MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Phân tâm vì lời người khác nói, bạn sẽ mãi là "rắn mất đầu": Kẻ khôn ngoan biết dùng trí thông minh để kiểm soát cảm xúc bản thân

19-03-2019 - 15:10 PM | Sống

Khi bạn gắn cảm xúc của bản thân với ý kiến của người khác, bạn đang trao cho họ quyền kiểm soát cuộc sống của mình. Cơ bản là bạn đang để họ làm người giật dây, bạn như con rối cảm thấy buồn, vui theo cách người ta điều khiển.

Bạn cẩn thận chọn ra một bộ đồ thật ưng ý mặc đến phòng tập để xuất hiện cuốn hút nhất trong mắt những người đi tập khác.

Bạn không ngừng trách móc mình vì những điều đã nói (hoặc không nói) trong cuộc họp, lo lắng đồng nghiệp sẽ đánh giá bạn kém cỏi.

“Chú tâm đến sự công nhận của người khác rồi người sẽ trở thành tù nhân của chính họ.” – Lão Tử

Bạn chỉ đăng mạng xã hội một tấm hình đẹp nhất trong mấy chục tấm hình đã chụp, thêm một bộ lọc thật mịn màng để được nhiều lượt yêu thích chỉ để chứng tỏ rằng bạn rất thu hút và được nhiều người ủng hộ.

Bạn sống vì những suy nghĩ trong đầu người khác.

Việc này khiến bạn phê phán bản thân nhiều hơn, cảm thấy không thoải mái trong chính cơ thể của mình và cảm thấy có lỗi vì đã là chính mình. Nói một cách khác, lối tư duy này buộc bạn sống và tuân theo những chuẩn mực của người khác.

Bạn không còn là chính mình. Lo âu. Xét nét. Không đủ tốt. Không đủ thiện cảm. Không đủ thông minh. Không đủ cuốn hút về ngoại hình.

Sự thật là người khác nghĩ thế nào không phải việc của chúng ta. Suy nghĩ của họ không can dự đến chúng ta nhưng liên quan đến mọi khía cạnh trong cuộc sống của họ: quá khứ, sự phê phán, những kỳ vọng và sở thích, sở ghét của người đó.

Tôi có thể đứng trước 20 người lạ và trình bày về bất cứ chủ đề nào. Một số người trong đó sẽ ghét bộ đồ tôi đang mặc, một số khác sẽ thấy thích. Một số sẽ nghĩ tôi là một kẻ ngốc và người khác sẽ thích những điều tôi nói. Một số người quên tôi ngay khi họ ra về và một số vẫn sẽ nhớ tôi nhiều năm về sau.

Mỗi người trong số những người ngồi dưới đều đang tiếp xúc với một con người duy nhất là tôi. Tôi sẽ làm hết khả năng mình vào giây phút đó. Thế nhưng suy nghĩ của họ về tôi lại có sự khác biệt. Chuyện đó thì không liên quan gì đến tôi nhưng với bản thân họ thì có.

Bất kể tôi làm việc gì thì cũng có những người không bao giờ thích tôi. Và dù tôi có làm gì thì cũng có người luôn yêu mến tôi. Cả hai trường hợp đều không nằm trong phạm vi tôi cần giải quyết. Tóm lại tôi không cần bận tâm.

Bạn có thể nghĩ rằng: “Ừ thế rồi sao nữa? Làm sao để tôi thôi bận tâm đến những điều người khác nghĩ về mình?”.

1. Biết giá trị của mình

Phân tâm vì lời người khác nói, bạn sẽ mãi là rắn mất đầu: Kẻ khôn ngoan biết dùng trí thông minh để kiểm soát cảm xúc bản thân - Ảnh 2.

Biết giá trị cốt lõi của bạn ở đâu giống như việc bạn vào rừng khuya và có trong tay một cây đèn pin sáng. Một ngọn đèn tù mù vẫn có thể đưa bạn đến nơi cần đến nhưng bạn sẽ bối rối nhiều hơn và dễ lạc đường hơn.

Nhiều năm trời tôi không có ý niệm gì về những điều tôi thực sự coi trọng. Kết quả là tôi cảm thấy lạc lối giữa cuộc đời. Tôi chưa bao giờ thấy tự tin vào bất kỳ quyết định nào của bản thân, tôi hoài nghi mọi điều mình nói và làm.

Công cuộc tìm kiếm giá trị cốt lõi của bản thân có một tầm ảnh hưởng lớn đến cuộc đời tôi. Tôi nhận ra “lòng trắc ẩn” là giá trị cốt lõi nhất của mình. Bây giờ, những khi tôi băn khoăn về quyết định nghề nghiệp mình đã chọn vì lo lắng sẽ làm cha mẹ (nguồn động lực lớn của tôi) thất vọng, tôi tự nhắc nhở rằng “lòng trắc ẩn” cũng có nghĩa là “trắc ẩn với chính mình”. Thế là tôi bớt khắt khe với bản thân hơn một chút.

Nếu bạn trân trọng lòng dũng cảm và sự kiên trì thì dù bạn có xuất hiện ở phòng tập với một bộ đồ “mờ nhạt”, bạn cũng không phải trăn trở về việc người khác sẽ nghĩ gì.

Nếu bạn trân trọng sự an yên trong tâm hồn và bạn cần nói “không” với ai đó đang hỏi xin thời gian của bạn, và lịch trình của bạn đã kín, bạn có thể tự nhiên từ chối mà không cần sợ hãi người kia sẽ đánh giá bạn ích kỷ.

Nếu bạn trân trọng sự thật và bạn chia sẻ ý kiến của mình trước đám đông, bạn có thể hoàn toàn tự tin nêu quan điểm vì bạn đang sống cho giá trị cốt lõi của mình và là chính mình.

Biết giá trị cốt lõi của bản thân cũng như giá trị mà bạn trân trọng nhất, ngọn đèn soi đường chỉ lối cho bạn sẽ càng sáng rõ.

2. Làm việc của mình

Phân tâm vì lời người khác nói, bạn sẽ mãi là rắn mất đầu: Kẻ khôn ngoan biết dùng trí thông minh để kiểm soát cảm xúc bản thân - Ảnh 3.

Cách khác để thôi bận tâm đến những gì người khác nghĩ là phân biệt được ba kiểu việc trên thế giới này. Đây là bài học tôi học được từ diễn giả người Mỹ Byron Katie mà tôi vô cùng tâm đắc.

Việc đầu tiên là việc của Chúa. Nếu từ “Chúa” không quen thuộc với lối sống của bạn lắm thì tôi có từ khác dành cho bạn, ví dụ “Trời”.

Nắng mưa là việc của Trời. Ai sinh ra ai mất đi là việc của Trời. Cơ thể, bộ gen của bạn cũng là việc của Trời. Bạn không có cách nào can thiệp vào công việc của tạo hoá.

Kiểu việc thứ hai là việc của người khác. Họ làm gì là việc của họ. Bà hàng xóm nghĩ gì về bạn là việc của người ấy. Mấy giờ đồng nghiệp của bạn mới đi làm là việc của cô ấy. Nếu tài xế chiếc xe trước mặt bạn không đi khi đèn chuyển xanh, đó cũng là chuyện của anh ta.

Loại thứ ba là việc của bạn.

Nếu bạn nổi giận với người tài xế kia vì bạn phải chờ một lượt đèn đỏ nữa thì đó là việc của bạn.

Nếu bạn khó chịu với cô đồng nghiệp luôn đi muộn, đó là việc của bạn.

Nếu bạn lo lắng không biết bà hàng xóm nghĩ gì về bạn, đó cũng là việc của bạn.

Người khác nghĩ gì là việc của họ. Những gì bạn nghĩ lại là việc của bạn.

Khi bạn lo lắng về bộ đồ bạn mặc thì đó là việc của ai? Và cả khi bạn trăn trở mãi không thôi về phản ứng của mọi người trước lời nói đùa của bạn ở bữa tiệc nữa?

Bạn chỉ có một việc duy nhất để bận tâm là việc của chính bạn. Những điều bạn nghĩ và những việc bạn làm là thứ duy nhất bạn có thể kiểm soát trên đời.

3. Ý thức về quyền tự chủ cảm xúc

Khi bạn gắn cảm xúc của bản thân với ý kiến của người khác, bạn đang trao cho họ quyền kiểm soát cuộc sống của mình. Cơ bản là bạn đang để họ làm người giật dây, bạn như con rối cảm thấy buồn, vui theo cách người ta điều khiển.

Nếu ai đó thờ ơ với bạn và bạn thấy buồn. Bạn nghĩ “Tại cô ta mà mình cảm thấy như vậy”. Nhưng sự thật là người đó không thể làm chủ cảm xúc của bạn đâu.

Họ phớt lờ bạn nhưng bạn mới là người gắn lên hành động đó một ẩn ý. Bạn cho là mình không xứng đáng để người ta bận tâm, bạn không đủ thiện cảm, không đủ thông minh hay không đủ phong độ. Sau đó thì bạn buồn hoặc tức giận vì ẩn ý mà bạn suy diễn. Bạn phản ứng lại bằng cảm xúc trước suy nghĩ của chính mình.

Khi bạn trao cho người khác quyền định đoạt cảm xúc của bạn, bạn không làm chủ được cảm xúc của mình nữa. Sự thật thì người duy nhất có thể làm bạn tổn thương là chính bạn.

Để thay đổi cách hành động của người khác tác động đến cảm nhận của bạn, bạn chỉ cần thay đổi cách nghĩ của mình. Bước này đôi khi sẽ mất hơi nhiều công sức vì suy nghĩ thường mang tính tự phát hoặc xuất hiện một cách vô thức, bạn cần có thời gian để tìm hiểu xem suy nghĩ nào khiến tâm trạng của bạn bị ảnh hưởng.

Khi bạn đã quyết tâm, hãy thẳng thắn đối mặt và thừa nhận nó. Tâm trạng của bạn sẽ khá hơn.

4. Biết rằng bạn đang cố gắng hết sức mình

Phân tâm vì lời người khác nói, bạn sẽ mãi là rắn mất đầu: Kẻ khôn ngoan biết dùng trí thông minh để kiểm soát cảm xúc bản thân - Ảnh 4.

Một trong những điều mẹ tôi luôn nói trong những tháng năm nuôi dạy tôi (và giờ mẹ vẫn nói) là “Con đã làm hết sức có thể với những gì con có.”

Tôi từng ghét cay đắng câu nói này.

Tôi đặt cho mình những chuẩn mực riêng và tôi luôn nghĩ lẽ ra mình có thể làm tốt hơn. Khi không đạt đến những kỳ vọng đó, một sự bất mãn trào dâng và tôi không ngừng cật vấn chính mình.

Đã bao nhiêu lần bạn tự trách mình vì bạn nghĩ mình đã trót nói những điều ngu ngốc? Hoặc vì bạn đi trễ? Hoặc vì bạn xuất hiện với một bộ dạng lôi thôi?

Mỗi lần bạn đều đã cố hết khả năng của mình. Bạn có thể không tin nhưng mọi điều chúng ta làm đều có mặt tích cực của nó. Đôi khi điều này không thể hiện rõ ràng lắm, nhưng nó vẫn tồn tại.

Trùng hợp là lúc tôi đang ngồi viết bài này trong một quán trà, một vị khách bước về phía quầy thu ngân và hỏi liệu anh ta có thể trộn loại trà nào với món trà đen Trung Quốc mà anh này đang dùng (đây cũng là loại trà tôi yêu thích). Vị khách đó không hỏi tôi, nhưng tôi vẫn quay ra trả lời rằng nấm chaga với hương vị mộc mạc của nó dùng chung sẽ rất hợp. Anh ta không có vẻ gì để tâm đến lời chia sẻ không hỏi mà nói của tôi và quay về phía nhân viên thu ngân cửa hàng.

Nếu là ngày xưa thì chắc chắn tôi sẽ ghi nhớ phản ứng này và cảm thấy tồi tệ suốt một buổi chiều, trăn trở vì chắc hẳn người kia nghĩ tôi là một kẻ ngốc nghếch vô duyên chen lời vào một cuộc nói chuyện chẳng ai thèm tiếp chuyện.

Nhưng trước tiên hãy xem lúc đó tôi nghĩ gì:

- Tôi đã cố giúp đỡ người khác và suy nghĩ này xuất phát từ lòng tốt và lòng trắc ẩn.

- Tôi có hứng thú với cuộc trò chuyện.

- Tôi đã nghĩ chia sẻ của mình sẽ được đón nhận.

- Tôi mong muốn kết nối với một người lạ qua một sở thích chung.

Tôi đã cố hết sức mình với những gì tôi biết. Vì tôi biết điều này, tôi không hối hận gì hết. Tôi cũng ý thức rằng anh ta nghĩ gì về tôi không quan trọng, điều quan trọng là tôi đã sống với giá trị của mình là cố gắng trở nên có ích.

Bên cạnh đó, tôi nhận ra rằng đứng từ góc nhìn khác, việc cố chen vào một cuộc nói chuyện và áp đặt ý kiến của mình lên một người không hỏi ý kiến mình có thể bị coi là bất lịch sự. Sự vô ý này đi ngược lại giá trị cốt lõi của tôi về lòng trắc ẩn.

Điều này đưa tôi đến với bài học tiếp theo.

5. Biết rằng ai cũng có thể mắc lỗi

Phân tâm vì lời người khác nói, bạn sẽ mãi là rắn mất đầu: Kẻ khôn ngoan biết dùng trí thông minh để kiểm soát cảm xúc bản thân - Ảnh 5.

Chúng ta quen sống trong một nền văn hóa không thường nói với nhau về cảm nhận của mình. Kết quả là chúng ta đều trải qua những cảm xúc giống nhau và tất cả mọi người đều có thể mắc sai lầm.

Ngay cả khi bạn sống đúng với giá trị của mình, làm việc của mình, cố gắng hết khả năng, bạn vẫn có thể mắc lỗi. Đó là điều không thể phủ nhận.

Bạn có thể cảm thông với bản thân hơn khi bạn biết ai cũng từng trải qua cảm giác đó. Việc ý nghĩa nhất bạn có thể làm với sai lầm của mình là học từ chúng. Khi bạn đã tìm ra được bài học từ trải nghiệm đó, việc nghĩ ngợi về nó quá nhiều không còn cần thiết và bạn nên tiến về phía trước.

Về sự việc ở quán trà, đáng ra tôi có thể làm tốt hơn nếu tinh ý hơn trong việc đọc ngôn ngữ cơ thể của vị khách đó và nhận ra anh ấy muốn trao đổi với một nhân viên chuyên hỗ trợ khách hàng trong việc chọn trà hơn là một người lạ.

Tôi tự rút cho mình một bài học. Không cần khắt khe với bản thân quá. Sau một thời gian thì chẳng ai trong câu chuyện còn nhớ về nó nữa.

Theo Phương Thảo

Trí thức trẻ

Trở lên trên