Thu nghìn tỷ từ hàng chục thương hiệu cao cấp nhưng lợi nhuận của ông Hạnh Nguyễn lại thua xa thời trang bình dân Owen, Winny
Lợi nhuận cũng như tỷ suất lợi nhuận 2 công ty kinh doanh thời trang cao cấp của ông Hạnh Nguyễn không chỉ thua kém xa so với những đối thủ cùng phân khúc như Tam Sơn hay Mai Son mà cũng thấp hơn nhiều doanh nghiệp chuyên về may gia công xuất khẩu.
- 05-10-2017Tương tự Tân Hiệp Phát, ông Johnathan Hạnh Nguyễn đã chuyển 99% cơ nghiệp kinh doanh hàng hiệu trị giá nghìn tỷ sang cho vợ và các con
- 27-04-2017Thương vụ SASCO của ông Hạnh Nguyễn: Thu về nghìn tỷ từ hàng miễn thuế nhưng phòng chờ thương gia mới là “con gà đẻ trứng vàng”
Nhiều năm nay, Tập đoàn Imex Pan Pacific Group (IPP Group) của ông Johnathan Hạnh Nguyễn được biết đến là một trong những hệ thống bán lẻ các thương hiệu thời trang, mỹ phẩm cao cấp hàng đầu Việt Nam. Mảng kinh doanh này của IPP chủ yếu được thực hiện thông qua 2 công ty thành viên là Công ty Thời trang và Mỹ phẩm Duy Anh - DAFC và Công ty Thời trang và Mỹ phẩm Châu Âu - ACFC.
Trong đó, DAFC chuyên về các thương hiệu cao cấp như Armani Exchange, Burberry, Bvlgari, Cartier, Ermenegildo Zegna, Versace, Rolex... Còn ACFC phân phối các thương hiệu ở phân khúc trung-cao cấp như Tommy Hilfiger, GAP, Levi's, Diesel, Mango, Calvin Klein, Nike.
Tuy nhiên, điều bất ngờ là kết quả kinh doanh của ACFC và DAFC lại khá khiêm tốn, đặc biệt là về lợi nhuận cũng như tỷ suất lợi nhuận trên doanh thu.
Theo số liệu chúng tôi có được, trong năm 2015 và 2016, lợi nhuận trước thuế của DAFC đạt lần lượt là 41,6 tỷ và 25,3 tỷ đồng; kết quả tương ứng của ACFC là 5,4 tỷ và 14,9 tỷ đồng.
Như vậy trong 2 năm vừa qua, tổng lợi nhuận của 2 công ty này chỉ dao động trên dưới 40 tỷ đồng/năm - con số rất khiêm tốn so với tổng doanh thu 1.400-1.600 tỷ đồng/năm.
Tỷ suất lợi nhuận chỉ từ 2-3% trên doanh thu của ACFC và DAFC không chỉ thua kém xa so với những doanh nghiệp phân phối thời trang cao cấp khác như Tam Sơn hay Mai Son mà cũng còn thua xa nhiều doanh nghiệp chuyên về may gia công xuất khẩu.
Trong khi đó, CTCP Thời trang Kowil Việt Nam - công ty chuyên kinh doanh và phân phối sản phẩm thời trang nam với thương hiệu Owen và thời trang nữ Winny - lại có mức lợi nhuận lên đến 50-60 tỷ đồng/năm dù doanh thu hàng năm hiện chỉ mới ở mức 500 tỷ đồng.
Kowil Việt Nam là một đơn vị thành viên trực thuộc Phú Thái Holdings của ông Phạm Đình Đoàn.
Theo tìm hiểu của chúng tôi, mức lợi nhuận của Kowil Việt Nam cũng vượt trội so với một số doanh nghiệp lớn khác trong lĩnh vực thời trang như Sơn Kim Fashion, Blue Exchange, Canifa...
Trí Thức Trẻ