MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Phấn đấu quý IV/2021 giải ngân đầu tư công 90% kế hoạch

Tính đến hết tháng 1/2021, ước giải ngân vốn đầu tư công năm 2020 đạt 452,4 nghìn tỷ đồng, bằng 96,13% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao, cao nhất trong nhiều năm trở lại đây

Tính đến hết tháng 1/2021, ước giải ngân vốn đầu tư công năm 2020 đạt 452,4 nghìn tỷ đồng, bằng 96,13% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao, cao nhất trong nhiều năm trở lại đây

Trong bối cảnh dịch Covid-19 vẫn diễn biến phức tạp, một trong những động lực cho tăng trưởng kinh tế chính là tiếp tục đẩy mạnh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công. Ngay từ đầu năm, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đặt ra mục tiêu, quý III giải ngân 80% kế hoạch đầu tư vốn ngân sách nhà nước năm 2021 và đến quý IV giải ngân 90% kế hoạch năm 2021 được giao.

Trong năm 2020, đầu tư công nổi lên như "trụ đỡ" cho tăng trưởng kinh tế, tốc độ giải ngân vốn đầu tư công đạt mức cao nhất trong giai đoạn 2011-2020. Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, tính đến hết tháng 1/2021, ước giải ngân năm 2020 đạt 452,4 nghìn tỷ đồng, bằng 96,13% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao, cao nhất trong nhiều năm trở lại đây (năm 2019 đạt 76,75%). Số vốn kế hoạch năm 2021 các bộ, cơ quan Trung ương và địa phương đã giao chi tiết cho các dự án đạt 89% so với kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao, tương đương các năm trước. Ước giải ngân tháng 1/2021 đạt 15 nghìn tỷ đồng, bằng 3,25% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao (cùng kỳ đạt 0,95%).

Với kết quả đạt được ấn tượng trên đã cho thấy sự đúng đắn, hiệu quả của những giải pháp điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ thời gian qua. Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết, ngay từ đầu nhiệm kỳ, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã xác định "thể chế" là nút thắt chủ yếu trong cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, khơi thông nguồn lực… cho đầu tư, phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Do vậy, cùng với Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, hoàn thiện thể chế cũng là nhiệm vụ trọng tâm, xuyên suốt trong chỉ đạo, điều hành của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, trong đó có đầu tư công.

Bởi lẽ đó, năm 2019, lần đầu tiên sau nhiều năm, đã giao một lần, ngay từ cuối năm 2019 toàn bộ kế hoạch đầu tư công nguồn ngân sách nhà nước năm 2020; các bộ, cơ quan Trung ương và địa phương được toàn quyền chủ động điều hòa vốn giữa các dự án trong năm kế hoạch. Các dự án trong kế hoạch đầu tư công trung hạn không bị bó buộc trong phạm vi danh mục đã được giao mà được điều chỉnh, bổ sung một cách linh hoạt theo mục tiêu và nhu cầu phát triển.

Phát huy kết quả đạt được, năm 2021, để thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư ngân sách nhà nước, thu hút vốn đầu tư xã hội, tạo động lực cho tăng trưởng kinh tế, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng đề nghị các bộ, cơ quan trung ương và địa phương tiếp tục thực hiện nghiêm các giải pháp về thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công tại các Nghị quyết của Chính phủ. Theo đó, phân bổ, giao kế hoạch vốn đầu tư ngân sách nhà nước ngay từ đầu năm kế hoạch cho các dự án đã đủ thủ tục đầu tư, đủ điều kiện giải ngân; đồng thời, chỉ đạo các chủ đầu tư khẩn trương hoàn thành các thủ tục phê duyệt thiết kế, dự toán, thủ tục đấu thầu; chủ động xây dựng ngay kế hoạch giải ngân theo từng tháng, từng quý.

Cụ thể, trong quý I/2021 cần hoàn thành việc thu hồi vốn ứng trước của kế hoạch đầu tư vốn ngân sách nhà nước năm 2021; trong quý II hoàn thành việc giải ngân các dự án được phép kéo dài kế hoạch đầu tư vốn ngân sách nhà nước năm 2020 sang năm 2021; quý III giải ngân 80% kế hoạch đầu tư vốn ngân sách nhà nước năm 2021 của các dự án chuyển tiếp dự kiến hoàn thành trong năm 2021 và hoàn thiện thủ tục đầu tư dự án khởi công mới dự kiến bố trí kế hoạch đầu tư năm 2021 và lũy kế đến quý IV phấn đấu giải ngân 90% kế hoạch năm 2021 được giao.

Đặc biệt, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cũng yêu cầu phân công lãnh đạo chịu trách nhiệm theo dõi tiến độ thực hiện và giải ngân của từng dự án theo kế hoạch đề ra, gắn trách nhiệm của lãnh đạo, tổ chức, cá nhân với kết quả giải ngân của từng dự án được phân công.

Căn cứ dự kiến kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 được Thủ tướng Chính phủ thông báo, các bộ, cơ quan trung ương và địa phương cần chỉ đạo các đơn vị trực thuộc tập trung lựa chọn danh mục dự án dự kiến triển khai trong giai đoạn 2021-2025, hoàn thiện thủ tục lập, thẩm định, phê duyệt chủ trương đầu tư, tổng hợp vào kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 cấp mình, gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổng hợp để báo cáo Chính phủ, trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ nhất Quốc hội khóa XV xem xét, quyết định.

Cùng với đó, Bộ Kế hoạch và Đầu tư sẽ tiếp tục rà soát hành lang và khuôn khổ pháp lý về đầu tư, ngân sách đặc biệt là vốn ODA một cách đồng bộ và minh bạch; trong đó, đổi mới quản lý, giải ngân và sử dụng vốn ODA, cần xác định thứ tự ưu tiên đầu tư các dự án ODA gắn liền với đảm bảo nguồn vốn đối ứng cho các dự án này, quy trình tổng hợp phân bổ vốn ODA gắn liền với vốn đối ứng; đẩy mạnh các dự án đầu tư theo hình thức đối tác công tư để khơi thông vốn đầu tư từ khu vực tư nhân, đặc biệt là nhà đầu tư nước ngoài cho các dự án hạ tầng giao thông...

Theo Thu Phương

Theo Báo điện tử Công thương

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên