/Đỗ Hương
Trong thời gian qua, mặc dù kim ngạch thương mại hai chiều trong lĩnh vực nông lâm thủy sản giữa hai nước chưa tương xứng nhưng ngày càng có nhiều hơn các DN Việt Nam tiếp cận và có nhu cầu mở rộng tại thị trường này. Tuy nhiên, gần đây, đã có một số lô hàng thủy sản Việt Nam bị cảnh báo do tồn dư mẫu kháng sinh hoặc chất gây dị ứng. Do đó, bên cạnh mở rộng hoạt động xúc tiến thương mại, các DN cần nắm rõ hơn về các quy định nhập khẩu của Canada để có thể chủ động tuân thủ tốt hơn từ khâu sản xuất tại Việt Nam thay vì phải xử lý sự cố khi hàng đã nhập khẩu vào Canada, qua đó giảm được thiệt hại.
Ông Rolf Schoenert, Phó Vụ trưởng Vụ Chính sách thương mại của CFIA cho biết, Canada đang trong quá trình hiện đại hóa hệ thống văn bản pháp quy, đồng thời thay đổi một số luật, quy định để bảo đảm khung pháp lý phù hợp với điều kiện sản xuất tiêu dùng thực phẩm hiện nay. Riêng đối với các sản phẩm thủy sản nhập khẩu từ Việt Nam, CFIA sẽ thanh tra dựa trên kết quả kiểm tra dư lượng thuốc thú y trong sản phẩm. Chính vì vậy, hội thảo lần này là cơ hội để các DN Việt Nam nắm bắt và tuân thủ theo hướng dẫn cụ thể từ phía Canada để có thể đáp ứng được.
“Trước đây chúng tôi quy định hết sức chi tiết cụ thể bằng việc ban hành các văn bản để mô tả DN Việt Nam phải làm những gì thì nay chúng tôi đã thay đổi cách tiếp cận hướng tới các kết quả. Sau việc áp dụng các biện pháp kỹ thuật này thì những kết quả cụ thể về an toàn thực phẩm bắt buộc phải đạt được là gì. Đây là ràng buộc của chúng tôi đối với các DN, họ có thể áp dụng biện pháp như thế nào là tùy họ nhưng họ phải chịu trách nhiệm thực hiện”, ông Rolf Schonert cho biết thêm.
Với những quy định này, các nhà xuất khẩu và nhà cung cấp Việt Nam cần làm việc với nhà nhập khẩu Canada để hiểu về các yêu cầu nhập khẩu, xác định bất cứ yêu cầu nào của Canada có thể khác biệt với các đối tác thương mại nước ngoài khác, cụ thể như: Khai báo tất cả các thành phần; dán nhãn bằng tiếng Anh và tiếng Pháp; các phụ gia thực phẩm được cho phép tại Canada cũng như dư lượng thuốc trừ sâu, kháng sinh cho phép của Canada…
Chinhphu.vn