Phần đời đau đớn của những đứa trẻ bị bố mẹ quá kỳ vọng và áp đặt ước mơ
Câu chuyện từ nội tâm sâu thẳm của hai mẹ Liên, Lâm và nhân chứng – nữ bác sĩ tâm lý Song Lê, chắc chắn sẽ khiến cách dạy con của nhiều ông bố, bà mẹ thay đổi.
* Lâm, 19 tuổi, nữ sinh viên ngành Tài chính, đang bảo lưu
* Liên, mẹ Lâm, 51 tuổi, hiệu trưởng tiểu học
* Song Lê, 40 tuổi, nữ bác sĩ tâm lý
Lên cấp Ba thì học lực của tôi tụt thảm hại. Thứ nhất, tôi được mẹ xin vào một lớp chuyên, trong lớp có nhiều bạn giỏi hơn tôi. Thứ hai là tôi bị mất ngủ, lên lớp cứ đờ đẫn. Hồi đó mẹ tôi rất kinh khủng. Một buổi chiều mẹ đi họp phụ huynh về, giận ngùn ngụt: Con chó, sau này ra đời thì làm được cái gì, đi bốc c… à. Mẹ đánh, giật tóc, đập đầu tôi vào tường, lấy thắt lưng quấn vào cổ tôi. Mẹ bắt tôi quỳ ở góc nhà, không được ăn tối, rồi bỏ lên trên tầng. Tới mười một giờ đêm thì ba thương, ba xuống dưới nhà nấu cho tí mì. Khi đó tôi sợ quá, ú ớ, không cử động được, co ro, run rẩy trong góc như một con chó hoảng loạn, há mồm cho ba đút cho từng thìa một.
Học kỳ sau, bảng điểm lại được gửi về nhà. Lần này thì bố mắng, không kinh khủng như mẹ, nhưng bố vừa sập cửa ra ngoài thì nước mắt nước mũi tôi trào hết cả ra, tôi chui xuống gầm bàn, nằm co quắp, khóc đến gần nửa đêm mới ra ngoài rửa mặt.
Lên lớp Mười một tôi bị đánh ít hơn nhưng vẫn bị chửi mắng như vậy. Đỉnh điểm là ngày mồng Hai Tết năm đó. Tối hôm ấy tôi đang vẽ vời trong phòng, thả lỏng nghỉ ngơi một chút, thì mẹ vào. Không rõ mẹ đang giận cái gì, nhưng mẹ đi vòng vòng xong bắt đầu mắng. Mày chỉ suốt ngày vẽ vời không làm bài, mày vô tích sự, chả làm được cái mẹ gì cả, sao tao lại đẻ ra con như mày, mày chết đi cho rồi.
Tôi cãi lại. Mẹ thì biết cái gì, cả năm con đã học vất vả rồi bây giờ đến cả một tí thời gian để làm cái gì đấy cho bản thân mẹ cũng không cho à, đây là phòng con, mẹ đi ra đi. Mẹ đứng dưới, tôi ở trên giường, hai người cùng gào. Bố phải chạy lên can và đẩy mẹ ra khỏi phòng.
Tôi sập cửa lại, tắt đèn và bắt đầu gào thét để giải toả. Đó cũng là thời điểm tôi cào cấu bản thân, chỗ bụng chân dưới, cổ tay, hoặc là cấu vào lòng bàn tay, cào ở đằng sau gáy nữa. Những tháng sau đó, tôi bắt đầu bỏ bê ăn uống và có dấu hiệu rệu rã, bệ rạc. Tôi lao vào vẽ để giải tỏa, vẽ bạt mạng, mặc kệ học, vẽ, chỉ có vẽ thôi. Giờ toán trên lớp, tôi đứng đực ra, cô thì cứ gặng hỏi, cứ bắt tôi đứng đó trước bốn mươi con mắt, khiến tôi chỉ muốn chui xuống lỗ. Hỏi dồn mãi mà không nhận được câu trả lời nào, cô lẩm bẩm, "Thế mà cũng đếch hiểu, học làm cái gì."
Mỗi khi nhớ lại thời niên thiếu, tôi lại thấy mình đeo cặp sách đi bộ qua những ngọn đồi ở miền trung du quê tôi. Khung cảnh yên bình, nhưng tuổi thơ của tôi thì dữ dội. Là con gái lớn, tôi phải ra vườn trồng rau lang, vào rừng lấy củi, mỗi sáng gánh mười lăm thùng nước trước khi đi học, đêm ba mươi Tết vẫn lau nhà và là quần áo cho mọi người. Tôi vẫn nhớ khoảnh khắc bố và em gái châm bánh pháo trước cửa, mùi pháo bay vào nhà, nơi tôi lặng lẽ đơm nốt cái cúc áo và nghĩ thầm, năm mới đã đến rồi đó. Đôi khi tôi tự hỏi không biết mình có được coi là người trong nhà hay không.
Mẹ rất đẹp, tóc dài, đi cái xe đạp Eska, nhưng tôi luôn cảm nhận mẹ có cái gì đó không ổn. Chả bao giờ mẹ vỗ về, âu yếm, hay thể hiện sự biết ơn cả. Mẹ là một bông hoa đẹp nhưng không có hương. Một lần, khi đó là mùa đông, tôi khóc dai, đòi hỏi sự quan tâm, chú ý, mẹ lôi tôi ra bể nước và dội nước vào người tôi. Tôi còn nhớ mình nghĩ gì, "Sao mẹ mình ác thế?" Anh em chúng tôi nghịch nghợm, mẹ cáu, "Chúng mày cút đi đâu thì đi!" Tôi đi lang thang ngoài đường, trong đầu nung nấu, "Sau này mình phải độc lập, vì mình không có chỗ dựa nào cả."
Bố tôi là nhà giáo, ông đặt mục tiêu cho các con là chỉ có thể học bằng hay hơn người khác. Người khác là ai? Là tất cả. Bây giờ thì tôi có thể giải thích được là cái khao khát mãnh liệt này đến từ sự bất mãn của bố, ông không thành đạt trong công danh sự nghiệp nên dồn hết tham vọng vào con đường học hành của con cái.
Năm anh em tôi nổi tiếng học giỏi trong khu vực. Anh trai tôi nghe lời nhất, học chăm nhất, làm bố mẹ hài lòng nhất. Duy nhất có tôi dám cãi lại, dám đặt câu hỏi tại sao, có cần phải như vậy không, điều mà bố tôi, một người gia trưởng, không thể chấp nhận. Tôi là đứa ăn tát, ăn roi nhiều nhất. Ăn tát vì trên đường tới trường tôi cười nói với một đứa con trai cùng lớp, vì bố thấy một cái ảnh chụp chung với cậu bạn kẹp trong nhật ký. Những thứ tôi trải qua, giờ sẽ được coi là bạo lực tinh thần.
Tôi lớn lên trong cô đơn và khi trưởng thành không thể hiện được tình cảm là vì vậy. Có một cơ chế tự bảo vệ ngăn để không bao giờ tôi vui quá; vui vừa thôi, chứ vui quá rồi đau buồn lại đến thì mình không thể chịu được. Cho tới khi năm mươi tuổi, khi tôi cùng Lâm bước vào hành trình mà tôi kể dưới đây, thì tôi mới khóc được.
Giờ đây tôi là hiệu trưởng của một trường tiểu học, mới nhận danh hiệu nhà giáo ưu tú, và trở thành trụ cột của gia đình, những tôi vẫn không có cảm giác gần gũi với bố mẹ. Trong tôi chỉ là trách nhiệm, không có cảm xúc - tôi đã có quá nhiều vết thương lòng, chúng hằn sâu vào ký ức. Mình muốn lại gần bố mẹ, nhưng chính mình lại tự đẩy mình ra.
Đúng như mong muốn của bố mẹ, anh trai tôi chỉ biết học. Chỉ có thể bằng hoặc hơn người khác. Bố mẹ hay khoe với hàng xóm điều mà lúc còn nhỏ tôi đã thấy ngớ ngẩn. "Ôi, cái thằng này không biết yêu đương là gì đâu, cứ nói chuyện với con gái là đỏ mặt". Như thế có gì hay mà phải khoe - tôi bảo vậy và bị ăn tát.
Học xuất sắc vậy nhưng không hiểu sao anh ấy trượt đại học hai năm liền, chắc là vì áp lực lớn quá. Bố mẹ kêu than, còn anh ấy cứ ở lỳ trong nhà, không giao tiếp với ai nữa. Cuối cùng thì anh ấy cũng tốt nghiệp đại học và xin được vào làm trong một viện nghiên cứu.
Nhưng anh ấy không làm được gì, thất bại, thất vọng. Anh bắt đầu hoang tưởng, cho rằng người ta muốn ám hại mình, và lao vào học thêm tiếng Anh và lập trình như điên. Ngoài ba mươi thì bố mẹ cưới vợ cho anh ấy, lúc đó anh đã nghỉ việc rồi. Sau khi sinh con gái, cái Hồng, thì cô vợ anh ấy muốn chia tay. Tôi nói với bố mẹ là nên giải phóng cho cô ấy, người ta có thể buộc được chân gà chứ không buộc được chân người.
Khi Hồng được ba tuổi thì bệnh anh ấy trở nên nặng hơn. Anh bị trơ thuốc, suy kiệt thần kinh vì tác động của thuốc, và mất năm ngoái, khi anh ấy năm mươi ba tuổi. Tôi nói với bố mẹ là họ đã mất một đứa con vì cách dạy dỗ của họ, nhưng tới khi chết bố vẫn không đồng ý như vậy.
Tôi vẫn nói với cái Hồng là dù bố bị bệnh thì đó vẫn là bố nó, vẫn là máu mủ ruột rà. Nhưng những năm cuối đời, anh tôi không được gặp con gái, dù nó ở cùng nhà. Ông bà còn không cho nó mang cơm lên cho bố, họ sợ điều gì thì tôi cũng không biết. Tình yêu thương của ông bà với Hồng là mù quáng, nhưng tôi không nói được.
Buồn đau về bố nó bao nhiêu thì ông bà dồn tâm huyết vào đứa cháu bấy nhiêu. Nó ở với ông bà và được coi là đối tượng bất khả xâm phạm. Có hai cái đùi gà thì bà sẽ cho Hồng riêng một cái, hai đứa cháu khác chia nhau một cái. Ông thì ngày đêm ngồi học cùng cháu, bắt nó chép lời giải toán vào cuốn vở rất sạch mà nó đâu có hiểu gì. Đã nhiều lần tôi và bố gay gắt về chuyện ép nó học tới mức bố lật bàn chỉ thẳng tay vào mặt tôi. Khi mẹ nó từ Đông Âu trở lại Việt Nam, tôi khuyên hãy để hai mẹ con ở với nhau, trẻ con cần mẹ, gia đình chỉ hỗ trợ tài chính thôi, nhưng bố mẹ tôi kiên quyết giành quyền nuôi nó và mắng tôi là ngu xuẩn.
Lên cấp Ba, một hôm Hồng bảo tôi, "Mẹ ơi," nó gọi tôi bằng mẹ, "con không đủ sức học nữa, con kiệt sức rồi." Tôi nhìn tay nó, "Tay con làm sao thế kia, con rạch tay đúng không? Con nhìn mẹ đây này, trong nhà mẹ là người học dốt nhất, cứ nói thẳng ra như vậy đi, nhưng mẹ không có gì phải xấu hổ, khi trưởng thành, mẹ thành người tháo vát nhất nhà, cái gì cũng đến tay mẹ, nên là con không phải học một cách điên cuồng như thế, khi nào mệt thì con nghỉ."
Rồi Lâm (con gái tôi) kể với tôi là đã mấy lần cái Hồng đứng trên tầng bốn định nhảy xuống. Tôi làm loạn lên với cả nhà, tôi doạ mẹ, lúc đó bố tôi đã mất, mẹ mà ép nó học nữa là mẹ mất nó đấy. Nhưng mẹ tôi không hiểu. Ngay tuần trước thôi, tôi đang ngồi với mẹ thì Hồng gọi điện từ chỗ học quân sự về. "Bà ơi, con có điểm rồi, con được 3.7 trên 4 điểm, thế là được chứ gì bà?" Tôi giật lấy cái điện thoại, "Con ơi, con không phải lo thế đâu, mẹ nghĩ ba phẩy trên bốn cũng được, con trung bình cũng được, quan trọng là con cảm thấy thoải mái, con hiểu chưa???" Mẹ tôi im.
Nhưng làm sao mà tôi có thể ở bên suốt được để can thiệp?
Đến giờ thì tôi hiểu ra là những gì mình trải qua sẽ để lại dấu ấn trong mình. Tôi phản đối cách bố dạy Hồng, nhưng vẫn vô thức tạo cho con mình áp lực như bố ngày xưa. Cái cách của bố ngấm vào tôi lúc nào mà không hay, khiến tôi nhiều lúc giật mình. Chỉ có thể bằng hay hơn người khác. Sự ám ảnh này vẫn lơ lửng trong không khí của gia đình tôi, của họ nhà tôi, ngày ngày được nuôi dưỡng bằng những lời so sánh, những bình luận, những ánh mắt.
Tôi hoàn toàn bất ngờ khi nghe Duy, (con trai tôi, anh trai của Lâm) nói với bạn gái là mình bị áp lực học hành rất lớn. Tôi và chồng gần như suy sụp khi phát hiện ra Duy đã bỏ ngang đại học và sống với bí mật đó trong nhà hàng năm trời. Lớp Bẩy, hồi đó Lâm học chuyên toán, lần đầu tiên nó bảo, "Mẹ nghe con này, con không muốn học thêm nữa đâu, con đau đầu lắm." Tôi gạt đi. Cấp Ba tôi cho nó vào chuyên Ngữ, hệ B. Nó học đuối, bị cô giáo ghét vì ảnh hưởng tới thành tích của lớp. Nó bắt đầu quay ra vẽ, vẽ ngày vẽ đêm, vẽ trên lớp, vẽ dưới bàn, buổi tối tôi ra khỏi phòng là nó nhỏm dậy vẽ. Đó là một dạng chạy trốn? xả hơi? tôi không rõ và cũng không bỏ công tìm nhiểu. Với tôi, thế là lười học.
Nó lên lớp Mười một, tôi vứt hết tranh và mầu vẽ của nó đi. Sau này bác sĩ tâm lý nói là điều đó giống như đột ngột bắt nó cắt đứt với người yêu, khiến nó bị chấn thương tâm lý. Nó gào thét, cãi lại. Tôi không chấp nhận cái bướng của nó, như ngày xưa bố tôi không chấp nhận cái bướng của tôi. Cái hôm đỉnh điểm, tôi lấy chổi quật nó túi bụi rồi đẩy nó ra ngoài hành lang tối. "Có biết đấy là chỗ con nào ngồi không?" Tôi quát, "Nếu không muốn làm người thì ngồi đấy!" Tôi, chồng và Duy ăn cơm trong im lặng, xong quay ra thì thấy nó đang khóc khóc cười cười như mê sảng. Tôi lạnh người, đưa nó vào, bảo chồng chăm sóc con, rồi tự cách ly mình khỏi con để khỏi làm hại con thêm nữa.
Lâm và chị Liên tới gặp tôi – Song Lê - lần đầu vào khi con học lớp Mười hai, trong một giai đoạn mà Lâm tự gọi là "chu kỳ tụt pin" của mình. Từ hai năm trước con đã có những giai đoạn như vậy, nhưng bây giờ hai mẹ con mới tới bác sĩ.
Tôi dùng nhiều công cụ để đánh giá, và sau buổi thứ ba thì tôi có thể chắc chắn là Lâm bị trầm cảm và rối loạn lo âu ở mức độ khá nặng. Đây là những ghi chép của tôi. Bề ngoài, Lâm có khí sắc mệt mỏi, trễ nải trong việc chăm sóc bản thân, bỏ ăn, lười tắm, mùa hè mà con vẫn khoác cái áo choàng đồng phục lên người như một lớp bảo vệ. Về mặt tâm lý, Lâm có mức độ tự tin cực kỳ thấp, lúc nào cũng có cảm giác mình là một sản phẩm thất bại của mẹ, trong khi mẹ thành công như vậy, giỏi giang như vậy, thì mình không có giá trị gì, mình đáng được đại gia đình khinh miệt. Con thấy mình xấu xí, gớm ghiếc và luôn nghi ngờ mọi người chê bai, cười nhạo mình.
Vào thời điểm này, Lâm đã mất hứng thú với vẽ, thứ mà con vốn rất đam mê. Con hay lo lắng, không cảm thấy an toàn về tương lai, luôn sợ những điều bất trắc, tồi tệ xảy ra. Lâm không kiểm soát được cảm xúc, vừa dễ nổi giận ghê gớm, vừa bồn chồn, căng thẳng, không thể thư giãn, tim đập nhanh, khó tập trung, nhiều lúc cảm thấy nóng trong người và thỉnh thoảng lại đau bụng do căng thẳng quá.
Qua những buổi đầu, tôi cũng có thể kết luận là Lâm bị bạo hành trong gia đình. Từ hồi cấp Hai con đã bị mẹ đánh rất nhiều. Bị bạt tai, lấy thắt lưng xiết cổ, bị bắt quỳ và bỏ đói ở phòng khách tới nửa đêm, phải chui vào một góc. Có những giai đoạn chỉ nghe thấy tiếng hay nhìn thấy mẹ thôi Lâm đã bị nghẹn, ứ, khó thở, muốn khóc và không thể nói được. Thêm vào đó, có những giai đoạn ở trường Lâm bị bắt nạt và bị cô giáo ghét.
Lâm bị kiểm soát cực cao, con thực sự sống và học tập theo định hướng gắt gao của gia đình và dưới áp lực cực kỳ lớn, kỳ vọng cực kỳ lớn của mẹ. Gia đình Lâm có điều kiện và quen biết rộng, nên vạch ra cho con một con đường mà Lâm chỉ có thể đi theo như nước chảy theo máng. Đấy, tôi ghi trong hồ sơ như vậy. Con có cảm giác không được sống cuộc đời của mình, luôn luôn bị theo dõi, luôn luôn lo lắng đam mê vẽ và thiết kế đồ hoạ của mình có được gia đình chấp nhận hay không.
Rất may là dù bị bạo lực thể chất lẫn tinh thần nhưng con vẫn tôn trọng mọi người trong nhà, chưa chuyển sang thái độ oán ghét, nên cơ sở để hàn gắn vẫn còn. Dù rất sợ mẹ và mong mỏi mẹ mềm mại hơn, Lâm vẫn ngưỡng mộ mẹ và đánh giá mẹ rất giỏi giang, có uy tín ở cơ quan, là trụ cột của hai bên nội ngoại. Con là một đứa trẻ rất hay, thông minh, rất nhân văn, giàu lòng trắc ẩn, tới lúc đó vẫn lo cho tinh thần của Duy, anh trai mình, đang vướng chuyện yêu đương và xích mích với gia đình.
Lâm cũng thực sự muốn được giúp đỡ, đây là một điểm tích cực rất lớn, khác với nhiều bạn khác. Tôi nhanh chóng xác định hướng can thiệp của mình là trị liệu liên quan tới gia đình, và nói với chị Liên là tôi cần sự cộng tác của chị, người Lâm chọn để đi cùng mình. Chị đồng ý. Lúc đó chị rất cuống, chị rất yêu con nhưng không biết có thể giúp con như thế nào.
Tôi cứ gặp Lâm hai buổi thì gặp chị Liên một buổi. Tôi hướng dẫn chị làm cùng con những việc nhỏ trong sinh hoạt hàng ngày, như chị đang chăm sóc một đứa trẻ, và khen các cố gắng, dù nhỏ nhất, của Lâm. Khi con cầm lên cái khăn để lau mặt, khi con bước được ra khỏi giường. Tôi khuyên chị ngừng ngay việc so sánh con với bạn bè, anh chị em họ. Tình thương mà Lâm nhận được cực lớn nhưng là thứ tình thương có điều kiện, luôn đi kèm với kỳ vọng, với áp lực. Điều đó khiến tổn thương cứ tích tụ, cứ ngấm dần vào Lâm. Chị Liên cũng cần tôn trọng và cùng con bàn bạc các kế hoạch, chứ không áp đặt. Và vô cùng quan trọng, chị đừng có lo lắng chuyện vẽ vời khiến Lâm bị ảnh hưởng tới học hành, ngược lại, chị phải tìm cách duy trì, nuôi dưỡng được sở thích này. "Khi còn có một hứng thú nào đấy thì người ta còn nhúc nhắc," tôi nói, "không có thì tất cả sẽ đi xuống hết."
Những người bị trầm cảm hay mặc cảm về giá trị bên trong và hình ảnh bên ngoài của mình, tự đánh giá mình là kẻ bỏ đi, xấu xí, vô dụng. Lâm cũng vậy. Tôi dùng liệu pháp hành vi cảm xúc hợp lý (rational emotive behavior therapy) của Albert Ellis để chỉnh lại cái suy nghĩ tiêu cực đó. "Có thể một số người cho rằng bên ngoài của con như thế là thô ráp, không nữ tính," tôi nói với Lâm, "nhưng cô và nhiều người khác thì lại thấy con rất là tự nhiên, bình thường, chả xấu gì cả."
Rất may là chị Liên rất thông minh, hiểu nhanh vấn đề, và không có thái độ phòng vệ gì lớn, nên chị có thể thay đổi khá nhanh chóng. Đây là một điều kỳ diệu, vì "giang sơn dễ đổi, bản tính khó dời," nhất là ở lứa tuổi của chị. Vì rất yêu con và tin tưởng vào phương pháp của tôi nên chị rất nỗ lực. Được vài tuần thì Lâm ngạc nhiên, con thấy mẹ bắt đầu ít kiểm soát điện thoại của mình hơn, thả lỏng hơn, thay vì trước kia cứ đau đáu, cứ kèn kẹt.
Sau vài tháng, Lâm cũng bắt đầu có những thay đổi, con để tâm tới ăn uống hơn, chịu khó chăm sóc vệ sinh cá nhân hơn. Con bắt đầu dễ ngủ hơn, và ghi lại các giấc mơ của mình theo hướng dẫn của tôi. Cảm giác chán nản, kiệt quệ năng lượng giảm đi, con cảm thấy có động lực, có mục tiêu hơn. Hai mẹ con kết nối với nhau nhiều hơn về cảm xúc, gần gũi nhau hơn về mặt cơ thể, lắng nghe tâm sự của nhau, quá khứ của nhau, gọi tên những cảm xúc của nhau, dẫn tới chấp nhận nhau dựa trên sự thấu cảm chứ không phải áp đặt. Sự thay đổi này, theo Lâm, có công phần lớn của mẹ, rồi sau đó mới là công của chính con.
Nhưng con vẫn bị vật lộn nội tâm, rất là thương. Trong con có sự giằng xé, sống thật với mình, theo đam mê đồ hoạ, hay sống theo bố mẹ. Cuối cùng thì con vẫn ghi nguyện vọng thi đại học là Tài chính, vì bố Lâm ở trong ngành. Tôi nhận thấy các gia đình càng giầu thì lại càng lo sợ là con họ không sống sót được, nên muốn con chọn con đường "an toàn." Đây này, Lâm ghi trong sổ là ngoài mục tiêu đỗ đại học thì vẫn có mơ ước tiết kiệm tiền để đi học đồ hoạ buổi tối rồi làm part-time trong lĩnh vực đó. Tội lắm. Các con không được sống theo đúng bản thân mình, lúc nào cũng đứng trước mâu thuẫn.
Chúng tôi đi với nhau được bẩy tháng thì ở buổi gặp cuối cùng Lâm đưa tôi xem một cái lộ trình con tự vạch ra. Năm nhất đại học thế này, năm hai thế này, kiếm việc thực tập thế này, năm hai mươi lăm tuổi sẽ thế này. Tôi vui mừng, Lâm đã vững vàng hơn nhiều, đã đủ vững vàng và lạc quan để nhìn vào tương lai. Mà lúc nào chữ "đồ hoạ" cũng lấp ló xuất hiện trên trang giấy đó, thương vậy chứ. Tôi đọc được ở đâu đó rằng sau khi những người chết lâm sàng sống lại thì họ đều khao khát được thực sự sống cuộc đời của chính mình.
Trước khi ra về, Lâm nói mong được tôi hỗ trợ để con quay ra giúp ngược lại mẹ. Khi kể lại cho chị Liên điều này, lần đầu tiên tôi thấy nước mắt chị chảy. Trong nhiều tháng trời, chị ấy cứng như đá, không khóc nổi. Đó là sự tự vệ của chị trước những đau đớn mà chị đã phải trải qua. Khoảng khắc nghe câu nói ấy của Lâm, chị mới tan chảy.
Cuối năm đó, mẹ đưa tôi tới bác sĩ tâm lý. Cô nói rất may là chúng tôi đã đến kịp thời, tôi bị trầm cảm, càng để lâu thì càng khó phục hồi. Là người giám hộ của thân chủ, mẹ tôi cũng phải làm việc với bác sĩ, nên thực sự cô ấy đã cứu cả hai mẹ con tôi. Đến giờ thì mẹ đã mềm mại, nhẹ nhàng hơn rất nhiều. Vẫn còn có lúc mẹ mắng, nhưng mẹ không miệt thị, xúc phạm nữa. Cô bác sĩ nói là cỡ tuổi như mẹ mà thay đổi được như thế là rất may mắn. Còn tôi cũng nhún một phần, thậm chí tôi còn quay lại giúp mẹ. Khi thấy mẹ đang ngập dần trong stress, tâm thần chuẩn bị rất bất an thì tôi chủ động rủ mẹ nấu cơm, hay đi tút tát lại bản thân một tí, rồi tôi kể mấy chuyện linh tinh ở trường để mẹ cảm thấy dễ chịu hơn.
Một buổi tối, mẹ hồi tưởng về tuổi thơ bất hạnh của mình, chuyện mẹ như là đứa trẻ bị bỏ quên trong nhà, lặng lẽ đi học, lặng lẽ về nhà ăn cơm một mình. Lủi thủi như một con chó vắng chủ, mẹ cứ tự mày mò lớn lên. Lúc kể, mẹ bị chấn động, người run hết cả lên. Tôi ôm mẹ, hướng dẫn mẹ thở sâu. Tôi ngồi đếm từ một tới mười cho mẹ thở. Dần dần mẹ dịu lại, rồi mẹ bật khóc. Chưa bao giờ tôi thấy mẹ khóc, ai cũng bảo mẹ là người mạnh mẽ, cứng rắn như sắt.
Từ đó tôi nhìn mẹ với con mắt khác. Tôi hiểu là ai cũng có nỗi khổ riêng của mình. Mẹ không phải chỉ là con người đem lại cho tôi sự đau khổ nữa, mẹ đã từng là một đứa trẻ khao khát tình yêu thương nhưng sau này phải tạo ra cho mình một cái áo giáp bên ngoài. Mẹ nói tôi bướng bỉnh giống mẹ ngày xưa, nên mẹ rất lo, mẹ sợ tôi cũng bất hạnh như mẹ. Vì quá lo lắng nên mẹ trở nên nghiêm khắc tới cực đoan.
Tôi đã an ủi được mẹ, khiến mẹ thấy nhẹ nhõm, được yêu thương. Tôi thấy mình mạnh mẽ lên và trưởng thành rất nhiều. Bây giờ, mẹ có đánh tôi thì tôi cũng không giận mẹ nữa, tôi thương mẹ, vì tôi hiểu quá khứ của mẹ.
Gần đây vẫn có những giai đoạn tôi rơi vào trạng thái tệ, phải cần tới sự hỗ trợ của thuốc. Có hôm tỉnh dậy, mình thấy buồn và kiệt sức mà không có lý do gì. Tuần trước tôi phải huỷ cuộc hẹn của chúng ta cũng là vì vậy. Ngay cả cuộc nói chuyện này cũng khiến tôi thấy bị cạn năng lượng, giống cái xe máy hết xăng. Tí nữa về nhà, tôi sẽ phải nằm nghỉ cả tối.
Trừ với một số ít người ra, thì tôi gặp khó khăn trong việc nói chuyện. Chỉ cần thấy bầu không khí xung quanh hơi lệch tần số là tôi không bắt chuyện được. Cô bác sĩ cùng tôi lên kế hoạch dần dần chuyển từ nhắn tin sang gọi bằng viber, để tôi bớt sợ giao tiếp đi. Hiện tôi đang thích một em ít tuổi hơn. Chúng tôi đi chơi, nhưng tôi hồi hộp quá nên không thể nói được. Hai đứa ngồi cách nhau một cái bàn nhưng lại nhắn tin cho nhau, tôi cảm thấy như thế thoải mái hơn. Em ấy chăm sóc, quan tâm tới tôi rất nhiều. Với tôi cái đó quan trọng hơn là quan hệ tình dục. Nói thật là để vẽ anime thì tôi phải xem phim 18+ rất nhiều để biết về cơ thể người. Nhưng không phải cứ yêu nhau là nhất thiết phải có quan hệ tình dục, quan trọng là hai người giúp cho cuộc sống của nhau tốt lên.
Giờ đây nhìn chung tôi hài lòng với cuộc sống của mình. Niềm vui của tôi là đọc sách, chủ yếu là các tác giả Nhật. Tôi đọc gần hết các cuốn của Otsuichi, Sở thú này, Đồng thoại đen này, rồi Thú tội của Minato Kanae này. Tôi vẽ anime trên một cái bảng vẽ điện tử mà tôi đã tự dành dụm để mua. Mẹ hay hỏi han về bạn bè của tôi, về trạng thái cảm xúc của tôi. Mẹ không khủng bố tinh thần tôi như trước kia mỗi khi tôi bị điểm kém, mà khích lệ, động viên và nói sẵn sàng viết đơn bảo lưu cho tôi nếu tôi thấy mệt quá, tôi không cần phải cố quá.
Bố cũng rất cố gắng giúp tôi. Những thời điểm tinh thần tôi đi xuống thì bố sẽ về nhà ăn trưa cùng để tôi không bỏ bữa. Tôi cũng cố gắng làm những việc nhỏ để trầm cảm không kéo mình xuống đáy. Cho mèo ăn, nấu cơm, đi xe đạp. Người bị trầm cảm thường khá hỗn độn trong việc sắp xếp công việc. Nhưng việc nhỏ như thế cho mình chỗ tựa, một mục tiêu để mình bấu víu vào.
Hôm sinh nhật mười chín tuổi của tôi, mẹ gợi ý tôi tự lên kế hoạch cho cả nhà. Sắp Giáng sinh rồi, nên tôi chọn phim The Grinch, phim gia đình. Chúng tôi xem buổi năm giờ chiều, rạp vắng teo, rồi chúng tôi đi ăn thịt nướng ở gần đó, xong thì đi chúng tôi thơ thẩn đi dạo.
Tôi thấy hạnh phúc.
Trường hợp của Lâm rất thuận lợi, may mắn, nhiều em khác thì cứ leo dốc được một đoạn lại tụt xuống, và người trợ giúp các bạn ấy cũng không đủ mạnh như chị Liên để giúp các bạn ấy leo lên. Hoặc họ lại bị tác động bởi người thân trong gia đình. Rồi bố mẹ không tin vào bác sĩ tâm lý, hoặc nghi ngờ con mình đang lừa cả bác sĩ để biện hộ cho sự lười biếng, để được "bác sĩ thương." Nhiều cha mẹ khi ngồi trong phòng khám thì mình tưởng là họ thông rồi, nhưng về tới nhà thì những thói quen, suy nghĩ cũ của họ lại trỗi dậy. Họ lại bắt con thực hiện những mơ ước mà trước kia họ không thực hiện được. Họ lại nghĩ mức điểm số đó là chưa hết năng lực của con. Họ lại cắt các giấc mơ hình tròn hình vuông của mình, rồi nhét đứa trẻ vào đấy, nó chỉ cựa quậy được trong đó thôi. Họ rất tội, họ cũng cần phải được trị liệu tâm lý. Nhiều gia đình giàu có, chức tước, bị như vậy lắm. Rồi họ không nhận biết được các dấu hiệu trầm cảm của con, hoặc khước từ coi chúng là dấu hiệu của bệnh lý.
Nửa năm sau buổi trị liệu cuối cùng, Lâm quay lại thăm tôi, "Con thấy thoải mái để gặp lại cô, thoải mái và tự hào. Con muốn tới để kể với cô về những gì con đạt được. Con cảm ơn cô vì những gì cô đã giúp con và mẹ." Trước kia, mẹ Lâm chấp nhận con ở mức ba, bốn, bây giờ đã là bảy, tám trên mười. Lâm cảm thấy mình được tôn trọng, giữa em và mẹ bây giờ là sự gần gũi, yêu quý, chứ không phải sợ hãi hay kiểm soát nữa.
Tôi cũng nói với hai mẹ con là trầm cảm sẽ không chấm dứt hẳn, nó có thể quay lại ở những thời điểm có nhiều áp lực, cuộc sống không thuận lợi, hoặc cơ thể không được khỏe mạnh. Ở Lâm, mỗi đợt thi học kỳ là một giai đoạn con dễ bị kích hoạt trầm cảm. Tôi nhắc chị Liên theo dõi, nếu thấy xuất hiện những dấu hiệu như khí sắc đi xuống, trễ nải cơ thể, khó ăn khó ngủ, thì cần hỗ trợ luôn, nếu thấy không cải thiện nhiều thì quay lại gặp bác sĩ.
Sau Lâm một năm thì chị Liên mang Hồng, cháu của mình tới. Hồng chịu áp lực học hành ghê gớm từ ông bà nội, và cũng bị chấn thương tinh thần rất nặng. Một ca thương lắm. Hồng cũng chọn chị Liên làm người đồng hành trong quá trình chữa bệnh. Lâm thương mẹ, một tay hai đứa trẻ, nhưng ngoài chị Liên ra thì Hồng chẳng có ai nữa cả. Cả gia đình đó chỉ có mình chị Liên đi theo một hướng.
Trong thực hành nghề của mình, tôi gặp nhiều trường hợp như Lâm, như Hồng lắm, đến mức nhiều khi tôi sốt ruột. Nhưng sức người có hạn, mình không biết làm thế nào. Với phần lớn các ca tôi đều áp dụng phương pháp trị liệu gia đình (family therapy), như tôi đã làm với Lâm và chị Liên. Thậm chí khi thân chủ của tôi đã rất lớn rồi và đến với tôi vì các vấn đề liên quan tới hôn nhân, con cái hay công việc, thì tôi vẫn phải gặp bố mẹ của họ, tức là thế hệ ông bà, bởi nguồn cơn ẩn ức của họ bắt nguồn từ thời thơ ấu. Chắc là khi về hưu thì tôi sẽ viết hồi ký về nỗi đau của nền giáo dục Việt Nam. Bệnh thành tích, kỳ vọng khoa cử đã ăn quá sâu vào gốc rễ rồi, khiến thế hệ bị tàn phá này lại quay ra tàn phá thế hệ tiếp theo.
Lần đầu tôi ngồi trong phòng làm việc của bác sĩ Song Lê là khi Lâm tròn mười bảy tuổi. Bác sĩ Lê hỏi tôi muốn gì. Tôi không nói là tôi muốn con học giỏi, con không cãi lại. Linh cảm của người mẹ cho tôi thấy là giờ đây những cái đó không còn quan trọng gì nữa. Tôi trả lời là tôi muốn hiểu con tôi, tôi muốn biết vì sao từ một đứa trẻ sôi nổi, say mê, lanh lợi hồi nhỏ nó đã trở thành một đứa lờ đờ, chán nản, cau có. Bác sĩ Lê nói là thái độ uể oải, xa lánh, không hợp tác của nó không phải đến từ việc nó "mất dạy, lếu láo, lười," mà tới từ việc nó bị trầm cảm. Lâm có cảm giác bị so sánh với anh trai và với các em họ, bị đối xử không công bằng. Ở lớp thì bị cô giáo không ưa, ở nhà thì bị cấm vẽ, cuộc sống của nó không còn niềm vui, không còn lối thoát. May mà chúng tôi tới kịp thời, bác sĩ nói, nếu muộn nữa, tính mạng cháu có thể bị ảnh hưởng.
Những tháng sau đó, mỗi ngày tôi đều dành nhiều thời gian điểm lại tất cả hành xử của mình, những tương tác của mình với con, cái gì làm cho nó buồn, cái gì khiến nó bị tổn thương. Tôi học để trở thành con người khác.
Tôi dừng hết mọi áp lực học hành với Lâm, thậm chí còn giảm thiểu giao tiếp của nó với những người họ hàng hay hỏi về điểm số. Với những người gần tôi hơn, tôi yêu cầu hẳn là không hỏi về thành tích học hành. Tôi cứng rắn và quyết liệt, mọi người trong nhà đều ngại, có ý kiến gì thì chỉ thì thào với chồng tôi. Tôi phải làm vậy để bảo vệ cái Lâm. Năm đó nó vẫn thi đại học và đỗ Tài chính, làm cả nhà ngạc nhiên. Tôi nhận thấy là với khả năng của con, cộng với trạng thái tâm lý bình thường, thêm sự giúp đỡ về phương pháp, thì sẽ ra kết quả.
Làm thế nào để khơi lại hứng thú vẽ của Lâm, sau khi nó đã bị vùi dập? Tôi gọi điện cho đứa bạn thân của nó, "Lâu lắm bác không thấy mày đến chơi." Cuối tuần đó, tôi nhờ chúng thiết kế cái logo cho trường cấp Một của tôi, một cái gì "phù hợp với học sinh tiểu học," rồi kiếm cớ rút lui, để hai đứa bò ra sàn bàn bạc với nhau, vẻ mặt tập trung và sáng lên niềm vui. Khi khép cửa lại, tôi ghi trong lòng là mình sẽ phải xin lỗi con vì đã từng giấu mầu, xé tranh của nó. Tôi đã sai, sai quá. Mấy tháng sau, Lâm khoe với tôi cái bảng vẽ điện tử mà dân vẽ anime Nhật thứ thiệt nào cũng phải có, nó mua bằng tiền túi để dành.
Tôi trở thành người bênh vực trẻ em. Khi một đồng nghiệp kể lể là cô ấy khổ sở vì con gái cô ấy "cứ như con trai," tôi bảo, "Em không nên rêu rao về con như vậy, em đang không tôn trọng con đấy. Chị rất thích cái Rin (Rin là tên con bé con), nó có bản lĩnh, có dám khẳng định bản thân, nó đang vượt qua các khó khăn, chị rất ngưỡng mộ nó, chỉ có em tự làm mình và làm nó khổ mà thôi."
Mình tôi có ý thức thay đổi thì không đủ, tôi phải thay đổi cả bố của Lâm nữa. Bình thường, anh ấy sẽ mang đồ ăn tới tận bàn cho nó trong lúc nó đang tập trung làm cái gì đó, sẽ đập vào vai nó, "Con ăn đi, con ăn đi, khổ thân con." "Con không thích ăn, bố buồn cười nhỉ," nó sẽ gắt, "bố đi ra đi." Và bố nó sẽ cáu lại, "Cái con này hay nhỉ, bố chăm mà con hỗn thế à, con này láo…" Ngày nào cũng như vậy.
Tôi nghĩ bố mẹ nên định nghĩa lại chữ láo. Trước khi phán xét, mình hãy lắng nghe giọng của nó, nhìn vào mắt nó, để thấy cảm xúc của nó, hiểu được tâm lý của nó. Nó cảm thấy được tôn trọng, hay bị kiểm soát, hay bị quấy rầy, hay đang oan ức? "Con lớn rồi, nó không thích được quan tâm như một đứa trẻ nữa," Tôi phân tích cho chồng, "Nếu anh muốn nó ăn sữa chua, anh có thể nói, "Con lấy hộ ba một hộp sữa chua trong tủ lạnh, trong đó có cả của con đấy, nếu con thích…" Tôi rất giỏi tạo ra các tình huống để mẹ con giúp nhau như vậy. "Mẹ muốn gội đầu mà đau lưng quá," tôi sẽ ca cẩm, và Lâm sẽ xung phong giúp tôi, hai mẹ con lại có cơ hội rủ rỉ với nhau.
Nghe như mâu thuẫn nhưng một mặt tôi và các con gần nhau hơn, mặt khác, tôi cho chúng nhiều không gian hơn. Tôi rút lui ra ngoài, không kiểm soát, không soi mói, tra hỏi như một cai ngục nữa. Trước kia, chúng rất sợ tôi, chúng bị ức chế khi ở bên tôi mà tôi không biết vì sao, lại cứ nghĩ hay là vía của tôi "át vía chúng nó". Rồi tôi bắt đầu xây dựng một cuộc sống riêng cho mình, cùng chồng đi du lịch, các con không phải là trung tâm vũ trụ của tôi nữa. Khi tôi thể hiện sự tin tưởng vào tính tự lập, khả năng ra quyết định và tinh thần trách nhiệm của chúng thì chúng lại chia sẻ với tôi nhiều hơn.
Tôi sẽ là người dối trá khi nói rằng chặng đường thay đổi thói quen, thay đổi bản thân trong hai năm qua của gia đình tôi là một cuộc dạo chơi thanh thản. Có những lúc sự giận dữ bùng nổ, có những khi phản xạ cũ trỗi dậy. Giờ đây, khi thấy tức giận trào dâng trong lòng, tôi cố gắng chỉ nói với con một câu như, "Con hay nhỉ! Mẹ không hiểu nổi con đấy!" rồi nhanh chóng bước chân ra chỗ khác, trước khi mình kịp làm tổn thương con.
Bước vào năm thứ hai đại học, Lâm lại cảm thấy bị quá tải. Tôi đồng ý để con bảo lưu, trong sự không bằng lòng của họ hàng. Khi tôi cùng Lâm quyết định để nó vào Sài Gòn với anh một thời gian, thay đổi môi trường, có những trải nghiệm mới, học cách sống tự lập, thì cả nhà rầm rầm phản đối. Mẹ tôi khóc, cho là tôi ác. "Nhà cao cửa rộng như thế mà đẩy con vào chỗ khổ. Chúng nó thích như vậy, nhưng sao mình lại đồng ý? Chúng nó thích nhưng rồi chúng nó sẽ khổ. Lại còn để chúng đi làm thêm trong khi gia đình có thể chu cấp tài chính đầy đủ nữa chứ". Tôi nói, các cô các chú đừng có cản, đã tới lúc tụi trẻ chịu trách nhiệm cho các quyết định cá nhân của mình. Nhưng thú thật, nhiều lúc tôi cảm thấy cô đơn trong nhà mình.
Vậy là từ mấy tháng nay, Lâm sống cùng anh và theo học một khoá đồ họa trong Nam. Ở nhà với bố mẹ thì người giúp việc làm hết, trong đó thì hai anh em phải tự đi chợ, nấu ăn, giặt giũ, cuối tuần ngồi hạch toán chi tiêu. Mọi người cứ tưởng là chúng tôi sẽ sốt sắng, hai tuần lại bay vào một lần. Với chúng tôi thì tiền không thành vấn đề rồi, nhưng tôi bảo, không, tôi không muốn chúng có cảm giác đang bị kiểm soát.
Hôm qua, Lâm lo không biết là năm học tới đã đủ khoẻ mạnh để quay lại trường chưa. Tuần vừa rồi nó không đi làm được buổi nào. Mức trầm cảm của nó vẫn lên xuống theo hình sin, số buổi đi làm là một thước đo. Con mèo ở nhà là một thước đo khác. "Bố mẹ chăm nó mệt lắm rồi, nó cứ cào ghế của mẹ," tôi sẽ đùa. Lúc vui thì Lâm sẽ phản ứng khác, lúc mệt thì nó sẽ cáu.
"Con không bắt buộc phải quay lại đại học bằng mọi giá, con có thể học nghề." Tôi trả lời, rồi nói thêm những điều mình đã nghĩ từ lâu, "Mẹ không quan tâm tới việc con có thành danh ông nọ bà kia hay không, điều mà mẹ mong muốn là con có một cuộc sống hạnh phúc, thế thôi. Con là con của mẹ. Cả xã hội có thể quay lưng lại với con nhưng chắc chắn con luôn sẽ có mẹ bên cạnh."
Đầu dây bên kia im lặng. Rồi nghe thấy tôi ho, nó hỏi dồn dập, "Mẹ ốm à, mẹ uống thuốc đi chứ, mẹ lại ăn giá phải không, hay mẹ lại uống nước lạnh?" Hai năm trước, nó không như vậy với tôi. Nó đã thay đổi bởi tôi đã thay đổi. Khi Lâm chia sẻ với bác sĩ Lê, một năm sau cái buổi gặp đầu tiên ấy, là nó thấy vui vì mẹ hiểu nó hơn, lắng nghe hơn, gần gũi hơn, tôi thấy được đền đáp.
Nhưng tôi vẫn buồn là không thể giúp Hồng được nhiều hơn. Vừa rồi tôi đem xoài xanh lên chỗ nó học quân sự để tổ chức sinh nhật, nó nhảy cẫng lên vui sướng, "Mẹ Liên tâm lý quá." Hồng tới cô Song Lê chừng nửa năm sau Lâm, và bây giờ vẫn tiếp tục phải uống thuốc, vẫn mất ngủ. Cơ chế tự bảo vệ làm nó quên sạch những kỷ niệm thơ ấu, khiến nó cứ buồn và lo lắng. Mỗi lần bị áp lực nặng là nó lại bị ngạt thở, bà thì cứ cho là nó bị bệnh tim. Những đứa trẻ như nó cần có một môi trường sống với những người xung quanh hiểu biết hơn.
Hai năm trước, tôi đã kịp thời bẻ lái trước khi cuộc sống của gia đình tôi rơi xuống địa ngục, nhưng con đường trước mắt vẫn không đơn giản. Sự tiến bộ và phục hồi của con như những hạt cát, tôi là người đi nhặt chúng. Tối đến, tôi nằm điểm lại, thấy mình có hai, ba, bốn hạt thì cứ như là có hai, ba, bốn hạt vàng. Tôi có cơ duyên nên mới gặp đứa con này, nó đến như một sự thử thách, kiếp trước tôi mắc nợ nó cái gì đó, và kiếp này tôi trả nợ. Tới giờ, tôi thấy mình may mắn, con khiến tôi phải học hỏi và trưởng thành trên đường đời.
Trí thức trẻ